Đức Tin Thực Hành

Hướng Đi Mới, bài 14

Giacơ 2:14–22

Thưa anh em của tôi, nếu một người bảo mình có đức tin nhưng không có hành động thì có ích gì không? Đức tin đó có cứu người ấy được không? Nếu gặp một anh em hoặc chị em không có áo che thân, thiếu thức ăn qua ngày, mà một người trong anh em lại nói với họ: Hãy đi bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cung ứng những nhu cầu cho thân thể họ thì có ích gì không? Đức tin cũng vậy, nếu đức tin không có hành động thì tự nó chết. Nhưng có người sẽ nói: Bạn có đức tin, còn tôi có hành động. Hãy chỉ cho tôi đức tin không có hành động của bạn đi, rồi tôi sẽ cho bạn thấy đức tin bằng hành động của tôi. Bạn tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời, bạn tin đúng; ngay cả ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ. Người khờ khạo kia ơi, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô ích không? Chẳng phải Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã được xưng công chính bởi hành động khi ông dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ sao? Bạn thấy đó, đức tin đi đôi với hành động, và nhờ hành động mà đức tin trở nên trọn vẹn.

Trong đời sống đạo của nhiều tín đồ, tình trạng thường gặp nhất là chưa bao giờ thấy ơn phước Chúa ban cho mình, xa lạ với lời làm chứng của một số người đã nhận được ơn phước Chúa. Khi được anh chị em tín hữu hỏi hay bị người chưa tin chất vấn về niềm tin, những tín đồ ấy không nói ra được những ơn phước nào đáng kể để hãnh diện về Chúa của mình. Nguyên nhân của tình trạng đó là do thiếu đức tin cụ thể. Có hai nhóm tín hữu có nan đề về đức tin nhưng vẫn thường xuyên tham dự sinh hoạt của Hội Thánh. Nhóm thứ nhất không bao giờ dám tin Chúa có thể ban phước cho họ; nhóm thứ hai vẫn hi vọng được Chúa ban phước nhưng không có đức tin cụ thể, vì thế họ chưa khi nào nêu ra được ơn phước gì do Chúa ban để dạn dĩ làm chứng và tạ ơn Ngài.

Chúa sẵn sàng ban ơn cho những người có đức tin cụ thể, dù đức tin ấy quá nhỏ chỉ bằng một hột cải. Khi Đức Chúa Jesus dùng một vật cụ thể rất nhỏ để nói về một việc thuộc phạm trù niềm tin có tính cách trừu tượng, thì ý của Ngài muốn nói là đức tin phải cụ thể dù rất nhỏ không đáng kể, mới khiến cho mình nhận được điều mình hi vọng. Cụ thể có nghĩa là có thể thấy được, cảm nhận được, rồi nó sẽ trở thành sự thật. Vậy, đức tin thực hành đòi hỏi sự tin ấy phải có thật trong lòng, dù nó nhỏ nhoi như một hột cải (Mathiơ 17:20) “Ngài đáp: Vì các con ít đức tin. Ta nói rõ với các con: Nếu các con có đức tin chỉ bằng một hạt cải thì các con có thể bảo hòn núi nầy rằng: Hãy dời từ đây qua đó’ thì nó sẽ dời; và chẳng có điều gì các con không làm được!” Đức Chúa Jesus lại cho biết lý do thất bại là vì đức tin của các môn đồ Ngài vào lúc ấy quá yếu và quá mơ hồ. Nan đề của đức tin chúng ta ngày nay càng tệ hơn nữa là vì rất ít người có đức tin, nói gì chuyện dám nhân danh Chúa mà trừ quỷ.

Tình trạng đức tin yếu kém bị bộc lộ như thế nào? Khi đứng trước những điều không thể thấy bằng mắt, tức là một phép lạ đòi hỏi sự can thiệp siêu nhiên từ quyền phép của Đức Chúa Trời, đại đa số tín hữu nhận ra rằng đức tin vào Chúa lúc ấy là một niềm tin rất mơ hồ. Có thể chúng ta vẫn tin Đức Chúa Trời có quyền, nhưng liệu Ngài có biết tình hình cấp bách của chúng ta để can thiệp kịp thời hay không thì không ai dám chắc; nghĩa là lúc cần phải cụ thể hóa một chút xíu đức tin cỡ bằng hột cải thì nhiều người bị thất bại. Nếu chúng ta vững tin rằng Đức Chúa Trời luôn luôn thực hiện lời hứa của Ngài, và không nghi ngờ gì về việc ấy, thì mới thấy được những điều Chúa sẽ làm cho con cái Ngài, là những người có đức tin chỉ lớn bằng cái hột nhỏ xíu của cây rau cải.

Làm thế nào để có được loại đức tin đó? Nếu ai đòi phải thấy mới tin thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên bước đường theo Chúa. Tất cả chúng ta lúc mới đầu chỉ nghe nói về Chúa chứ chẳng có cơ hội nào để thấy, nhưng chúng ta tin vì mình đã lập quyết định sẽ tin sự hiện hữu và lòng thương xót nhân từ của Ngài. Từ quyết định ấy, người tin nhận được sự tha tội, tái sinh và đổi mới chỉ qua đức tin. Đức Chúa Jesus có lần dạy về sự tốt lành của Đức Chúa Trời ban các nhu cầu cho người nào xin Ngài (Luca 11:11–13) “Trong các con có ai làm cha, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là xin cá mà cho rắn thay vì cá chăng? Hay là xin trứng mà cho bò cạp chăng? Vậy, nếu các con là người xấu còn biết cho con cái mình các vật tốt, huống chi Cha ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài sao!” Điều Chúa dạy ở chỗ nầy là hãy tin vào Cha trên trời là Đấng rất nhân lành, không bao giờ có ác ý đối với con cái Ngài. Để có đức tin ấy chúng ta phải lập quyết định sẽ tin dù chưa thấy. Từ quyết định đó, người đặt lòng tin Chúa bắt đầu thấy các việc diệu kỳ từ Ngài.

Cần phải hiểu rằng đức tin không thể tạo ra những việc giả dối trái với sự thật, nhưng, bởi đức tin chúng ta có thể nhận ra được những việc vô hình mà Chúa hành động. Tức là nhờ đức tin chúng ta sẽ thấy các việc Chúa làm. Và vì được thấy các việc Ngài hành động cùng những hiệu quả của các việc ấy, chúng ta lại càng thấy thêm những bằng cớ của sự hiện hữu, quyền phép và sự tốt lành của Đấng nhân từ. Ví dụ như vào thời sơ lập của Hội Thánh Chúa, Ngài đã nhậm lời cầu nguyện của Hội Thánh mà giải cứu Phierơ khỏi tay Herod (Công vụ 12:5–11) “Vậy, Phierơ bị giam trong ngục, còn Hội Thánh cứ khẩn thiết cầu nguyện với Đức Chúa Trời cho ông. Nhưng, ngay trong đêm trước khi Herod đưa Phierơ ra xử, Phierơ đang ngủ giữa hai tên lính, bị xích bằng hai xiềng và có lính canh giữ trước cửa ngục. Thình lình, một thiên sứ của Chúa xuất hiện, và ánh sáng chiếu trong ngục tối. Thiên sứ đập vào sườn Phierơ đánh thức ông và nói: Hãy mau trỗi dậy. Xiềng liền rớt ra khỏi tay ông. Thiên sứ bảo: Hãy nịt lưng và mang dép vào. Phierơ làm theo. Thiên sứ lại tiếp: Hãy mặc áo ngoài và theo ta. Phierơ bước ra theo mà không biết rằng điều thiên sứ làm đó là thật, cứ tưởng là mình thấy khải tượng. Khi qua khỏi vọng canh thứ nhất, rồi vọng canh thứ hai, họ đến cổng sắt dẫn vào thành phố. Cổng đó tự động mở ra trước mặt hai người và họ vượt qua, ra ngoài đường phố; thiên sứ lập tức lìa Phierơ. Phierơ tỉnh lại và nói: Bây giờ tôi biết chắc rằng Chúa đã sai thiên sứ Ngài giải cứu tôi thoát khỏi tay Herod và khỏi mọi điều dân Do Thái đang mong đợi.

Qua đó, Hội Thánh càng vững vàng trong đức tin; còn kẻ thù của Hội Thánh thì bị thiên sứ đánh chết (Công vụ 12:21–23) “Đến ngày đã định, Hê-rốt mặc triều phục ngồi trên ngai truyền phán cho họ. Dân chúng kêu lớn: Đây là tiếng của một vị thần, không phải tiếng loài người đâu! Lập tức, một thiên sứ của Chúa đánh Herod vì vua không nhường vinh quang cho Đức Chúa Trời. Vua bị trùng đục mà chết.” Cho nên, nếu vận dụng đức tin thì hãy tỉnh táo để nhận ra các dấu hiệu rõ ràng của việc Chúa làm.

Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời không hành động theo cách suy đoán xác thịt của chúng ta; đừng đòi hỏi phải thấy Chúa bằng mắt. Ngài có cách làm của Ngài. Hãy để ý những sự thông suốt, điều cản trở, các dấu hiệu mà Ngài bày tỏ; tất cả đều vì lợi ích của con dân và Hội Thánh Ngài. Để được thấy những điều đó, hãy tập suy nghĩ và làm quen với cách Chúa hành động. Ví dụ vào thời Phaolô truyền giáo ở Êphêsô, Đức Chúa Trời dùng tay ông làm các phép lạ phi thường (Công vụ 19:11–12) “Đức Chúa Trời dùng tay Phaolô làm các phép lạ phi thường, đến nỗi người ta lấy khăn và áo choàng ông đã dùng đặt trên các bệnh nhân thì bệnh tật biến mất và tà linh bị trục xuất khỏi họ;” Ngài cũng dùng ông huấn luyện các môn đồ đánh sập quyền lực của tà thần cao cấp và các thứ quỷ ở địa phương. Đoạn 19 của sách Công vụ ghi chép công cuộc truyền giáo của phái đoàn Phaolô tại Êphêsô đem đến kết quả lẫy lừng. Thậm chí quyền lực tà thần nữ vương trên trời cũng bị sập.

Vì vậy, để thực hành đức tin thì hãy tập tành vận dụng lòng tin đúng đắn của mình vào quyền phép và lòng thương xót vô biên của Đức Chúa Trời. Nếu chưa có đủ đức tin cho các việc lớn, hãy vận dụng đức tin trong các việc nhỏ trước đã. Nhưng xin hiểu rằng Đức Chúa Trời không phải loài người, nên những việc cầu xin vì tư kỷ, vì sự tham lam, vì những việc xác thịt, đều sẽ không được nhậm lời. Hãy học tập và thực hành lời dạy của Đức Chúa Jesus về sự tìm kiếm Vương Quốc Đức Chúa Trời thì mọi nhu cầu của mình sẽ được ban thêm (Mathiơ 6:33) “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa.” Còn ai cứ lo thâu trữ cho nhu cầu vật chất trước khi tìm kiếm Chúa, người ấy sẽ chẳng nhận được gì hết.

Vậy, chúng ta thực hành đức tin nhằm mục đích gì? Đừng quên rằng chúng ta đang được trang bị về những sự hiểu biết sâu sắc trong công tác truyền giáo. Người truyền giáo nào có kinh nghiệm hiệu quả của đức tin thì sẽ có khả năng giúp cho bạn hữu của mình thiết lập lòng tin vào Đức Chúa Trời và ơn cứu rỗi của Ngài; đồng thời cũng có nhiều khả năng chăm sóc gây dựng các tân tín hữu mình đã đem đến cho Chúa. Mọi việc chúng ta làm trong công tác truyền giáo phải căn cứ trên sự biết rõ chứ không dựa vào sự suy diễn sai lầm của mình. Từ trước nay, công tác truyền giáo bị thất bại vì sự suy diễn sai trật của rất nhiều thế hệ. Hãy thực hành một đức tin cụ thể.

HuongDiMoi14.docx

MS CTB