Tại Sao Cần Chức Tế Lễ Mới?

Thư Hê-bơ-rơ, bài 10

Hê-bơ-rơ 7:11–28

Trong bối cảnh luật pháp Đức Chúa Trời ban cho người Do-thái, qua Môi-se là người trung gian, tác giả đặt câu hỏi cho những người đã biết về luật pháp nầy:

Vậy, nếu chức vụ tế lễ của dòng họ Lê-vi đã hoàn hảo rồi (vì chức tế lễ nầy là căn bản của luật pháp được ban hành cho dân chúng), đâu cần phải lập một Thầy Tế Lễ khác theo ban Mên-chi-xê-đéc, chứ không theo ban A-rôn?” (11).

Câu trả lời phải dựa trên hai công việc khác nhau giữa hai phẩm trật A-rôn với Mên-chi-xê-đéc.

Công việc của A-rôn, và các thầy tế lễ thượng phẩm nối tiếp nhau kế tục chức vụ của ông, là dâng sinh tế, lấy huyết của con sinh tế đem dâng trong nơi chí thánh để đền tội cho tất cả chúng dân.

Cho nên, chức vụ của A-rôn tượng trưng cho công việc của Đức Chúa Giêxu trên thế gian là dâng sinh tế, đổ huyết đền tội để người tin Ngài được phục hoà với Đức Chúa Trời.

A-rôn và các thầy tế lễ thượng phẩm kế tục ông, mỗi năm chỉ được phép vào phía trong bức màn một lần rồi phải lui ra, không được nấn ná nơi đó; khác với Môi-se được trò chuyện với Đức Chúa Trời mỗi lần ông vào trong lều hội kiến (Dân-số-ký 7:89).

Họ chưa trải qua kinh nghiệm được thường xuyên ở trong sự hiện diện của Chúa, tương giao trực tiếp với Ngài và nhận lấy sức sống thiên thượng.

Công việc tế lễ, cầu thay cho dân của họ chỉ thuần tuý thuộc về hình thức theo kiểu mẫu đã được chỉ dẫn cho Môi-se dưới giao ước cũ.

Nhưng khi Đức Chúa Giêxu đến thế gian, chịu chết và thiết lập giao ước mới bằng huyết của Ngài, thì Ngài thi hành chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm theo phẩm trật Mên-chi-xê-đéc.

Ngài xé bức màn che khuất nơi chí thánh, vào nơi chí thánh của đền thờ thật trên thiên đàng, ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời, nhận lãnh Đức Thánh Linh và tuôn đổ Thánh Linh trên người tin Ngài, ban cho người tin quyền đến gần Đức Chúa Trời, và thường xuyên cầu thay cho người tin để bảo đảm cho họ được sự cứu rỗi trọn vẹn.

Những công việc của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trên trời thì chức vụ của A-rôn và các thầy tế lễ thượng phẩm kế tục không thể nào tượng trưng được.

Khi Đức Chúa Trời xác nhận: “Con làm Thầy Tế Lễ đời đời, theo ban Mên-chi-xê-đéc” (Thi thiên 110:4), thì chức tế lễ đã thay đổi. Tác giả giải thích: “Mà khi chức tế lễ đã thay đổi, luật pháp cũng cần thay đổi” (12).

Theo luật pháp thì chỉ có người của chi tộc Lê-vi được làm chức tế lễ mà thôi. Trong khi đó, Đức Chúa Giêxu thuộc chi tộc Giu-đa, là chi tộc không có nhiệm vụ phục vụ tại bàn thờ hay trong đền thờ (13–14).

Như vậy, chức tế lễ mới “được lập lên không theo nguyên tắc huyết thống, nhưng căn cứ trên quyền năng của sự sống bất diệt” vì đã có “một Thầy Tế Lễ khác giống như Mên-chi-xê-đéc xuất hiện” (15–17), là Đức Chúa Giêxu, Đấng đã đem huyết của chính mình, đổ ra vì nhân loại, vào gian chí thánh của nơi thờ phượng vĩ đại (Hê-bơ-rơ 9:11–12).

Chúa thiết lập chức tế lễ mới vì “luật lệ cũ đã bị bãi bỏ vì yếu kém và vô ích, bởi lẽ luật pháp không hoàn thiện điều gì được cả,” trong khi đó “một niềm hi vọng tốt đẹp hơn đã được đưa vào thay thế, nhờ đó chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời” (18–19).

Điều nầy không có nghĩa là do không biết trước sự yếu kém của luật pháp, mà Đức Chúa Trời thiết lập giao ước cũ rồi phải huỷ bỏ.

Nhưng bởi vì “trước khi đức tin đến, chúng ta bị luật pháp canh gác, giữ lại, chờ ngày đức tin xuất hiện. Như vậy, luật pháp như người giám hộ dẫn chúng ta đến Đấng Christ, để chúng ta được xưng công chính nhờ đức tin. Nhưng nay đức tin đã đến, chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa” (Ga-la-ti 3:23–25). Sự thay đổi luật về chức tế lễ là để chúng ta được đến gần Chúa.

Công cuộc cứu rỗi loài người của Đức Chúa Giêxu có hai phần: 1) Tẩy sạch tội lỗi, là tượng trưng cho chức vụ tế lễ của A-rôn. 2)Ngồi bên phải Đấng Tôn Nghiêm trong nơi chí cao (1:3), tượng trưng cho chức tế lễ của Mên-chi-xê-đéc.

Khi chúng ta tiếp nhận sự chết đền tội và huyết rửa tội của Đức Chúa Giêxu, là chúng ta chỉ mới tiếp nhận phần thứ nhất của công cuộc cứu rỗi, chứ chưa tiếp nhận phần thứ nhì của công cuộc ấy, là sự bình an, vui mừng, thánh khiết và quyền năng của Đức Thánh Linh.

Tức là chưa nhận được vô số lời hứa của Đức Chúa Trời đã ghi trong Kinh-thánh hứa ban cho những người thuộc về Ngài, được vào nơi an nghỉ của Ngài.

Rất nhiều người trong vòng chúng ta chỉ tiếp nhận Đức Chúa Giêxu qua chức vụ của A-rôn, mà chưa biết Ngài là Mên-chi-xê-đéc.

Mặc dù tất cả chúng ta đều đã nghe và tin rằng Ngài đã về trời và đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời, nhưng rất ít người ý thức được mối liên hệ giữa chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Đức Chúa Giêxu theo phẩm trật Mên-chi-xê-đéc, với đời sống tin kính hàng ngày của chúng ta.

Vì vậy, những tín hữu ấy sống một đời sống đạo khổ sở và vất vả, do chưa nhận được quyền năng của sự sống thiên thượng mà Đức Chúa Giêxu có thể ban vào lòng họ. Họ chưa biết cách nào để nhận lãnh các lời hứa đầy phước hạnh của Ngài.

Chúng ta cần hiểu rằng, nếu chúng ta thực sự là “những người được Đức Chúa Trời kêu gọi” (3:1), thì có thể tiếp nhận mọi điều mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho chúng ta trong nơi chí thánh, qua sự giúp đỡ của Vua và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, là Đức Chúa Giêxu.

Muốn nhận ơn phước đó thì trước tiên chúng ta phải khước từ thế gian với tất cả các tham dục của nó, để bắt đầu có sự sống thiên đàng.

Kế đến, chúng ta phải nhường cho Đức Chúa Giêxu làm Vua và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của lòng mình qua vai trò Mên-chi-xê-đéc, để đời sống tâm linh của chúng ta có thể tiến vào nơi an nghỉ của Đức Chúa Trời, tức là đời sống đắc thắng tội lỗi. Bởi vì ai bằng lòng cho Chúa cai trị, thì Ngài sẽ thoả mãn tâm linh ta, tín hữu không còn muốn phạm tội nữa.

Trong khi các thầy tế lễ khác được lập lên không do lời thề, còn Đấng phán với Ngài có thề rằng: ‘Chúa đã thề và không đổi ý, Con làm Thầy Tế Lễ đời đời’ Vì thế Đức Chúa Giêxu đã trở thành Đấng Bảo Đảm của một giao ước tốt hơn” Như vậy, “Ngài làm Thầy Tế Lễ không phải là không có lời thề” (20–22).

Mục đích của giao ước là ghi nhận các điều khoản hai bên đã đồng ý sẽ làm trọn các điều cam kết với nhau. Giao ước cũ thất bại vì người Israel đã sớm bội ước, mặc dù họ đã long trọng thề hứa với Chúa sau khi nghe Môi-se đọc sách giao ước (Xuất Ai-cập 24:7).

Đức Chúa Giêxu giữ vai trò Mên-chi-xê-đéc ở thiên đàng, để làm Đấng Bảo Đảm cho một giao ước hoàn thiện hơn. Là giao ước không bị sự phạm tội của loài người làm cho suy yếu.

Bởi vì Đấng Bảo Đảm giao ước đã thực hiện xong phần của Ngài, và Ngài có quyền năng giữ trọn giao ước.

Vả lại, “Đức Chúa Giêxu, vì tồn tại đời đời nên giữ chức tế lễ mãi mãi. Do đó, Ngài có thể cứu rỗi trọn vẹn và vĩnh viễn những người nhờ Ngài đến với Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho họ.

Khác với những thầy tế lễ trước kia đều phải chết, không thể tiếp tục chức vụ làm trung gian (23–25), Đức Chúa Giêxu thì giữ chức vụ ấy vĩnh viễn; vì thế, Ngài có thể giúp đỡ mọi người tin nào hiểu được điều đó có đời sống tâm linh mạnh mẽ đắc thắng.

Bởi vì những người có đời sống tâm linh ấu trĩ, yếu đuối, bạc nhược, là người chỉ tiếp nhận Đức Chúa Giêxu là Đấng chết thay cho mình mà thôi; còn mọi ham muốn thế gian vẫn còn đầy ắp trong lòng. Giống như những người Israel được cứu khỏi Ai-cập, nhưng kiếp nô lệ ở Ai-cập chưa ra khỏi lòng họ.

Vì thuộc tính ‘đời đời’ và quyền năng của Đức Chúa Giêxu ban cho người tin không bao giờ gián đoạn, nên “Ngài chính là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm chúng ta cần, thánh khiết, vô tội, không ô uế, tách biệt khỏi người tội lỗi, vượt cao hơn các tầng trời.

So với các thầy tế lễ thượng phẩm phải dâng tế lễ hàng ngày, Đức Chúa Giêxu “chỉ cần dâng chính mình làm tế lễ một lần là đủ” (26–27). Ngài làm như vậy để chúng ta có thể qua Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, hưởng sự cứu rỗi trọng vẹn và vĩnh viễn.

Ngài đã được Đức Chúa Trời thề lập làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời theo phẩm trật Mên-chi-xê-đéc (28).

Bí quyết để có đời sống tâm linh mạnh mẽ và đắc thắng là: Nhận biết vai trò Mên-chi-xê-đéc của Đức Chúa Giêxu đang ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời để biện hộ và cầu thay cho chúng ta mãi mãi, nhờ đó chúng ta mới dạn dĩ đến gần Đức Chúa Trời nhận lấy sức sống vĩnh cửu ở thiên đàng. Không một ai khác có thể làm trung gian giữa chúng ta với Đức Chúa Trời chí thánh.

ThuHeboro10.docx

Rev. Dr. CTB