Nỗi Lòng Người Mẹ

Các Vấn Đề Căn Bản, bài 13

Luca 2:41–51

Chuyện tích Đức Chúa Giêxu đi lên Giêrusalem dự lễ Vượt-Qua, mười hai năm sau ngày Ngài giáng sinh, có vài chi tiết nhỏ khiến người đọc hiểu biết rõ hơn vài điều lớn và quan trọng, vạch ra vài điều tin tưởng sai trật của một số người thuộc Cơ-đốc-giáo giới.

Thời gian mười hai năm trong đời người thì rất ngắn. Người ta chỉ có thể quên vài biến cố quan trọng khi trải qua nhiều sự kiện khác diễn ra dồn dập, làm cho ký ức bị lu mờ dần.

Sự kiện bà Mari được thông báo bởi một thiên sứ về sự giáng sinh của Ngôi Lời Đức Chúa Trời là một điều rất khó bôi xóa trong trí nhớ.

Vì sau nầy có một số người giảng dạy rằng Đức Chúa Giêxu là người con duy nhất mà bà mang thai; ngoài ra bà không có người con nào khác với ông Giô-sép, chồng bà.

Tuy vài sách trong Kinh-thánh Tân-ước có nói rõ về những người em cùng một mẹ với Đức Chúa Giêxu, và những người chủ trương bà Mari không có người con nào khác đã tìm cách chối bỏ sự thật ấy, thì chuyện tích trên mở ra vài điểm lý thú để chúng ta suy gẫm.

Không một người mẹ nào quên đứa con một của mình. Nếu Đức Chúa Giêxu là người con duy nhất, thì bà Mari đã không đi một ngày đường mới nhớ lại và vất vả đi tìm suốt ba ngày (44–46).

Điểm nầy chứng tỏ hai vợ chồng bị bận rộn với những đứa con khác của họ; đồng thời cũng cho thấy thời thơ ấu của Đức Chúa Giêxu có nhiều bạn bè đồng trang lứa trong số bà con láng giềng, và Ngài thường chơi đùa với họ; cho nên, việc cậu con trai Jesus vắng mặt một vài giờ trong ngày là điều rất bình thường. Bà Mari thì bận rộn với các con đã sinh cho ông chồng Giô-sép (Mathiơ 13:55–56; Mác 6:3).

Không biết nhiệm vụ làm mẹ của nhiều người con trong mười hai năm có khiến cho bà Mari quên mất nguồn gốc của Đức Chúa Giêxu? Có phải đối với bà và Giô-sép, Jesus chỉ là một cậu trai mới bước vào tuổi thiếu niên với đám bạn đồng trang lứa với Ngài?

Các câu hỏi nầy nẩy sinh từ chi tiết sau một ngày đi đường Giô-sép và Mari mới nhìn ra sự vắng mặt của Đức Chúa Giêxu. Sự lo âu của họ bộc lộ rõ qua ba ngày tìm kiếm.

Giêrusalem lúc ấy vẫn quá nhỏ so với một thành phố lớn thời nay, nhưng các đường phố thì nhỏ và ngoằn ngoèo, nhiều ngõ hẻm thường chật hẹp và tối tăm, nên việc tìm kiếm rất khó.

Có lẽ lúc ở nhà, ông Giô-sép không quan tâm bao nhiêu về sự khôn ngoan và lanh lợi của cậu con lớn; chỉ bà Mari mới lưu ý nhiều về người con đặc biệt.

Họ phải mất một ngày đường để trở lại Giêrusalem, hai ngày tìm kiếm có lẽ tại các phố chợ đông người theo gợi ý của ông Giô-sép.

Việc họ trở lại đền thờ chắc là ý kiến của bà Mari, người mẹ đang lo âu nhiều nhất. Vì chính bà được Đức Chúa Trời phó thác cho nhiệm vụ thụ thai, sinh đẻ và nuôi dưỡng Đức Chúa Giêxu cho đến khi trưởng thành. Nếu lạc mất Ngài, bà sẽ trả lời sao với vị thiên sứ báo tin năm nào, có thể bất thình lình trở lại?

Nỗi lòng của một người mẹ phải tìm đứa con thất lạc thì lo lắng và đau khổ biết chừng nào! Nhưng giữa hai vợ chồng thì bà Mari hiểu Đức Chúa Giêxu nhiều hơn Giô-sép; bởi vì bà ghi nhớ và suy gẫm bất cứ chuyện gì của Ngài. Ở đền thờ, họ gặp Đức Chúa Giêxu “đang ngồi giữa các giáo sư Do-thái-giáo, vừa nghe vừa hỏi (46).

Chắc chắn rằng ký thuật nầy của bác sĩ Luca, một người được nghe giảng đạo và tin Chúa, nhiều năm sau khi Đức Chúa Giêxu đã thăng thiên, là do lời kể của bà Mari, khi ông tìm cách phỏng vấn những người sống đồng thời với Đức Chúa Giêxu.

Vì phần ký thuật rất ngắn nầy không ghi lại nội dung Ngài nghe những gì và hỏi điều gì, mà những người nói và nghe Ngài hỏi đều là các giáo sư Do-thái-giáo, nên người đọc đoán rằng Ngài nghe họ giải thích về giáo luật Do thái giáo và đặt câu hỏi có lẽ khó trả lời. Bởi vì “tất cả những người nghe Ngài đều kinh ngạc về sự hiểu biết và những lời đối đáp của Ngài” (47).

Ở nơi đó, dù là mẹ, bà Mari cũng không dám đường đột ngắt ngang chuyện đối đáp giữa các giáo sư Do-thái với Đức Chúa Giêxu. Bà phải chờ lúc thuận tiện mới xen vào: “Hỡi con, sao con làm cho hai ta ra nông nỗi nầy? Cha con và mẹ đã lo lắng tìm con! Ngài thưa: ‘Sao cha mẹ lại tìm kiếm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc Cha con sao?” (48–49). Mặc dù không hiểu lời Ngài vửa nói, nhưng “mẹ Ngài ghi khắc mọi lời ấy trong lòng” (51).

Chưa một người nào khác trên đời đã từng đứng trong hoàn cảnh bà Mari. Bà có diễm phúc được Đức Chúa Trời chọn để mang thai, sinh ra và làm mẹ của Con Đức Chúa Trời. Con trai Giêxu dưới mắt bà không phải là một người tầm thường, mà là Con của Đức Chúa Trời.

Mặc dù bà chưa biết chút gì về thần tánh của Ngài, có lẽ bà cũng rất cẩn thận lưu ý khi nói chuyện với con mình.

Sự kiện bà Mari có thể kể cho Luca nghe đầy đủ về chuyện từ lúc được thiên sứ báo tin bà sẽ mang thai bởi quyền phép của Đức Thánh Linh cho tới khi Đức Chúa Giêxu thăng thiên; sự ghi nhớ mọi biến cố liên quan đến Đức Chúa Giêxu và suy gẫm ý nghĩa của các sự việc đó, khiến cho bà là một nhân chứng vô cùng quan trọng. Đồng thời việc ấy cũng cho thấy rằng bà không phải là một người mẹ như bao người đàn bà bình thường khác.

Vì suy gẫm không có nghĩa là suy nghĩ một chút để hiểu sự việc rồi quên đi, mà ghi khắc trong lòng để theo dõi sự ứng nghiệm của những sự việc mà cõi trời đã nói về Đức Chúa Giêxu sẽ là Đấng cứu dân Israel ra khỏi tội lỗi.

Bà cũng hồi hộp chờ xem sự ứng nghiệm lời tiên tri của Si-mê-ôn: “Con trẻ nầy đã được chỉ định để làm cho nhiều người Israel vấp ngã hoặc trỗi dậy, và là một dấu hiệu gây nên sự chống đối. Còn cô, một thanh gươm cũng sẽ đâm thấu tâm hồn cô, để tư tưởng sâu kín của nhiều người phải lộ ra” (Luca 2:34–35). Bởi vì bà sẽ trải qua những điều sẽ xảy đến cho thánh vụ của Đức Chúa Giêxu.

Người Israel chỉ mong có một vị vua để lãnh đạo họ giành lại độc lập từ tay đế quốc La-mã; về việc nầy thì họ thất vọng, vì Đức Chúa Giêxu từ chối làm vua theo ý muốn của họ.

Người khác thì cự tuyệt Ngài vì ưa thích bóng tối hơn ánh sáng; người khác nữa thì tỉnh ngộ vì được chỉ dẫn cho biết phải hạ mình trước Đức Chúa Trời, và qua Đức Chúa Giêxu, họ được ban cho sự công chính tốt hơn và niềm hi vọng huy hoàng hơn.

Thế nhưng, những lời chỉ trích và miệng lưỡi tấn công tàn độc của giới lãnh đạo tôn giáo đối với Đức Chúa Giêxu ví như lưỡi gươm sắc bén; như Ngài là con người thống khổ, thì bà là người mẹ sầu khổ; những sự tấn công vào Ngài giống như các mũi tên ngọn giáo nẩy sang bà, đâm thấu tâm hồn bà.

Nhưng lưỡi gươm đâm đau đớn nhất là khi bà đứng dưới chân thập tự giá nhìn Chúa mình, là con trai bà đã cưu mang, trải qua sự đau đớn, thống khổ cùng cực vì bị đóng đinh giang hai tay, máu đổ, chết dần trong sự đau đớn. Lòng người mẹ nào không tan nát khi nhìn con mình chết mà hoàn toàn bất lực, không giúp đỡ gì được.

Lòng người mẹ trong Mari đã đi từ nỗi mừng vui, kinh ngạc và đầy hi vọng, đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng.

Lời tiên tri cũng nói: “Tư tưởng sâu kín của nhiều người phải lộ ra.” Nghĩa là lòng họ ra sao sẽ bị phơi bày. Hoặc là kẻ giả hình hay người lương thiện, hoặc là kẻ thù hay bạn của Đấng Cứu Thế.

Giống như giới lãnh đạo tôn giáo trông chờ Đấng Mê-si-a đến, nhưng lại kịch liệt chống cự Ngài. Hoặc những người đi theo Đấng Christ chỉ vì danh lợi quyền ở thế gian, và trông chờ một vương quốc tạm bợ ở cõi trần; khi họ thấy không được như vậy thì thối lui.

Các hạng người như thế luôn luôn có ở mọi thời đại. Mari đã trải qua và đã thấy tất cả sự ứng nghiệm của lời tiên tri. Thời kỳ đau khổ của bà tuy khá dài, từ khi Đức Chúa Giêxu rời gia đình đi thi hành chức vụ của Ngài, cho đến khi bà chứng kiến chỗ an táng xác Ngài.

Nhưng nỗi vui mừng của bà càng tràn ngập hơn khi được thấy Ngài sống lại vinh quang, ứng nghiệm lời Ngài đã phán trước. Bà được chứng kiến cảnh Ngài về trời đầy ngoạn mục. Rồi bà có mặt lúc Đức Thánh Linh giáng lâm khai sinh Hội-thánh.

Bây giờ bà hiểu vai trò và công việc của Đức Chúa Giêxu, mà công khó mang thai, chịu đau đớn sinh nở, nỗi lo và niềm vui khi đứa con lớn lên. Bà hiểu ý nghĩa của sự được giải cứu ra khỏi tội lỗi. Những nỗi vui mừng, buồn lo, khắc khoải, và đau đớn của người mẹ, thì bà đều đã trải qua. Bà là người mẹ có một không hai.

VanDeCanBan13.docx
Rev. Dr. CTB