Bài 2: Dung Thứ và Chiến Thắng

Dung Thứ và Chiến Thắng

2Côrinhtô 2:1–17

Phaolô tiếp tục nói về lý do tại sao ông đã không đến thăm sau khi viết lá thư thứ nhất như ông đã hứa. Ông không muốn vì sự thăm viếng của ông mà họ bị buồn phiền; khi họ quá sầu khổ thì ông lại càng thêm buồn rầu. Cho nên ông không muốn đến thăm họ trong bầu không khí nặng nề. Điều mà ông ước ao là họ và ông đều được vui mừng khi gặp mặt nhau (1–3). Ông nói thêm là khi viết lá thư trước, trong lòng ông cũng có cùng ý định là không muốn họ bị buồn rầu quá lớn. Vì thế ông đã viết thư: “Giữa cơn thống khổ, tấm lòng quặn đau, nước mắt đầm đìa, tôi đã viết thư cho anh em, không phải để gây phiền muộn, nhưng để anh em biết tình thương đậm đà của tôi dành cho anh em” (4). Tâm tình của Phaolô là tấm gương sáng cho những người làm chức vụ chăn bầy học theo. Nghĩa là trong các trường hợp phải quở trách, sửa phạt những tín hữu phạm lỗi, người chăn bầy trung tín của Chúa phải thực hiện trong đức yêu thương; cân nhắc kỹ mọi lời sẽ phải nói để nhằm mục đích gây dựng chứ không phá đổ.

“Nếu có người đã gây ưu phiền” (5), là nói về người phạm tội loạn luân đã bị dứt phép thông công, có vẻ là nguyên nhân chính để ông viết lá thư thứ nhì nầy. Ông nói rằng chẳng những ông phải chịu ưu phiền, “nhưng tất cả anh em cũng đã ưu phiền phần nào.” Tuy nhiên, ý ông không đặt một gánh quá nặng trên cả Hội Thánh; đặc biệt là thấy họ đã giải quyết sự việc theo lệnh ông đã truyền trong thư trước, “và như thế là đủ” (6). Hiệu quả của sự sửa phạt đã đạt được, người bị phạt đã hạ mình ăn năn; cho nên, ông chỉ thị họ phải nhanh chóng phục hồi người đó trở vào Hội Thánh bằng sự “tha thứ, an ủi, để người đó khỏi bị áp đảo bởi sự buồn rầu quá lớn …. chứng tỏ cho người đó biết tình yêu thương của anh em” (7–8). Tha thứ ở đây không có nghĩa là bỏ qua tội đã phạm nghịch cùng Đức Chúa Trời, vì chỉ Ngài mới có quyền tha tội; nhưng là giải toả quyết định dứt phép thông công của Hội Thánh.

Sở dĩ cần phải an ủi người phạm tội là vì trong nhiều trường hợp, sự an ủi của lòng ăn năn không phải chỉ có qua sự phục hoà với Đức Chúa Trời, mà còn qua sự phục hoà với anh chị em trong Hội Thánh mà sự tai tiếng đã làm tổn thương họ. Họ còn phải xác nhận rằng sự sửa phạt quở trách được thực hiện vì tình yêu thương đối với người anh em, và sự gớm ghét tội lỗi người ấy đã phạm. Rằng biện pháp sửa phạt được đặt ra nhằm mục đích biến cải chứ không nhằm mục đích huỷ phá. Hoặc là nếu sự sa ngã của người ấy đã làm cho tình thương yêu của họ bị giảm sút, thì bây giờ sau khi người đó ăn năn, thì họ phải làm mới lại và xác nhận tình thương yêu với anh chị em trong Chúa: “Tôi khuyên anh em hãy chứng tỏ cho người đó biết tình yêu thương của anh em” (8). Nếu họ đã vâng lời Phaolô trong sự quở phạt người phạm lỗi, thì nay họ cũng phải vâng lời ông để phục hồi người đó trở vào Hội Thánh (9).

Ông lại nói rằng: “Anh em tha thứ ai, tôi cũng tha thứ. Nếu tôi tha thứ, là vì anh em mà tha thứ trước mặt Đấng Christ” (10). Ông cũng đưa ra một lý do hết sức quan trọng nữa là: “Như thế, satan không chiếm ưu thế hơn chúng ta được, vì chúng ta không lạ gì mưu lược của nó” (11). Sự tha thứ giữa anh em trong Chúa là vô cùng quan trọng trong việc nầy. Vì mối hiểm nguy không phải chỉ là satan sẽ lợi dụng cơ hội đẩy người bị sửa trị vào tâm trạng tuyệt vọng, mà hắn còn dùng cơ hội nầy để chống lại Hội Thánh, cũng như chống lại các sứ đồ hoặc những mục sư có trách nhiệm, cho rằng, họ là những người quá cứng rắn và hà khắc. Điều đó sẽ khiến cho một số người không dám đến với Hội Thánh. Biết tha thứ sẽ khiến cho thánh vụ không bị chê trách vì một mặt thì dung dưỡng tội lỗi, mặt khác lại quá nghiêm khắc đối với tội nhân. Satan là một kẻ thù quỷ quyệt, sử dụng nhiều mánh khoé tinh vi để lừa dối chúng ta. Hắn luôn luôn nắm lấy cơ hội nào có lợi thế để chống lại con cái Chúa. Vì thế, chúng ta cẩn thận không cho hắn có bất cứ cơ hội nào chiếm thế thượng phong đối với mọi con cái của Chúa (11).

Đến đây thì Phaolô tường trình về thành quả của những chuyến đi truyền giảng Tin Lành mở rộng Nước Trời. Công vụ 20:6 cho biết Phaolô đi tàu thuỷ từ Philíp xứ Maxêđoan tới Troas, ở lại đó 7 ngày với lời hẹn sẽ gặp Tít ở đó. “Mở cửa” (12) có nghĩa là thành công trong thánh vụ.Công vụ 20:9–12 kể về việc Chúa đã dùng Phaolô làm phép lạ cho một thanh niên tên là Ơtích, chết vì ngã lầu, được sống lại. Cửa mở rộng cũng có nghĩa là có nhiều công việc phải làm ở bất cứ nơi nào ông đi đến và được thành công lớn. Vì không gặp Tít ở Troas nên ông không yên lòng (13). 7:5–7 cho biết những hiểm nguy mà đoàn truyền giáo của Phaolô phải đương đầu, do đó người đọc mới biết lý do sự không an tâm của ông là sự an toàn của Tít. Gặp lại Tít được bình an, lại còn đem tin vui về Hội Thánh tại Côrinhtô nữa, nên Phaolô mới vui mừng và yên lòng.

Mọi chiến thắng của tín hữu đều là do Đức Chúa Trời ban cho trong Đấng Christ. Tự chúng ta, chẳng ai có sức để chiến thắng, nhưng trong Christ, chúng ta có niềm vui và được chiến thắng luôn luôn. Hơn nữa, khi chúng ta truyền rao sự hiểu biết Chúa cho người khác, có nghĩa là “gieo rắc hương thơm ngào ngạt” của Ngài (14). Phaolô và các đồng bạn của ông vẫn vui mừng dù khi không thành công trong sứ mạng truyền giảng đối với một số người nghe, vì Tin Lành tạo ra hiệu quả khác nhau khi người ta nghe (15–16). Một số người thì được cứu bởi Tin Lành, trong khi một số khác thì bị hư vong. Sự khác nhau là: đối với một số người thì Tin Lành là mùi tử khí làm cho chết. Sở dĩ điều đó xảy ra là vì họ quyết tâm gạt bỏ ngoài tai những lời sự sống, cố ý cứng lòng, ghét bỏ phúc âm, giống như có những loại người không chịu nổi mùi thơm. Vì vậy, khi tin mừng rao truyền thì nó làm cho họ mù loà và cứng lòng thêm. Sự mù loà cứng lòng ấy khuấy động các tâm tánh hủ bại và chọc tức tâm linh họ. Họ sẽ quyết liệt từ chối phúc âm, bị hư vong vĩnh viễn.

Đối với nhiều người khác thì Tin Lành “là mùi thơm của sinh khí đem lại sức sống” (16). Với những linh hồn khiêm cung và biết ơn, thì sự rao giảng Lời Chúa là điều cực kỳ vui thích và rất ích lợi cho họ. Vì nó thơm ngon, ngọt ngào hơn mật ong trên lưỡi, nên Tin Lành là mùi vị khoan khoái như mùi thơm ngào ngạt dễ chịu nhất đối với các giác quan. Và nó vô cùng ích lợi, vì khi họ nghe đến thì Tin Lành ấy làm cho sống lại tâm linh đã chết vì những quá phạm và tội lỗi, còn khiến cho họ bắt đầu có một sức sống đầy sinh động, và sẽ kết thúc bằng sự sống vĩnh cửu.

Sự hiểu biết nầy làm cho Phaolô hết sức kinh ngạc “Ai có đủ khả năng để làm những điều nầy?” (16), Tâm linh của chúng ta cũng cần phải nhận thức được vấn đề: ‘Ai xứng đáng để được sử dụng trong công việc nặng nề ấy?’ Một công việc cực kỳ quan trọng, bởi vì nó đem tới những hệ quả quá lớn. Ai sẽ có khả năng thực hiện công tác vô cùng khó khăn đòi hỏi quá nhiều năng lực và sự khôn ngoan đó? Công việc thì quá lớn mà sức lực chúng ta thì quá yếu. Đúng là chúng ta chẳng có chút năng lực nào để thực hiện công tác, nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng kêu gọi con dân Ngài dấn thân, sẽ ban cho chúng ta đầy đủ năng lực, tài lực và ý chí để hoàn thành công tác.

Phaolô nhận được sự an ủi cho tâm linh ông vì những người trung thành hầu việc Chúa thì được Ngài chấp nhận, bất kể họ thành công hay không thành công. Bởi vì, nếu chúng ta trung tín với Chúa thì chúng ta “là mùi thơm của Đấng Christ dâng lên cho Đức Chúa Trời giữa những người được cứu rỗi và những người bị hư vong” (15). Mặc dù nhiều người không thành công với thánh vụ Chúa giao cho họ, nhưng Đức Chúa Trời chấp nhận những ý hướng chân thành, những nỗ lực trong sáng. Người hầu việc Chúa được Ngài chấp nhận và trả công không phải dựa trên sự thành công, nhưng dựa trên đức trung thành, thuỷ chung của họ. Lương tâm Phaolô chứng nhận sự trung thành của ông. Ông đã không pha trộn những khái niệm riêng của mình với giáo lý hoặc những điều Đấng Christ đã lập ra. Ông không thêm hay bớt lời của Chúa, trung thành phân phát phúc âm mà ông đã nhận từ Đức Chúa Giêxu Christ. Người nào đi giảng dạo để kiếm sống chẳng khác nào đi bán rong Lời của Đức Chúa Trời để kiếm lợi. Việc làm ấy không lương thiện, chẳng những không được ban thưởng mà còn sẽ bị trừng phạt. Trung tín đem đến yên tâm và an toàn.

2Corinhto02.docx

Rev. Dr. CTB