Tình Yêu của Người Cha

Ngày Hiền Phụ

Sáng-thế-ký 37:2–36

Nhân ngày hiền phụ năm nay, chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm về ảnh hưởng của một người cha trên con trai yêu quý của mình.

Dù trong nhân loại không có tình cha nào bao la bằng tình yêu bình đẳng của Đức Chúa Trời dành cho mọi người, bất kể nam nữ, tuổi tác, chủng tộc, và giai cấp gì hết. Nhưng chuyện tích về hai cha con Jacob-Joseph và tình thương vô hạn của người cha, thì đáng cho chúng ta ngày nay suy gẫm.

Tuy Jacob có bốn vợ, nhưng ông chỉ yêu một bà là Rachel, người ông gặp đầu tiên trên đường phiêu bạt chạy trốn tới nhà Laban, người cậu ruột của mình.

Còn ba người kia thì Leah, chị của Rachel, bị Laban tráo trong đêm tân hôn, mà Jacob phải làm công thêm bảy năm nữa để trả cái giá cưới được Rachel, người ông yêu thương. Hai bà hầu thiếp Bilhah và Zilpah là hai nàng hầu của hai bà vợ; vì tranh chấp nhau mà hai bà vợ chính buộc chồng phải lấy hai cô làm hầu thiếp để sinh con cho họ (Sáng-thế 30:4, 9).

Jacob được Chúa cho thấy chiêm bao thần thánh lần đầu tiên khi trên đường chạy trốn sang nhà cậu, ông dừng lại nghỉ đêm giữa nơi hoang vắng (Sáng-thế 28:10–16).

Trong thời gian làm công cho cậu mình ở Padan-Aram, ông lại nằm mơ thấy được thiên sứ chỉ dẫn cách thức làm cho bầy chiên và dê của mình ngày càng nhiều hơn (Sáng-thế 31:5–13; 30:37–39).

Trên đường về quê, Jacob thấy các thiên sứ của Đức Chúa Trời rồi đặt tên chỗ đó là Mahanaim, nghĩa là trại quân của Chúa. Sau đó, bên bờ rạch Jabbok, một thiên sứ hiện ra vật lộn với ông và đổi tên ông từ Jacob thành Israel, nghĩa là “tranh đấu với Đức Chúa Trời và người ta đều được thắng” (Sáng-thế 32:1–2, 24–30).

Về tới chỗ nghỉ đêm năm xưa, Chúa lại hiện ra hứa ban cho ông và dòng dõi ông đất đó làm cơ nghiệp, nên ông đặt tên chỗ ấy là Beth-El, nghĩa là nhà của Đức Chúa Trời (Sáng-thế 35:9–15).

Jacob đã được trải qua nhiều kinh nghiệm về cõi thần như cha Isaac và ông nội Abraham của mình.

Joseph là con trai thứ mười một của Jacob, nhưng là con đầu lòng của Rachel, nên được cha đặc biệt yêu thương hơn mười người anh, vì là con trai muộn của cha. Rachel qua đời khi sinh ra Benjamin, em của Joseph; cho nên, Jacob lại càng yêu thương và gần gũi với hai con út hơn tất cả các con của ông.

Kinh-thánh không chép chi tiết nào về việc Jacob đã dạy cho Joseph những gì. Nhưng qua nhiều sự kiện diễn ra trong đời Joseph và tính cách của ông, thì người ta có thể đoán rằng Jacob đã dạy dỗ và trò chuyện với Joseph rất nhiều.

Chắc chắn là ông đã thuật cho con trai cưng của ông nghe cuộc đời truân chuyên mà ông đã trải qua, những ơn lành Đức Chúa Trời đã ban cho ông, và lòng tôn kính của ông đối với Ngài là như thế nào.

Joseph cũng rất mực yêu thương cha. Buổi tối, ông thủ thỉ với cha về những điều ông thấy các anh làm trong ngày. Tình cha con đằm thắm tiếp diễn tới khi Joseph bị sa vào cơn gian truân, thì tính cách của ông mới bộc lộ.

Mặc dù Jacob đã từng trải qua nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với cõi thần, nhưng ngoài Joseph ra, chẳng người con nào của Jacob được thiên đàng chiếu cố cách đặc biệt cả.

Riêng Joseph được thấy nhiều chiêm bao tiên tri và có một tấm lòng rất kính sợ Đức Chúa Trời như được bộc lộ sau nầy.

Người đọc Kinh-thánh thường quan niệm Jacob là một người xảo trá, lường gạt; qua chuyện tích ông vâng lời mẹ giả dạng làm Esau để được người cha Isaac, đang bị mù loà, chúc phước; và chuyện ông lột vỏ các nhánh cây bạch dương, bồ đào và bá tiên để chiên và dê đều sinh con lông có sọc, vằn và đốm, nên chúng đương nhiên thuộc về ông như đã giao kết với Laban, cha vợ ông.

Tuy vậy, khi quan sát cuộc đời đầy truân chuyên ở tuổi thanh niên, rồi vô cùng vinh quang ở tuổi tráng niên của Joseph, người đọc Kinh-thánh hiểu rằng Jacob đã dạy con rất thật thà, ngay thẳng.

Chuyện gì đã xảy ra để thay đổi hẳn nhân cách của Jacob? Ông đã gặp Đức Chúa Trời trong hình thể của một người tại rạch Jabbok; sau khi được Chúa đổi tên thành Israel, thì ông đã là một người khác.

Lúc còn ở Padan-Aram, Joseph quấn quýt bên mẹ vì còn là một thiếu nhi. Bị mồ côi mẹ lúc mới sáu tuổi, Joseph quấn quýt bên cha và em trai còn nhỏ (Sáng-thế 35:16–20). Đây là thời gian cậu bé Joseph bắt đầu hiểu biết và tiếp thu sự dạy dỗ của cha mình. Jacob đã nuôi dạy đứa con côi cút của ông cho tới năm Joseph được mười bảy tuổi (Sáng-thế 37:2). Jacob đã dạy Joseph những điều gì?

Người ta chỉ có thể biết những gì Kinh-thánh không ghi chép về việc đó qua câu chuyện Joseph bị các anh mình ganh ghét. Họ lợi dụng lúc ở nơi vắng vẻ, xa nhà và cha không biết, đã bắt trói Joseph và bán cho các thương lái Madian đem xuống Ai-cập bán làm nô lệ.

Sự ganh ghét khởi đầu từ việc Joseph được cha yêu thương hơn các anh ông. Nhưng Joseph vẫn chơi thân với mấy người con của hai bà hầu thiếp. Có lẽ các con trai của Leah chịu ảnh hưởng sự thù ghét của mẹ mình đối với Rachel, nên họ không thân thiện với Joseph.

Rồi một nguyên nhân nữa khiến họ càng thù ghét thêm là: Joseph được Đức Chúa Trời ban cho các chiêm bao tiên tri. Ông thật thà kể cho các anh mình nghe giấc chiêm bao là: Ông thấy tất cả anh em đang bó lúa ngoài đồng, chợt bó lúa của ông đứng thẳng lên, còn những bó lúa của các anh đều họp lại quanh bó lúa của ông và cúi rạp xuống. Họ giận sôi lên vì ý nghĩa giấc mộng rõ ràng là Joseph sẽ cai trị trên họ.

Trong giấc mộng kế tiếp thì ông thấy mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao tới quỳ rạp trước mặt ông, càng khiến cho các anh ghét ông thêm. Riêng Jacob ghi nhớ và suy gẫm.

Khi gặp cơ hội Joseph được cha sai đi thăm các anh chăn chiên ở xa, họ trả thù cho hả nỗi oán hận.

Từ vị trí một công tử được cha vô cùng yêu thương, thoắt trở thành thân phận của một nô lệ, Joseph nhẫn nhục chịu đựng số phận. Có lẽ cậu trai trẻ Joseph đã âm thầm đổ rất nhiều nước mắt tại nhà của người chủ nô Potiphar.

Jacob bị mấy người con lừa gạt nên tưởng Joseph đã bị thú dữ xé xác. Ông quấn vải thô và để tang cho con lâu ngày (Sáng-thế 37:31–35).

Trong phận nô lệ ở Ai-cập, Joseph không có hi vọng gì sẽ trở lại làm người tự do; tuy vậy, Joseph trung thành phục vụ người chủ. Nhờ Đức Chúa Trời phù hộ nên Joseph làm việc gì cũng thịnh vượng; vì thế Potiphar giao hết tài sản cho ông cai quản (39:1–6).

Bà cố nội, bà nội và mẹ của Joseph đều là các tuyệt sắc giai nhân người A-ram; cho nên, Joseph thừa hưởng nét đẹp của tổ tiên. Bà vợ của Potiphar mê mệt vẻ đẹp trai của Joseph và dụ dỗ ông tư tình với bà, nhưng Joseph quyết liệt từ chối vì không muốn phản chủ, cũng không muốn phạm tội nghịch Đức Chúa Trời (39:7–10).

Joseph chưa có kinh nghiệm gặp Chúa như cha mình, nhưng ông đã nghe cha kể về các biến cố thần thượng và những lời phán hứa của Đấng Tối Cao. Ông tin và vâng theo những lời dạy dỗ của cha về đạo đức, sự thanh sạch và bổn phận của ông đối với Đức Chúa Trời, mà ông chưa thấy, đã phù hộ ông trong cảnh nô lệ xa nhà.

Đối với những chàng trai trẻ bình thường của nhân loại chắc sẽ không bỏ lỡ những cơ hội được thoả mãn tình dục như vậy. Joseph thì khác; ông nhớ lời cha dạy, ông kính sợ Đức Chúa Trời, Đấng thấy và biết hết mọi việc làm lén lút thầm kín; nên ông tránh xa sự cám dỗ về tình dục của người đàn bà dâm đãng.

Dù biết rằng có thể lâm vào cảnh ngộ nguy hiểm hơn, nhưng Joseph nhất quyết từ chối sự quyến dụ của bà chủ, để giữ sự thanh sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Sự dạy dỗ của Jacob trên Joseph đã đạt kết quả.

Bà vợ Potiphar không dụ dỗ được Joseph nên vu khống chàng; Potiphar tin lời vợ đem bỏ tù Joseph (39:11–20). Vì giữ lời dạy của cha, Joseph bị hạ xuống tận đáy của cuộc đời, ông không có hi vọng gì được ra khỏi tù ngục của xứ Ai-cập.

Tuy vậy, Đức Chúa Trời vẫn ở với ông và phù hộ ông, khiến ông được ơn trước mặt cai ngục. Cai ngục giao cho Joseph quản lý tất cả tù nhân, mọi việc Joseph làm đều thành công vì Đức Chúa Trời phù hộ ông.

Nhờ khả năng biết giải nghĩa các giấc mơ tiên tri, Joseph từ ngục tối được Chúa đưa lên đỉnh vinh quang: Tể tướng xứ Ai-cập! Sự kính sợ và vâng lời Đức Chúa Trời luôn luôn dẫn tới ơn phước quá mức suy tưởng.

Sau mười ba năm hoạn nạn và chín năm vinh quang, Joseph đón cha và toàn gia đình anh em xuống Ai-cập tránh nạn đói khủng khiếp.

Khi Jacob thấy xe cộ của Joseph gửi tới rước mình, thì ông mới hồi tỉnh cơn mê hai mươi hai năm đau đớn vì tưởng con đã chết thảm. Khi được Joseph lên đón và ôm cha khóc hồi lâu, Jacob nói: “Bây giờ cha có chết cũng được, vì cha đã thấy mặt con và biết con vẫn còn sống” (Sáng-thế 46:30). Một kết cục đầy hạnh phúc của người cha biết dạy con kính sợ Đức Chúa Trời.

Khi Jacob qua đời, toàn nước Ai-cập chịu tang ông suốt bảy mươi ngày (Sáng-thế 50:3); còn đám tang của ông là đám tang long trọng nhất mà người Canaan được thấy (Sáng-thế 50:7–11).

NgàyHiềnPhụ2017.docx
Rev Dr. CTB