Kỷ Nguyên Mới về Truyền Giáo

Sách Công Vụ, bài 26

Công Vụ 13:1–12

Một bước tiến mới của Phúc-âm được Đức Thánh Linh điều động qua Hội-thánh ở An-ti-ốt. Từ khi Tin-lành được truyền tới các vùng đất mới bởi những tín hữu chạy lưu lạc khỏi Giê-ru-sa lem trong vụ bắt bớ Hội-thánh sau cái chết của Ê-tiên, thì không một ai trong số họ dấn thân tới những vùng xa hơn để thành lập những hội chúng mới cho Hội-thánh Chúa. Cho tới lúc nầy thì ở An-ti-ốt đã có thêm vài người khác được Chúa dấy lên để phục vụ Hội-thánh cùng với Ba-na-ba và Sau-lơ. Họ được gọi là tiên tri và giáo sư (1). Tiên-tri là những người được Đức Thánh Linh dùng để gây dựng, khuyên nhủ và khích lệ Hội-thánh. Giáo-sư là những người được Chúa ban ân tứ giảng dạy Lời của Chúa một cách hiệu quả.

Những người ấy gồm có Si-mê-ôn, hay Si-môn, một cái tên thông thường của người Do-thái, ông còn được gọi là Ni-giê, có nghĩa là đen. Người ta nghĩ có lẽ cha của ông là người Do-thái lấy vợ da đen. Người khác cho rằng có lẽ ông là Si-môn quê ở Sy-ren, người bị buộc vác thập tự giá cho Đức Chúa Giêxu (Mác 15:21; Luca 23:26). Vì họ căn cứ vào việc có tín hữu từ Sy-ren tới An-ti-ốt sinh sống và truyền giáo (Công Vụ 11:20). Người kế tiếp là Lucius quê ở Sy-ren thuộc vùng Bắc Phi, phía Tây xứ Ai-cập; Ma-na-ên (là Menahem theo âm Hy-lạp), có nghĩa là ‘người an ủi,’ một tiên tri hay giáo sư, là bạn thời thơ ấu đồng lớn lên với vua Hê-rốt Antipas, được gọi là em nuôi của vua nầy. Có lẽ ông chịu ảnh hưởng của Giăng Baptist, sau nầy ông tin Chúa và có lẽ cũng có mặt với các môn đồ lúc Đức Thánh Linh giáng lâm trong lễ Ngũ-tuần.

Ba người ấy cùng với Ba-na-ba và Sau-lơ phục vụ Hội-thánh của Chúa tại An-ti-ốt. Khi Đức Chúa Giêxu còn ở thế gian, Ngài ít nhấn mạnh đến sự kiêng ăn. Như Ngài dạy: “Các ông có thể bắt bạn chàng rể kiêng ăn trong khi chàng rể còn ở với họ được không? Chỉ ngày nào chàng rể bị đem đi rồi, lúc đó họ mới kiêng ăn(Lu-ca 5:34–35). Luca viết: “Khi họ đang thờ phượng Chúa và kiêng ăn, Đức Thánh Linh phán: ‘Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sau-lơ cho Ta, để làm công việc Ta gọi họ làm”(2). Theo các nhà giải kinh phân tích câu nầy trong tiếng Hy-lạp, thì họ đang phục vụ Chúa trong một buổi nhóm thờ phượng chung của Hội-thánh, và cũng kiêng ăn nữa. Những người lãnh đạo Hội-thánh thường kiêng ăn cầu nguyện, nhưng theo nghĩa chỗ nầy thì toàn Hội-thánh đều kiêng ăn để dành riêng thì giờ thờ phượng, ca ngợi Chúa, và cầu nguyện.

Trong lúc họ đang thờ phượng như vậy, thì: “Đức Thánh Linh phán: ‘Hãy dành riêng Ba-na -ba và Sau-lơ cho Ta, để làm công việc Ta gọi họ làm” (2). Nghĩa là Đức Thánh Linh truyền lệnh cho Hội-thánh giữa buổi nhóm rằng họ phải sẵn lòng miễn các việc phục vụ của hai người ấy, để Đức Thánh Linh dùng họ trong công việc mà Ngài đã nói riêng cho họ biết trước rồi. Hạnh phúc thay cho một Hội-thánh có sự hiện diện và điều động của Đức Thánh Linh. Cũng theo nghĩa chỗ nầy thì mệnh lệnh của Đức Thánh Linh là dứt khoát, rõ ràng! Tác giả Luca không ghi rõ là Chúa ra lệnh hay nói bằng hình thức nào. Có thể là sứ điệp bằng tiếng lạ được thông giải; rất có thể là do một trong các tiên tri được Chúa truyền cho nói. Dù bằng cách nào, thì việc Luca không phải ghi lại chứng tỏ rằng đó là chuyện vẫn thường xảy ra, mà trong Hội-thánh thời ấy ai cũng hiểu.

Khi Chúa ra lệnh: “Hãy dành riêng…cho Ta,” thì có nghĩa là vì những người ấy vừa phục vụ Chúa và phục vụ Hội-thánh, nên hội chúng phải sẵn lòng cho họ rời khỏi vai trò phục vụ của họ. Mệnh lệnh ấy nói với toàn thể Hội-thánh, không phải nói cho các cá nhân. Sau khi nghe như vậy, họ đã kiêng ăn và cầu nguyện thêm (3). Lời tiên tri nào cũng cần được những thành viên khác của Hội-thánh suy xét (1Cô-rinh-tô 14:29), để biết rõ đó là lời đến từ Chúa. Biết rõ rồi, hội chúng tại An –ti-ốt đã đặt tay cầu nguyện chúc phước cho thánh vụ mới. “Tiễn lên đường” nghĩa là giải toả tất cả bổn phận của chức vụ họ tại An-ti-ốt, để họ có thể yên tâm lên đường trong công tác mới Đức Thánh Linh đã giao. Việc đó chứng tỏ toàn hội chúng đồng ý với quyết định của các vị lãnh đạo.

Được Đức Thánh Linh sai đi” (4) và toàn hội chúng chúc phước và đưa tiễn, phải là khuôn mẫu cho việc sai giáo sĩ ra đi truyền giáo của tất cả các Hội-thánh. Nghĩa là việc ra đi truyền giáo phải có sự cộng tác của Đức Thánh Linh và Hội-thánh địa phương. Cho nên, khi nào một ai đó tự động ra đi, nói rằng do Đức Thánh Linh kêu gọi, mà Hội-thánh địa phương chưa nhận được khải thị nào từ Chúa, nghĩa là không có sự đồng thuận của Hội-thánh, thì việc đó đa phần là từ ý riêng của người ra đi. Hoặc được Hội-thánh bổ nhiệm làm giáo sĩ mà chẳng đi đâu cả, thì việc đó cũng không phải đến từ Chúa; chỉ là các hành động không được Chúa hướng dẫn.

Ba-na-ba và Sau-lơ ra đi “xuống Seleucia rồi đi thuyền đến đảo Síp” đem theo Giăng, còn có tên là Mác (4–5). Seleucia là hải cảng của thành phố An-ti-ốt. Síp (Cyprus) là một hải đảo cách An-ti-ốt khoảng 100 dặm về phía Tây-Nam, nơi sinh trưởng của Ba-na-ba (Công vụ 4:36). Mặc dù bác sĩ Luca không ký thuật, nhưng chúng ta biết sự khôn ngoan của Đức Thánh Linh đã chỉ dẫn họ đi về hướng đó, là nơi họ biết phong tục của cư dân. Salamis nằm ở đầu phía đông của đảo. Không bỏ lỡ cơ hội được các nhà hội cho phép, họ đã công bố đạo cho người Do-thái, theo cách hành xử quen thuộc của Sau-lơ. Vì người Do-thái có Cựu-Kinh, biết các lời hứa của Chúa, nguồn gốc bối cảnh của họ giúp họ dễ hiểu Phúc-âm hơn (5).

Hai ông đi khắp đảo Síp” từ đông qua tây, và đến Paphos ở đầu phía tây của đảo thì họ gặp “Ba-Giê-xu, một tiên tri giả người Do-thái” (6). Nghĩa là một phù thuỷ mạo xưng tiên tri. Sergius Paulus, một người có học thức, khôn ngoan và nhạy bén, là tổng trấn La-mã ở đó, có lẽ nghe đồn về Ba-na-ba và Sau-lơ, nên đã cho mời hai ông đến giảng cho mình nghe (7). Nhưng tên phù thuỷ còn có tên là Elimas, nghĩa là có sự thông thái của các phù thuỷ người Mê-đi, “chống đối hai ông tìm cách làm cho tổng trấn không tin Chúa” (8). Việc đó chứng tỏ rằng Ba-na-ba và Sau-lơ trình bày đạo của đức tin, tức là toàn thể Phúc-âm cho vị tổng trấn nghe, và ông đã chấp nhận đức tin ấy. Nhưng Elymas cố gắng duy trì ảnh hưởng của mình trên vị tổng trấn bằng cách xuyên tạc, bẻ cong những gì Ba-na-ba và Sau-lơ vừa giảng, để vị tổng trấn đừng tin Đức Chúa Giêxu.

Đến đây, Luca cho biết Sau-lơ có một tên nữa theo tiếng La-mã, là Phao-lô (9 Paulo). Tên ấy được dùng cho tới cuối sách Công Vụ. Trong các thư tín của mình, Sau-lơ cũng tự xưng là Phao-lô. Việc dùng tên La-mã có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì nó phù hợp với thánh vụ của ông là sứ đồ cho dân ngoại. Bấy giờ, Phao-lô nhận được sự đầy dẫy Đức Thánh Linh, (giống như Phi-e-rơ đã lại được đầy dẫy Thánh Linh khi đứng trước mặt hội đồng Sanhedrin ở Công Vụ 4:8), ông nhìn thẳng vào tay phù thuỷ, nói: “Hỡi kẻ đầy gian trá xảo quyệt, là con của ác quỷ, kẻ thù của công lý, ngươi không chừa thói phá hoại con đường chính trực của Chúa sao? Bây giờ, nầy, tay Chúa giáng trên ngươi, ngươi phải mù, không thấy ánh sáng mặt trời một thời gian” (10–11).

Hành động và lời nói của Phao-lô là từ sự thúc giục của Đức Thánh Linh, không phải ông tự ý làm. Gian trá và xảo quyệt, con của ác quỷ, kẻ thù của công lý thì vẫn có thể chưa đến lúc phải bị trừng phạt, nhưng hành động cố tình không chừa thói phá hoại con đường chính trực của Chúa thì không được bình an yên ổn để tiếp tục con đường ác. Việc không thấy ánh sáng một thời gian có nghĩa là Chúa vẫn chừa cho ông ta một cơ hội ăn năn. “Lập tức thầy phù thuỷ bị bóng tối dày đặc bao phủ, phải xoay quanh tìm người dắt” (11).

Người khôn ngoan tận mắt chứng kiến việc quyền năng của Đức Chúa Trời thì phải tin (12). Những người thấy mà không tin là kẻ dại. Từ chối không muốn thấy sự thật thì càng dại hơn nữa. Tuy nhiên, không phải vị tổng trấn ngạc nhiên về quyền phép của Chúa, ông vô cùng ngạc nhiên về giáo lý cứu rỗi của Chúa (12). Bởi vì chắc chắn ông được nghe về sự tha tội, sự tái sanh và vấn đề thánh hoá của con cái Chúa. Mặc dù Luca không tường thuật đầy đủ, chỉ vắn tắt các ý chính, chúng ta phải hiểu là tổng trấn Sergius Paulus đã được báp-têm bằng nước và cả báp-têm bằng Đức Thánh Linh nữa. Vì ông đã tiếp nhận đạo Chúa qua các sứ đồ đầy dẫy Đức Thánh Linh.

SachCongVu26.docx

Rev. Dr. CTB