Đời Sống Được Biến Đổi

Chúa Nhật, November 17th, 2013

Các Vấn Đề Quan Trọng, 07

2Cô-rinh-tô 5:17

Mặc dù được biết đức tin là chìa khoá hoặc kho chứa các ơn phước thịnh vượng cho cả ba phần, thân, hồn và linh, tức là sự tin vào lòng thiện hảo của Đức Chúa Trời; rằng Ngài là nguồn và Đấng sở hữu mọi ơn phước mà loài người vẫn mong mỏi và tìm kiếm; rằng con dân Ngài có đặc quyền được tương giao thân mật với Ngài; rằng Ngài luôn dành phần tốt nhất cho con cái Ngài; rằng ơn phước từ trời là vô hạn, sự giàu có của Đức Chúa Trời là tột đỉnh, vv. Nhưng để có lòng tin vững chắc ấy, con dân Chúa phải hiểu rõ ràng về một đời sống được biến đổi là ra sao và thực sự kinh nghiệm được đời sống biến đổi ấy; tức là biết chắc chắn mình đã được cứu khỏi hoả ngục trầm luân, và đang được ở trong Vương-quốc kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Tức là biết nhiều điều căn bản để có thể đặt lòng tin vững chắc, hầu cho được hưởng sự thịnh vượng chắc chắn ấy.

Bài học nầy sẽ cố gắng giải nghĩa và giải quyết nhiều thắc mắc, những câu hỏi liên quan đến đời sống Cơ-đốc-nhân chân thật, hoặc đời sống của một người đã được Đức Thánh Linh biến đổi là như thế nào. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: “Bạn hiểu như thế nào về sự cứu rỗi của linh hồn bạn?” Câu hỏi nầy đặt nền tảng trên sự kiện là người theo đạo đã tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ rồi, nhưng vẫn còn lấn cấn chưa hiểu rõ ơn cứu độ của sự chết hi sinh ấy được thực hiện ra sao, hoặc chưa hiểu được ơn cứu độ ấy vận hành trong tâm linh để biến đổi các bản chất của con người là như thế nào, những kết quả chung cuộc của ơn ấy là gì?

Công tác biến đổi của ơn cứu độ trên linh hồn một người sẽ khiến đời sống hàng ngày của người ấy hầu như hoàn toàn thay đổi. Người ấy không còn nhìn vào mọi việc là những vấn đề quan trọng hay bình thường như cách người ấy quan niệm trước đây nữa. Những ao ước của xác thịt và mong mỏi của lòng thì đổi mới, còn những gì thuộc mọi điều ưa thích cũ trước kia đã mất quyền lực hấp dẫn hay sức thu hút của chúng. Dấu hiệu không thể lầm lẫn do quyền phép biến đổi của ơn cứu độ từ Đức Chúa Trời là sự thay đổi hầu như hoàn toàn trong đời sống của một người. Mục tiêu của đời sống người ấy đã thay đổi từ sự chăm chú vào các điều thuộc vật chất ở trần gian, kể cả những lý tưởng trong nhiều lãnh vực mà người ấy có thể đang theo đuổi, sang các mục đích cao thượng thuộc một cõi hoàn toàn khác với cõi trần. (Galati 2:20).

Nói cách khác, một trong những thử nghiệm để xác định công tác của ơn cứu độ có tạo hiệu quả thực sự trong lòng chúng ta hay không là – Đức Chúa Trời có thay đổi trong chúng ta những điều mà trước đây mình thấy là quan trọng hay không. Nếu ai thấy rằng mình vẫn còn hết sức ao ước những điều hấp dẫn mình trước khi tin Chúa, thì không có bằng cớ nào để tuyên bố rằng tâm linh mình đã được Đức Thánh Linh tái tạo hay tái sinh. Ai nói như vậy chỉ là tự lừa dối mình. Vì nếu tâm linh ta đã được sinh lại, thì Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ khiến sự biến đổi ấy bộc lộ rõ ràng trong đời sống thực tế mỗi ngày và cả trong cách suy nghĩ nữa. Để khi có một biến cố hay cuộc khủng hoảng xảy ra, chúng ta sẽ hết sức ngạc nhiên về sự đổi thay vô cùng tuyệt vời diễn ra trong lòng. Sự thay đổi kỳ diệu và hoàn toàn đó là bằng cớ chắc chắn của ơn cứu độ.

Ví dụ như lúc được nghe giảng hoặc thảo luận về đức nhân ái ghi trong đoạn 13 của thư tín thứ nhất do sứ đồ Phao-lô viết cho tín hữu ở Cô-rinh-tô, thì phản ứng của mình ra sao? Có dám đối diện với ánh sáng của giáo huấn ấy, hay tìm cách lẩn tránh trách nhiệm? Hãy tự đặt các câu hỏi về sự khác biệt mà ơn cứu độ và công tác thánh hoá đã ảnh hưởng trên chúng ta sau khi tiếp nhận Đức Chúa Giêxu, so với tâm tính và các mục tiêu trước kia của mình. Có sự khác biệt nào không? Sự khác biệt rất rõ là ơn cứu rỗi chân thật sẽ được thể hiện qua dấu hiệu ta được giải thoát khỏi những xiềng xích mà mình bị trói buộc trước đây. Mình sẽ không còn bị thói quen, ước muốn tội lỗi cũ hành hạ nữa. Vì đã thật được giải thoát để sống đời thật sự tự do.

Tuy nhiên, không phải sự thay đổi sẽ đến cách tự nhiên khi một người quy đạo. Sự biến đổi đó là kết quả của một quyết định từ ý chí của con người. Nhiều người hiểu cách mơ hồ về việc được hợp nhất với Đấng Christ, vì được dạy là mình sẽ được hoàn toàn biến đổi khi quyết định nói lời cầu nguyện xin Chúa ngự vào lòng. Nhưng sau khi nói lời cầu nguyện theo sự hướng dẫn, người quy đạo không thấy có gì thay đổi hết. Lý do là vì người ấy không được chỉ dẫn tận tường rằng tin Chúa không phải chỉ có từ bỏ tội lỗi, nhưng còn phải từ bỏ cả cách chúng ta quan niệm về mọi việc. Được tái sinh là nhận lãnh một bản chất mới; nhưng để bản chất ấy có thể hoạt động và phát triển, thì bản chất cũ xấu xa phải bị tống khứ khỏi lòng mình nhường chỗ cho bản chất mới. Do đó, điều đầu tiên của bản chất cũ mà chúng ta phải từ bỏ là sự giả bộ và dối trá.

Đức Chúa Giêxu muốn chúng ta ra mắt Ngài là một con người có nguyên vẹn bản chất tội lỗi cũ, để Ngài loại trừ tất cả những tội lỗi ấy; rồi Ngài thay thế bản chất tội lỗi đó bằng một bản chất thật sự công nghĩa. Để đạt đến mức đó, chúng ta phải từ bỏ hết mọi sự giả vờ là người đạo đức hay xứng đáng được Đức Chúa Trời quan tâm đến. Nghĩa là công nhận con người giả trá, đê tiện của mình theo sự thật của con người mình. Vì có biết nhìn nhận tội lỗi thì mới nhận được sự tha tội. Ngày nào chúng ta còn tưởng, hay giả bộ mình có chút giá trị trước mặt Chúa, thì chúng ta chưa thật sự được tha tội để nhận lấy ơn cứu rỗi. Vì vậy, phải từ bỏ sự giả vờ vô ích đó (Côlôse 3:5–9). Sau đó, Đức Thánh Linh sẽ chỉ cho chúng ta biết mình phải làm điều gì kế tiếp.

Cứ mỗi bước trên tiến trình nầy, chúng ta sẽ phải tiếp tục từ bỏ nhiều mặt khác. Đó là những thứ quyền mà chúng ta luôn cho là chính đáng và phải được hưởng. Trong đó gồm tất cả mọi thứ mình sở hữu, những niềm mong muốn, ước ao, và mọi thứ khác trong đời sống mình. Sở dĩ phải từ bỏ chúng là vì để hưởng những hạnh phúc của bản chất mới thuộc đời sống mới, chúng ta phải hoà đồng với sự chết của Đức Chúa Giêxu Christ, rồi được đồng sống lại với Ngài để Đức Thánh Linh bắt đầu tiến trình thánh hoá chúng ta. Người đã chết đối với thế giới cũ, thì chẳng còn dính líu gì tới những quyền lợi thuộc thế giới ấy. Vì thế, Đức Thánh Linh phải chỉ cho chúng ta thấy phải từ bỏ dần những điều mình vốn bị ràng buộc trước kia (Galati 5:24).

Hai điều vẫn luôn cản trở người ta nhận lãnh chân lý. Một là các quan điểm do tác động của cảm xúc và hai là những điều lý trí tin tưởng, khiến người ta không nhận diện được bản chất của tội lỗi. Ví dụ như thời nay nhiều người thông cảm với các hành động tính dục đồng giới, nói rằng họ cũng cần có quyền hưởng hạnh phúc theo ý thích của họ. Về tình cảm thì thông cảm, về lý trí thì cho đó là quyền. Nhưng người ta xoá nhoà ranh giới của đạo đức và hành động thoả mãn dục vọng trái tự nhiên. Từ đó, mọi hành vi và quyết định về sự thay vợ đổi chồng trở thành hợp pháp mặc dù tự nó có bản chất trái đạo đức, vô luân, vv, vẫn được người đời chấp nhận và cổ suý. Vậy nên, chúng ta phải lập một quyết định về đạo đức từ bỏ mọi quan niệm cũ của xác thịt để hoàn tất trong ta những gì Đức Chúa Giêxu Christ đã hoàn tất trên thập tự giá, đó là loại trừ tội lỗi.

Nhu cầu về tâm linh mà mỗi chúng ta đều cần đó là phải đồng ý với bản án chết đối với bản chất tội lỗi đang có bên trong chúng ta. Vì lý do đó, Phao-lô tuyên bố: “Tôi đã bị đóng đinh với Đấng Christ …” Ông không nói là tôi đã lập quyết định sẽ bắt chước theo Đấng Christ, nhưng là “Tôi đã đồng hoá mình với Đấng Christ trong sự chết của Ngài.” Quyết tâm đó sẽ tạo điều kiện cho Đức Thánh Linh ban sự thánh khiết của Đức Chúa Giêxu Christ vào trong lòng chúng ta. Vì thế, Phao-lô nói rằng: “Nay tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Galati 2:20). Nhân cách của chúng ta vẫn còn nguyên, nhưng động lực chính thúc đẩy ta sống và bản chất vốn cai trị ta trước kia đã thay đổi một cách triệt để.

Đức tin vận hành và điều khiển chúng ta giờ đây là “đức tin vào Con Đức Chúa Trời” dù ta vẫn còn sống trong thể xác. Không phải là đức tin của riêng mình tin vào Chúa, nhưng là đức tin của Con Đức Chúa Trời được ban cho chúng ta, để có thể hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời.

VanDeQuanTrong07.docx

Rev. Dr. CTB