Luật Tế Lễ và Phong Chức

priests-eating-and-baking

Lê-vi-ký, bài 05

Lê-vi-ký 7 – 8

Luật về tế lễ chuộc lỗi của thường dân, một tế lễ rất thánh (1), đưa ra các chỉ dẫn mới rõ ràng hơn. Người đem sinh tế đến phải giết con vật rồi rảy máu nó chung quanh bàn thờ tế lễ thiêu (2).

Trong hai tế lễ chuộc tội và chuộc lỗi, người dâng tế lễ không có phần gì hết; ngoài phần phải bị thiêu, phần thịt còn lại thuộc về mọi người nam của gia đình thầy tế lễ (3–7). Bởi vì sự dâng tế lễ nầy là để bày tỏ lòng ăn năn đau đớn vì tội và lỗi mình; cho nên, sự kiêng ăn thì thích hợp hơn là ăn uống ngon miệng.

Khác với tế lễ bình an có ý nghĩa là được hiệp thông với Chúa sau khi được phục hòa, người dâng tế lễ thấy vui mừng và biết ơn, nên ăn uống vui vẻ. Các điều quy định cho những thầy tế lễ được hưởng, là phần cung cấp cho nhu cầu sinh sống của họ (8–10).

Còn “luật lệ về tế lễ bình an mà người nào cũng có thể dâng lên” (11), thì cũng phải làm theo các quy định về bánh không men, bánh có men và thịt sinh tế của tế lễ cảm tạ phải ăn trong ngày, chứ không để sót lại ngày hôm sau (12–15).

Tế lễ khấn nguyện thì có thể ăn qua hai ngày, thịt còn thừa phải thiêu hết. Vì nếu ai ăn qua ngày thứ ba thì tế lễ đó không được nhậm cũng không được kể đã dâng tế lễ, mà còn bị hình phạt (16-18). Luật cũng quy định về các trường hợp những người phải bị trục xuất khỏi cộng đồng dân Israel vì phạm đến những điều cấm (19–21).

Tế lễ bình an được chia ra làm ba loại: Cảm tạ, khấn nguyện và tự nguyện; sự tự nguyện không phải vì muốn nhận ơn phước nào đó, mà do lòng biết ơn tràn đầy về sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Như sau nầy, sứ đồ Phaolô cùng bốn tín hữu tới đền thờ để dâng các tế lễ khấn nguyện (Công-vụ 21:26).

Mệnh lệnh về cấm ăn mỡ và cấm ăn huyết được nhắc lại (22–27). Ngoài những loại thú bẩn bị cấm ăn thì mỡ của chúng cũng đương nhiên bị cấm; còn những con thú ‘sạch’ tuy được phép ăn thịt, nhưng không được phép ăn mỡ trong bụng của bò, cừu và dê; mỡ giữa da và thịt của ba loại thú nầy và mỡ của các con thú sạch khác thì không bị cấm.

Việc ăn huyết của bất cứ loại thú nào cũng bị tuyệt đối cấm. Ai vi phạm hai lệnh cấm nầy thì sẽ bị trục xuất khỏi dân sự.

Về tế lễ bình an: “Người nào dâng tế lễ bình an lên Đức Giê-hô-va thì chính người đó phải đem sinh tế về tế lễ bình an đến cho Ngài. Tự tay người đó sẽ mang những lễ vật dùng lửa dâng lên Đức Giê-hô-va, tức là mỡ và bộ sườn non; bộ sườn non dâng lên Đức Giê-hô-va như một lễ vật đặc biệt” (28–30).

Ngoài việc người dâng tế lễ bình an tự tay dẫn con vật làm sinh tế đến cho thầy tế lễ, lệnh ở chỗ nầy có nghĩa là người đó sẽ dùng hai tay bưng bộ sườn non và đùi sau bên phải của con thú; thầy tế lễ sẽ đỡ phía dưới hai tay của người ấy, rồi hai người sẽ chậm rãi từ từ đưa tới đưa lui trước bàn thờ vài lần, đưa lên cao khỏi đầu một lần.

Tất cả mỡ trong bộ lòng, hai trái cật, gan, sẽ được nêm muối rồi thiêu trên bàn thờ; bộ sườn non và cái đùi thuộc về thầy tế lễ, tất cả phần thịt còn lại sẽ thuộc về người dâng lễ vật và gia đình người ấy (31–36).

Tất cả các luật về tế lễ thiêu, tế lễ chay, tế lễ chuộc tội, tế lễ chuộc lỗi, tế lễ phong chức, và tế lễ bình an đều đã được Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se trên núi Sinaii; lúc ông lên núi nhận hai tấm bảng đá chép Mười Điều Răn. Suốt bốn mươi ngày và bốn mươi đêm đó, Môi-se được Đức Chúa Trời truyền bảo, ông phải ghi nhớ để sau khi xuống núi về trại của Israel đóng trong hoang mạc dưới chân núi Sinaii thì chép lại.

Đó là điều Đức Giê-hô-va truyền dặn dân Israel phải trao cho A-rôn và các con trai người trong ngày họ được xức dầu, lập làm chức tế lễ (37–38).

Lễ phong chức tế lễ cho A-rôn và các con trai người được cử hành ngay sau khi làm lễ cung hiến Đền Tạm, tức Lều Hội Kiến (Xuất Ai-cập 40:12–15). Lê-vi-ký ghi lại chi tiết về lễ phong chức ấy.

Môi se, vâng lời Chúa truyền bảo, đem A-rôn cùng các con trai ông, và toàn thể lễ phục, dầu xức, con bò làm tế lễ chuộc tội, hai con chiên đực và giỏ bánh không men đến trước cửa Lều Hội Kiến.

Theo lệnh Môi-se, hội chúng đều tập họp trước Lều Hội Kiến. Ông nói với hội chúng rằng: “Đây là điều Đức Giê-hô-va truyền phải làm” (8:1–5). Ông lấy nước rửa A-rôn và các con trai người, mặc áo lót cho A-rôn, thắt đai lưng, mặc áo dài, mang ê-phót, và thắt đai ê-phót; rồi ông mang bảng đeo ngực và gắn U-rim với Thu-mim vào cho A-rôn, đội mũ lên đầu, tức là mão triều thánh, gắn thẻ vàng trước mũ cho A-rôn (8:6–9).

Sau khi mặc áo lễ cho A-rôn, Môi-se xức dầu cho Đền Tạm và mọi vật trong đó để biệt riêng ra thánh (8:10). Ông lại ra khỏi lều, rảy dầu thánh bảy lần cho bàn thờ tế lễ thiêu, xức dầu cho bàn thờ và các vật dụng của bàn thờ, bồn rửa và chân bồn để biệt riêng các món ấy ra thánh;

Việc xức dầu là để biểu thị sự thánh khiết của bàn thờ và nó chỉ được dùng cho việc dâng tế lễ, chứ không dùng cho mục đích nào khác. Vì bàn thờ đã được biệt ra thánh thì bất cứ vật gì chạm đến nó đều trở nên thánh. Như lời Đức Chúa Jesus đã hỏi: “Hỡi những kẻ mù quáng! Lễ vật hay bàn thờ làm cho lễ vật nên thánh, cái nào trọng hơn? (Mathiơ 23:19).

Số bảy tiêu biểu cho sự hoàn tất. Ví dụ như bảy ‘ngày’ tạo dựng thế gian; chân đèn vàng bảy nhánh; âm thanh có bảy nốt nhạc; quang phổ bảy màu; quyển sách trong tay Đấng ngồi trên ngôi được niêm phong bằng bảy cái ấn (Khải 5:1); bảy thiên sứ cầm bảy chiếc kèn (Khải 8:2); bảy bát thịnh nộ của Đức Chúa Trời (Khải 16:1).

Sau khi xức dầu cho Đền Tạm và mọi vật ở trong, bàn thờ, vật dụng cho bàn thờ, bồn rửa và chân bồn, Môi-se tới đổ dầu thánh trên đầu A-rôn, xức dầu để biệt riêng ông ra thánh, rồi mặc áo lót cho các con trai của A-rôn, thắt đai lưng và đội mũ lên đầu họ, như Chúa đã phán dặn Môi-se (8:12–13). Mặc dù A-rôn và các con trai của ông đã được biệt riêng cho chức tế lễ, nhưng họ phải được tẩy sạch tội lỗi trước khi bắt đầu các phận sự của họ trong nơi thánh, bằng cách giết con bò làm tế lễ chuộc tội cho họ. Môi-se là người trung bảo của giao ước về Luật-pháp, đã đứng ra thi hành công việc biệt ra thánh do Đức Chúa Trời giao phó (8:14–17). Vì lễ phong chức kéo dài bảy ngày, nên con bò tế lễ hôm nay là một trong bảy con bò làm sinh tế chuộc tội. A-rôn và các con phải đặt tay trên đầu con vật để chuyển tội lỗi của họ qua con thú hi sinh.

Sau tế lễ chuộc tội là tế lễ thiêu bằng một con chiên đực. A-rôn và các con trai cũng phải đặt tay trên đầu nó. Nó bị giết, máu nó được rảy chung quanh bàn thờ, thủ tục sả thịt, rửa bộ lòng và giò, rồi thiêu toàn bộ con chiên trên bàn thờ (8:18–21).

Con chiên đực thứ nhì dùng cho lễ phong chức; A-rôn và các con trai lại đặt tay trên đầu con chiên nầy để nó bị giết, nhưng lần nầy Môi-se lấy máu nó bôi lên trái tai bên phải của A-rôn, trên ngón cái của bàn tay phải và ngón cái của bàn chân phải; ông cũng làm như thế cho các con trai của A-rôn nữa (8:22–24); với ý nghĩa là kể từ đó, nhiệm vụ của họ là vâng theo các điều răn của Đức Chúa Trời, tay thi hành ý muốn Ngài và chân bước theo các lối đường Ngài.

A-rôn và các con trai phải dâng lên cho Chúa những phần của con chiên và mấy cái bánh mà Môi-se đặt vào tay họ (8:25–27), như một lễ vật đặc biệt. Những thứ đó đều sẽ được thiêu trên bàn thờ, vì đó là tế lễ phong chức, một tế lễ dùng lửa dâng lên Đức Giê-hô-va. Phần của Môi-se là bộ sườn non của con chiên (8:28–29).

Tiếp đến, Môi-se lấy dầu xức và máu trên bàn thờ rảy trên A-rôn và trên lễ phục người, trên các con trai người và trên lễ phục họ” (8:30). Môi-se làm như thế để biệt riêng ra thánh A-rôn và lễ phục ông cũng như các con trai ông và lễ phục của họ.

Phần sau chót của lễ phong chức nầy là A-rôn và các con trai phải “nấu thịt tại cửa Lều Hội Kiến và ăn tại đó với bánh trong giỏ dùng trong lễ phong chức,…… Nhưng thịt và bánh còn thừa phải đem đốt đi” (8:31–32).

Họ không được ra khỏi cửa Lều Hội Kiến cho tới khi hết thời gian bảy ngày, vì lễ phong chức của họ kéo dài bảy ngày. Cả ngày lẫn đêm họ phải ở đó, gìn giữ mọi điều Đức Giê-hô-va truyền phán, để họ khỏi bị chết (8:33–35).

A-rôn và các con trai của người đã vâng theo mọi lời Đức Chúa Trời truyền dặn qua Môi-se (8:36). Họ lờ mờ hiểu rằng mọi sự bất tuân lời dặn dò có thể dẫn tới tai họa. Vì họ được chọn để làm những công việc quá trọng đại.

Leviky05.docx
Rev. Dr. CTB