Bài 1: Các Phước Hạnh Thuộc Linh

Các Phước Hạnh Thuộc Linh

Êphêsô 1:1–14

Phaolô được vinh dự làm sứ đồ của Đức Chúa Giêxu Christ bởi ý muốn của Đức Chúa Trời, chẳng phải bởi ý muốn của người nào.  Bất cứ ai hầu việc Chúa ngày nay cũng phải biết rõ mình được chính Chúa kêu gọi theo ý muốn của Ngài, chứ không phải vì bất kỳ lý do nào khác khiến mình dấn thân hầu việc Chúa.  Thư nầy được viết để gửi cho các thánh đồ, tức là  các Cơ-đốc-nhân tại Êphêsô.  Những ai xưng là Cơ-đốc-nhân phải biết chắc mình đã là thánh đồ lúc đang còn sống; bằng không, người đó không thể nào được làm thánh trong cõi vinh quang.  Thánh đồ phải là những người trung tín trong Đức Chúa Giêxu Christ; nghĩa là tin vào Đức Chúa Giêxu, giữ chân lý và đường lối của Ngài cách vững vàng. Trong Đức Chúa Giêxu có nghĩa là tất cả ân sủng và sức mạnh tâm linh của tín hữu ấy đều nhận được từ Ngài, và đời sống đạo được Ngài chấp nhận. Vị sứ đồ luôn luôn chúc những người đọc thư của ông sẽ nhờ ân điển được hiểu về tình yêu cao cả và ân huệ của Đức Chúa Trời ban miễn phí, và sự bình an mà họ có cũng bởi ân điển mà được; thiếu ân điển sẽ không có bình an.

Đức Chúa Trời thật đáng được chúc tụng vì Ngài đã đổ xuống trên những người không xứng  đáng, là chúng ta, mọi thứ phước hạnh thiêng liêng (thuộc linh) từ các nơi trên trời (3).  Ai biết mình nhận được các phước hạnh ấy, là người thật được phước, và do đó dâng lời chúc tụng Cha trên trời.  Hãy để ý nhóm chữ “trong Đấng Christ” hay “trong Ngài” được lặp lại liên tiếp mười hai (12) lần trong đoạn 1 nầy. Nghĩa là mọi ơn phước, quyền lợi, uy quyền của tín hữu, đều chỉ được ban cho người nào thật sự ở trong Đấng Christ. Ở trong Đấng Christ là được hợp nhất với Ngài; nghĩa là phải dính liền với Ngài, thuộc về Ngài, nhận sự sống mới trong tâm linh từ Ngài, và có kết quả cho Ngài luôn luôn.  Các phước hạnh thuộc linh tại các nơi trên trời không phải là những phước hạnh tạm thời hay chỉ có hiệu lực trong một thời hạn nào đó, nhưng là vĩnh viễn.  Đây là MỌI thứ phước hạnh thiêng liêng, cho nên bao gồm tất cả, không loại trừ thứ phước nào.  Người nhận được là người coi những việc thuộc linh là chính, và học biết rằng phước hạnh thuộc linh là phước hạnh tốt hơn hết so với ơn phước thể chất.  Vì thế: “Hãy hướng tâm trí về những điều ở thiên thượng, đừng chú tâm vào việc trần gian” (Côlôse 3:2).

Trong vô số phước hạnh thuộc linh chúng ta được hưởng, thì phước hạnh đầu tiên là được lựa chọn và tiền định.  Bất cứ ai đã trở thành con cái thật của Chúa, không phải tự mình chọn lựa số phận ấy, bèn là do “Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, để trở nên thánh khiết không thể chê trách trước mặt Ngài” (4).  Chọn có nghĩa là lấy ra từ đám đông, làm cho nổi bật.  Thời điểm mà tín hữu được chọn là từ trước khi sáng lập thế gian, một sự tiền định đã có trước khi nền thế gian được lập. Sự lựa chọn nầy nhằm một mục đích lớn là “để [chúng ta] trở nên thánh khiết.” Chẳng phải Ngài nhìn thấy trước chúng ta là thánh khiết, nhưng Ngài quyết định làm cho dân Ngài chọn trở thành thánh khiết, vì thánh khiết là phương tiện để đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu.  Thánh khiết không phải chỉ là biểu hiện bề ngoài, nhưng là bản chất thật bên trong; cho nên “không thể chê trách trước mặt Ngài” là Đấng xem xét trong lòng.  Sự cứu rỗi, cũng như sự thánh hoá nhằm làm cho chúng ta trở nên thánh khiết, xứng đáng được làm con cái của Đức Chúa Trời, đều là kết quả của tình yêu thiên thượng (5).  Nguyên tắc của sự thánh khiết thật là lòng yêu mến Chúa và nhân ái đối với mọi người quanh mình.

Một luật và nguồn gốc lý do sự lựa chọn của Đức Chúa Trời là: “…theo ý định mà Ngài đẹp lòng” (5b), nghĩa là chẳng phải vì những gì được thấy trước trong người được chọn, nhưng là vì: “…chúng ta được chọn theo kế hoạch Đức Chúa Trời đã định trước, vì Ngài là Đấng làm mọi việc theo chương trình Ngài định lấy” (11).  Mọi việc Ngài đã định và hoàn thành đều nhằm mục tiêu vĩ đại tối hậu là “để chúng ta ca ngợi vinh quang của ân điển Ngài, ân điển Ngài ban cho chúng ta trong Con yêu đấu của Ngài” (6), và “để chúng ta là những người đầu tiên đặt hi vọng vào Đấng Christ, được ca ngợi vinh quang Ngài”(12). Phước hạnh thuộc linh kế tiếp mà vị sứ đồ nói đến là được Đức Chúa Trời chấp nhận qua Đức Chúa Giêxu Christ (6).  Được Đức Chúa Trời chấp nhận là một đặc ân rất lớn, chấp nhận nghĩa là đem chúng ta vào gia đình Ngài và ở trong sự chăm sóc của Ngài.  Ngài yêu thương dân sự Ngài vì Con yêu dấu Ngài, là Đức Chúa Giêxu.

Phước hạnh thứ ba là được tha tội và cứu chuộc bởi huyết của Đức Chúa Giêxu (7).  Không có sự cứu chuộc thì không có sự tha tội. Vì phạm tội mà chúng ta bị ma quỷ cầm buộc. Chúng ta chỉ có thể được giải thoát khỏi sự cầm buộc ấy bằng sự tha tội.  Sự tha tội ấy được thực hiện qua huyết chuộc tội của Đấng Christ “theo lượng phong phú của ân điển Ngài” (7).  Thay vì khắt khe áp dụng luật pháp đối với kẻ phạm tội, ân điển Ngài đã sẵn lòng hi sinh Con yêu dấu của Ngài.  Bằng hành động ấy, chẳng những Chúa bày tỏ sự giàu có của ân điển Ngài mà còn “đổ tràn ân điển Ngài trên chúng ta bằng tất cả sự không ngoan thông sáng” (8).  Đức Chúa Trời đã hài hoà giữa đức công chính và lòng thương xót, chương trình cứu chuộc của Ngài đã làm thoả mãn cả hai bản chất ấy của Ngài cách tuyệt diệu; chính là sự khôn ngoan thông sáng của Ngài mà không ai có thể tưởng tượng hoặc nghĩ ra được.

Đặc ân kế tiếp là sự khải thị mầu nhiệm ý chỉ của Đức Chúa Trời cho chúng ta (9), là thiện ý của Ngài đã giấu kín qua nhiều thời đại về chương trình cứu chuộc nhân loại mà “Ngài đã hoạch định trong Đấng Christ,” được mô tả là “lời chân lý, là Tin Lành cứu rỗi” (13) chỉ đường cho ta tới sự cứu rỗi ấy.  Vinh quang của Tin Mừng như ánh sáng soi loà vào nơi tối tăm, là lý do khiến chúng ta là người nhận ánh sáng ấy phải biết cảm tạ Đấng ban cho.  Một đặc ân nữa là được hợp nhất trong Đấng Christ (10), cùng với mọi vật trên trời và dưới đất, hoà hợp cả trời đất trong Ngài. –  Được Ngài chọn làm cơ nghiệp hoặc được thừa hưởng cơ nghiệp của Ngài là một phước hạnh khác nữa (11).  Thiên đàng là một cơ nghiệp của Cha ban cho con cái.  Tất cả ơn phước mà chúng ta hiện có thật là quá nhỏ khi so sánh với cơ nghiệp chúng ta sẽ nắm lấy, bởi vì chúng ta ở trong Christ, mà Đấng Christ là đại diện và cái đầu của chúng ta.

Chúng ta lại được Đức Thánh Linh ấn chứng và là món đặt cọc của chúng ta (13–14). Thánh Linh là Đấng thánh hoá chúng ta, được gọi là Đức Thánh Linh của lời hứa; nghĩa là bởi Ngài, tín hữu được ấn chứng, tức là được biệt ra và dành riêng cho Chúa, được phân biệt và ghi dấu thuộc về Ngài.  Đức Thánh Linh cũng là món đặt cọc cho cơ nghiệp của chúng ta (14).  Giống như tiền đặt cọc là một phần của món tiền mua, món đặt cọc bảo đảm cho toàn thể số tiền phải trả.  Món quà Đức Thánh Linh cũng vậy; tất cả ảnh hưởng và hoạt động của Ngài trong vai trò Đấng thánh hoá và Đấng an ủi, đều là giúp cho chúng ta nếm trước mùi vị của thiên đàng, như thể hoa vinh quang đang kết nụ.  Sự soi sáng của Đức Thánh Linh là món đặt cọc cho ánh sáng vĩnh cửu, sự thánh hoá là món đặt cọc cho sự thánh khiết toàn hảo, và sự yên ủi giúp đỡ của Ngài là món đặt cọc cho sự vui mừng đời đời.  Ngài được gọi là “bảo đảm của cơ nghiệp chúng ta cho đến ngày những người thuộc về Đức Chúa Trời được chuộc hết” (14).  Không giống như tánh tình người trần gian hay thay đổi ý kiến hoặc quyết định, món đặt cọc Đức Thánh Linh là một quyết định vô cùng khôn ngoan và không bao giờ dời đổi của Đức Chúa Trời.  Đấng biết trước tương lai không khi nào đem món đặt cọc vào những chỗ sẽ thay đổi như gió thường đổi chiều.  Món đặt cọc ấy là sự bảo đảm chắc chắn hơn mọi điều trong cả vũ trụ.

Sứ đồ Phaolô cho biết mục đích vĩ đại của chương trình Đức Chúa Trời trong việc ban các phước hạnh thuộc linh là “để chúng ta là những người đầu tiên đặt hi vọng vào Đấng Christ, được ca ngợi vinh quang Ngài” (12).  Tin Mừng của Chúa là một kế hoạch khôn ngoan tuyệt vời vượt xa mọi điều chúng ta có thể nghĩ đến.  Trong đó chứa đựng bảy phước hạnh thuộc linh vừa điểm qua; bảy điều đó là nền tảng sinh ra vô số phước hạnh thuộc linh khác mà mọi con cái Chúa đều có quyền thừa hưởng.  Hãy hiểu rõ và nắm vững những điều chúng ta đang sở hữu.

Epheso02.docx

Rev. Dr. CTB