Đồn Lũy Quyền Lực Tối Tăm

Sách Công Vụ, bài 34


Công Vụ 17:16–34

Thành A-then, Hy-lạp, là chỗ duy nhất trong Tân-Ước dùng chữ Hy-lạp kateidolos, tức là “đầy dẫy thần tượng.” Bởi vì theo một ước lượng thì số thần tượng tại A-then nhiều hơn tất cả hình tượng của cả nước Hy-lạp cộng lại; cho nên, Phao-lô rất bực bội.

Các hình tượng là mặt ngoài của các thế lực vô hình trong linh giới. Những thế lực ấy đã cật lực nắn đúc các quan điểm về triết lý, mỹ thuật, văn hoá, và đời sống hàng ngày của thành phố. Chẳng những chỉ tại A-then, chúng đã ảnh hưởng trên toàn đế quốc La-mã, mà người ta gọi là văn hoá Hy-lạp. Tiếng Hy-lạp trở thành ngôn ngữ giao tế trong toàn đế quốc. Và dù phần lớn Tân-ước do các tác giả người Do-thái viết, nhưng tất cả đều viết bằng tiếng Hy-lạp, ngôn ngữ phổ quát thời bấy giờ.

Các thành phố ngày xưa đều chọn vị thần chủ cho thành phố mình, giống như các làng người Việt xưa tôn một thần làm ‘thành-hoàng’ vậy. Tên thành phố A-then lấy từ tên nữ thần Athena là ‘trinh nữ thần khôn ngoan, nghệ thuật và mỹ thuật;’ còn được gọi là ‘thần khôn ngoan,’ ‘thần mỹ thuật.’

Dưới ảnh hưởng đó, A-then trở thành trung tâm trí thức và văn hoá của thế giới. Ở A-then quanh năm có vô số lễ hội để tôn vinh các thần. Có bảy thần nổi trội hơn hết: Athena (tiếng Latin gọi là Minerva), Apollo (thần sắc đẹp lực sĩ), Ceres (Mẹ Đất), Anthesterion (thần chết), Neptune (thần biển), Dionysus (thần mùa ép rượu), và Zeus hay Jupiter (thần trời và khí hậu).

Có năm điều khiến cho Phao-lô rất bực bội (16): 1) Các tà linh vô hình ẩn trong các thứ hình tượng, 2) Những đồn lũy kiên cố đang trói buộc cư dân A-then, 3) Dân thành A-then thờ lạy tạo vật thay vì thờ Đấng Tạo-Hoá, 4) Các nghi thức lễ hội là cúng tế các quỷ, và 5) Các lễ hội hàng năm là tái kết ước với những chủ quyền đang cai trị thành phố. Như vậy, tất cả cư dân ở A-then đều bị các thế lực tà thần cầm buộc cả; cho nên, Phao-lô hết sức tức giận về điều đó.

Theo lệ thường, Phao-lô vào nhà hội Do-thái ở A-then để “thảo luận với người Do-thái và người dân ngoại kính sợ Đức Chúa Trời,” ông cũng nói chuyện “với những người ông gặp hàng ngày tại nơi công chúng hội họp” (17).

Bình thường thì những người tới nhà hội chịu nghe giảng giải về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và dễ tiếp nhận Đức Chúa Giêxu. Nhưng ở A-then thì khác hẳn. Không thấy Luca ghi lại có ai tin Chúa ở đó. Người ta nghĩ rằng số người tới nhà hội thì quá ít, có lẽ không có nhiều người Do-thái định cư vì họ gớm ghét hình tượng; còn số người chịu ở thì đã quá quen thuộc với ngoại cảnh, nên không thấy khó chịu. Và có lẽ lòng họ đã nguội lạnh vì môi trường ngoại giáo quá mạnh; cho nên, lời Phao-lô giảng không ảnh hưởng gì hết.

Thất bại ở nhà hội, Phao-lô chuyển qua giảng cho người ngoại đạo và tranh luận với các triết gia của phái Khoái-lạc và phái Khắc-kỷ. Ông phải đối phó với các loại người hoàn toàn xa lạ với Đức Chúa Trời của người Do-thái, họ gọi ông bằng các lời lẽ miệt thị (18). Nhưng vì những điều ông nói thì rất lạ tai đối với họ, nên Phao-lô được mời ra trước một hội đồng có thẩm quyền về giáo dục và tôn giáo ở đồi Hoả-thần (Areios Pagos) (19–21).

Chủ đề bài giảng của Phao-lô ở đồi hoả-thần là nói về mối liên quan giữa thế giới vô hình và thế giới hữu hình. Ông khen người A-then “có tinh thần tín ngưỡng rất cao” (22). Ông nói tới bàn thờ có “khắc dòng chữ: ‘Thờ thần không biết,’” rồi giải thích “Vị thần quý vị không biết mà vẫn thờ đó, chính là Đấng tôi đang truyền giảng” (23). Ông nói rằng “Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo vũ trụ và vạn vật, là Chúa của cả trời đất, nên Ngài không ngự trong đền thờ do tay người ta xây dựng. Ngài cũng không thiếu thốn gì hết để nhờ đến bàn tay loài người phục vụ, vì chính Ngài ban sự sống, hơi thở, và mọi vật cho mọi người” (24–25).

Phao-lô cố gắng giảng giải về tính cách vô ích của sự thờ thần tượng, bằng cách dùng những ví dụ hữu hình. Ông nêu ra hai cách chính mà người ta tôn vinh, thờ lạy những vật được tạo nên thay vì tôn kính và thờ phụng Đấng Tạo-Hoá. Ông nói tới “đền thờ do tay người ta xây dựng” và “hình tượng bằng vàng, bạc, đá, được chạm trổ do nghệ thuật và trí tưởng tượng của loài người” (24, 29).

Không phải là các công việc của bàn tay con người không thể dùng để dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời, nhưng từ xưa nay, người ta vẫn dùng các công trình kiến trúc và nghệ thuật để tôn vinh các quyền lực tối tăm cõi vô hình thay vì tôn thờ Đấng Tạo Hoá. Điển hình là những doanh nghiệp chuyên tổ chức các chuyến du lịch thăm viếng cho khách phương xa, thì chỉ nhằm dẫn du khách tới chiêm ngưỡng các đền đài hay công trình mỹ thuật được tạo ra hầu hết để thờ hay tôn kính các thế lực ma quỷ.

Đức Chúa Trời “đã tạo nên loài người thuộc mọi dân tộc, sinh sống trên khắp mặt đất. Ngài ấn định thời kỳ và ranh giới cho nơi họ ở” (26). Mục đích của Ngài là “để họ tìm kiếm Đức Chúa Trời, với hi vọng họ dò dẫm tìm gặp Ngài, tuy Ngài chẳng cách xa ai cả” (27). Sở dĩ Ngài không cách xa ai cả, “vì trong Ngài chúng ta được sống, hoạt động và hiện hữu” (28). Nghĩa là nếu Ngài chẳng ban sự sống, chẳng gìn giữ cho chúng ta sống để hoạt động, thì chẳng ai có mặt, hiện hữu trên đời nầy cả. Đức Chúa Trời ở gần vì Ngài gìn giữ sự sống, duy trì sự hiện hữu của mọi người đang có mặt trên thế gian.

Mục tiêu bài giảng của Phao-lô là mọi người nghe trước hết phải ăn năn thứ tội đã không thờ kính Đức Chúa Trời do thiếu hiểu biết. Bởi vì “thời kỳ không hiểu biết ấy đã được Đức Chúa Trời bỏ qua, nhưng bây giờ Ngài truyền cho mọi người ở mọi nơi phải ăn năn” (30).

Bất cứ ai, sau khi đã được giảng giải cho biết về Đấng Tạo Hoá, mà vẫn còn cố ý làm ngơ, không thờ kính Đức Chúa Trời đáng chúc tụng, lại tiếp tục thờ lạy những thứ không phải là thần, cũng chẳng có quyền định đoạt sự sống hay sự chết, ban thưởng hay trừng phạt, thì thời kỳ sự dại dột được Chúa bỏ qua đã chấm dứt rồi. Bây giờ là lúc phải ăn năn tội lỗi,vì Ngài đã ấn định ngày xét xử cả nhân loại cách công minh” (31).

Nhưng khi những người có mặt nghe Phao-lô nói về việc Đức Chúa Trời làm cho Đức Chúa Giêxu sống lại từ cõi chết (31), thì những người duy lý trí hết chịu nổi; “người thì chế giễu, người thì nói: ‘Để lúc khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về chuyện ấy’” (32). Nghĩa là khi nào họ cần nghe thì sẽ gọi Phao-lô, còn Phao-lô đừng mời họ cách vô ích, vì họ sẽ chẳng nghe ông nói chuyện gì nữa.

Phao-lô không giảm nhẹ sứ điệp cho thuận tai người nghe. Ông thẳng thắn cho họ biết rằng họ phải ăn năn về tội đã lồng tính chất thần linh vào các ông trình kiến trúc và nghệ thuật, làm ra hình tượng và các đền thờ. Đáng lẽ họ phải thờ kính Đức Chúa Trời thay vì các thế lực ma quỷ.

Lúc Phao lô bỏ họ đi ra (33), thì có “mấy người theo ông và tin Chúa” (34). Dù vậy, chúng ta khó xác định được thánh vụ của Phao-lô tại A-then là thành công hay thất bại. Nếu dựa trên quan điểm cho rằng mục tiêu của Phao-lô là giảng một bài giảng hoàn hảo và khéo léo địa phương hoá tập quán của các triết gia Hy-lạp vào bài giảng của mình, thì thánh vụ ấy được xem là thành công nhất trong tất cả các bài giảng của ông được ghi lại.

Nhưng nếu người đọc cho rằng mục tiêu của ông là giành phần thắng trong một cuộc tranh luận với những cái đầu duy lý phức tạp, thì bị xem là thất bại. Còn nếu chúng ta tin rằng mục tiêu chính của ông là thu phục nhiều tín đồ cho Đấng Christ để thành lập một Hội-thánh tại A-then, thì ông không thành công cho lắm.

Bài học nầy cho chúng ta thấy sự truyền giáo vào một nơi mà ảnh hưởng của satan đã ăn sâu thì sự chống cự phúc âm là rất mạnh.

So với cách thức Phao-lô truyền đạo ở Tê-sa-lô-ni-ca là kết hợp giữa lời nói với sự phô bày quyền phép (1Tê-sa-lô-ni-ca1:5), thì ở A-then chỉ có lời nói mà ít có quyền phép cặp theo.

Hay so sánh với kết quả tại Lystra, nơi không có nhà hội Do-thái và người ta thờ cúng cả Zeus và Hermes (Jupiter & Mercury), nhưng khi quyền phép Chúa được thi thố chữa lành một người bị liệt cả hai chân, thì một Hội-thánh mạnh mẽ được thành lập.

Không thấy Luca ký thuật có quyền phép gì xảy ra tại A-then. Lời nói giỏi, nhưng không có dấu hiệu quyền phép của Chúa cặp theo thì sự thành công là rất ít. Chúng ta hãy suy nghĩ nhiều về việc đó.

SachCongVu34.docx

Rev. Dr. CTB