Chúa Nhật, September 21st, 2014
Sáng Thế Ký, 13
Sáng-thế-ký 6:8–22
Không sử sách nào nói rõ về khoảng thời gian các thiên sứ “canh giữ” (Watchers) lập quyết định bỏ chỗ của họ ở thiên đàng thánh thiện, để cưới những nữ mỹ nhân làm vợ, rồi sinh ra dòng giống khổng lồ, gọi là người Nê-phi-lim, tới thời điểm Đức Chúa Trời đã quyết định sẽ dùng nước lụt tiêu diệt mọi loài sinh vật có hơi thở trên mặt đất, là bao lâu.
Người ta chỉ có thể phỏng đoán khoảng thời gian dài ấy bằng cách tính năm Ma-ha-la-lel sinh Giê-rệt (Jared), tới ngày Nô-ê nhận lệnh đóng chiếc tàu khổng lồ thời thái cổ. Tức là thời điểm các vị “canh giữ” xuống trần gian thì chưa ai rõ.
Những vị “canh giữ” nầy không phải là sản phẩm tưởng tượng hay bịa đặt của những người đời sau. Sách tiên tri Đa-ni-ên có hé lộ một ít chi tiết về các vị nầy: “… ta thấy có một đấng canh giữ, đấng thánh từ trên trời xuống. …… Án lệnh nầy được các đấng canh giữ truyền phán, ……” (Đa-ni-ên 4:13, 17).
Không những họ chỉ có bổn phận canh giữ, mà còn được ban cho khả năng biến đổi tâm trí loài người: “Hãy thay đổi tâm trí nó từ tâm trí người ra tâm trí của thú vật” (Đan 4:16).
Chứng cớ nầy cho thấy rằng đã có các vị thiên sứ ‘canh giữ’ được sai xuống trần gian với những quyền hạn nhất định nào đó do Đức Chúa Trời ban cho. Và họ có thể bỏ chỗ của họ (Giu-đe 6).
Các thiên sứ thuộc đẳng cấp ‘teraphim’ bị sa ngã đã thực hiện kế hoạch phá khuấy của satan vào chương trình của Đức Chúa Trời. Bởi vì việc gieo một giống lạ vào dòng giống A-đam là sự phá hỏng tính cách thuần chủng của loài người do Đức Chúa Trời trực tiếp dựng nên.
Điều lo sợ của satan là ‘dòng dõi người nữ’ thuần chủng từ tổ A-đam sẽ xuất hiện và giày đạp đầu hắn. Cho nên, hắn hết sức tìm phương cách làm cho dòng dõi A-đam không còn thuần chủng nữa. Nói như thế không có nghĩa là vào thời Nô-ê thì toàn thể loài người đã bị ‘ô nhiễm’ bởi giống Nê-phi-lim.
Kinh-thánh chỉ ghi là: “Nô-ê được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va. Đây là dòng dõi của Nô-ê. Trong thế hệ mình, Nô-ê là một người công chính và trọn vẹn; ông cùng đi với Đức Chúa Trời” (8–9).
Có ba yếu tố quan trọng khiến cho Nô-ê được ơn trước mặt Đức Chúa Trời: Ông là người công chính, trọn vẹn và đồng đi với Đức Chúa Trời. Nhưng đức công chính và đời sống đồng đi với Đức Chúa Trời gộp lại thành một yếu tố.
Bởi vì một người được kể là công chính khi người đó sống đời kính thờ Chúa, ngay thẳng, tương giao với Chúa, cẩn thận trong từng việc lớn nhỏ làm theo ý muốn của Chúa, và trong mọi nếp suy nghĩ đều giữ gìn để được đẹp lòng Ngài.
Nô-ê cũng được xác nhận là một người trọn vẹn; chữ Hê-bơ-rơ ‘tamiym,’ được dịch là ‘trọn vẹn‘ ở đây, cũng là chữ để mô tả một con chiên dùng làm sinh tế theo luật Môise phải là ‘không khiếm khuyết, không tì vết’ gì cả. Con chiên đó phải là một con chiên ‘tamiym.’
Như đã ghi chép “Hãy bắt trong bầy chiên hoặc trong bầy dê của các con, một chiên con đực hay là dê con đực một năm tuổi, không tì vết” (Xuất Ai-cập 12:5).
Cho nên ý nghĩa chữ trọn vẹn ở câu nầy dùng để mô tả tính thuần chủng từ dòng A-đam của Nô-ê; nghĩa là ông và toàn gia đình ông, kể cả vợ ông là Emzara, con Rakeel, chú của ông, và các cô con dâu đều là con của Êliakim, cũng là dòng không bị pha trộn chút nào với máu huyết của giống người Nê-phi-lim (sách ngoại truyện Jubilees 4).
Sự trọn vẹn của Nô-ê không có nghĩa là ông trong trắng vô tội trước mặt Đức Chúa Trời. Nô–ê được chọn là nhờ ông có được hai yếu tố cực kỳ quan trọng: Trước tiên, ông được kể là người công chính; rồi là người thuần chủng dòng Sết.
Tuy vậy, không có bằng cớ nào xác nhận Nô-ê là người duy nhất thuần chủng. Mặc dù dòng dõi của Sết lẫn Ca-in đều có nhiều người đàn bà đẹp đã bị các thiên sứ sa ngã cưới làm vợ, nhưng không phải toàn thể loài người lúc đó đều là người Nê-phi-lim.
Nghĩa là người Nê-phi-lim không phải là đa số; cho nên, vẫn có một số người còn thuần chủng từ dòng A-đam. Nhưng không có ai trong số những người đó được Chúa kể là công chính, chỉ một mình Nô-ê được kể mà thôi.
Một sự kiện quan trọng khác thường ít được lưu ý tới trong việc Đức Chúa Trời chọn lựa gia đình Nô-ê làm tổ phụ của dòng giống loài người kể từ sau cơn đại hồng thuỷ đến nay.
Sự kiện đó là “Nô-ê được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va” (8). Thật ra, đây mới là yếu tố quan trọng nhất trong toàn thể câu chuyện. Bởi vì nếu không do ân điển của Đức Chúa Trời ban cho, thì tính cách công chính hay đặc tính thuần chủng của Nô-ê đều là vô nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời chí thánh.
Ấy là “nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu. Đó là một ân huệ của Đức Chúa Trời ban cho, không phải do anh em tạo ra” (Ê-phê-sô 2:8). Các tổ phụ của Nô-ê đều sinh con lúc chưa được 200 tuổi, nhưng Nô-ê đến 500 tuổi mới sinh con theo thứ tự là Sem, Cham và Gia-phết (10; 5:32).
“Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy điều hung bạo. Đức Chúa Trời nhìm xem thế gian, thấy chúng bại hoại, vì mọi người trên đất đều theo lối sống băng hoại” (11–12).
Cả ba sách cổ: Enoch 1, Jasher và Jubilees đều mô tả sự bại hoại của người thời ấy là quá mức tưởng tượng của xã hội văn minh thời nay. Những người có sức mạnh hơn đồng loại thì cướp vợ đẹp của người yếu hơn mình.
Người Nê-phi-lim khổng lồ bắt người ta phải cung cấp thức ăn cho họ. Nếu không cung cấp đủ thức ăn, thì họ ăn thịt những người ấy. Sự giết chóc lẫn nhau diễn ra khắp nơi. Loài người cũng giết vô số thú vật và chim muông.
Ngoài ra, các thiên sứ sa ngã cũng dạy cho loài người cách rèn gươm, dao, thuẫn, và các loại đồ trang sức. Họ dạy cho người cách trù ếm, phản trù ếm, chiêm tinh, cách xem và nhận diện mây trời, coi các dấu hiệu mặt trời, mặt trăng, vv.
Sách Jubilees cho biết có nhiều giống người khổng lồ ngoài giống Nê-phi-lim, goị là Naphil và Eljo. Ba giống khổng lồ đó thường xuyên giết lẫn nhau rồi họ quay sang giết loài người; và loài người cũng giết nhau khắp nơi.
Sách Enoch nói rằng các thiên sứ thánh còn trên trời đều biết đó là hậu quả sự phản bội của Azazel (Enoch 9:6; Lê-vi-ký 16:8, 10, 26).
Đó là những điều Đức Chúa Trời kể là băng hoại trước mắt Ngài; vì thế, Ngài “phán với Nô ê: ‘Ta đã quyết định tận diệt mọi người, vì do chúng mà thế gian đầy dẫy điều hung bạo. Nầy Ta sẽ tiêu diệt chúng khỏi mặt đất’” (13).
Ngài cũng bảo Nô-ê đóng một chiếc tàu theo kích thước và kiểu mẫu mà Ngài chỉ dẫn. Nếu tính theo đơn vị đo bây giờ, thì chiếc tàu dài 150 thước tây, rộng hai mươi lăm thước, và chiều cao mười lăm thước.
Chiếc tàu ba tầng có mái che phía trên, tức là giống như mái nhà che kín cả thân tàu. phải đóng toàn con tàu bằng gỗ ‘gopher’ và trét nhựa chai cả trong lẫn ngoài (14–16). Chúa bảo ông đóng chiếc tàu vì Ngài “sẽ dẫn nước lụt đến trên đất để tiêu diệt tất cả các loài xác thịt có hơi thở ở dưới trời. Mọi vật trên đất đều sẽ chết hết” (17).
Đức Chúa Trời hứa sẽ lập giao ước với gia đình riêng của Nô-ê. Họ sẽ vào tàu và đem theo đủ lương thực cho họ và các loài thú vật, loài chim trời, loài bò sát, đực cái, trống mái, mà Chúa sẽ sai đến để bảo tồn sự sống của mọi loài ấy (18–21). “Nô-ê làm mọi điều đúng như lời Đức Chúa Trời đã truyền phán” (22).
Mặc dù Kinh-thánh ghi rõ từng chi tiết về chiếc tàu, giới vô thần vẫn tìm cách bác bỏ sự thật nầy, cho rằng chỉ là chuyện bịa đặt. Thế nhưng, truyền thuyết cổ xưa của bất cứ dân tộc nào sống trên thế gian đều kể chuyện về một cơn nước lụt ngập cao hơn đỉnh núi.
Vài sử gia và nhiều nhân chứng từ năm 275 BC tới 1916 đều tường thuật là chính mắt họ nhìn thấy xác chiếc tàu nằm kẹt trên ngọn núi.
Đáng kể nhất là các sử gia Josephus (A.D. 75), Theophilus Antioch (A.D. 180), đều ghi lại các chứng cớ về những người đã thấy xác chiếc tàu nằm trên núi.
Khoảng gần giữa thế kỷ 20, một cụ già người Armenian kể lại rằng vào năm 1856, lúc ông là một thiếu niên, đã theo cha và 3 người vô thần trèo lên núi ở Armenia, thấy xác một chiếc tàu lớn bằng gỗ như kích thước chép trong Kinh-thánh, họ đã đến tận chiếc tàu để xem xét. Cả ba người vô thần và cha của chú bé giữ im lặng, không tiết lộ điều họ đã thấy.
Đức Chúa Trời biết trước là về sau người ta sẽ không tin; cho nên, việc trét nhựa chai cả trong lẫn ngoài chiếc tàu là cách bảo quản gỗ gopher lâu dài không bị hư mục. Sau nầy, chúng ta sẽ được thấy chiếc tàu và gặp Nô-ê.
SangTheKy13.docx
Rev. Dr. CTB