Tính Chất Quan Trọng của Cầu Nguyện

Chúa Nhật, May 13th, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 26

Tính Chất Quan Trọng của Cầu Nguyện

Sáng Thế 21:17, 19

 

Mọi con cái Chúa cần phải hiểu biết tính chất quan trọng của sự cầu nguyện, cũng như các điều tác hại của nếp sống thuộc linh thiếu cầu nguyện. Không cơ thể sống nào có thể duy trì sự sống mà không cần đến dưỡng khí. Sự sống tâm linh của công dân thiên đàng cũng không sinh động được nếu thiếu cầu nguyện. Một tín hữu không cầu nguyện thì đời sống tâm linh của người ấy không có chút sinh khí hoặc sức mạnh nào hết. Loại tín hữu như thế luôn luôn thất bại trong mọi lãnh vực sống đạo, không khi nào có thể thắng được những sự cám dỗ của thế giới tối tăm. Về mặt trận truyền giáo thì họ đã bị loại khỏi vòng chiến; vì thế, chưa bao giờ kinh nghiệm được niềm vui thiên đàng. Lãnh vực siêu nhiên là điều hoàn toàn xa lạ với những người nầy. Họ sống dưới sự điều khiển của các thế lực trong thế giới tối tăm, không hi vọng gì được tự do.

Điều quan trọng mà chúng ta cần phải biết là mình không thể đồng một lúc vừa là người cầu nguyện mạnh mẽ, vừa là người thiếu cầu nguyện; hoặc tình trạng nầy, hoặc tình trạng kia, không thể là cả hai. Thiếu cầu nguyện so với không cầu nguyện là hai tình trạng khác nhau. Thiếu cầu nguyện là tình trạng thời gian cầu nguyện của tín hữu ít hơn một giờ mỗi ngày. Thời lượng cầu nguyện tối thiểu nầy là do Đức Chúa Giêxu đặt ra: “Các con không thể thức với Ta một giờ sao?” (Mathiơ 26:40). Dr. Moses Aransiola, người Nigeria, từng nói “Sự thiếu cầu nguyện là tình trạng không tìm được niềm vui trong sự cầu nguyện.” Tâm trạng ấy khác hẳn với nỗi khát khao của Đavít, vua Israel: “Tôi đã xin Đức Giêhôva một điều và sẽ tìm kiếm điều ấy! Đó là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giêhôva, để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giêhôva, và cầu hỏi trong đền của Ngài” (Thi-thiên 27:4).

Người thiếu cầu nguyện là người không thấy thích thú gì khi nghe nhắc tới cầu nguyện; có lẽ cũng chưa khi nào kinh nghiệm được tâm trạng êm ấm ngọt ngào lúc trò chuyện với Chúa, nghe lời chỉ dẫn của Ngài. Thiếu cầu nguyện là chỉ nhớ đến Chúa trong giờ cầu nguyện mà thôi, chẳng suy gẫm về Ngài ở mọi lúc khác; vì cầu nguyện là liên lạc thường xuyên với Đức Chúa Trời, vui thích trò chuyện với Ngài luôn luôn. Thiếu cầu nguyện thì không thể đạt đến sự thánh khiết Chúa muốn chúng ta đạt tới. Thiếu cầu nguyện là không cầu nguyện để khởi đầu một ngày với bất cứ công việc gì, vì không cảm thấy muốn cầu nguyện. Thiếu cầu nguyện là buổi sáng thức dậy chọn đọc báo, tìm kiếm tin tức, trước khi đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Người thiếu cầu nguyện rất ít khi xuất hiện trong các buổi cầu nguyện chung của Hội Thánh.

Cầu nguyện đòi hỏi phải tự áp dụng kỷ luật thiêng liêng. Như Đaniên biết chắc mình sẽ bị ném cho sư tử xé xác nếu không ngừng cầu nguyện trong một tháng, ông vẫn giữ kỷ luật ngày ba lần mở cửa sổ hướng về Giêrusalem, quỳ xuống cầu nguyện với Chúa trên trời. Cầu nguyện là phương cách giúp biến đổi tánh tình chúng ta ngày càng tốt hơn. Một người đã quen cầu nguyện sẽ cảm thấy như thiếu mất bữa ăn thiết yếu, nếu người đó bị lỡ giờ cầu nguyện thường ngày của mình. Những người thiếu cầu nguyện cũng bộc lộ thực trạng của họ khi chỉ cầu xin cho cá nhân mình. Thiếu cầu nguyện là thích nói và đọc sách về cầu nguyện thay vì thực hành cầu nguyện.

Sự thiếu cầu nguyện len lỏi vào đời sống tín hữu khi Đức Thánh Linh bị làm cho buồn lòng, và Ngài lẳng lặng lui khỏi lòng tín hữu. Từ đó thì giờ cầu nguyện thường bị lãng quên; nó cũng biểu lộ dấu hiệu của nó khi một buổi cầu nguyện không tạo nên sự hào hứng ước ao một lần cầu nguyện kế tiếp. Tín hữu thiếu cầu nguyện là người không nhận được điều mình cầu xin nhiều lần gấp bội hơn là nhận được. Người thiếu cầu nguyện không bao giờ cảm thấy có lỗi khi hoàn cảnh hay công việc bất ngờ xảy đến buộc mình phải bỏ qua thì giờ cầu nguyện thường ngày. Sự thiếu cầu nguyện cũng không bao giờ giúp tín hữu kinh nghiệm mối tương giao ngọt ngào với Chúa.

Bất cứ ai cũng có thể cầu nguyện; không cần phải là một chiến sĩ cầu nguyện mới biết cầu nguyện là thế nào. Thiếu niên Ismael và mẹ là Aga bị đuổi khỏi nhà cha mình là Ápraham, đã kêu khóc vì khát nước trong sa mạc Bê-e-Sê-ba. Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Trời nghe tiếng đứa trẻ khóc, thì thiên sứ của Đức Chúa Trời từ trên trời gọi nàng Aga mà phán rằng: Hỡi Aga! Ngươi có điều gì vậy? Chớ sợ chi, vì Đức Chúa Trời đã nghe tiếng đứa trẻ ở đâu đó rồi……..…. Đoạn, Đức Chúa Trời mở mắt nàng ra; nàng bèn thấy một cái giếng nước, và đi lại múc đầy bầu cho đứa trẻ uống” (Sáng Thế 21:17, 19). Đừng ai nói rằng mình không biết cầu nguyện. Nếu ai biết hỏi xin chút nước uống từ người khác, thì người đó biết cầu xin Chúa những điều mình cần lúc cầu nguyện. Có lẽ ý nghĩa thật của lời phát biểu: “Tôi không biết cầu nguyện,” tình thật là không biết hình thức của một bài cầu nguyện gồm có những thứ gì cho thích hợp. Đây là tâm lý thường có trong lòng của các tân tín hữu chưa được dạy về ý nghĩa và phương cách cầu nguyện.

Những bài cầu nguyện mẫu ngắn gọn, súc tích, đầy đủ sẽ được soạn và cung cấp là vì nó rất cần thiết để giúp đỡ anh chị em tân tín hữu cảm thấy tự tin khi cầu nguyện. Nhưng việc nầy cũng có thể tạo ra một tình trạng khá tai hại là nếu không được giải thích rõ hay theo dõi chăm sóc kỹ, thì sẽ khiến một số người hiểu lầm nó là các bài kinh nhật tụng, thay vì sử dụng như một khuôn mẫu ví dụ, rồi thay thế bằng nội dung của lòng mình muốn cầu xin hoặc dâng lên cho Chúa.

Cầu nguyện không phải là trao cho Chúa một loạt thỉnh cầu mà mình muốn Chúa thực hiện cho, rồi phủi tay bỏ đi lo chuyện khác. Cầu nguyện cũng là thì giờ thuận lợi nhất để có thể nghe tiếng Chúa phán với mình. Không chịu lắng nghe thì không thể nào nghe được tiếng Chúa. Tiếng phán của Ngài là những ý tưởng sâu kín nghe được qua sự tĩnh lặng của tâm linh. Chúa vận hành bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta phải học biết những cách ấy của Ngài. Sự ồn ào trong một tâm hồn đang bối rối, âu lo, hoặc chỉ chăm chú vào sự náo nhiệt của danh vọng, tình cảm hay vật chất trần gian, sẽ khiến cho tai tâm linh không thể nghe được tiếng Chúa phán với mình. Hãy tập luyện thính giác tâm linh nắm bắt được giọng nói thương yêu của Đức Chúa Trời phán qua Đức Thánh Linh; bằng cách đọc, suy gẫm Kinh Thánh và chờ đợi nghe tiếng Ngài trong cảnh tĩnh lặng. Mỗi lần chúng ta đến với Chúa, hãy mong đợi sự trả lời từ nơi Ngài.

Sở dĩ đa số người không nhận được sự trả lời vì không mong đợi bằng đức tin, và vì sự thiếu kiên nhẫn. Một số khác không nhận được do tâm hồn họ có quá nhiều tiếng ồn. Tĩnh lặng là cách để nghe tiếng Chúa rõ ràng, vì ồn ào làm cho lòng và trí não đều bị chi phối, phân tâm. Tâm linh không tĩnh lặng là nguyên nhân khiến chúng ta pha trộn tiếng nói của chính lòng mình với tiếng của Chúa. Vì vậy hãy tập luyện để biết phân biệt giữa tiếng nói nội tâm với tiếng Đức Chúa Trời. Có nhiều lúc chúng ta cầu nguyện mà lòng đang có nhiều gánh nặng cản trở. Dù Chúa có phán đi nữa, ta cũng không thể nghe được tiếng Ngài trong tình trạng như vậy.

Trong sự cầu nguyện của những người công chính (là những người đã được huyết Đức Chúa Giêxu tẩy sạch tội lỗi) luôn luôn có quyền năng. Nếu sự cầu nguyện chẳng có quyền năng gì, thì không ai thèm cầu nguyện. Nếu cầu nguyện không phải là phương cách hiệu quả làm chuyển đổi hoàn cảnh hay tình thế, thì không ai phí thì giờ để cầu nguyện. Con cái chân thật của Chúa thành tâm cầu nguyện vì biết rằng nó là vũ khí có thể làm thay đổi những hoàn cảnh không thể thay đổi theo cách nhìn của loài người. Những lời cầu nguyện thống thiết tuôn chảy từ những tâm hồn trĩu gánh nặng vì sự cứu rỗi của những linh hồn đang hư mất, hoặc vì những tình cảnh cấp bách tuyệt vọng của chính mình hay người thân, Hội Thánh, vv., sẽ làm chuyển đổi hoàn cảnh, đổi tăm tối thành ánh sáng, thua bại thành chiến thắng vinh quang, thất vọng buồn bã thành niềm vui tràn trề hi vọng. Không gì có thể thay thế sự cầu nguyện để duy trì mối tương giao với Chúa. Hãy duy trì một nếp sống cầu nguyện năng động. Chúng ta sẽ tiếp tục học biết cách cầu nguyện thật hiệu quả cho mọi hoàn cảnh.

VanDeTamLinh26.docx

Rev. Dr. CTB