Thức Ăn Thanh Sạch

vattele

Lê-vi-ký, bài 07

Lê-vi-ký 11–13

Sau khi thụ phong chức tế lễ thượng phẩm, A-rôn được nghe Đức Chúa Trời phán dạy cùng với Môi-se (1); vì kể từ ngày đó, A-rôn sẽ hợp tác với Môi-se dạy cho dân sự mọi điều liên quan tới luật pháp Chúa đã truyền.

Luật lệ về thức ăn thì các loại thú bốn chân sống trên cạn, gia súc hay thú rừng, được đề cập trước hết về vấn đề thanh sạch hay không thanh sạch (2). Điều nầy phù hợp với cách người Do-thái phân chia các loại thú vật thành bốn hạng chính:

1) Loài thú trên cạn 2) thú dưới nước, 3) thú bay trên không, và 4) loài bò sát.

Mười giống thú bốn chân trên cạn được xếp vào loại thú ‘sạch’: Bò, cừu, dê, nai, hươu, hoàng dương, dê rừng, sơn dương, bò rừng, và linh dương (Phục 14:4–5); có nhiều thú khác tương tự mười loại nầy cũng được kể là thú sạch.

Các loài thú ấy phải hội đủ hai đặc tính là nhai lại và chân có móng hoàn toàn chẻ ra làm hai (3). Cho nên, những con thú chân có móng chẽ mà không nhơi hay là các loại thú tuy nhơi nhưng không có móng chẽ nên bị xem là thú không sạch (4–7).

Đối với các loại thú nầy, chẳng những họ không được ăn thịt mà còn không được đụng đến xác chết của chúng (8).

Về các loại cá sông hay biển thì dân Do-thái chỉ được phép ăn những con có vây và có vảy. Bất cứ loại thủy sinh vật nào không có vây và không có vảy, thì bị xem là đáng kinh tởm (9–12).

Riêng các thứ chim nào có tên trong danh sách (13–19), thì đều bị xem là đáng kinh tởm.

Đối với các thứ côn trùng có cánh và có chân đều bị xem là ô uế, kinh tởm, ngoại trừ những con chân có khớp để nhảy trên đất, như châu chấu, cào cào và các loại dế, thì họ được phép ăn (20–23).

Luật cũng quy định rõ về việc bị ô uế do đụng đến xác chết của các loài thú bốn chân đi trên mặt đất bằng bàn chân (24–28); kể cả các loại chuột và tất cả loài bò sát có bốn chân, đều bị liệt vào hạng thú ô uế (29–31).

Chẳng những không được đụng đến xác chết của tất cả các loài thú hay sinh vật bị kể là ô uế, mà xác chết của chúng rơi trúng vật nào thì vật đó bị trở thành ô uế và phải được thanh tẩy; ngoại trừ các loại bình bằng gốm thì phải đập bể (32–35). Nhưng suối hay hồ nước có các xác chết đó thì không bị ô uế (36).

Các hột giống bị những loại xác chết đó rơi nhằm, thì chỉ bị ô uế khi hột giống đó đã được tưới nước (37–38); bởi vì nước làm cho vỏ hột giống mềm nên chất ô uế của xác chết có thể thấm vào trong.

Người thời nay thường rất thắc mắc về các lý do mà thời đó Đức Chúa Trời chỉ cho phép ăn thịt một số loại thú mà thôi. Hãy nhớ rằng các loại thú đã được phân loại thú sạch với không sạch từ thời trước khi nước lụt (Sáng-thế 7:2). Hơn nữa, loài người chỉ được phép ăn thịt các con thú lúc cơn đại hồng thủy chấm dứt rồi (Sáng-thế 9:3–4).

Bây giờ, sau khi dân Do-thái được chọn, thì Đức Chúa Trời mới ban cho họ sự chỉ dẫn rõ ràng để họ biết kềm chế khẩu vị đối với các thứ thức ăn nào đó, để tập luyện một tục lệ không ăn tới những món ăn đáng ghê tởm.

Sự cấm đoán nầy cũng nhằm gìn giữ sức khoẻ của họ đối với những thức ăn có hại. Vì như y khoa thời nay đã khám phá rằng, nếu người ta tránh những thức ăn bị Kinh-thánh cấm, nhất là thịt còn máu, thì tuổi thọ được dài hơn, và ít bị các thứ bệnh nan y đã giết chết khoảng hai phần ba nhân loại.

Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn trong việc cấm các thứ thực phẩm bị kể là ô uế cho đến khi Đấng Mết-si-a tới thế gian, là tạo một sự ngăn cách giữa tuyển dân Do-thái với các dân khác, nhằm ngăn chận họ không bắt chước sự mê tín và bị tiêm nhiễm thói thờ hình tượng của các dân ngoại. Bởi vì Đức Chúa Trời nhìn thấy trước dân Israel sẽ bị dẫn dụ vào những thói tục quái gớm của các dân tộc sống gần họ (Lê-vi 20:24).

Nên các quy định về sự tẩy sạch sau khi bị nhiễm ô uế do đụng đến xác chết hay ăn thịt thú sạch đã bị chết, hay việc cấm ăn các thứ sâu bọ bò trên mặt đất, để khỏi vì chúng mà trở nên ô uế, là nhằm giữ cho họ được thánh khiết, vì Đức Chúa Trời là thánh: “Các con phải thánh vì Ta là thánh” (39–47).

Mặc dù chẳng những là niềm vui của người mẹ khi sinh một đứa con trai, nó còn là niềm vui cho cả nhà; tuy vậy, người mẹ phải bị ô uế trong bảy ngày như kỳ kinh nguyệt, ngày thứ tám làm lễ cắt bì cho đứa trẻ xong rồi, thì bị cách ly thêm ba mươi ba ngày nữa không được đụng đến vật thánh hay đi tới đền thờ cho trọn thời kỳ thanh tẩy (12:1–4).

Nếu sinh con gái, thì sau bảy ngày bị ô uế, bà mẹ bắt buộc phải ở riêng thêm sáu mươi sáu ngày cho trọn thời kỳ thanh tẩy (12:5).

Dù là sinh con trai hay con gái, sau khi kỳ thanh tẩy chấm dứt, người mẹ phải dâng con chiên một tuổi để làm tế lễ thiêu và một chim bồ câu hay chim cu để làm tế lễ chuộc tội. Nếu người ấy không đủ khả năng dâng một con chiên, thì thay thế bằng một chim bồ câu hay chim cu. Đó là lễ thanh tẩy để được thanh sạch sau khi bị mất huyết (12:6–8).

Luật về bệnh phong hủi và các vết mốc được nói đến trong cả hai đoạn dài, được chia ra làm ba loại: Phong hủi nơi người (13:1–46), vết mốc, cũng bị kể là phong hủi, trên đồ vật (13:47–59), và vết mốc phong hủi trong nhà (14:33–57).

Luật nầy đặt nặng trách nhiệm quan sát và phán định trên các thầy tế lễ (13:1–23). Họ phải xác định rõ chỗ da sưng, nổi mụt hay bị đốm trắng có phải là dấu hiệu sơ khởi của bệnh hủi hay không. Có sáu trường hợp khác nhau:

1) Mụt nhọt hay vết thương chuyển màu trắng và lõm sâu hơn mặt da (13:3);

2) Sau hai tuần mụt nhọt lan ra trên da (13:7);

3) Da nổi nhọt trắng, lông chuyển màu trắng, trong nhọt có lớp thịt đỏ lồi ra (13:10);

4) Mụt nhọt đã lành lại nổi một cái nhọt trắng hay một đốm đỏ tái lõm sâu hơn mặt da (13:18–20);

5) Vết bỏng đỏ tái hay trắng lõm sâu hơn mặt da (13:25);

6) Vết thương trên đầu hoặc cằm lõm sâu hơn mặt da và đốm ấy lan ra trên da thì đó là vết phong hủi (13:30, 36).

Bệnh phong hủi sinh ra là do ăn ở không sạch sẽ. Kinh-thánh không nói đến bệnh phong hủi trong gia đình Israel ở giai đoạn trước khi bị làm nô lệ. Sau hơn 400 năm làm nô lệ, bị đối xử tàn tệ và thiếu vệ sinh, thì trong dân Israel đã sinh ra bệnh phong hủi.

Nó cũng là hình bóng về sự ô nhiễm về đạo đức của tâm trí loài người vì tội lỗi, mà chỉ Đức Chúa Jesus mới tẩy sạch được.

Vì bệnh phát sinh từ sự ăn ở dơ bẩn; cho nên, sau khi được lành, người mắc bệnh phải tắm rửa cẩn thận, để được kể là tinh sạch.

Công việc của các thầy tế lễ là phải khám và xem xét các vết hoặc đốm trên thân thể người bị nghi ngờ là mắc bệnh. Sau khi người đó được lành thì thầy tế lễ khám xét lại kỹ càng trước khi tuyên bố người đó đã được sạch (13:37–46).

Đề cập tới đồ vật bị lên mốc ở đây là nói về quần áo, y phục hàng dệt bằng vải gai, hay hàng đan bằng sợi lông chiên, hay bất cứ món đồ gì làm bằng da (13:47–49).

Thầy tế lễ sẽ khám các vết đó và để riêng vật ấy ra trong bảy ngày. Nếu khi khám lại, các vết ấy lan ra thì xác định vật đó đã bị ô uế rồi, chúng phải bị đốt trong lửa (13:50–52).

Nếu vết mốc đó không lan ra, thì phải đem giặt món đồ đó rồi để riêng ra trong bảy ngày nữa. Sau khi giặt rồi mà nếu vết đó không đổi màu, thì dù vết mốc không lan ra, nó vẫn bị xem là ô uế và phải bị đốt (13:53–55).

Trong một môi trường ở ăn sạch sẽ, vấn đề đồ đạc bị lên mốc rất hiếm khi xảy ra, nhưng nó vẫn thường xảy ra ở các môi trường thiếu vệ sinh. Từ đó, nó lây lan trên con người.

Điều nầy cho thấy tính chất cực ác của tội lỗi. Bởi vì không những nó làm hoen ố lương tâm của tội nhân, mà nó còn làm nhiễm bẩn trên cả thân, hồn, linh của anh ta và trên mọi việc anh ta làm, cư xử hay hành động nữa.

Những ai nuôi dưỡng tính kiêu căng và dục vọng, thì sẽ thấy sớm bị hoen ố với bệnh phong hủi của tội lỗi. Nhưng ai khoác áo công nghĩa của Chúa ban cho không bao giờ lo lắng hay sợ hãi, vì chẳng có thứ mối mọt nào ăn được chất làm nên áo ấy.

Đồ vật hay quần áo đã giặt và vết mốc đã mờ, thì thầy tế lễ phải lột bỏ vết mốc ấy; nếu nó lại xuất hiện, thì món đó phải bị đốt. Nhưng nếu nó đã biến mất, thì phải giặt lần thứ hai, và món đồ ấy được xem là thanh sạch.

Các luật về vết mốc meo trên áo xống bằng vải gai hay hay hàng đan từ lông chiên, hoặc các vật dụng bằng da thì đã được quy định rõ ràng để diệt bệnh phong hủi ra khỏi dân Israel (13:56–59).

Leviky07.docx
Rev. Dr. CTB