Bài 8: Sự Thánh Hoá Chắc Chắn

Sự Thánh Hoá Chắc Chắn

Rôma 8:18–39

Đường đi của Cơ-đốc-nhân không phải là con đường trải đầy hoa hồng, mà phải vượt qua rất nhiều cam go vất vả. Mặc dù chúng ta được Đức Chúa Trời nhận làm con, thừa kế sự vinh quang và quyền phép của Ngài; tuy nhiên, sự thừa kế ấy không tự động đến, chúng ta chỉ có thể thừa kế vinh quang của Đấng Christ khi đã đồng chịu đau khổ với Ngài (17).  Sự khổ đau hiện nay không đáng so sánh với vinh quang mà chúng ta sẽ nhận trong tương lai (18).  Sự vinh quang ấy không phải là một niềm tin vu vơ thiếu bằng chứng. Phaolô đã biết và đã trải qua những khổ đau của thể xác trong đời hầu việc Chúa của mình (2Côr.11:23–28). Ông cho rằng các hoạn nạn ấy chỉ là nhẹ và tạm sau khi ông được thấy trước vinh quang thiên đàng (2Côr.12:3).

Điều mà chúng ta không bao giờ nghĩ tới là: Toàn cõi tạo vật đang trông chờ vinh quang của con cái Chúa hiện ra (19). Khi Ađam phạm tội thì toàn thể cõi thiên nhiên đều phải chịu sự rủa sả của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi. Vẻ đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên từ thời tạo thiên lập địa đã bị biến đổi sau cơn đại hồng thuỷ, không còn như trước.  Khoa học loài người không biết phải giải thích thế nào khi tìm thấy những hoá thạch các loại cây và thú vật nhiệt đới ở dưới lòng đất vùng Bắc Cực; họ không hiểu nổi Sáng Thế 2: 5–6.  Thiên nhiên mà chúng ta thấy hiện nay đang phải chịu luật hư nát (20) sau khi bị rủa sả (Sáng 3:17; 4:11–12).  Vì thế, cõi tạo vật vẫn chờ được giải thoát khỏi sự hư nát; chúng chỉ được trở lại tình trạng tự do và vẻ đẹp ban đầu khi con cái Chúa được vinh quang (21).  Vì lúc đó thiên nhiên sẽ không còn bị khai thác, sử dụng bừa bãi bởi lòng tham của loài người, sẽ không còn than thở quằn quại như hiện nay (22).  Ý niệm nầy ít khi được nhắc đến vì chúng ta thường xem cõi thiên nhiên là vô tri giác.  Nhưng từ nay con cái Chúa cần hiểu rằng cõi thiên nhiên đang hết sức mong chờ ngày chúng ta bước vào vinh quang để toàn thể tạo vật cũng được giải thoát khỏi sự hư nát.

Sự nhọc nhằn của cõi tạo vật là phản ảnh cuộc tranh đấu vất vả bên trong Cơ-đốc-nhân.  Như đã bàn đến trong đoạn 7 về cuộc tranh chấp giữa ý muốn hướng thiện làm theo luật pháp với bản chất tội lỗi của tâm tánh xác thịt. Mọi tín hữu vẫn phải trải qua cuộc chiến đấu nầy cho tới chừng được phục hồi và thánh hoá hoàn toàn (23).  Câu nầy nhắc lại một thực tế về việc chúng ta được Đức Chúa Trời ban Đức Thánh Linh vào lòng chúng ta như một ấn chứng, một món đặt cọc rằng chúng ta thuộc về Ngài (Êphêsô 1:13–14). Đồng thời chúng ta nôn nóng trông chờ ngày được lập làm con và thân thể được cứu chuộc.  Điều nầy có nghĩa gì?  Sự sống lại của thân thể được gọi làthân thể được cứu chuộc; nghĩa là được giải cứu khỏi quyền lực của sự chết và sự hư nát.  Lúc ấy thân thể được tinh luyện đẹp đẽ giống như thân thể vinh quang của Đấng Christ (1Côr.15:42). Sự đó gọi là lập làm con trước sự chứng kiến của thế giới, thiên sứ và loài người.  Hiện nay chúng ta dù đã là con cái của Chúa, nhưng vinh dự ấy chưa được phô bày, cho đến chừng Chúa công khai trình diện chúng ta cho toàn vũ trụ. Mọi con cái Chúa đều có thân, hồn, linh; sự lập làm con chưa hoàn tất cho tới chừng nào những thân thể ấy được đem vào sự tự do vinh quang của con cái Đức Chúa Trời; là lúc Đấng cứu rỗi chúng ta đem vô số con cái vào vinh quang Ngài (Hêb.2:10).

Hạnh phúc của chúng ta không dựa trên những gì mình đang sở hữu: Chúng ta được cứu nhờ hi vọng.  Hi vọng có hàm ý là điều tốt hơn, mục tiêu của niềm hi vọng, sẽ đến. Đức tin tin cậy lời hứa, hi vọng mong chờ điều chưa thấy của lời hứa; đức tin sinh ra hi vọng, hi vọng sinh nhẫn nại, đức nhẫn nại là cần thiết để chờ đợi vinh quang sẽ đến (24–25).  Các tín hữu thật được thêm hai đặc quyền nữa: a) được Đức Thánh Linh giúp đỡ trong sự cầu nguyện (26–27), b) mọi việc Chúa cho phép xảy ra đều nhằm ích lợi cho con cái Ngài (28). Khi chúng ta còn sống trên trần thế, chờ đợi và hi vọng những điều mình chưa thấy, chúng ta dâng lên Chúa lời cầu xin điều mình ao ước.  Nhưng bản chất yếu đuối của chúng ta khiến mình không biết cầu nguyện thế nào cho đúng, bởi chúng ta ngu dại như con trẻ, lời cầu nguyện bị phân tâm chi phối bởi sự hiểu biết thiển cận cùng các ý thích của xác thịt; cho nên, Đức Thánh Linh phải giúp đỡ sự yếu đuối ấy; nhất là lúc đức tin nao sờn khi bị khổ nạn. Đức Thánh Linh, Đấng ngự trong lòng hiểu rõ các yếu đuối chúng ta đang có, liền hành động thay cho chúng ta như một Thần ân điển và khẩn nài về những gì chúng ta không thể nói thành lời.  Không có nghĩa là chúng ta cứ thụ động trông chờ Đức Thánh Linh làm hết mọi chuyện; khi Ngài đã khởi sự đi trước, chúng ta phải khuấy động chính mình và cầu nguyện theo những lời Đức Thánh Linh đang khơi lên trong trí, vì Ngài là Thần khai sáng dạy dỗ chúng ta những gì phải cầu nguyện.  Đức Thánh Linh trong lòng ta không bao giờ mâu thuẫn với Đức Thánh Linh trong lời Đức Chúa Trời; cho nên, những ao ước nào trái ngược với ý muốn của Đức Chúa Trời thì không đến từ Đức Thánh Linh.

Rất nhiều lần chúng ta vẫn thấy hoạn nạn khốn khó tiếp tục xảy ra dù biết Đức Thánh Linh đang cầu thay cho mình.  Điều mà chúng ta không biết ấy là vì lợi ích chúng ta mà các thử thách đã được Chúa cho phép xảy tới (28).  Thay vì sầu khổ, hãy vui mừng vì biết rằng mình được kêu gọi và chứng nhận rằng mình yêu mến Chúa, rằng mình thật đang được thánh hoá.  Sự phối hợp của mọi việc ví như nhiều thành tố của một món thuốc chữa trị một căn bệnh.  Chúng ta biết điều đó qua Lời Đức Chúa Trời, qua kinh nghiệm cá nhân, và kinh nghiệm của nhiều thánh đồ.

29–30 liên quan đến giáo-lý tiền-định.  Đã có nhiều ý kiến diễn giải sai lầm giáo lý nầy khi cho rằng nếu đã trở thành tín hữu thì trước sau gì cũng sẽ được cứu dù có sống đời tín đồ bệ rạc ra sao đi nữa.  Lý luận ấy bỏ qua câu “cho họ trở nên giống như hình ảnh Con Ngài,” là việc mà Chúa phải dùng toàn thể sự thánh hoá để con cái Ngài có thể trở nên giống như Đấng Christ.  Vì không ai biết mình được chọn cho đến khi biết mình đang được biến đổi để sẽ trở nên giống như Đấng Christ; đời tín đồ yếu đuối bạc nhược là cách sống phản lại mọi nguyên tắc thánh khiết của thiên đàng, cách sống ấy chà đạp huyết của giao ước, thì không còn tế lễ chuộc tội để được xưng công chính (Hêb.6:4–8; 10:26).  Đó không phải là người được Chúa kêu gọi.  Ai được sự cứu rỗi tiền định, ấy là người được Chúa xưng công chính qua đức tin và giúp người đó được thánh hoá để hưởng vinh quang.

Những đặc quyền của Cơ-đốc-nhân sẽ đem lại ích lợi gì?  Đức Chúa Trời đứng với chúng ta có nghĩa là gì?  Có nghĩa là chẳng những phục hoà với chúng ta, Ngài còn ban giao ước mới, đến ngự trong lòng người tin, ban cho những lời hứa phước hạnh, các thuộc tánh toàn năng, toàn tri, toàn tại đều dành cho chúng ta; mọi sự Ngài là, sở hữu, hành động thì dành hết cho con cái Ngài.  Như vậy ai dám chống nghịch người Chúa đã chọn và kêu gọi? (31).  Việc Đức Chúa Trời không tiếc chính Con Một của Ngài, mà ban cho chúng ta làm giá chuộc tội, chứng tỏ tình yêu của Ngài dành cho nhân loại là không bờ bến.  Việc Chúa bày tỏ tình yêu ấy bằng chương trình cứu chuộc tuyệt vời chứng minh rằng Ngài sẽ không giữ lại bất cứ điều gì chúng ta cần (32).

Đối với mọi lời cáo buộc, lên án từ luật pháp, lương tâm, ma quỷ, vv., thì chúng ta đã có câu trả lời sẵn sàng đầy đủ: “Đức Chúa Trời, Vị Quan Án Tối Cao, đã kể tôi là công chính!”(33–34).  Các thánh đồ không bao giờ sợ bị vuột mất Đấng Christ vì bất kỳ nguyên nhân nào, vì họ có một sự bảo đảm chắc chắn được bảo tồn số phận phước hạnh của họ cho đến cuối cùng từ Đấng Toàn Năng yêu thương họ hết lòng, rằng họ sẽ toàn thắng (35–37).  Chúng ta phải như Phaolô tin chắc vì được thuyết phục bởi kinh nghiệm được sức mạnh, sự ngọt ngào của tình yêu thiên đàng rằng: Dù sự chết hay sự sống, thiên sứ hay ác quỷ, việc hiện tại hay tương lai, trên đỉnh cao giàu sang thịnh vượng hay dưới đáy nghịch cảnh ô nhục, cũng chẳng có quyền thế hoặc loài thọ tạo nào có khả năng phân cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời, trong Đức Chúa Giêxu Christ. Đây là tiếng reo hò hân hoan đắc thắng của các đặc quyền tột bậc mà mọi con cái thật của Chúa chắc chắn được hưởng.  Hãy nắm chắc những gì chúng ta đang có.

BHKTRoma08b.doc

Rev. Dr. CTB