Thánh Tử Đạo Đầu Tiên

Sách Công Vụ, bài 17

 

Công Vụ 7:40–60

Hội đoàn nhân dân hay hội-chúng (38) là một chữ khác để nói về Hội-thánh. Môi-se tuyên bố giữa hội-chúng Israel về một Tiên-tri như ông sẽ xuất hiện. Nhưng các tổ tiên người Israel chưa lê bước qua hoang mạc, đã cự tuyệt Đức Chúa Trời khi họ vừa ra khỏi Ai-cập, bằng sự “không vâng phục, khước từ Môi-se và trở lòng hướng về Ai-cập” (39). Họ không tin Môi-se đã “nhận lãnh được lời hằng sống để truyền lại cho” họ (38); vì họ không tin Môi-se đã nói chuyện trực tiếp với thiên sứ của Đức Chúa Trời. Cho nên, “họ yêu cầu A-rôn: ‘Xin chế tạo các thần để dìu dắt chúng tôi, vì không biết việc gì đã xảy đến cho Môi-se, người đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập’” (40). Không phải người Israel lo lắng gì về Môi-se; câu nói “không biết việc gì đã xảy đến” là một cách nói miệt thị, khinh thường của người thời ấy đối với Môi-se. Bởi vì mục đích của họ là bắt chước dân ngoại bang thờ tượng con bò con; vì “họ làm tượng bò con, dâng sinh tế cho thần tượng, ăn mừng vì vật tay họ làm ra”(41).

Bởi vì ấy là hành động chẳng phải chỉ cự tuyệt Môi-se, nhưng là cự tuyệt Đức Chúa Trời, Đấng đã cứu họ bằng nhiều dấu kỳ, phép lạ và việc kinh khiếp (Thi Thiên 78:11–16); cho nên, “Đức Chúa Trời lìa bỏ họ, để mặc họ thờ tinh tú trên trời, như đã chép trong sách tiên tri: ‘Nầy, nhà Israel! Có phải các ngươi đã dâng sinh tế cùng lễ vật cho Ta suốt bốn mươi năm trong sa mạc đâu? Các ngươi khiêng theo khám thờ thần Mo-lóc, và ngôi sao thần Rom-phan, là những thần tượng các ngươi chế tạo ra mà thờ. Ta sẽ đày các ngươi qua bên kia xứ Ba-by-lôn’” (42-43). Chi tiết nầy là Ê-tiên trích dẫn lời chép trong sách tiên tri A-mốt 5:25–27, “Hỡi nhà Israel, các ngươi há chẳng từng dâng hi sinh và của lễ chay cho Ta trong bốn mươi năm nơi đồng vắng sao? Trái lại, các ngươi đã khiêng nhà tạm của vua mình, khám của thần tượng mình, và ngôi sao của thần các ngươi mà các ngươi đã làm cho mình.

Có nghĩa là khi dân Israel còn đi trong hoang mạc, không phải họ thật lòng với Đức Chúa Trời trong các tế lễ dâng lên suốt bốn mươi năm ấy. Mọi việc họ làm chỉ là hình thức bên ngoài, nhưng tâm lý và lòng muốn thờ hình tượng đã bắt đầu từ thời đó vẫn tiếp tục cám dỗ họ; cho nên họ đã thực hiện sự thờ hình tượng và thờ tà thần cho tới khi bị lưu đày qua Ba-by-lôn. Như thế, mặc dù sau khi được thấy vinh quang của Đức Chúa Trời trong hoang mạc, họ vẫn lén lút khiêng theo họ trại thờ tà thần Mo-lóc (hay Sikkuth), tức là nữ thần Venus được thờ kính bởi dân Am-môn và vài dân khác thuộc dòng dõi của Sem, con của Nô-ê. Họ cũng thờ lạy ngôi sao của thần Rom-phan, có lẽ là tên gọi của Thổ-tinh (Saturn) trong ngôn ngữ A-sy-ri, mà tiên tri A-mốt gọi là Kiyyun (A-mốt 5:26 NASB). Ê-tiên nêu lên các chi tiết nầy để vạch trần tâm lý bất trung của tổ tiên người Do-thái từ thời xa xưa, làm nền tảng cho lý luận của ông về tâm lý dân Do-thái thời nay.

Các hình tượng cỡ nhỏ của tà thần Venus Kiyyun đã được một số người giấu giếm mang theo để thờ cúng. Họ tưởng rằng Đức Chúa Trời không thấy, cũng không biết. Nhưng Chúa công bố án phạt đối với họ là, vì tội bội nghịch ấy họ sẽ bị đày “qua bên kia xứ Ba-by-lôn.” Mặc dù Ê-tiên không nói ra, nhưng người Do-thái biết ý ông muốn nói Đức Chúa Giêxu không bác bỏ luật Môi-se hay chống nghịch Đức Chúa Trời như tổ tiên họ. Bây giờ, đáp lời tố cáo liên quan tới những gì ông nói về đền thờ, Ê-tiên không giải thích lời Đức Chúa Giêxu phán “Hãy phá huỷ đền thờ nầy” có nghĩa gì; ông nói vắn tắt về “đền tạm chứng cớ làm đúng theo kiểu mẫu Chúa cho… tổ tiên ta tiếp nhận …, cùng Giô-suê đem vào đất chiếm được … Đền tạm ở đó cho đến đời vua Đa-vít. Đa vít được đẹp lòng Đức Chúa Trời nên xin lập đền thờ cho Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Nhưng Sa-lô-môn mới là người xây nhà cho Ngài” (44–47).

Ê-tiên tiếp tục công bố rằng: “Đấng Chí Cao không ở trong đền thờ do tay người ta làm ra” (48). Có nghĩa là người Do-thái chú tâm tôn kính đền thờ nhưng không tôn kính Chúa của đền thờ ấy. Vì thái độ cứng cổ bất tuân của họ mà Đức Chúa Trời không chịu tới ngự trong đền thờ mang Danh Ngài. Hơn nữa vì họ nghĩ rằng một đền thờ nguy nga có thể hấp dẫn Ngài đến cư ngụ ở đó,  nên Đức Chúa Trời phải phán qua tiên tri Ê-sai: “Trời là ngai Ta, đất là bệ chân Ta. Chúa hỏi, các con sẽ cất nhà gì cho Ta? Dựng nơi nào cho Ta nghỉ ngơi? Chẳng phải chính tay Ta đã sáng tạo vạn vật sao?” (49–50; Ê-sai 66:1–2). Ê-tiên không chối cãi Chúa đã hiển lộ vinh quang Ngài tại đền thờ, nhưng không một ngôi nhà nào trên đất có thể giới hạn được Ngài.

Dù người Do-thái có đền thờ, có giáo luật Môi-se, có các sách tiên tri, có giao ước về sự cắt bì và đã chịu cắt bì ngoài da thịt, nhưng họ chưa được biến đổi trong lòng. Dân Israel được thành hình và được giải cứu, được ban cho một vùng đất làm tổ quốc vĩnh viễn bởi bởi lời hứa của Đức Chúa Trời với tổ phụ Áp-ra-ham của họ; được thấy vô số phép lạ và được gìn giữ bảo vệ bởi sức mạnh siêu nhiên từ trời. Quốc gia họ đã trở nên cực kỳ cường thịnh so với các lân bang; rồi đền thờ đã được xây dựng thay thế cho đền tạm. Họ vẫn có rương giao ước để làm chứng cớ về giao ước giữa Đức Chúa Trời đối với họ. Thế nhưng, bao nhiêu tiên tri được Chúa sai đến để nhắc họ trở lại đường ngay nẻo chính, khi họ tẻ tách khỏi đường Ngài, thì họ bắt bớ và giết các đấng ấy.

Đất nước họ bị đánh bại và giải thể, dân bị lưu đày tan tác khắp mọi nơi như lời ngăm đe của Chúa đối với một dân tộc được tuyển chọn nhưng không chịu vâng lời. Đền thờ bị cướp phá, vật dụng quý giá của đền thờ bị quân thù đem về nước họ. Bởi ơn thương xót của Đức Chúa Trời khi Ngài nhớ lại giao ước với tổ phụ họ, họ được hoàng đế Ba-tư cho phép trở về quê quán xây dựng lại đền thờ cùng các vật dụng quý giá được trả lại. Nhưng nhiều thế hệ tiếp sau lại đi con đường cứng lòng của cha ông họ nhiều thế hệ xa xưa. Do vậy, Ê-tiên phải lên tiếng: “Hỡi những người cứng cổ, lòng và tai không cắt bì! Các ông luôn luôn chống đối Đức Thánh Linh! Các ông hành động giống hệt tổ phụ mình. Có nhà tiên tri nào mà tổ phụ các ông chẳng bắt bớ? Ngày xưa, họ giết những người báo trước việc Đấng Công-chính ra đời. Ngày nay, chính các ông phản bội và sát hại Ngài. Các ông đã nhận lãnh luật pháp do thiên sứ ban bố, nhưng không vâng giữ” (51-53).

Ê-tiên nhìn thấy họ không tiếp nhận lời giảng của mình, cũng như thấy thái độ hung dữ, thù hằn, nghiến răng do lòng căm hờn của họ đối với những lời tố cáo hết sức chính xác của ông (54). Nghĩa là ông biết họ nhất định sẽ sát hại ông để bịt miệng một người công chính. “Nhưng Ê-tiên đầy dẫy Đức Thánh Linh, nhìn lên trời, thấy vinh quang Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Giêxu đứng bên phải Đức Chúa Trời. Ông nói: ‘Kìa tôi thấy trời mở ra, và Con Người đang đứng bên phải Đức Chúa Trời!’” (55–56). Đức Thánh Linh trong Ê-tiên đã khiến ông nhìn lên trời, mở mắt tâm linh của ông cho ông thấy Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu đang đứng bên phải Ngài trên cõi thiên đàng. Những lời nói ấy của Ê-tiên càng làm cho bọn người Do-thái-giáo cuồng nhiệt đó thêm điên tiết. Bởi vì họ cho rằng Ê-tiên là loài người mà dám tuyên bố “thấy trời mở ra, và thấy Đức Chúa Giêxu đang đứng bên phải Đức Chúa Trời,” là một lời nói vô cùng phạm thượng.

Do đó, “họ gào thét, bịt tai, cùng nhau xông đến Ê-tiên. Họ kéo ông ra ngoài thành, lấy đá ném ông. Các nhân chứng cởi áo dài đặt dưới chân một người trẻ tuổi kia tên là Sau-lơ” (57–58). Nhưng phản ứng của một thánh nhân, con cái của Đức Chúa Trời, môn đồ của Đức Chúa Giêxu, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, thì khác hẳn sự hung hãn, tàn bạo của những con người tôn giáo. Vì vậy, “đang khi bị ném đá, Ê-tiên cầu nguyện: ‘Lạy Đức Chúa Giêxu, xin nhận lấy linh hồn con!’ Rồi ông quỳ xuống, kêu lớn tiếng: ‘Lạy Chúa, xin đừng quy tội nầy cho họ!’ Vừa dứt lời, ông ngủ” (59–60). Như thế, Ê-tiên là tín hữu đầu tiên chịu tử đạo từ khi Hội-thánh thành hình.

Có lẽ một số người sẽ thắc mắc: “Tại sao Chúa lại cho phép điều đau đớn đó xảy ra? Chẳng lẽ Đức Thánh Linh quyền năng không thể cứu Ê-tiên khỏi cái chết vì bị ném đá sao?” Cách nhìn vấn đề của chúng ta là thiển cận, không thấy kết quả của sự việc. Cái chết tuận đạo của Ê-tiên đã mở đường cho Hội-thánh tràn ra khắp nơi như lời Chúa dạy, thay vì chỉ quy tụ tại Giê-ru-sa-lem.

SachCongVu17.docx

Rev. Dr. CTB