Ảnh Hưởng Của Đạo Chúa

Sách Công Vụ, 27


Công Vụ 13:13–52

Sau chiến thắng vẻ vang ở Paphos, đoàn truyền giáo “xuống tàu đi Bẹt-ga, xứ Bam-phi-ly” (Perga & Pamphylia), chỉ thiếu Giăng Mác, vì ông “bỏ họ, về Giê-ru-sa-lem” (13). Việc Mác tự ý bỏ về là lý do gây ra sự rạn nứt cho đoàn truyền giáo sau nầy. Cũng từ thời điểm nầy trở đi, Ba-na-ba đã kín đáo nhường quyền lãnh đạo cho Phao-lô. Có lẽ ông nhận ra Đức Thánh Linh muốn sử dụng Phao lô trong nhiệm vụ trọng đại về việc truyền giáo cho dân ngoại. “Từ Bẹt-ga, họ đến thành An-ti-ốt thuộc Bi-si-đi” (14). An-ti-ốt thuộc Bi-si-đi (Pisidia) khác với An-ti-ốt thuộc Syri, và không phải là một trong các thành phố An-ti-ốt khác của tỉnh Ga-la-ti.

Theo lệ thường, “ngày Sa-bát, họ vào nhà hội Do-thái ngồi dự” (14). Nghi thức sinh hoạt của nhà hội Do-thái-giáo vào ngày Sa-bát là sau khi đọc xong một phần nào đó của sách luật, tức là ngũ-kinh Môi-se và một sách tiên tri, chủ nhà hội hay trưởng lão sẽ mời một người nói những lời khích lệ. Vì thế, “sau khi đọc sách luật và sách các tiên tri, các viên chức nhà hội sai người nói với các ông: ‘Thưa các anh, nếu các anh có lời khích lệ dân chúng, xin cứ nói!’” (15). Phao-lô đứng dậy đưa tay ra hiệu cho mọi người im lặng và giảng cho tất cả những người có mặt, gồm cả người Israel và những người dân ngoại có lòng kính sợ Đức Chúa Trời.

Họ là những người dân ngoại quá chán ngán tình trạng vô đạo đức và thờ cúng hình tượng của các tôn giáo thế gian, họ khát khao điều chi đó khá hơn; cho nên, sự thờ kính một Đức Chúa Trời thánh khiết ở các nhà hội Do-thái-giáo đã thu hút giới người ấy. Những người nầy tới nhà hội để nghe đọc Lời Chúa. Bài giảng của Phao-lô là bản tóm lược rất vắn tắt lịch sử của tuyển dân Israel cho đến đời vua Đa-vít. Từ Đa-vít, ông bắt đầu giới thiệu về Đức Chúa Giêxu (16–23).

Ông cho họ biết rằng: “Từ các hậu tự vua Đa-vít, Đức Chúa Trời đã lập Đức Chúa Giêxu, đưa Ngài đến làm Đấng Cứu-Chuộc Israel đúng lời Chúa hứa” (23). Trong phần đầu nầy của bài giảng, Phao-lô chứng tỏ là ông thông thạo Cựu-ước. Ông không nói về những sự thất bại của dân Do-thái, mà nêu lời Đức Chúa Trời: “Ta đã tìm thấy Đa-vít, con trai Gie-sê, một người vừa lòng Ta; người sẽ thực hiện mọi ý định Ta” (22). Những người nghe hôm đó ở nhà hội đều biết lời hứa của Đức Chúa Trời cho Đa-vít (2Sa-mu-ên 7:12; Thi-Thiên 89:29–34). Họ cũng biết những lời tiên tri rằng Chúa sẽ dấy lên một hậu tự vĩ đại sẽ ngồi trên ngai Đa-vít (Ê-sai 9:5–6; 11:1–5).

Như vậy, Phao-lô công bố rằng Đức Chúa Trời đã thực hiện lời hứa của Ngài là đem tới cho dân Israel một Đấng Cứu-Thế, là Đức Chúa Giêxu, hậu tự của Đa-vít (Ma-thi-ơ 1:21-23). Sự khôn ngoan của Đức Thánh Linh hướng dẫn Phao-lô xác định rằng Giăng Baptist đã chứng nhận Đức Chúa Giêxu là Đấng phải đến. Người Do-thái ở khắp nơi đều biết rõ về Giăng Baptist; họ cũng biết lời ông phủ nhận mình không phải là Đấng Mết-si-a. Cho nên, việc Giăng Baptist nói ông không xứng đáng cởi dây giày Đức Chúa Giêxu là cực kỳ quan trọng. Việc Phao-lô nói lên điều đó đã rất thu hút sự chú ý của người nghe (24–25), là những người chưa biết về Đức Chúa Giêxu.

Phần thứ nhì của bài giảng nói về ơn cứu độ đã đến với con cháu Áp-ra-ham và những người kính sợ Đức Chúa Trời qua sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giêxu. Sự thật đó được các sứ đồ chứng kiến, cũng như Kinh-thánh đã xác nhận (26–37). Ơn cứu độ của Chúa không phải chỉ dành cho người Do-thái đang có mặt ở đó, mà còn dành cho những người thuộc dân ngoại nhưng kính sợ Đức Chúa Trời đang nghe giảng nữa (26). Phao-lô giải thích sự chết của Đức Chúa Giêxu là sự ứng nghiệm lời tiên tri từ Đức Chúa Trời đã phán. Và sự ứng nghiệm đó do cư dân Giê-ru-sa-lem và các nhà lãnh đạo của họ thi hành (27).

Một điểm rất quan trọng cần được để ý là Phao-lô không đổ trách nhiệm chung cho dân Do-thái về sự chết của Đức Chúa Giêxu, ông nêu rõ chỉ có những người ở Giê-ru-sa-lem đã trực tiếp nhúng tay vào việc nầy. Ông cũng nói rằng sở dĩ họ làm như thế vì “không biết Đức Chúa Giêxu, cũng không hiểu các lời tiên tri được đọc mỗi ngày Sa-bát, nên đã buộc tội và giết Ngài, và như thế ứng nghiệm lời tiên tri. Dù không tìm được lý do để giết, họ vẫn xin Phi-lát giết Ngài. Sau khi thực hiện mọi điều Kinh-thánh đã chép về Ngài, họ đem thi thể Ngài trên cây thập tự xuống, mai táng trong một ngôi mộ” (27–29). Những người đem xác Chúa xuống nói đến ở đây là hai cư dân Giê-ru-sa-lem, Giô-sép ở A-ri-ma-thê và Ni-cô-đem, những người đã mai táng thi thể của Đức Chúa Giêxu.

Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại” (30), là Tin-mừng mà Ba-na-ba và Phao-lô đem tới cho họ. Sự kiện đó được chứng kiến bởi “những người từng theo Ngài từ xứ Ga-li-lê, và hiện nay chính họ đang làm chứng về Ngài cho nhân dân” (31). Những gì Đức Chúa Trời hứa với tổ tiên dân Israel, thì nay Ngài thực hiện cho con cháu họ (32–33). Bác sĩ Luca chỉ tóm tắt ý chính của bài giảng, còn chắc chắn Phao-lô giảng rất cặn kẽ để người nghe hiểu rõ chương trình cứu độ của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giêxu Christ. Vì ông trích dẫn Kinh-thánh chép về Ngài trong Thi-thiên 2:7; 16:10, và Ê-sai 55:3 (33–35). Ông chứng minh lời hứa tiên tri đó của Chúa không thể áp dụng cho Đa-vít, mà nói về sự phục sinh phải đến của Đấng Christ (36–37).

Phần cuối của bài giảng là những lời khuyên giục người nghe phải “nhận thức rằng nhờ Đức Chúa Giêxu, (họ) được công bố tha tội. Nhờ Ngài, ai tin đều được xưng công chính về mọi điều mà luật pháp Môi-se không thể xưng công chính” (38–39). Rồi ông xin họ “thận trọng để không mắc phải điều các tiên tri đã cảnh cáo” rằng những người khinh mạn, không tin sẽ kinh ngạc và bị diệt vong (40–41).

Bài giảng của Phao-lô đã gây chấn động mạnh trong lòng người nghe; cho nên, khi hai ông “bước ra khỏi nhà hội, dân chúng năn nỉ hai ông trở lại ngày Sa-bát sau, để giảng thêm những điều nầy cho họ” (42). Đến nỗi, sau khi giải tán, “nhiều người Do-thái và người nước khác kính sợ Đức Chúa Trời, theo đạo Do-thái, đi theo Phao-lô và Ba-na-ba. Hai ông nói chuyện với họ, và khuyên họ tiếp tục sống trong ân điển của Đức Chúa Trời” (43), nghĩa là những người ấy đã tin và chấp nhận ân điển của Đức Chúa Trời đem đến sự cứu rỗi cho họ; họ được khuyên cứ tiếp tục sống trong niềm tin mà họ mới nhận được qua Tin-mừng mà các sứ đồ đem đến.

Những người kính sợ Chúa đã loan truyền tin tức rất có hiệu quả, đến nỗi “ngày sa-bát sau, hầu hết dân trong thành họp lại để nghe đạo Chúa” (44). Ở đâu cũng có những hạng người ganh tị khi thấy người khác thành công; cho nên những người Do-thái ấy “nói lời báng bổ, chống đối lời giảng của Phao-lô” (45). Có lẽ họ quá nhiệt thành với Do-thái-giáo, cho rằng dân ngoại không thể nhận ơn phước Chúa nếu không nhận các lễ nghi trở thành người Do-thái trước đã.

Hai sứ đồ liền tuyên bố: “Điều cần thiết là chúng tôi giảng lời Đức Chúa Trời cho đồng bào trước nhất, nhưng đồng bào khước từ và xét mình không đáng nhận sự sống vĩnh cửu, nên chúng tôi quay sang người dân nước ngoài” (46). Mặc dù việc quay sang giảng tin-mừng cho dân ngoại, vốn không phải là sáng kiến của hai sứ đồ, và khiến người Do-thái sững sờ, nhưng đó là sự vâng lời tiên tri đã ghi: “Ta dùng con làm ánh sáng cho các dân tộc, để truyền sự cứu rỗi đến tận cùng trái đất” (47 Ê-sai 49:6). Kết quả buổi truyền giảng thật là tốt đẹp (48–49). Nhưng kẻ thù không bao giờ chịu đứng yên, chúng dùng thế quyền để ngăn trở không cho đạo Chúa phát triển. Phao-lô và Ba-na-ba phủi bụi nơi chân khi chính quyền thành phố nghe lời xúi giục trục xuất hai ông (50-51).

Trục xuất ra khỏi lãnh thổ là điều duy nhất mà chính quyền thế tục có thể làm. Nhưng quyền lực tối tăm và thế quyền không thể ngăn trở được việc Chúa cho “các môn đồ được đầy dẫy Đức Thánh Linh và tràn ngập vui mừng” (52). Việc ấy chứng tỏ mọi người tin đều được báp-têm bằng Đức Thánh Linh và hăng hái truyền giảng Tin-mừng cho những người họ quen biết. Bởi vì hễ ai có sự vui mừng tràn ngập đều không giữ riêng cho mình, mà sẵn sàng chia sẻ cho người khác.

SachCongVu27.docx

Rev. Dr. CTB