Các Nguyên Tắc Cầu Nguyện

Chúa Nhật, June 3rd, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 27

Các Nguyên Tắc Cầu Nguyện

Giăng 16:26–27

 

Trong quyển sách “Quyền Năng của Sự Cầu Nguyện” MS Mosy Madugba giải thích rằng sự cầu nguyện có nhiều cách, ví như một xâu chìa khoá mỗi chìa mở một ổ khoá khác nhau. Nếu tra đúng chìa của ổ khoá thì mới có thể mở cách dễ dàng êm thấm. Ngược lại, nếu tra sai chìa, ổ khoá sẽ không chuyển động, và không mở cửa được. Nan đề không mở được cửa không phải là ổ khoá không có chìa, mà thường là chúng ta tra sai chìa. Không thể nhét hai ba chìa một lượt vào lỗ khoá, chỉ có thể mỗi lần tra một chìa. Sự cầu nguyện tương tợ như vậy; mỗi lần cần phải tập trung chú ý vào một loại cầu nguyện mà thôi. Những người không hiểu nguyên tắc nầy đã thử cầu nguyện nhiều cách khác nhau. Trong tiến trình như vậy, may sao họ ‘tra đúng chìa,’ nhận được kết quả sau nhiều lần không thành công. Điều nầy có thể tạo ra một ý nghĩ sai là Đức Chúa Trời chậm đáp lời. Giacơ 4:3 diễn tả: “Anh em cầu xin nhưng vẫn không được, vì anh em cầu xin với lý do sai lầm: muốn thoả mãn dục vọng.

Thực tế trong đời, không ai tra hai chìa đồng lúc vào một lỗ khoá, vì biết rằng điều đó không có kết quả. Lãnh vực tâm linh cũng vậy. Nếu ai muốn giải quyết một phương diện nào đó, hãy chú tâm làm cho xong trước khi chuyển qua chiều kích khác, nếu cần thiết. Khi chúng ta sử dụng đúng chìa cho mỗi việc nhân Danh Đức Chúa Giêxu đúng cách, thì lời cầu nguyện sẽ đem hiệu quả đến như chúng ta mong muốn. Đề cập về Danh Đức Chúa Giêxu khi Ngài nói: “Ngày ấy, các con sẽ nhân danh Ta cầu xin;…” thì Ngài không có ý nói rằng người cầu nguyện sử dụng Danh Ngài như lời thần chú để tạo ra hiệu quả mong muốn; mà ‘nhân danh Ta’ có nghĩa là “các con sẽ tương giao mật thiết với Ta đến độ các con sẽ hợp nhất với Ta, và ý muốn của Ta trở thành ý muốn của các con.’ Như Ngài đã dạy: “Nếu các con tiếp tục ở trong Ta, và lời Ta ở trong các con, hãy xin điều gì các con muốn, sẽ được điều đó” (Giăng 15:7).

Việc được hợp nhất với Chúa không phải sẽ xảy ra khi chúng ta về thiên đàng, nhưng là một sự kiện diễn ra trong thời kỳ hiện tại; bởi vì sự cầu xin chỉ áp dụng đang khi chúng ta còn sống ở thế gian. Như lời bày tỏ của Đức Chúa Giêxu: “Ta không nói: Ta sẽ cầu xin Đức Chúa Cha cho các con, vì chính Đức Chúa Cha yêu các con, bởi các con đã yêu mến Ta, và tin rằng Ta từ Đức Chúa Trời mà đến” (Giăng 16:26b–27). Tình Đức Chúa Cha yêu chúng ta thể hiện qua sự nhậm lời cầu nguyện, là bằng chứng rằng chúng ta đã được hợp nhất với Đấng Christ. Xin đừng nghĩ rằng hợp nhất với Đức Chúa Giêxu là được miễn trừ khỏi những khó khăn, hoạn nạn và tình trạng bất trắc của đời sống. Vì Đức Chúa Giêxu có cho biết: “Trong thế gian, các con sẽ gặp hoạn nạn, nhưng hãy vững chí, Ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33). Giống như Đức Chúa Giêxu biết rõ lòng và ý muốn của Đức Chúa Cha, thì chúng ta nhờ hợp nhất với Ngài được đem lên linh giới của Ngài qua phép báp têm bằng Đức Thánh Linh, để Ngài có thể mặc khải sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời cho chúng ta, hầu cho chúng ta biết cầu nguyện phù hợp với ý muốn Đức Chúa Cha.

Vậy thì, tất cả bí quyết về sự cầu nguyện được nhậm lời hay không đều tuỳ thuộc thực trạng tương giao và hợp nhất giữa chúng ta với Đức Chúa Giêxu Christ; nó cũng được gọi là tình trạng tâm linh khoẻ mạnh, vì là yếu tố chính để chúng ta nhận được, hay không nhận được báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Chúng ta phải vươn tới tình trạng giống như Đức Chúa Giêxu khi đến với Đức Chúa Cha, là Ngài không có chút tì vết nào; nghĩa là mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời cũng phải được thông suốt như vậy. Mối liên hệ tương giao giữa các thánh đồ với Đức Chúa Giêxu Christ phải đạt mức hễ “điều gì các con nhân danh Ta cầu xin Đức Chúa Cha, Ngài cũng ban cho” (Giăng 16:23b). Đức Chúa Trời chỉ đáp lời nài xin khẩn cầu của các thánh đồ qua Danh Đức Chúa Giêxu Christ, khi những người ấy hợp nhất với Con Ngài qua quyết định của họ sẵn sàng đồng chết và đồng sống lại với Cứu Chúa của mình; bởi vì “nếu chúng ta cùng chịu khổ đau với Ngài, hẳn chúng ta cũng được hưởng vinh quang với Ngài” (Rôma 8:17). Đây là điều kiện tiên quyết phải có trước khi chúng ta bước vào đời sống cầu nguyện của một thánh đồ.

Khi có đủ điều kiện của một tâm linh khoẻ mạnh để nhận được sự xức dầu của Chúa, tức là được Đức Thánh Linh trang bị cho năng lực và sự hiểu biết tâm linh về ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ bắt đầu biết cầu nguyện đúng cách và có hiệu quả. Hãy cùng xem xét vài hình thức cầu nguyện khác nhau.

Cầu nguyện ăn năn là loại cầu nguyện mà chúng ta để cho sự soi xét của Đức Thánh Linh rà soát lòng chúng ta và tẩy sạch mọi thứ rác rến nào cản trở sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Ví dụ như lời cầu nguyện của Đavít: “Đức Chúa Trời ôi, xin dò xét con và thấu rõ lòng con; xin thử nghiệm con và biết những ưu tư khắc khoải của con, để xem trong tâm trí con có tư tưởng xấu nào chăng. Cầu xin Ngài dẫn đưa con vào con đường đời đời” (Thi Thiên 139:23–24). Đavít luôn luôn ăn năn trước mặt Chúa mỗi lần ông nhận biết ông đã làm buồn lòng Ngài vì lỗi lầm mà ông đã phạm. Ông nhường cho ngọn đèn soi xét của Thánh Linh Đức Chúa Trời chiếu rọi vào mọi ngóc ngách của lòng ông, và tẩy sạch những gì ô uế. Khuôn mẫu về loại cầu nguyện nầy có thể tìm thấy ở Thi Thiên 51:1–10. Lòng thành thật ăn năn là chìa khoá có thể mở nhiều cánh cửa cho người cầu nguyện.

Những phần trong hình thức cầu nguyện nầy có thể bao gồm những lời bày tỏ lòng ngưỡng vọng: “Chúc tụng Đấng Tối Cao. Ca ngợi và tôn vinh Đấng hằng sống đời đời. Vì quyền tể trị của Ngài là quyền tể trị đời đời. Vương-quốc Ngài tồn tại từ đời nọ sang đời kia. Mọi dân trên đất đều chẳng có quyền gì đối với Ngài. Ngài làm bất cứ điều gì Ngài muốn giữa các cơ binh trên trời và giữa các dân trên đất” (Đaniên 4:34-35); hay thêm sự ăn năn tội như Đức Chúa Trời có phán: “Nhưng nếu dân Ta, tức dân được gọi bằng Danh Ta, hạ mình xuống cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta, và bỏ con đường tà mà trở lại, thì Ta ở trên trời sẽ nghe, sẽ tha thứ tội của chúng và sẽ chữa lành đất nước của chúng” (2Sử Ký 7:14); xưng tội, đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi, và cự tuyệt những tội đã phạm, đều đem lại hiệu quả. Ví dụ như: “Nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng như chính Ngài ở trong ánh sáng, chúng ta có sự hiệp thông với nhau, và huyết Đức Chúa Giêxu Con Ngài làm sạch mọi tội chúng ta. … Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài, Đấng thành tín và công chính, sẽ tha tội chúng ta và tẩy sạch khỏi chúng ta mọi điều gian ác” (1Giăng 1:7, 9).

Sự ăn năn chân thật của người cầu nguyện là chìa khoá có thể mở nhiều cánh cửa khác nhau. Những cánh cửa nói ở đây là những ơn đặc biệt như: ân điển, sự nhân từ, sự tha thứ, sự phục hoà, sự phục hồi, và sự củng cố sức mạnh, mà con dân của Chúa luôn cần. Mặc dù các ơn vừa đề cập đã được ban cho mỗi cá nhân lúc người đó tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời, nhưng trong con đường bước đi theo Chúa, chúng ta vẫn cần được ban thêm những ơn ấy cho những nhu cầu đặc biệt vào nhiều hoàn cảnh đặc biệt; vì bản chất yếu đuối của con người xác thịt trong ta.

Cầu nguyện ăn năn là hình thức khởi đầu tuyệt vời nhất để những lời cầu xin của mình được Chúa lắng nghe và nhậm lời. Gương mẫu nầy được tìm thấy trong Nêhêmi 1:1–11; Đaniên 9:1–19. Hai phân đoạn Kinh Thánh trên trình bày lòng khiêm nhu, hạ mình xuống trước Đức Chúa Trời của người cầu thay, ăn năn, xưng tội của các tổ phụ và dân tộc, lòng thấy vô cùng đau đớn vì sự vi phạm và bất tuân của họ đã dẫn đến sự trừng phạt và báo ứng của Đức Chúa Trời đúng y theo lời ngăm đe của Ngài đối với những người bất tuân. Qua những diễn biến là kết quả của lời cầu nguyện ăn năn và nài khẩn của Đaniên (10:12–14, 20–21); sự thành công kỳ diệu của Nêhêmi trong việc tu bổ thành Giêrusalem giữa cơn chống đối, âm mưu hãm hại của những kẻ thù địch dân sự Chúa, người ta nhận thấy sự cầu nguyện ăn năn đã tạo sự dễ dàng cho mọi việc mà con dân Chúa cầu xin. Vì ăn năn là bày tỏ lòng tôn kính đối với Chúa qua sự cầu nguyện và cách sống. Ngài sẽ tôn trọng lời cầu xin ấy. Đừng nên xem sự đáp lời cầu nguyện từ Chúa là lẽ đương nhiên.

VanDeTamLinh27.docx

Rev. Dr. CTB