Chúa Nhật, November 13th, 2011 – Cuộc Tranh Chấp Trong Lòng (1) (Các Vấn Đề Tâm Linh p.1)

Chúa Nhật, November 13th, 2011

Các Vấn Đề Tâm Linh, 01

Cuộc Tranh Chấp Trong Lòng (1)

Rôma 7:14–25; Galati 5:17

Có hai loại tín hữu mang đời sống tâm linh yếu đuối. Loại thứ nhất không quan tâm chút nào đến tội lỗi, hoặc cho rằng sự phạm tội chẳng có gì quan trọng, vì họ cho rằng đã tin Chúa thì dẫu có sống thế nào rồi cũng sẽ được lên thiên đàng. Loại thứ nhì thì biết rõ hậu quả tai hại của tội lỗi nhưng chưa thoát khỏi thói quen phạm tội. Cuộc xung đột bên trong tâm hổn của loại tín hữu nầy cứ mãi tiếp diễn. Có người dùng Rôma 7:19 để biện minh “vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.” Họ nghĩ rằng, đến như sứ đồ Phaolô mà còn thất bại đối với xác thịt, thì họ làm sao có hi vọng thắng nổi?! Vì thế, họ cứ buông xuôi trước dục vọng của thói quen phạm tội. Câu Kinh Thánh Galati 5:17 là chỗ duy nhất sứ đồ Phaolô nói về cuộc xung đột trong lòng người giữa xác thịt với Đức Thánh Linh theo ý nghĩa của Rôma 7:14–25, mặc dù phân đoạn Rôma nầy không đề cập gì đến Đức Thánh Linh.

Thật ra, tín hữu thường lầm lẫn khi đọc Rôma 7:14–25, là phân đoạn Kinh Thánh diễn tả cuộc xung đột trong nội tâm của người sống dưới ách của luật pháp, chưa được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Những người vội vàng tóm lấy ý nghĩa bề mặt của phần Kinh Thánh nầy để áp dụng cho tình trạng tâm linh của mình là những người đã kinh nghiệm thất bại trước tội lỗi. Nghĩ rằng sự giúp sức đầy đủ của Đức Thánh Linh trong đời nầy để thắng những ham muốn của xác thịt là không thực tế, không thể áp dụng được vì sẽ chẳng xảy ra! Phaolô viết phân đoạn nầy để diễn tả thực trạng của những người ở dưới luật pháp, chưa bao giờ kinh nghiệm được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, vẫn còn bị bản ngã xác thịt cai trị. Nghĩa là ông nói về tình trạng của ông khi chưa tiếp nhận Đấng Christ. Không phải ông nói về tâm trạng của người đã được ở dưới giao ước mới đang phải đối phó với quyền lực của tội lỗi.

Cảm nghĩ không thể vượt thắng nổi những ham muốn của lòng mình, thật ra, là hậu quả của chủ nghĩa cá nhân tây phương quá lố, đã làm cho cuộc tranh chiến tiếp tục hoành hành trong tâm hồn của nhiều tín hữu. Sự tự yêu mình quá mức đã khiến họ chỉ chăm chú vào cuộc xung đột bên trong, thất vọng về sự bất toàn của mình, không thể bước đi theo Đức Thánh Linh cách tự tin hay không thấy hình ảnh Đấng Christ thành hình trong lòng mình. Trong lòng những người nầy, tình yêu đối với Chúa chỉ là vờ vĩnh; kể cả sự vui mừng, bình an, hoà nhã cũng chỉ là giả bộ bề ngoài. Họ thường trách móc Chúa tại sao không ban năng lực cho họ.

Ở Galati 5:17, Phaolô không nói về sự phấn đấu để thắng hơn những lỗi lầm kín đáo, nhưng nói về sự công khai không vâng lời Chúa trong hình thức “cố ý phạm tội.” Ở câu nầy Phaolô nói về sự trái ngược giữa Đức Thánh Linh với xác thịt. Hãy để ý rằng không chỗ nào trong các thư tín của Phaolô mô tả đời sống Cơ-đốc-nhân dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, là một đời sống tranh đấu triền miên với xác thịt. Ý của ông là muốn nêu lên sự đầy đủ của Thánh Linh cho dân sự của Đức Chúa Trời vào thời tận thế. Quan điểm của Phaolô là, đối với các tín đồ của Đức Chúa Giêxu Christ, thời đại xác thịt đã chấm dứt, cũng giống như việc không còn cần phải tuân theo luật pháp Môise. Như trong Rôma 7:4–6 nói, với giao ước mới, Đấng Christ và Đức Thánh Linh đã kết thúc luật pháp và xác thịt, là những thứ thuộc về thời đại trước và ngoài Đấng Christ.

Điều đó KHÔNG có nghĩa là tín hữu sống bởi Đức Thánh Linh thì không bao giờ bị cám dỗ bởi đời sống cũ trong xác thịt, hoặc họ sẽ không bao giờ bị xác thịt làm cho vấp ngã. Họ vẫn bị cám dỗ, vẫn bị vấp ngã; nhưng khi họ ăn năn thì được tha thứ và được phục hồi hoàn toàn. Chữ xác thịt mà Phaolô dùng ở đây là nói về bản chất tội lỗi mà Rôma 7:23 nói là ‘luật khác,’ tức là đời sống thất bại cũ dưới luật pháp. Cho nên, nếu chúng ta vẫn còn những xung đột giữa các sự ham muốn tội lỗi của xác thịt, nghịch lại ý muốn bước đi theo Thánh Linh, thì có nghĩa là chúng ta vẫn tiếp tục cư xử theo những giá trị và quan điểm mà mình có trước khi tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời, tức là đời sống của người chưa nhận biết Đấng Christ, vẫn sống như kẻ thù của Đức Chúa Trời. Vì vậy, ý của Phaolô là ‘hãy chấm dứt kiểu sống đó, cổi bỏ con người cũ đi, và hãy mặc lấy người mới’ (Êphêsô 4:22, 24).

Lý luận của Phaolô xem xác thịt là thuộc về quá khứ của tín hữu, chẳng khác nào người làm theo luật pháp Môise. Ông viết trong Rôma 7:5–6: “Trước kia, khi chúng ta còn bị xác thịt chi phối, các ham muốn tội lỗi bị luật pháp gợi lên, hoành hành trong chi thể chúng ta, kết quả là sự chết. Nhưng bây giờ, chúng ta đã được giải thoát khỏi luật pháp, đã chết đối với điều vẫn trói buộc chúng ta, để có thể phục vụ Đức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, chứ không theo cách cũ của văn tự.”

Vì thế Phaolô viết: “Do tình yêu thương của Đấng Christ thôi thúc, chúng tôi nghĩ rằng: Nếu một Người đã chết vì mọi người, thì mọi người đều chết; và Ngài đã chết vì mọi người, để những người được sống không còn sống vì mình nữa, nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại cho mình. Cho nên, từ nay chúng tôi không còn nhận xét ai theo quan điểm người đời nữa, dù trước kia chúng tôi đã nhận biết Đấng Christ theo quan điểm người đời, nhưng nay không còn biết Ngài theo cách ấy nữa. Vậy, ai ở trong Đấng Christ là con người mới; những điều cũ đã qua, kìa, những điều mới đến!” (2Côrinhtô 5:14–17).

Sự sống lại của Đấng Christ và ân tứ của Đức Thánh Linh đã thay đổi mọi điều. Cách sống cũ lấy cái tôi làm trung tâm, quan điểm sống hướng về thế giới thọ tạo vật chất. Quan điểm đặt nặng trên quyền thế, ảnh hưởng, giàu có, và khôn ngoan, là thứ quan điểm cũ của tâm tánh xác thịt, dù vẫn tiếp tục hoạt động trong nhiều tín hữu ngày nay, đã phải chấm dứt đối với những ai ở trong Đấng Christ, vì tất cả những điều đó đã qua rồi; trong thời đại của Đức Thánh Linh thì mọi điều mới đến. Trong sự chỉ dẫn của Chúa thì những định nghĩa về những gì có giá trị đã hoàn toàn thay đổi. Quyền phép hay năng lực của tín hữu không nằm ở bề ngoài, nhưng trong Thánh Linh, là Đấng ngự trong lòng người tin, để biến đổi con người bề trong thành hình ảnh của Chúa.

Hình ảnh tương phản rõ rệt trong Rôma 8:5–8 cũng không đề cập sự xung đột trong lòng. Vì một lần nữa, Phaolô mô tả hai thực trạng và xác định rằng hai thứ đó không thể hợp với nhau. Đề cập về người sống theo xác thịt ở chỗ nầy không phải là tín hữu thật, dù họ có ở trong đạo, họ vẫn ở ngoài Đấng Christ, có tâm trí chăm chú vào những điều xác thịt ưa muốn. Tâm lý đó thù nghịch với Đức Chúa Trời, bởi vì không thể phục luật pháp và không thể làm Chúa hài lòng. Kết cục là sự hư vong. Những người sống theo Thánh Linh khác hẳn người sống theo xác thịt. Tâm trí của họ chỉ chăm chú những điều thuộc về Đức Thánh Linh, bởi vì tâm trí đó đã được Thánh Linh đổi mới. Vì vậy họ sống trong sự bình an, tìm được sự sống, thay vì hư mất.

Cho nên, Phaolô viết rõ trong Rôma 8:9 rằng: “Nếu anh em thực sự có Thánh Linh của Đấng Christ ngự trong mình, anh em không sống theo xác thịt nhưng theo Thánh Linh…” Ông không nói rằng cuộc sống trong Thánh Linh là một cuộc đi dạo nhàn nhã; mà tín hữu phải tiếp tục nhờ Thánh Linh làm chết những gì đã chết. Nếu trước kia bị xác thịt cai trị, thì nay vâng phục Đức Thánh Linh, sống theo Ngài và được Ngài hướng dẫn. Đời sống trong Đức Thánh Linh không phải là thụ động, sự vâng lời cũng không tự động đến. Chúng ta vẫn phải tiếp tục sống trong thế giới bị xác thịt cai trị, nhưng chúng ta phải sống khác hẳn để được Đức Thánh Linh dắt dẫn, ban năng lực, sinh ra trái công nghĩa; thay vì tiếp tục những công việc mà xác thịt ham muốn.

VanDeTamLinh01.docx

Rev. Dr. CTB