Bài 4: Mục Đích của Luật Pháp

Mục Đích của Luật Pháp

Galati 3:15–29

Vấn đề được xưng công chính bởi đức tin chẳng phải là một thứ giáo lý gì mới. Nó đã được thiết lập và dạy dỗ trong vòng dân sự của Chúa rất lâu trước khi Phúc Âm được rao truyền. Đức tin là cách duy nhất để các tội nhân có cơ hội được xưng công chính. Để chứng minh lý luận nầy Phaolô nói về sự vững bền của giao ước Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham. Dù sau nầy luật Môi –se được ban bố cũng không thể huỷ bỏ giao ước ấy. “Theo cách người đời: khi một khế ước đã được thông qua, dù chỉ là khế ước giữa người với người, không ai được huỷ bỏ hoặc thêm điều gì vào” (15). Đức tin đã đến trước luật pháp, bởi vì Áp-ra-ham đã được kể là công chính bởi đức tin. Ông đã xây dựng đức tin mình trên lời hứa của Đức Chúa Trời ban cho ông.

Khi đọc thấy câu “Chúa có lời hứa với Áp-ra-ham và hậu tự của ông”(16), người đọc thường nghĩ rằng đó là dân Israel, nhưng Phaolô cho biết không phải như vậy “Ngài không phán: ‘Và cho các hậu tự’ theo số nhiều, nhưng phán ‘Và cho Hậu-tự của con’ để chỉ về một Người là Đấng Christ.” Dù cho Áp-ra-ham đã chết và các tiên tri cũng đã chết, giao ước ấy vẫn còn hiệu lực qua Đức Chúa Giêxu Christ, Hậu-tự của Áp-ra-ham, Ngài vẫn ở trong thân vị của một người, tiếp tục là một bên của giao ước. Nếu luật pháp huỷ bỏ giao ước thì lời hứa của Đấng Thành Tín trở nên vô hiệu. Vì thế “Giao ước Đức Chúa Trời đã thông qua từ trước, không thể bị huỷ bỏ bởi luật pháp ban hành bốn trăm ba mươi năm sau, và do đó, huỷ bỏ cả lời hứa” (17). Nếu lời hứa bị huỷ bỏ bởi luật pháp thì quyết định ấy không phù hợp với đức thánh khiết, khôn ngoan và thành tín của Đức Chúa Trời. Và nếu cơ nghiệp đến bởi luật pháp, thì phương cách được xưng công chính cũng phải bị thay đổi. Nhưng Đức Chúa Trời chẳng khi nào rút lại lời hứa của Ngài (18).

Để cho người Galati đừng hiểu lầm là ông quá hạ thấp vai trò của luật pháp, khiến nó có vẻ là vô dụng, Phaolô phải giải thích chương trình và mục đích của Đức Chúa Trời khi Ngài ban bố luật pháp qua Môise. “Vậy, mục đích của luật pháp là gì? Vì tội lỗi, luật pháp được đặt thêm, được các thiên sứ ban bố, qua trung gian của một người, có hiệu lực cho đến khi ‘Hậu-tự’ xuất hiện, tức là Đấng Đức Chúa Trời đã hứa” (19) Vì tội lỗi, luật pháp được đặt thêm chứ không phải để huỷ bỏ lời hứa, cũng không phải để thiết lập một cách xưng công chính khác thay cho cách đã được lập vững bởi lời hứa. Ở thư Rôma Phaolô nói “Dưới mắt Chúa, không một người nào được xưng công chính nhờ làm những điều luật pháp dạy, vì luật pháp chỉ ra cho người ta biết tội lỗi” (Rôma 3:20). “Luật pháp đã xen vào khiến tội phạm gia tăng” (Rôma 5:20). Và định ý của luật pháp cũng để đặt một sự kinh sợ vào lòng người, ngăn cản bớt ý định phạm tội; đồng thời chỉ cho tội nhân tới một phương cách chân thật duy nhất để được tha tội, là sự chết hi sinh của Đấng Christ.

Luật pháp là giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân Israel; nhưng lời hứa là chỉ có một mình Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham, nên Ngài không cần người trung gian để hứa (20). Nếu thế thì có mâu thuẫn giữa luật pháp với lời hứa không? (21) Phaolô trả lời là “Tuyệt nhiên không! Vì nếu có một đạo luật nào được ban bố mà truyền được sức sống, thì sự công chính hẳn đã đến từ luật pháp.” Luật pháp được đặt để người ta biết sự quá phạm của họ, và để chỉ cho họ thấy nhu cầu phải có một sự công chính tốt hơn của luật pháp. Nếu sự công chính đến từ luật pháp thì lời hứa bị kể là vô dụng. “Nhưng Kinh Thánh cho biết mọi người đều bị giam cầm trong vòng tội lỗi, để ai tin Đức Chúa Giêxu Christ đều nhận được lời Chúa hứa” (22). Luật pháp làm bộc lộ mọi dấu vết tội lỗi trong lòng người, nhưng không đưa ra được cách cứu chữa nào. Luật pháp đòi hỏi các tế lễ hi sinh và tẩy sạch, nhưng những việc đó không có khả năng cất bỏ tội lỗi. Cho nên chương trình tuyệt vời ẩn tàng trong luật pháp là khiến người ta thấy sự thiếu sót của nó, và được thuyết phục tin nhận Đức Chúa Giêxu Christ để nhận được phúc lợi của lời hứa.

“Trước khi đức tin đến” (23), hay trước khi Đấng Christ xuất hiện để giáo lý được xưng công

chính bởi đức tin được hoàn toàn hiển lộ, thì “chúng ta bị luật pháp canh gác, giữ lại, chờ ngày đức tin xuất hiện,” hay được thuyết phục chấp nhận Đấng Christ khi Ngài vào trần gian, nhận lấy ân điển Ngài ban cho, để được giải thoát khỏi những gông xiềng, được đem vào ánh sáng và sự tự do nhiệm mầu. Thì trong tình trạng đó, “luật pháp như người giám hộ dẫn chúng ta đến Đấng Christ, để chúng ta được xưng công chính nhờ đức tin” (24). Khi luật pháp công bố tâm trí và ý chỉ của Đức Chúa Trời cho người Do-thái, cùng lúc đó luật pháp cũng tuyên bố sự nguyền rủa trên những ai vi phạm bất cứ điều luật nào; để chỉ cho họ thấy sự yếu đuối và bất toàn của mọi người đang tuân giữ luật pháp. Vì thế, luật pháp giống như thầy giáo chỉ dạy cho mọi học trò của mình phải thấy một con đường được xưng công chính và cứu độ duy nhất là bởi đức tin vào công tác cứu độ và chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ.

“Nhưng nay đức tin đã đến” (25), tức là tin mừng về ơn cứu chuộc đã diễn ra, qua Đức Chúa Giêxu Christ, mọi người có thể bước vào con đường được tha tội và nhận được sự sống chỉ nhờ đức tin vào Ngài. Việc đó được đặt như một nguồn sự sáng rất rõ ràng, không thể lầm lẫn. Vì thế “chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa.” Nghĩa là chúng ta hết cần luật pháp chỉ dẫn tới Đấng Christ giống như trước kia nữa. Đặc quyền tuyệt vời vĩ đại mà mọi Cơ-đốc-nhân vui hưởng trong tin mừng là “nhờ tin Đức Chúa Giêxu Christ, tất cả anh em đều là con cái Đức Chúa Trời” (26), không còn bị xem là đầy tớ, những người không được tự do đến với Chủ lúc nào cũng được. Nhưng là con thì được phép và được tự do đến gần Cha mình bất cứ lúc nào. Đặc ân tuyệt vời ấy sẽ được ban khi chúng ta tin nhận Đức Chúa Giêxu Christ là Đấng Cứu Tinh của mình; như chép ở Giăng 1:12 “Nhưng tất cả những ai đón nhận Ngài, đặt niềm tin vào danh Ngài, đều được Ngài cho quyền làm con Đức Chúa Trời.”

Chúng ta nhận được và bày tỏ đức tin vào Đấng Christ khi chúng ta quyết định liên hiệp với Đấng Christ qua sự tuyên xưng bằng lễ báp-têm: “Vì trong anh em, tất cả những ai đã chịu báp-têm liên hiệp với Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ” (27). Chịu phép báp-têm là quyết định tuyên xưng đức tin mình cách công khai. Khi đã tuyên xưng đức tin thì phải hết lòng với đức tin ấy. Từ khi Đức Chúa Giêxu dặn dò và giao đại mệnh lệnh cho các môn đồ Ngài trước khi Ngài thăng thiên, trong đó có mệnh lệnh làm phép báp-têm cho mọi người tin (Mathiơ 28:19), thì phép báp-têm trở thành lễ nghi trang trọng cho tân tín hữu gia nhập Hội Thánh. Có lẽ Phaolô đã nhắc tới phép báp-têm giúp tín hữu tuyên xưng đức tin, liên hiệp với Đấng Christ, được mặc lấy Ngài được xưng công chính theo lời hứa, để phản bác các giáo sư giả đang dạy dỗ tín hữu ở Galati giữ phép cắt bì của luật pháp Môise, mong nhờ luật pháp được xưng công chính.

Đặc quyền trở nên con cái của Đức Chúa Trời qua lòng tin và chịu phép báp-têm trong danh Đức Chúa Giêxu Christ, là đặc quyền dành cho mọi con cái thật của Chúa. Bất kể họ thuộc sắc dân nào: “Không phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, anh em chỉ là một trong Đức Chúa Giêxu Christ” (28). Khác hẳn với luật pháp là điều phân biệt sự khác nhau giữa người Do-thái với Hy-lạp, tạo lợi thế cho người Do-thái; cũng tạo sự khác nhau giữa nô lệ với tự do, chủ với tớ, nam với nữ. Trong Đức Chúa Giêxu thì mọi sự phân biệt đó bị huỷ bỏ, xoá sạch, mọi con dân Chúa chỉ là một.

Trái ngược với lời dạy của các giáo sư giả người Giuđa bảo rằng phải chịu phép cắt bì mới được cứu, Phaolô quả quyết rằng: “Nếu anh em thuộc về Đấng Christ, anh em là con cháu Áp-ra -ham, và là người thừa kế theo lời hứa” (29). Nghĩa là nếu chúng ta đã chân thành tiếp nhận Đức Chúa Giêxu Christ làm Đấng chuộc tội cho mình, thì chúng ta thuộc về Ngài; do đó, được kể là con cháu của Áp-ra-ham, vị tổ phụ đức tin của mọi người có đức tin. Vì là con cháu nên cũng dự phần hưởng lời hứa về mọi ơn phước mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho tổ phụ và con cháu .

Galatibai05.docx

Rev. Dr. CTB