Lòng Tin Đúng

Phúc Âm Giăng, bài 21

Giăng 11:1–37

Tên của anh em La-xa-rơ, Ma-thê và Ma-ri được giới thiệu lần đầu tiên trong phần Kinh-Thánh nầy (1). Vì sự việc Ma-ri xức dầu thơm cho chân Đức Chúa Giêxu rồi lấy tóc mình mà lau chân Ngài được ghi trong đoạn tiếp theo; cho nên khó biết ý định của Giăng khi đặt chi tiết ấy ở phần nầy (2). Đức Chúa Giêxu đã làm rất nhiều phép lạ ở vùng Galilê. Tuy Ngài ít làm phép lạ tại Giêrusalem và vùng phụ cận, nhưng các phép lạ ấy đều hết sức kỳ diệu: chữa lành người bại đã 38 năm, người mù từ thuở sanh ra được sáng mắt, rồi Ngài gọi Laxarơ sống lại từ cõi chết. Ma thê và Ma-ri nhắn tin cho Đức Chúa Giêxu biết bạn của Ngài là La-xa-rơ đang bệnh nặng, vì tin rằng Đức Chúa Giêxu sẽ trở về chữa lành cho La-xa-rơ. Nhưng Ngài quyết định không về và nói rõ lý do La-xa-rơ phải chết là để Đức Chúa Trời vinh danh, nghĩa là Đức Chúa Giêxu sẽ làm phép lạ khiến kẻ chết sống lại (3–6). Các môn đồ của Chúa phản đối ý định trở lại xứ Giu-đê (7–8) vì thái độ thù nghịch của người Giuđa về việc Ngài chữa lành các tật bệnh trong ngày Sabát.

Câu trả lời của Đức Chúa Giêxu (9–10) có ý nghĩa đặc biệt: “Ban ngày có mười hai giờ phải không?” Người Giuđa chia ban ngày ra làm 12 giờ, nhưng ý nghĩa ‘ban ngày’ và ‘12 giờ’ ở đây nói về đời sống của một người; ‘ban ngày’ nầy phân ra theo tuổi tác, tình trạng, và các cơ hội khác nhau, dài hay ngắn tuỳ theo sự chỉ định của Đức Chúa Trời. Giống như không ai có thể thêm bớt chi được về thời gian của một ngày, thì thời gian sống, làm việc và cơ hội phục vụ Chúa của một người cũng không thể thay đổi. Khi chúng ta biết quan tâm tới điều nầy, chẳng những sẽ khiến chúng ta lo làm xong công việc của đời sống, mà còn khiến chúng ta kéo dài ‘ngày’ của mình; có nghĩa là thay vì nghỉ ngơi, chúng ta sẽ làm đến khi hoàn thành công việc Chúa giao cho và lời chứng về nếp sống đạo của chúng ta kết thúc. Đức Chúa Giêxu nói như vậy để nhắc các môn đồ mình rằng Ngài có một sự kêu gọi rõ ràng phải trở lại xứ Giuđê.

Ai đi trong ban ngày, sẽ không vấp ngã” (9), nghĩa là nếu ai chú ý vào nhiệm vụ của mình, lấy luật lệ Chúa làm phương châm của đời sống, tôn trọng tất cả các điều răn của Ngài, không do dự, nhưng bước đi thẳng tới, vững vàng, với một lòng tin cậy thánh khiết, thì sẽ không bao giờ vấp ngã. Bởi vì hễ ai chăm xem Đức Chúa Giêxu là sự sáng của thế gian, và nhờ ánh sáng đó thấy rõ con đường trước mặt mình, người ấy sẽ không màng tới sự an nguy riêng tư, chỉ lấy lời Chúa làm phương châm, và tôn quý sự vinh quang của Đức Chúa Trời làm cứu cánh; hai điều ấy như hai nguồn sáng hướng dẫn người tránh khỏi mọi điều nghi ngờ và là sự bảo vệ đầy quyền năng khỏi mọi thứ hiểm nguy “Khi tôi chăm chỉ về các điều răn Chúa, thì không bị hổ thẹn” (Thi Thiên 119:6). Hãy noi gương Chúa bước đi trong ‘ban ngày’ của đời mình.

Nhưng ai đi trong ban đêm, sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng” (10), nghĩa là bước đi theo ý tưởng riêng, quan điểm bị ảnh hưởng của trào lưu xã hội; cũng có nghĩa là làm theo sự lý luận của tâm tánh xác thịt mình, thay vì tìm kiếm sự vinh quang và ý chỉ của Đức Chúa Trời. Người nào làm như thế sẽ sa vào những chước cám dỗ và các bẫy rập của ma quỷ “vì không có ánh sáng trong người đó.” Sự soi sáng của lương tâm đạo đức Chúa ban trong lòng chúng ta sẽ soi sáng cho các hành động bên ngoài. Người không được soi sáng là người không có các nguyên tắc thiện hảo hướng dẫn, không chân thành, quan điểm sai lạc. Đức Chúa Giêxu nói như vậy để thúc giục môn đồ Ngài trở lại xứ Giuđê mà không sợ sự dữ nào. Mặc dù các môn đồ của Ngài đã lắm lần nghe Ngài nói theo nghĩa bóng, nhưng họ vẫn hiểu theo nghĩa đen (12-14).  Chữ ‘ngủ’ đối với tín hữu qua đời bây giờ cũng vậy, chết chỉ là giấc ngủ chờ ngày sống lại trong thân thể bất tử.

Đôi lúc Chúa chưa đáp lời cầu nguyện để sau nầy chúng ta tin Đức Chúa Trời cách vững vàng hơn (15), khi thấy quyền phép hay nhận được sự ban cho đặc biệt từ Ngài; lúc đó, chúng ta mới hiểu tại sao điều mình mong muốn bị trì hoãn. Bấy giờ, vài môn đồ của Ngài chưa biết Thầy mình cách rõ ràng và còn rất nhiều nghi ngờ (16). Khi nghe báo tin Đức Chúa Giêxu đến, Ma-thê dẹp bỏ mọi thứ lễ phép đối với khách tới chia buồn, vội vàng chạy ra đầu làng tiếp đón Ngài (17–20). Chúng ta nên bắt chước gương của Ma-thê đối với Chúa, cậy đức tin, hi vọng, và cầu nguyện để tiếp đón sự nhân từ và an ủi của Chúa khi Ngài đến để ban ơn phước và chu cấp cho chúng ta. Hai chị em Ma-thê, Ma-ri đều không nghĩ rằng Đức Chúa Giêxu có quyền phép khiến anh của họ sẽ sống lại từ cõi chết “Nếu Chúa có ở đây, anh con đã không chết!” (21,32)

Hai chị em, hai cách đón Chúa khác nhau. Ma-ri thì tuyệt đối tôn kính Đức Chúa Giêxu, quỳ phục dưới chân Ngài; còn Ma-thê chỉ vội vàng chạy ra tiếp đón một người thân là khách quý. Có lẽ họ có hai quan điểm khác nhau về vai trò của Đức Chúa Giêxu. Theo lời nói của Ma-thê thì có lẽ bà tin Đức Chúa Giêxu là một tiên tri từ Đức Chúa trời đến, và Ngài cầu xin điều gì cũng được Đức Chúa Cha nhậm lời (22). Trong khi đó lòng tôn kính của Ma-ri đối với Đức Chúa Giêxu xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân, là việc nhận được sự tha tội (Luca 7:36–50); cho nên, Ma-ri có một ý thức rõ ràng về vai trò Đấng Christ của Đức Chúa Giêxu. Chuyện tích về việc người đàn bà sẵn sàng đập bể bình ngọc đựng dầu cam-tòng-hương quý giá để xức dầu cho Đức Chúa Giêxu được chép trong tất cả bốn sách Phúc-âm (Mathiơ 26:7; Mác 14:3; Luca 7:37; Giăng 11:2; 12:3). Cách hành xử hoàn toàn giống nhau trong các chuyện tích chỉ có thể là từ lòng một người tôn kính Chúa mình.

Sự việc Đức Chúa Giêxu không nói gì với Ma-ri về sự sống lại, nhưng Ngài phải uốn nắn sự hiểu biết sai lạc của Ma-thê bằng một cuộc đối thoại đặc biệt về quyền năng của Ngài, ý nghĩa sự sống lại và sự sống thật Ngài ban (22–27), có lẽ đã chứng minh cho luận điểm nói trên. Đức Chúa Giêxu không cần chấn chỉnh những niềm tin đúng của chúng ta về Ngài; nhưng Ngài phải dạy dỗ chúng ta về những sự tin tưởng sai lạc, hoặc là từ sự suy diễn của chính chúng ta, hoặc là từ giáo hội hay giáo phái truyền đạt, hoặc do bị ảnh hưởng từ thành kiến của xã hội. Chẳng những chỉ là các quan điểm sai lạc về Ngài, mà còn là những hiểu biết sai lạc về Kinh-thánh, giáo lý, các vấn đề ăn ở, cư xử, cũng như các quan điểm thần học nữa. Ai cẩn thận giải nghĩa Kinh-thánh theo ý nghĩa đúng của Lời đã chép, thì chẳng khi nào phải lo sợ sự sai lầm. Người ta sai lầm khi cượng giải theo ý riêng để chứng minh một luận điểm không được Kinh-thánh ủng hộ.

Chúng ta học được nhiều điều qua các lời phán của Đức Chúa Giêxu: “Anh con sẽ sống lại” (23). Đấng có thể làm cho cả thế giới người chết qua nhiều thế hệ sống lại, thì việc làm cho người mới chết 4 ngày sống lại chỉ là một chuyện nhỏ. “…Ta là sự Sống lại và sự Sống. Ai tin Ta sẽ sống, dù đã chết. Còn ai sống mà tin Ta, sẽ không chết nữa.” (25). Đức Chúa Giêxu hứa hai điều cho ai tin Ngài: 1) Thể xác sẽ được sống lại đầy phước hạnh, mặc dù phải chết vì tội lỗi (Rôma 5:12,14); sự sống lại ấy là nhờ sự ban cho của ân điển, trở thành một thân thể vinh diệu bất tử, bất hoại. 2) Linh hồn người tin sẽ bất tử trong vinh quang; bất cứ ai đang sống trên trần thế mà chịu tin nhận Đức Chúa Giêxu là Ngôi Lời từ Đức Chúa Trời đã đến thế gian làm người để chịu chết thay chỗ cho chính mình, thì tâm linh người ấy dù đã chết bao lâu đi nữa, vẫn được Đức Thánh Linh ban cho sự tái sinh, thiết lập mối hiệp thông tương giao với Đức Chúa Trời (Rôma 5:15–16).

Mathê bắt đầu có sự tin tưởng đúng: “Lạy Chúa, có! Con tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, Đấng phải đến thế gian” (27); nhưng khi phải đứng trước thực tại mồ chôn người anh, bà vẫn chưa có ý niệm về quyền phép ban sự sống của Con Đức Chúa Trời (39). Như vậy lòng tin Đức Chúa Giêxu “là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, Đấng phải đến thế gian” của Ma-thê vẫn sai sót. Sự xúc động của Đức Chúa Giêxu trước cảnh mọi người khóc than chứng tỏ Ngôi Lời Nhập Thể đang mang nhân tính của loài người (28–38). Ngài vẫn xúc động khi bạn hữu của Ngài đau khổ. Ngài không dửng dưng trước nỗi đau của người khác. Mặc dù có đủ quyền phép thi hành mọi điều, Đức Chúa Giêxu vẫn bị lòng quặn đau và Ngài đã khóc (33,35,38). Nhiều người có lòng tin thì tràn trề hi vọng khi họ đã được chứng kiến quyền phép siêu nhiên mà Đức Chúa Giêxu đã bày tỏ qua các phép lạ chưa ai từng thấy trong thế gian (37). Chúng ta cũng sẽ có hi vọng tràn trề khi có lòng tin chính xác về Chúa của mình.

PhucAmGiang21.docx

Rev. Dr. CTB