Bài 4: Bình Đất Chứa Kho Tàng Báu Vật

Bình Đất Chứa Kho Tàng Báu Vật

2Côrinhtô 4:1–18

Đứng trước những cáo buộc vu khống của các sứ đồ giả, giáo sư giả, Phaolô nói về hai phẩm chất đặc biệt của người thật lòng hầu việc Chúa: a) Tinh thần chịu đựng bền bỉ và kiên nhẫn làm việc “… chúng tôi không sờn lòng nản chí” (1) dù công tác truyền giáo gặp phải muôn ngàn khó khăn. Vì lòng kiên nhẫn trì chí đó mà ông được “Chúa thương xót.” Bởi cùng một sự thương xót và ân điển mà ông đã được ban cho chức vụ sứ đồ (Rôma 1:5), ông và các bạn đồng công đã nhận được sức mạnh để tiếp tục bền bỉ hoạt động trong chức vụ mình. Khi chúng ta được kêu gọi làm thánh đồ bởi sự thương xót và ân điển của Chúa, và khi được đặc biệt kể là trung tín và được đặt vào thánh vụ, nếu chúng ta vẫn tiếp tục trung tín và kiên trì siêng năng làm công tác được giao, thì ấy cũng là do ơn thương xót và ân điển của Chúa. Như Phaolô đã tuyên bố: “Nhờ ân điển của Đức Chúa Trời mà tôi được như ngày nay” (1Côrinhtô 15:10). Chúng ta có thể nương dựa trên ơn thương xót và ân điển của Chúa để hoạt động cho đến tận cùng.

b) Lòng chân thành trong công việc của Phaolô được bày tỏ qua lời tuyên bố: “Chúng tôi từ khước những điều ám muội xấu hổ” (2). Ám muội là lén lút, che giấu, nguỵ trang, không thể chịu nổi ánh sáng công khai. Những mưu toan không thành thật khi bị phanh phui thì rất là xấu hổ cho những ai làm như vậy. Vị sứ đồ từ khước và phẫn nộ sự làm việc “theo cách lừa gạt dối trá” (2), ông chỉ “phơi bày chân lý” chứ “không xuyên tạc đạo Đức Chúa Trời.” Bất cứ điều gì, dù có là sự thật, phải cần đến sự phóng đại, thổi phồng, nếu việc ấy cứ lặp đi, tái lại nhiều lần, dù không bị ai bắt buộc, thì nó xuất phát từ một tham vọng thầm kín thiếu thật thà. Phaolô không làm như vậy. Ông chỉ “phơi bày chân lý: đó là cách chúng tôi tự giới thiệu, để lương tâm mọi người nhận định trước mặt Đức Chúa Trời” (2b).

Có người đã chỉ trích Phaolô rằng: “Nếu phúc âm ông nói là sự thật, thì tại sao nó vẫn bị che khuất và không hiệu quả đối với một số người nghe đạo?” Phaolô cho biết nguyên nhân là: “Nếu Tin Lành chúng tôi truyền giảng bị che khuất, là chỉ che khuất cho người hư vong; những người không tin bị thần của đời nầy làm cho mờ tối tâm trí, khiến họ không nhìn thấy ánh sáng của Tin Lành nói về vinh quang Đấng Christ, là hình ảnh của Đức Chúa Trời” (3–4). Phúc âm của Đấng Christ được rao truyền để cứu những người đang hư vong. Nếu họ không tiếp nhận, thì không có con đường nào khác để họ được cứu độ, mà sẽ hư vong vĩnh viễn. Có người bị che khuất và cũng có những người tự nguyện từ chối ánh sáng phúc âm. Cả hai đều bị satan, là chúa đời nầy, làm cho mù lòng bằng cách khiến cho sự hiểu biết của họ ngu muội, gia tăng định kiến sai lầm, miễn là họ đừng thấy vinh quang rực rỡ của phúc âm.

Tại sao nói rằng phúc âm là vinh quang của Đấng Christ, hình ảnh của Đức Chúa Trời? Kế hoạch của Đấng Christ qua phúc âm là tạo ra một sự khám phá rạng rỡ về Đức Chúa Trời đối với tâm trí loài người. Là hình ảnh của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giêxu bày tỏ quyền phép và sự khôn ngoan vô hạn của Đức Chúa Trời, cùng với ân sủng và sự thương xót của Ngài để loài người thấy và được cứu độ. Nghĩa là dùng đời sống của mình trên đất để trình bày sự thật về Đức Chúa Trời, khác hẳn với cách suy nghĩ của loài người về Ngài. Trong khi đó, âm mưu của ma quỷ là cầm giữ người ta trong sự ngu dốt; và khi hắn không thể che khuất ánh sáng của phúc âm chiếu vào thế gian, hắn cố sức làm cho lòng của loài người không thể thấy được ánh sáng ấy.

Bằng chứng về lòng ngay thẳng của Phaolô là ông “không truyền giảng về mình” (5), cái bẫy nhiều người vẫn vấp phải là khoe khoang về mình (khác hẳn việc đem mình ra làm ví dụ). Danh vọng vẫn luôn luôn là một cái bẫy nguy hiểm cho mọi người hầu việc Chúa; vì lòng khoan khoái trước những lời nịnh hót sẽ khiến khả năng sáng suốt nhận định hay xét người của chúng ta bị lu mờ, không thấy bản chất thật trong những con người đang muốn lấy lòng mình để vụ lợi cho họ. Phaolô chỉ “truyền giảng Giêxu Christ là Chúa,” và phần của ông là phục vụ anh em tín hữu. Lý do mà ông chỉ giảng Đấng Christ để bởi ánh sáng phúc âm, người ta có thể nhận thức về “vinh quang của Đức Chúa Trời hằng chiếu sáng trên gương mặt Đấng Christ” (6). Ánh sáng mặt trời làm khoan khoái con mắt loài người, nhưng lòng người khoan khoái và ích lợi hơn khi được thấy ánh sáng phúc âm. Sự vật được dựng nên đầu tiên trong sự sáng tạo trời đất là ánh sáng; nó vẫn là việc đầu tiên Đức Thánh Linh làm trong lòng người được tái sanh: soi sáng tâm linh tăm tối.

Quyền phép ưu việt của phúc âm Đấng Christ là soi sáng cho tâm trí, thuyết phục lương tâm, làm vui mừng tấm lòng; tất cả những điều đó là quyền năng từ Đức Chúa Trời như một kho tàng vô giá. Trong khi đó thân thể người truyền rao phúc âm thì yếu ớt và dễ chết như bao người khác, chẳng khác nào một cái bình bằng đất dễ vỡ (7). Tiếp nhận, hiểu biết và rao truyền phúc âm là chứa đựng kho tàng báu vật trong chiếc bình đất. Đức Chúa Trời lại chỉ định rằng cái bình đất càng yếu ớt chừng nào, thì quyền năng của Ngài càng mạnh hơn chừng nấy “để chứng tỏ quyền năng ưu việt đến từ Đức Chúa Trời, chứ không từ người rao giảng” (7b).

Phaolô tường thuật về những khổ nạn, lòng can đảm và kiên nhẫn của đoàn truyền giáo phải trải qua ở khắp nơi họ đi đến (8–12). Những sự đè nén, bối rối, bắt bớ, đánh đập, quật ngã đều thất bại trước sự yểm trợ tuyệt diệu, giúp đỡ an ủi mạnh mẽ từ Đức Chúa Trời; không thể khiến đoàn truyền giáo kiệt quệ, tuyệt vọng, bị bỏ rơi, bị tiêu diệt, vv. Trên bước đường theo Chúa, chúng ta có thể bị đồng bạn, anh em chung đức tin bỏ rơi, nhưng Chúa không bao giờ bỏ rơi những người hầu việc Ngài. “Thân thể hằng mang sự chết của Đức Chúa Giêxu” (10) nghĩa là khổ nạn không ngừng. Những việc đó xảy ra để người ta có thể thấy quyền phép của Chúa phục sinh và sự hữu hiệu của ân điển từ Ngài bày tỏ cho họ (11) đem đến sự sống vĩnh cửu cho tín hữu Côrinhtô (12).

“Vì có cùng một lòng tin tưởng” (13) tức là có cùng một đức tin bởi tác động của đồng một Đức Thánh Linh đã hành động trên vua Đavít khi xưa (Thi thiên 116:10), cho nên Phaolô mạnh mẽ nói để làm gương tốt cho nhiều người khác. Vì biết rõ Đức Chúa Giêxu đã sống lại, nên Phaolô biết mình cũng sẽ được sống lại (14). Sự sống lại là một món đặt cọc bảo đảm mà ông đã viết ở đoạn 15 trong thư trước. Phaolô xác nhận rằng những khổ nạn, bắt bớ, gian lao trong chức vụ đã phải xảy ra cho ông và đoàn truyền giáo là vì sự cứu rỗi của các thánh đồ ở Côrinhtô và khắp xứ Achai “để khi ân điển càng rải rộng ra cho nhiều người, càng có thêm nhiều lời cảm tạ, ca ngợi Đức Chúa Trời” (15).

Những sự suy nghĩ về các lợi thế mà linh hồn sẽ gặt hái được bởi sự chịu đựng các khổ nạn đến trên thân thể, khiến cho Phaolô và đoàn truyền giáo “chẳng nản chí sờn lòng. Dù người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ ngày càng đổi mới” (16). Mỗi chúng ta đều có thân thể bề ngoài và linh hồn bên trong. Thân phải già rồi chết, nhưng hồn và tâm linh của tín hữu cứ ngày càng đổi mới tốt, trưởng thành hơn, lên các trình độ hiểu biết, thẩm quyền, quyền phép cao hơn. Những sự hoạn nạn mà chúng ta chịu trong đời, nếu đem so với những sự trừng phạt kinh khiếp mà những người không tin Chúa sẽ phải chịu vĩnh viễn ở đời sau, thì chỉ là nhẹ và tạm, nhưng “đem lại cho chúng ta vinh quang trọng đại muôn đời, không gì so sánh được” (17).

“Chúng ta chẳng lưu ý đến những điều thấy được, nhưng đến những điều không thấy được, vì những điều thấy được chỉ là tạm thời, còn những điều không thấy được là trường tồn, bất diệt” (18). Bởi đức tin, chúng ta gặp Chúa là Đấng vô hình, chúng ta cũng nhìn tới cõi vô hình là thiên đàng và hoả ngục. Sự khác nhau giữa vật hữu hình và vô hình là khoảng cách vời vợi. Đức tin là bằng chứng để chúng ta biết về cõi vô hình. Việc chúng ta nhắm vào cõi vô hình không phải để chạy trốn thực tại gian ác, tìm phước lành trong đời nầy; nhưng để tránh khỏi một tương lai kinh hoàng và đạt được tương lai hạnh phúc huy hoàng. “Đức tin là thực thể của điều ta hi vọng, là bằng chứng của những điều ta chưa thấy” (Hêbơrơ 11:1).

2Corinhto04.docx

Rev. Dr. CTB