Những Lý Do Ngăn Trở

Các Vấn Đề Căn Bản, bài 18

Rôma 7:14–25

Phần lớn tín hữu ở các Hội Thánh đã được giới thiệu, giải thích và giảng dạy về ích lợi của phép báp têm bằng Đức Thánh Linh đều ước ao đời sống mình được đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Điều đáng buồn là rất nhiều tín hữu khác chưa bao giờ được nghe giảng dạy về vấn đề nầy; cho nên đối với họ, tình trạng tâm linh được đầy dẫy Đức Thánh Linh hoặc phép báp têm bằng Đức Thánh Linh là một điều khá mơ hồ, chưa hiểu rõ ràng và thường bị vùi lấp, lãng quên giữa hàng hà sa số các bài giảng về nếp sống đạo và những giáo lý liên quan tới các kỳ lễ lớn trong năm, hay vì quá bận rộn hoạt động trong các sinh hoạt hàng tuần của Hội-thánh địa phương.

Trong khi đó, một số người khác đã được nghe giải thích rõ ràng về những ích lợi của sự dẫn dắt và quyền năng của Đức Thánh Linh, cũng như những thành tích đầy vinh quang qua đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh của các anh hùng đức tin trong lịch sử Hội Thánh, thì họ chân thành ao ước cũng nhận được Đức Thánh Linh tuôn đổ đầy dẫy vào tâm linh mình. Nhưng họ chưa hiểu lý do nào mình bị thất bại trong nỗ lực sống đạo.

Có một số điều căn bản và tế nhị trong vấn đề nầy thường bị bỏ qua, do tâm lý chủ quan của tâm trí, khi chúng ta suy gẫm một số lời đã chép trong Kinh-thánh. Chúng là các nguyên nhân khó thấy đã cản trở chúng ta tiến bước cách suôn sẻ trên thiên trình của mình.

Vì thế, mọi tín hữu đều cần phải hiểu biết rõ ràng rồi quyết tâm loại trừ các trở ngại đó, thì mới đạt tới một đời sống tâm linh mạnh mẽ trong lúc còn ở thế gian.

Để dễ nhận ra nguyên nhân thông thường khiến nhiều tín hữu thất bại, chúng ta hãy xem xét lý do thất bại, bởi các hiểu biết rất chủ quan, của những người mong được giải thoát khỏi thế gian tội lỗi qua con đường tu hành. Những người tu hành nghĩ rằng họ sẽ thành công vì vài lý do:

1) Bị ngoại giáo lừa gạt bằng các huyền thoại về giáo chủ của họ đã tu thành công; nhưng không biết rằng trong lịch sử thật của loài người thì chẳng có ai đắc đạo hết.

2) Tin rằng họ có thể đạt đến các tiêu chuẩn để đắc đạo, vì tưởng họ đủ sức vượt qua các tiêu chuẩn ấy: “Không được sát sinh, dẹp bỏ thất tình lục dục, loại trừ các tạp niệm, vv.” Tâm lý tự tin đầy ảo tưởng ấy là nguyên nhân chính khiến người ta không bao giờ đạt tới đích họ muốn.

Bây giờ hãy bình tâm xem xét tâm lý của những người tin Đức Chúa Trời và đã tiếp nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu. Chúng ta được dạy dỗ về Mười Điều Răn trong luật pháp cụ thể của Đức Chúa Trời. Dù không ai nói ra, nhưng từ trong chỗ sâu kín của lòng mình, chúng ta nghĩ rằng việc đạt tới các tiêu chuẩn đó không khó.

Sở dĩ người ta tin họ có thể vượt qua các hàng rào ngăn trở vì theo mắt họ thì hàng rào đó thấp. Tâm lý cho rằng mình PHẢI thực hiện tiêu chuẩn gì đó, là tâm lý tin rằng mình CÓ KHẢ NĂNG thực hiện được điều ấy.

Có nghĩa là tín hữu thường thấy các tiêu chuẩn trong luật pháp Cựu Ước thì không cao lắm, mình có thể vượt qua được. Đây là tâm lý tạo nên giới tín hữu theo chủ nghĩa luật pháp khắc khổ, là giới bị thất bại thê thảm hơn hết vì không chịu lưu ý những lời thú nhận đắng cay của sứ đồ Phao-lô (Rôma 7:21).

Trái lại, đại đa số tín hữu không đưa dắt được người quen biết đến với Chúa vì cho rằng việc đó quá khó, không thể thực hiện nổi, vì mình không có khả năng. Nghĩa là họ thấy truyền giáo là khó khăn vì người chưa tin Chúa quá cứng lòng hoặc sẽ chống đối.

Nếu ví cái nhìn đó là một rào cản, thì hàng rào ấy quá cao trong mắt họ. Người ta hăng hái làm điều mà họ tin rằng họ sẽ thành công. Ngược lại, họ sẽ không có ý chí để làm điều mà họ thấy là quá khó.

Cho nên, trạng thái tâm lý của người cho rằng họ có thể giữ được Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là trở ngại lớn nhất khiến người đó khó nhận được báp têm bằng Đức Thánh Linh.

Bởi vì loại người có tâm lý nầy chưa biết họ luôn luôn cần ân sủng của Đức Chúa Trời, là thứ mà luật pháp không thể cung ứng. Người ta qua lòng tin chỉ nhận được Đức Thánh Linh bởi ân sủng của Chúa mà thôi (Galati 3:2).

Người nào hiểu việc giữ luật pháp là quá khó do đã biết luật pháp ấy không uyển chuyển hay thay đổi gì được (Mathiơ 5:18), thì mới thấy những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi là không đáp ứng nổi. Sự hiểu biết đó giúp người ta nhận ra là họ chẳng bao giờ thôi cần ân sủng của Chúa.

Khi chúng ta nhận ra sự bất năng của mình trước những đòi hỏi khắt khe của thiên đàng, thì mới biết mình cần ân sủng của Chúa đến mức nào.

Như Phaolô đã trình bày trong thư gửi cho tín hữu ở thành phố Rôma về tình cảnh tuyệt vọng của ông khi chiến đấu với tội lỗi trong nội tâm của ông.

Theo lời kể cho Hội-thánh Phi-líp, thì ông là người Hê-bơ-rơ, chi tộc Benjamin, về luật pháp là người Pha-ri-si, về sự công chính theo luật pháp thì không chỗ trách được (Phi-líp 3:5–6). Nhưng sau khi tiếp xúc với ân sủng của Chúa, ông nhận ra tiêu chuẩn luật pháp của Ngài là quá cao.

Ông biết mình không có khả năng làm điều thiện như luật pháp đòi hỏi, vì trong xác thịt ông không có điều thiện để làm theo điều tốt (Rôma 7:18). Khi Phaolô nghĩ rằng ông có đủ khả năng để giữ trọn luật pháp, phái Pha-ri-si của ông có thể đạt được, tức là tiêu chuẩn của luật pháp Môi-se không quá cao, thì ông khám phá mình đã thất bại một cách chua cay (7:21).

Sau khi bị Đức Chúa Giêxu khiến ông phải khuất phục, rồi ban Đức Thánh Linh cho ông, thì ông mới hiểu thấu ân sủng tuyệt vời của Đức Chúa Trời qua Thánh Linh sự sống trong Đấng Christ (8:2), Đấng dẫn dắt ông thắng hơn tội lỗi của xác thịt yếu đuối bằng ân sủng miễn phí của Đức Chúa Trời.

Nhờ đó, Phaolô đã hãnh diện tuyên bố: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin” (Rôma 1:16).

Tin Lành là quyền năng của Đức Chúa Trời giúp những người đã tiếp nhận ơn cứu chuộc của Ngài có thể sống đạo cách thoải mái. Chúng ta vẫn tiếp tục cần quyền năng ấy hành động trong đời sống mình cho tới khi lên cõi vinh quang.

Ai chưa biết tầm mức rất quan trọng của quyền năng Đức Chúa Trời trong Tin Lành của Ngài, thì đời sống tâm linh người đó vẫn thất bại. Bởi vì tâm lý loài người luôn tự tin những điều mình chỉ biết qua loa.

Mà nói tới quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, thì nhiều người tưởng rằng họ chỉ cần quyền năng ấy để được cứu rỗi qua sự tái sinh mà thôi; sau đó họ có thể cậy sức riêng để cố gắng sống đời đạo hạnh theo luật pháp của Chúa.

Sự hiểu biết thiếu sót trên là nguyên nhân của nếp sống tâm linh khô hạn, không hưởng được niềm vui vô bờ của đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh, mà đáng lẽ ra mọi tín hữu đều phải có.

Sự trục trặc chính trong nếp sống đạo của nhiều người là chẳng phải do họ không hết sức cố gắng để áp dụng luật pháp Đức Chúa Trời, nhưng là vì chưa hiểu rõ quyền năng của Tin Lành để áp dụng quyền năng ấy vào mọi phần của nếp sống mỗi ngày trong thể xác.

Sự cố gắng nhưng không thể giữ trọn luật pháp thì đem đến tai hoạ thay vì ơn phước (Galati 3:10). Vì thế, Tin Mừng cho chúng ta là Đấng Christ đã chịu chết treo để chuộc chúng ta ra khỏi sự rủa sả của luật pháp (Galati 3:13).

Ai áp dụng sự hiểu biết ấy vào đời sống đạo thì được hưởng phước hạnh do quyền năng của Tin Mừng đem lại. Quyền năng ấy là sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh về mọi lãnh vực trong đời.

Một ví dụ về áp dụng là hiểu biết rằng Đức Thánh Linh muốn bày tỏ sự hiện diện của Ngài trong giờ Hội-thánh cùng nhau ca ngợi, tôn vinh Đức Chúa Trời. Ngài muốn dẫn dắt tâm linh tín hữu lên chốn cao hơn trong linh giới, để con dân Ngài, dù đang ở trong thân thể xác thịt vẫn cảm nhận được không khí thiên đàng tuyệt vời như thế nào.

Điều đó sẽ xảy ra cho những người thành tâm thờ kính Chúa, nhận biết sự thánh khiết vô cùng của Đức Chúa Trời–tiêu chuẩn quá cao của luật pháp thiên đàng, nhờm tởm về sự ô uế của con người xác thịt mình, hiểu rằng mình đã được chuộc bởi huyết vô tội của Đức Chúa Giêxu và đang được Đức Thánh Linh hướng dẫn vào Nơi Chí Thánh ở trên trời để tương giao trực tiếp với Đức Chúa Cha.

Ai hiểu và áp dụng những điều hiểu biết ấy trong giờ thờ phượng, thì sẽ không còn để ý những gì đang diễn ra quanh mình, mà tập trung tư tưởng vào cơ hội được ở trong Nơi Chí Thánh với Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh sẽ tuôn đổ đầy dẫy trên người biết quý trọng giờ Hội-thánh cùng nhau thành tâm thờ kính Chúa.

VanDeCanBan18.docx
Rev. Dr. CTB