Bài 12c: Những Bổn Phận của Tín Hữu (3)

Những Bổn Phận của Tín Hữu (3)

Rôma 12:9–21

Sau khi bàn đến bổn phận của tín hữu đối với Chúa (1–2), đối với chính mình (3–8), phần thứ ba của đoạn 12 (9–21) bàn về các bổn phận của tín hữu đối với người khác.  Tất cả bổn phận của chúng ta đối với nhau có thể gom lại trong chữ: yêu-thương!  Mọi bổn phận của chúng ta đều đặt trên nền tảng đó.  Vì vậy, nó được đề cập trước tiên:Tình yêu thương phải chân thành, không gượng gạo, cũng chẳng phải chỉ trên môi lưỡi. ‘Những người khác’ lại được chia ra thành hai đối tượng khác nhau: tình yêu thương bạn bè nợ nhau, và tình yêu thương dành cho người nghịch thù với mình. Phaolô đưa ra các lời khuyên, hoặc mệnh lệnh, rất rõ ràng về mỗi loại tình yêu thương:

Tình thương mến huynh đệ 10, không phải chỉ là thương yêu, nhưng sẵn sàng yêu thương, là thứ tình thương chân thật, tử tế, không bị ép buộc, như nguồn nước chảy ra.  Nó cũng là loại tình thương hết sức dịu dàng mà cha mẹ dành cho con cái; cho nên, đây là thứ tình yêu thương rất tự nhiên, không bị đè nén.  Tín hữu được lệnh phải yêu thương nhau như thế.  Bản chất mới của tín hữu được tái sanh và đang trên tiến trình thánh hoá sẽ có luật pháp của tình yêu thương viết trong lòng; tình thương mến ấy sẽ khiến chúng ta bày tỏ vừa bằng lời nói, vừa bằng hành động với tính nhã nhặn nhất như một nghĩa vụ rất ưa thích.  “Thương mến nhau” nghĩa là chúng ta phải thương yêu anh chị em mình trong Chúa, còn họ cũng phải yêu thương đáp lại. Tình thương yêu tôn kính nhau, Philíp 12:3 “…. với sự hạ mình khiêm tốn, coi người khác là hơn mình.” Chúng ta nên làm như thế vì mình biết rõ cái xấu trong lòng mình hơn ai hết; nên hãy lưu ý để nhìn nhận các ân tứ, ân sủng và thành tích của anh chị em mình, theo đó mà coi trọng họ để sẵn lòng khen tặng, cũng như hài lòng khi nghe họ được khen, hơn là mình được khen.

Tình thương yêu hào phóng 13, mọi lời nói yêu thương chỉ là mỉa mai khi thấy anh em mình trong Chúa đang có nhu cầu cấp bách, mà làm lơ trong khi mình có khả năng giúp đỡ.  Chia sẻ là bổn phận của chúng ta; muốn chia sẻ thì phải trò chuyện hỏi han mới biết các nhu cầu; không chỉ là trút đổ sự thông cảm, mà phải trút cả của mình có.  Sự trợ giúp tài chánh của tín đồ tại Phi-Líp được Phaolô khen ngợi “.. anh em đã làm một việc tốt đẹp: chia sẻ hoạn nạn với tôi” Philíp 4:14.  Tình thương yêu cảm thông 15, hễ nơi nào có tình thương yêu nhau giữa các thành viên của một tổ chức, thì sẽ có sự xúc động thông cảm giữa tình anh em bạn bè.  “Nếu một chi thể đau đớn, tất cả các chi thể cùng đau đớn” (1Côr.12:26), giống như Chúa chẳng phải chỉ “là Đấng vui cho tôi tớ Ngài được may mắn” (Thi 35:27b) mà “hễ khi dân Ngài khốn khổ, chính Ngài cũng khốn khổ” (Êsai 63:9a).

Tình thương yêu đoàn kết 16, cố gắng hết sức để tìm sự hoà thuận, đồng lòng trong mọi việc lớn nhỏ.  Tránh tất cả mọi sự mâu thuẫn, va chạm, hạ nhau xuống, nhưng “…đồng lòng hợp ý với nhau, cùng một tình thương, một tinh thần, một mục đích” (Philíp 2:2). – Tình yêu thương khiêm tốn 16b, tình yêu thương chân thật phải kèm theo đức khiêm tốn. –  Đức Chúa Giêxu đã rửa chân cho các môn đồ để dạy chúng ta về tình yêu anh em (Gi. 13:5, 34).  Đừng kiêu kỳ nghĩa là không nên ham muốn vinh dự và đặc quyền, nhưng có sự hài lòng thánh khiết về tình trạng mà Chúa đã ban cho.  Câu nói “hãy hoà mình với người tầm thường” có vài nghĩa.  Trước tiên nó có nghĩa là nếu mình ở phận bần hàn về nhà cửa, công việc, thu nhập, thì hãy hài lòng về tình trạng ấy.  Một nghĩa khác là phải hoà mình kết bạn với những người nghèo hơn mình, nếu họ cũng biết kính sợ Chúa như mình.  “Đừng tự cho mình là khôn ngoan” cũng đồng ý nghĩa với câu 3 về tánh tự phụ tự cao của loài người.  Tánh tự phụ làm người ta khó hoà mình với ai kém hơn mình; chúng ta là chi thể của nhau, phụ thuộc vào nhau, cho nên đừng tự cao tự đại.

Tình yêu thương sống thuận thảo với mọi người 18, sống thuận thảo với người khác nghĩa là không làm hại và không làm mích lòng người tiếp xúc với mình.  Đừng cho ai có cơ hội cãi cọ gì hết, cũng đừng tìm dịp cãi cọ với ai. Thật ra, lời khuyên nầy có giới hạn, vì sự cố gắng thuận hoà với mọi người chỉ có thể đạt được khi có điều kiện: “Nếu có thể được.”  Chúng ta không thể thực hiện nếp sống thuận thảo với người khác khi nếp sống đó không đẹp ý Chúa và tổn thương lương tâm chúng ta.  Giacơ 3:17 “…..sự khôn ngoan thiên thượng trước hết là thanh sạch, sau là thuận thảo, hoà nhã, đón nhận lẽ phải..” Sự hoà bình không thanh sạch là sự hoà bình của ma quỷ.  Thi 120:7 “Tôi muốn sự hoà bình, nhưng khi tôi nói đến, chúng nó bèn muốn sự giặc giã.”

Từ khi loài người thù nghịch với Đức Chúa Trời thì họ luôn có khuynh hướng thù nghịch với nhau. Đặc biệt khi chúng ta là những người yêu mến kính sợ Chúa sẽ gặp người thù nghịch Đấng Christ ở khắp nơi.  Chúng ta phải làm sao? – Trước hết phải “ghét bỏ điều ác, gắn bó điều thiện” (9); chẳng những quyết không làm điều ác mà còn phải gớm ghét nó nữa.  Chúa dạy con cái Ngài rằng chẳng những đừng làm hại kẻ thù, mà còn phải làm điều tốt nhất cho họ mà chúng ta có thể làm: “Hãy chúc phước cho người bắt bớ anh em, hãy chúc phước, đừng nguyền rủa” (14).  Bằng lời nói khen họ nếu họ có điều gì đáng khen, nói với sự tôn trọng, mong họ gặp sự may mắn, cầu nguyện cho họ.  “Chớ lấy ác báo ác…” (17) và “…đừng trả thù,…” (19), là những mệnh lệnh ít thấy từ người đời.  Không phải là những việc làm ác của những kẻ ác sẽ bị lãng quên, nhưng các việc ác ấy sẽ dành “cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời,…”  Vì thế chúng ta không cần tự mình trả thù.  Lý do là “vì có lời chép: ‘Sự báo trả thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng.’ Chúa phán vậy.”  Nếu chúng ta tự mình trả thù giống như là mình giành làm công việc của Chúa; hơn nữa, nếu chúng ta nhẫn nhịn để việc đó cho Ngài lo, Chúa sẽ trả thù theo mức độ việc ác ấy đáng phải chịu.

Đối với những người thù nghịch mình thì Lời Chúa qua sứ đồ Phaolô ra lệnh rằng:  “Nếu kẻ thù anh em có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống;” (20).  Chỉ những người có tình yêu thiên đàng mới có thể có những hành động bày tỏ sự yêu thương và nhân từ như thế.  Đừng nghĩ rằng vì kẻ thù mình bị Chúa hình phạt, cho nên mình có quyền sỉ vả, cười nhạo. Ngược lại, hãy cho ăn cách dịu dàng như cho người bệnh và trẻ nhỏ ăn vậy.  Cho kẻ thù uống nước là biểu hiện giải hoà và tình bạn.  Các hành động ấy là sự bày tỏ và xác nhận về tình yêu thương đặc biệt chỉ người Cơ đốc mới có.

Phaolô đưa ra lý do giải thích tại sao chúng ta phải có thái độ như thế đối với kẻ thù nghịch mình: “làm như vậy, anh em sẽ chất than hồng lên đầu họ” (20b).  Đây là một thành ngữ, không phải có nghĩa đen là lấy than đỏ đốt trên đầu kẻ thù.  Tự câu nói đã toát ra nghĩa bóng.  Có hai lý do hoặc hai ý nghĩa: a) Làm cho lòng người đó bị tan chảy trong sự ăn năn vì thấy được đối đãi bằng tình bạn, và làm cho tâm linh người đó phải hướng về người lấy ơn trả oán. – 1Sam 24:18, 26:21 ghi lại lời ăn năn của vua Saulơ khi Đavít tha chết cho ông hai lần, mặc dù Saulơ vì ganh ghét đã vô cớ săn đuổi để giết Đavít.  b) Chồng chất sự định tội trên người đó, khiến cho sự gian xảo mà người ấy dùng để hãm hại chúng ta sẽ không thể bào chữa được.  Làm như vậy sẽ khiến cho sự trả thù và cơn thịnh nộ của Chúa đối với người đó mau đến hơn.

“Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy thiện thắng ác” (21), đừng để bất cứ điều ác nào quấy rối sự bình an, phá huỷ tình thương yêu, náo động tâm linh, và toan tính trả thù.  Nhân từ và làm ơn cho người phạm lỗi chống lại mình thì có thể hoặc là thay đổi được họ, hay ít nhất  gìn giữ được sự bình an của mình.  Người nào làm chủ được tâm tánh mình, người ấy mạnh hơn người có sức lực mà nhạy giận. Chúng ta không phải chỉ thực hiện, nhưng phải học tập, “lưu tâm làm điều chính đáng trước mặt mọi người” (17b).

Cuối cùng là “Hãy siêng năng, đừng lười biếng; hãy có tinh thần hăng say phục vụ Chúa” (11).  Người lười biếng không thể phục vụ ai được, nói chi chuyện phục vụ Chúa.  Từ đó suy ra, người lười biếng không thể vâng theo các mệnh lệnh trong đoạn nầy.  Vì mệnh lệnh nào cũng đòi hỏi một tinh thần cố gắng vượt bản tánh bình thường của con người xác thịt thiên nhiên.

BHKTRoma12c.doc

Rev. Dr. CTB