Động Lực Thúc Đẩy Hành Vi

Chúa Nhật, August 30th, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 18

Ma-thi-ơ 5:20

Lúc tiễn đưa con lên xe về nội trú ở một trường xa nhà, bà mẹ dặn đứa con trai: “Khi tới nơi con viết thư liền cho mẹ và nhớ thường xuyên viết thư về nghe chưa!

Một bà hàng xóm nghe lóm được lời dặn dò của bà mẹ liền bày mưu: “Cách chắc chắn nhất khiến con bà phải viết thư về nhà là viết cho nó một cái thư nói rằng: ‘Đây mẹ gửi cho con $200 để con tiêu xài tuỳ ý con muốn.’

Bộ cái đó sẽ khiến nó phải viết thư về sao?

Đúng vậy! Bởi vì bà viết như thế nhưng đừng bỏ tiền vô phong bì. Chắc chắn cậu ấy sẽ vội vàng viết thư về hỏi cho mà coi.

Trong đời sống mỗi ngày của chúng ta bước đi theo Chúa, có nhiều điều trong cách hành xử, mà chúng ta ít khi để ý, rằng một số hành vi được thúc đẩy bởi một động lực trong sáng và thánh thiện.

Nhưng cũng có một số hành vi khác bị thúc đẩy bởi các động lực sai trật; mà hậu quả đem đến thường là không vui hoặc xấu.

Tâm lý khác nhau giữa người chăm chú vào sự sống của Đức Chúa Trời, với người sống theo bản tính vô tình, trước những hệ quả của các hành vi trong cuộc sống mỗi ngày, thì hoặc là khiến tín hữu suy xét để điều chỉnh các hành động cho thanh sạch, hoặc là tiếp tục bản tính thờ ơ, chẳng bị khuấy động chút nào về cách hành xử sai trật của họ.

Lời dạy của Đức Chúa Giêxu trong Bài Giảng Trên Núi, ở phần nói về việc giữ các điều răn và điều kiện để được vào nước trời, thì nếu hiểu lời Ngài theo nghĩa đen, sẽ chẳng ai đủ điều kiện để vào thiên đàng.

Bởi vì giữ luật cách nghiêm khắc như các thầy dạy luật và người Pha-ri-si, mà vẫn còn bị thiếu sót, thì làm sao người bình thường có thể làm hơn được? Nhất là người trong xã hội thời nay lại càng không giữ nổi.

Vậy thì, ý của Chúa trong lời dạy nầy chắc chắn không phải là buộc chúng ta vâng giữ toàn bộ luật pháp Môi-se của Do-thái-giáo.

Bằng chứng là Ngài đã phá bỏ một số điều trong luật pháp ấy. Ví dụ như sự rửa tay (Ma-thi-ơ 15:1–11); sự kiêng ăn (Mác 2:18); ngày Sa-bát (Mác 2:23–28); chữa bệnh trong ngày Sa-bát (Mác 3:1–6).

Như thế, theo lời dạy của Đức Chúa Giêxu, thì động lực thúc đẩy từ trong lòng chúng ta mới đáng kể (Mác 7:14–23). Đặc tính của người đã thật sự thuộc về Đức Chúa Giêxu không phải vì nhờ làm những việc lành mà được kể là thánh thiện, nhưng do bản chất thiện hảo trong lòng là động lực thúc đẩy cách hành xử hàng ngày của họ.

Điều duy nhất vượt cao hơn sự làm điều lành là có một tâm tính thiện hảo từ trong lòng phát ra hành động bên ngoài.

Vì thế, lời Đức Chúa Giêxu ở trong bài giảng trên núi: “Nếu các con không có một nếp sống công chính hơn các thầy dạy luật và người Pha-ri-si, các con sẽ không được vào nước Trời,” không mang nghĩa đen như cách hiểu của một số người.

Ý nghĩa thật của lời ấy là: “Nếu các con là môn đồ Ta, các con phải thiện hảo chẳng những trong hành vi, mà còn phải thiện hảo trong các động lực thúc đẩy hành vi đó.

Tất cả các động lực thúc đẩy những hành động của chúng ta đều nằm sâu trong tư tưởng của tâm trí chúng ta. Những khát vọng trong lòng người là động lực thúc đẩy các hành vi và cách cư xử của người ấy.

Đức Chúa Trời là Đấng thấy rõ điều gì đang diễn biến trong lòng chúng ta thúc đẩy chúng ta hành động; vì vậy, chúng ta cần phải cẩn thận xem xét lòng mình, để bất cứ động lực nào xui khiến chúng ta hành động đều phải là thanh sạch trong cách nhìn của Chúa, và không bợn nhơ nào xen vào những ý định của chúng ta khiến ta bị Ngài quở trách.

Ai có thể đứng nổi trước ánh sáng soi xét của Đức Chúa Trời mà không bị Ngài quở trách vì không có lầm lỗi hay sự đen tối nào? Chỉ một mình Con của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Giêxu Christ mà thôi.

Bây giờ trở lại những điều chúng ta đã học trước đây về việc Đức Chúa Giêxu đã truyền sự thánh khiết của Ngài vào trong chúng ta qua ơn cứu chuộc, khiến chúng ta được thánh hóa, thì được nhắc nhở rằng: Sở dĩ tín hữu được thánh hóa, hay được xem là thánh thiện, vì được Đức Chúa Giêxu ngự vào và truyền sự thánh khiết của Ngài vào lòng con dân chân thật của Ngài.

Vì thế, khi Đức Chúa Trời soi xét chúng ta thì Ngài nhìn qua ân điển của Đức Chúa Giêxu, Đấng đang ngự trong lòng con dân Ngài. Ân điển ấy là tấm màn che, một màng lọc cực thánh, để bất cứ ai được ở dưới sự che phủ của màn che ấy đều được ánh sáng chân lý của Đức Chúa Trời chiếu rọi và kể là thánh thiện (Giăng 1:14).

Có nghĩa là nhờ sự thánh khiết của Đức Chúa Giêxu đã truyền vào lòng tín hữu, thì lòng người ấy được biến đổi để hình thành động lực thánh thiện thúc đẩy người hành động.

Qua ơn cứu chuộc, Đức Chúa Giêxu có thể đặt bản thể thánh thiện của Ngài vào bất cứ ai để biến đổi người đó thành trong trắng và chân thật như một đứa trẻ vậy.

Lòng thanh sạch mà Đức Chúa Trời đòi hỏi là điều loài người không thể thực hiện nổi, ngoại trừ đã được tái tạo từ bên trong. Mà sự tái tạo lòng của mọi người tin là do Đức Chúa Giêxu đảm trách qua ơn cứu chuộc của Ngài, được Đức Thánh Linh thực hiện.

Không một ai có thể làm cho mình được thanh sạch nhờ tuân hành luật pháp. Và cũng không một ai trong nhân loại có thể làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời.

Vì lý do đó, Đức Chúa Giêxu đã đến trong nhân gian để hoàn thành luật pháp, tức là thay cho nhân loại để thực hiện điều mà họ không làm được (Ma-thi-ơ 5:17).

Ngài không buộc chúng ta phải thực hiện những luật lệ nào hết. Ngài chỉ ban cho những điều dạy dỗ, là chân lý, mà chỉ bản thể của Ngài đã đặt trong chúng ta mới giải thích được.

Chẳng hạn như lời khẳng định của Ngài mà chúng ta đang phân tích: “Nếu các con không có một nếp sống công chính hơn các thầy dạy luật và người Pha-ri-si, các con sẽ không được vào nước Trời,” thì được những người đã nhận bản thể của Ngài hiểu ý Ngài muốn nói là: “Nếu các con muốn làm môn đồ Ta, chẳng những các con phải thiện hảo trong hành vi hàng ngày của các con, mà còn phải thiện hảo trong các động lực thúc đẩy những hành vi đó nữa.

Đúng là đòi hỏi nầy là rất khó. Nhưng Đức Chúa Giêxu giúp chúng ta thực hiện đòi hỏi ấy bằng cách thánh hóa con dân Ngài, tức là đặt bản thể thánh khiết của Ngài vào lòng con dân Ngài.

Qua ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giêxu ngự vào lòng tín hữu và thay đổi động lực điều khiển tâm tính của họ. Ngài thay đổi cái nguồn thúc đẩy các hành động và tư tưởng trong chúng ta, khiến chúng ta trở nên thánh thiện trong mọi suy nghĩ hay dự định của mình, từ đó ta chấm dứt phạm tội.

Sự thánh hóa mà Đức Chúa Trời ban vào lòng chúng ta không phải là Ngài thay đổi bản chất bề trong của con người, mà là thay đổi cái nguồn thúc đẩy người ta suy nghĩ và hành động, nghĩa là Ngài thay đổi các động lực điều khiển những hành vi của con dân Ngài.

Nhờ đó, từ tư tưởng ở trong tâm trí cho đến hành động bên ngoài, người được thánh hóa sẽ có nếp sống công chính hơn các thầy dạy luật và người Pha-ri-si.

Hơn thế nữa, họ còn được quyền phép của huyết Đức Chúa Giêxu thường xuyên thanh tẩy, được Đức Thánh Linh nhắc nhở trong mọi vấn đề để có thể cư xử và hành động theo các nguyên tắc thánh thiện của Đức Chúa Trời.

Khi đã hiểu được lời dạy ấy của Đức Chúa Giêxu, chúng ta mới biết ý Ngài muốn truyền đạt là: “Nếu các con xưng là đã được thánh hóa, thì hãy biểu lộ tính công chính qua mọi hành vi của mình trong nếp sống hàng ngày.

Bất cứ điều gì đã trở thành kinh nghiệm thật trong chúng ta thì nó sẽ tự động biểu lộ mà chúng ta không cần phải cố gắng bày tỏ gì hết. Mọi đức tính công chính và thánh thiện, của một đời sống thánh hóa, sẽ biểu lộ rõ ràng trong các mối liên hệ thường ngày.

Vì thế, sứ đồ Phao-lô khuyên tín hữu ở Hội-thánh Phi-líp rằng: “Anh em hãy lấy lòng kính sợ run rẩy thực hành sự cứu rỗi” (Phi-líp 2:12). Đừng chỉ chú trọng vào lý thuyết suông mà phải biết thực hành sự hiểu biết mà mình nhận được.

Rất nhiều tín hữu Tin-Lành biết tất cả các giáo lý về sự thánh hóa; nhưng chẳng ai hay có bao nhiêu người biết đem ra áp dụng đời sống thánh hóa trong mọi vấn đề của cuộc sống mỗi ngày.

Quý con dân Chúa cần biết sự thật sau đây để thường xuyên tự nhắc nhở mình rằng: Tất cả mọi điều trong đời sống chúng ta, dù nó thuộc về đời sống thể chất, hoặc nếp sống đạo đức, hay thuộc cõi tâm linh, đều sẽ bị phán xét và đo lường bởi các tiêu chuẩn chuộc tội của thập tự giá Đấng Christ.

Nghĩa là chúng ta phải sống xứng đáng với huyết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ đã ban cho chúng ta, để nhờ sự chuộc tội ấy mà chúng ta có cơ hội được biến đổi động lực bên trong, rồi sống một đời sống được thánh hóa.

TroVeNenTang18.docx

Rev. Dr. CTB