Vận Dụng Ơn Tiên Tri

Hiểu Biết Ơn Tiên Tri, 15

peterdream

Vận Dụng Ơn Tiên Tri

Công Vụ Các Sứ Đồ 19:1–7

Sau khi đã nghiên cứu qua một số hiểm nguy và sai trật của việc vận dụng ơn tiên tri không đúng cách, chúng ta bắt đầu bước vào giai đoạn thứ nhì, thực tế hơn, đó là hiểu biết rõ về ơn tiên tri và những cách thực hành. Nhiều người thường đặt câu hỏi: “Lời tiên tri là gì và làm sao chúng ta có thể vận hành trong ơn ấy?” Theo định nghĩa căn bản dễ hiểu nhất thì: “Tiên tri có nghĩa là Đức Chúa Trời dùng con người để nói.” Toàn thể các lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước đều tuyên bố rằng “Đức Giêhôva phán” hay “Chúa phán.” Sứ đồ Phierơ trong thời Tân Ước nói như sau: “Người nào nói (giảng), hãy công bố lời của Đức Chúa Trời” (1Phierơ 4:11). Nhưng để có thể trở thành người phát ngôn cho Đức Chúa Trời, chúng ta phải hiểu biết hai đặc tính độc đáo của ơn tiên tri: Một là phải được Đức Thánh Linh ngự trong lòng, hai là ơn ấy cư ngụ sẵn trong lòng tín hữu, để hễ khi nào, hay ở đâu, Đức Thánh Linh muốn nói, thì người đó có thể phát ngôn.

Đây là hai nguyên tắc chủ yếu của việc nhận ơn tiên tri. Sự việc xảy ra ở Hội Thánh Êphêsô (Công Vụ 19:6) chứng minh cho nguyên tắc đầu. Khi Đức Thánh Linh giáng trên các môn đồ được Phaolô đặt tay và cầu nguyện, thì họ nói tiếng mới và nói tiên tri. Cần phải lưu ý là người ta chỉ có thể nhận được Đức Thánh Linh sau khi tiếp nhận ơn cứu rỗi, trong đó có sự tha tội, được tái sinh và bắt đầu bước đi trên tiến trình thánh hoá. Như vậy, một khuôn mẫu rất rõ ràng phải được thành hình là: Được cứu rỗi + được đầy dẫy Đức Thánh Linh à trở thành ống dẫn cho ơn tiên tri tuôn chảy. Nguyên tắc thứ nhì thì được gọi là ơn hay sự xức dầu cư trú trong tâm linh tín hữu; sở dĩ được gọi như thế để phân biệt với tiên tri thời Cựu Ước, là ảnh hưởng từ ngoài vào.

Sự tương phản nầy được thấy rõ khi so sánh các câu Kinh Thánh Cựu Ước với Tân Ước mô tả quyền cảm thúc người nói tiên tri: Dân Số 11:25, Êsai 42:1, Êxêchiên 11:5 so với Côlôse 1:27, Êphêsô 3:17, Công Vụ 2:4. Qua những câu Kinh Thánh nầy, chúng ta có thể thấy sự xức dầu cho các tiên tri thời Cựu Ước là do Thần của Chúa ngự trên, giáng trên. Trong khi đó vào thời Tân Ước thì Chúa ở trong lòng của tín hữu. Vì thế, người tin Đức Chúa Giêxu được đầy dẫy Đức Thánh Linh kể từ thời Tân-ước đến nay, thì không cần phải chờ Thần Đức Chúa Trời ngự trên mình để nói tiên tri; thay vào đó, chúng ta có thể thực hiện các thánh vụ, hoặc là nói tiên tri, chữa bệnh, vận dụng đức tin, vv, đều nhờ vào sự hiện diện của Đức Thánh Linh vẫn thường xuyên ngự sẵn trong lòng.

Sự hiểu biết các nguyên tắc nầy rất là quan trọng. Bởi vì, nhiều người đi trước chúng ta cũng như vô số người hiện nay vẫn dành nhiều thời gian cầu nguyện, kiêng ăn, vv, để chờ đợi nghe lời phán của Chúa, hoặc một cảm giác, hay dấu hiệu bên ngoài nào đó như thị tượng, được thiên sứ viếng thăm, hoặc nghe tiếng nói qua lỗ tai, vv, nhưng thường là chẳng nhận được một dấu cụ thể nào. Ngược lại, trong lúc hoàn toàn không chú tâm, nhiều người thình lình nghe tiếng phán của Chúa từ trong sâu thẳm của nội tâm mình những lời chỉ dẫn chính xác, cụ thể rõ ràng về những gì mình cần phải làm, nơi cần phải đi, những trả lời cho các điều thắc mắc cầu hỏi, vv. Những tín hữu đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh kinh nghiệm rằng, rất ít khi có sự trả lời từ Chúa đến qua các biểu hiện bên ngoài của cõi siêu nhiên, mà là từ Lời của Chúa vẫn sống trong lòng.

Không phải vì Đức Chúa Trời thường không bày tỏ chính Ngài cách siêu nhiên qua ơn tiên tri mà chúng ta từ bỏ sự kiêng ăn và cầu nguyện để tìm kiếm Ngài. Trái lại, sự cầu nguyện kiêng ăn sẽ gia tăng khả năng nghe tiếng Chúa của lỗ tai tâm linh trong ta, cũng như sự chứng thực của Đức Thánh Linh trong nơi sâu thẳm của lòng ta.

Nhận ra ơn tiên tri mình đang có là một việc; vận dụng ơn ấy cách chính xác là chuyện khác. Bởi vì đã là con cái Đức Chúa Trời, chúng ta phải nhạy bén và hết sức cố gắng để có thể đại diện cho tấm lòng chân thật của Ngài. Những ai muốn vận hành trong ơn tiên tri cần phải ý thức rằng mình đang nói thay cho một Đức Chúa Trời có bản thể vô cùng phức tạp, cực kỳ cao siêu khi trò chuyện, và được bao phủ bằng vô số huyền nhiệm. Một Đức Chúa Trời mà chúng ta chỉ biết một cách hết sức giới hạn; đồng thời cũng phải luôn luôn ghi nhớ trong lòng rằng: “Ai được uỷ thác nhiều, sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Luca 12:48b). Tìm cách nắm bắt tấm lòng của Đức Chúa Trời bằng ngôn ngữ loài người thật là vô vọng, chẳng khác nào cố gắng nhét cả vũ trụ qua một cái lỗ kim.

Trước khi vận hành trong ơn tiên tri, tức là nói thay cho Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải ý thức rõ ràng rằng Ngài là Thần, không phải loài người. Tư tưởng của Ngài chẳng giống tư tưởng của chúng ta; đường lối chúng ta chẳng phải đường lối Ngài (Êsai 55:8–9). Vì quyền phép và cách thức truyền thông của Ngài là tột đỉnh mà không ai trong nhân loại có thể làm được; Đức Thánh Linh có thể làm cho chúng ta hiểu rõ các vấn đề phức tạp chỉ trong nháy mắt, mà loài người mất cả ngàn năm vẫn chưa tìm ra. Vì thế, cần phải vô cùng cẩn trọng khi truyền đạt ý muốn Ngài.

Nếu nói tiên tri khó khăn như vậy tại sao các tiên tri thời Cựu-ước có thể truyền đạt lời Chúa cách dễ dàng? Chúng ta cần phải hiểu sự khác nhau giữa lời tiên tri thời Cựu-ước với lời tiên tri thời Tân-ước. Lời tiên tri Cựu-ước là khải thị nhận được (Thần Đức Chúa Trời đặt lời vào miệng vị tiên tri). Lời tiên tri Tân-ước là khải thị cảm nhận được, nghĩa là sự khải thị đến trong tâm trí như một ý tưởng hoặc hình ảnh. Cả hai đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, nhưng mỗi cách tiên tri biểu hiện trong hai thời kỳ khác nhau. Tiên tri Cựu-ước xảy ra trước khi Đấng Christ đến, tiên tri Tân-ước diễn ra sau khi Đấng Christ đến thế gian. Các tiên tri Cựu-ước tuyên bố: “Đức Giêhô -va phán” như thể họ lặp lại từng lời Chúa truyền cho họ. Các tiên tri Tân-ước thì không nói như vậy. Ví dụ họ nói: “Đức Thánh Linh và chúng tôi quyết định không thêm gánh nặng gì cho anh em, ngoài mấy điều cần thiết nầy” (Công Vụ 15:28); hay “Đức Thánh Linh phán rõ ràng rằng” (1Ti- môthê 4:1); hoặc “vì trong Đức Thánh Linh, lương tâm tôi làm chứng cho tôi” (Rôma 9:1).

Căn cứ trên những câu Kinh-thánh Tân-ước vừa nêu, chúng ta thấy ‘ân tứ tiên tri’ thời Tân-ước là vinh dự được thông ngôn, hay truyền đạt ý tưởng hay các ý định của lòng Đức Chúa Trời; không phải luôn luôn lặp lại chính xác từng lời tuyên bố của Chúa như thời Cựu-ước khi tiên tri nhận được mặc khải; thay vào đó là khả năng cảm nhận được ý muốn của Chúa và trình bày qua tiến trình suy gẫm trong tâm trí, cân nhắc dùng ngôn ngữ theo cá tính của mình. Sự khác biệt rất quan trọng giữa ‘khải thị nhận được’ với ‘khải thị cảm nhận’ là, các con cái Chúa thời Tân-ước có rộng đường diễn đạt lời tiên tri hơn các vị tiên tri thời Cựu-ước. Sự tự do nầy là kết quả của mối liên hệ tương giao thân mật giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Cho nên, nếu chúng ta không thiết lập được mối tương giao ấy, thì không thể hiểu hoặc biết tấm lòng của Ngài để nói tiên tri.

Như thế, có phải chúng ta được tự do muốn nói gì thì nói không? Dứt khoát là không. Bởi vì Đức Chúa Trời không có bổn phận phải xác nhận từng lời chúng ta nói ra là có giá trị. Ngài cũng không ban phước cho những tín hữu nào lạm dụng ơn tiên tri nói về bất cứ lời gì nẩy ra trong trí của người đó. Những người nào thân mật với Đức Chúa Giêxu sẽ biết rằng các ý nghĩ, tấm lòng, và lời nói của mình có thể được Đức Thánh Linh cảm ứng; vì vậy, họ cẩn thận lắng nghe, suy gẫm, cân nhắc từng lời nói mỗi khi cảm nhận một sự mặc khải nào đó trong lòng. Mặc dù vậy, chúng ta vững tin rằng nếu Đức Chúa Trời sẵn sàng ban các ân tứ thiêng liêng cho loài người yếu đuối, thì Ngài đã biết tính chất không xứng hợp cũng như khuynh hướng dễ phạm tội của con người chúng ta, và Ngài vẫn dùng để hoàn thành các mục đích của Ngài.

Chúng ta tạ ơn Đức Chúa Trời vì dưới giao ước mới mà Ngài lập với chúng ta qua huyết hy sinh của Đức Chúa Giêxu, chúng ta được phép vận hành ơn tiên tri trong sự bất toàn và yếu đuối của mình. Hiểu biết ý nghĩa và cách vận dụng ơn tiên tri là một việc, nhưng chúng ta lại cần phải biết thêm vai trò của ơn đó trong Hội Thánh nữa; cũng cần biết rằng không phải sự cảm ứng nào cũng có các chi tiết thông tin đến từ Chúa. Lúc ấy, cảm ứng đó không phải là lời tiên tri.

HieuBietOnTienTri15.docx  (Sách tham khảo: User Friendly Prophecy, by Larry Randolph)

Rev. Dr. CTB