Con Lừa Biết Nói

Dân số ký, bài 16

Dân-số-ký 22:1–41

Sau gần bốn mươi năm khốn khổ nhọc nhằn, dân Israel đã tới thảo nguyên Moab, đóng trại ở đó, đối diện với xứ Canaan ở bờ bên kia sông Jordan.

Môi-se biết Đức Chúa Trời không cho phép ông vào xứ Canaan; cho nên, ông dành thời gian dân Israel nghỉ ngơi tại đồng bằng Moab để truyền lại tất cả các mệnh lệnh, giới mạng, luật lệ, và các kỳ lễ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã truyền lúc dân Israel đóng trại tại chân núi Si-na-i vào năm thứ nhất, lúc họ ra khỏi xứ Ai-cập. Bây giờ là năm thứ bốn mươi, họ sắp sửa tiến vào chiếm xứ (1).

Đồng bằng, hay thảo nguyên, Moab trước đây thuộc về xứ Moab đã bị dân A-mô-rít cướp đoạt, nay Israel tiêu diệt dân A-mô-rít ở vùng đó và chiếm xứ. Balak, con trai Zippor, là vua của Moab lúc ấy (4). Ông ta không phải là gốc Moab mà là dân Midian chiếm vương quyền Moab sau khi Moab bị dân A-mô-rít đánh bại.

Balak và dân Moab thấy dân Israel đánh bại các vua Amorite hùng mạnh thì quá sợ hãi (2–3), vì sợ rằng tới lượt họ sẽ bị tiêu diệt. Cũng cần nhắc lại Moab là dòng dõi của Lót, liên hệ bà con khá xa với dân Israel. Nhưng Midian là họ hàng gần vì là dòng dõi con trai của Keturah sinh cho Ápraham (Sáng-thế 25:2, 4). Vì vậy, người Moab họp với các tiểu vương Midian bàn cách chống lại Israel (4).

Biết rằng không thể thắng Israel bằng quân sự nên Balak dùng mưu bằng cách sai sứ giả mời thầy bói, cũng là pháp sư, Balaam, con trai của Beor, ở Pethor, gần sông Euphrates, thuộc xứ Aram ở vùng Lưỡng Hà (nhưng dân tộc của ông ta không phải là dân Ammon), rồi thuật cho ông ta biết nguy cơ Moab sẽ bị dân Israel tiêu diệt (5).

Balak muốn nhờ ông thầy bói nầy dùng pháp thuật nguyền rủa dân Israel, hầu cho Israel suy yếu và Balak có thể đánh bại dân ấy (6). Vậy các quan chức của Moab và Midian lên đường đem theo lễ vật đi tới xứ Aram để tìm gặp Balaam, kể lại những lời của Balak. Balaam tiếp đón khách phương xa và mời họ nghỉ đêm ở nhà ông, chờ ông cầu hỏi Đức Giê-hô-va (7–8).

Đây là chỗ khó khăn cho các nhà giải kinh, vì ông thầy bói, pháp sư Balaam có thể cầu hỏi Giê-hô-va Đức Chúa Trời và được Ngài đáp lời bằng cách hiện đến với ông ta. Sự hiện đến nầy phải xảy ra trong giấc chiêm bao, như trước kia Chúa đã hiện đến với Laban trong giấc mơ vậy (9).

Nói rằng Đức Chúa Trời hỏi Balaam thì không có nghĩa là Ngài không biết. Balaam thưa với Chúa, kể lại lời Balak yêu cầu. Chúa không cho ông đi, vì ông không được nguyền rủa dân được ban phước (10–12).

Các sứ giả phải trở về vì Balaam không chịu đi với họ (13–14). Balak lại sai một đoàn sứ giả đông hơn và cao cấp hơn đi mời cho bằng được Balaam với lời hứa sẽ trọng thưởng và thực hiện cho bất cứ điều gì Balaam muốn (15–17).

Mới đầu thì Balaam nói dù Balak có cho ông toà lâu đài đầy vàng bạc, ông cũng chẳng thể vượt qua mệnh lệnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời dù việc nhỏ hay lớn; nhưng lòng tham của con người khó đứng vững trước mối lợi quá to, Balaam xin họ nán lại nhà ông, vì ông mong Chúa sẽ đổi ý phán thêm điều gì nữa (18–19).

Đức Chúa Trời lại hiện ra trong chiêm bao bảo ông cứ đi với họ. Balaam mừng lắm, thức dậy, thắng yên lừa và ra đi với họ để mong mau tới xứ Moab (20–21).

Balaam không biết rằng Đức Chúa Trời biết rõ tâm địa của ông. Ngài nổi cơn thịnh nộ và sai một thiên sứ đứng trên đường để ngăn cản ông. Điều không bình thường ở đây là Balaam cỡi lừa thay vì lạc đà khi đi tới xứ xa; đồng thời có hai người đầy tớ đi bộ theo ông. Các điều bất thường nầy khiến cho nhiều học giả phải xét lại nơi Balaam ở, tức là khoảng cách từ nhà Balaam tới đất Moab (22).

Khi con “lừa cái thấy thiên sứ của Đức Giêhôva đứng trên đường với cây gươm trần nơi tay thì tránh qua một bên và đi xuống ruộng. Balaam đánh nó để bắt nó trở lại trên đường” (23).

Thỉnh thoảng, thú vật được thấy các diễn biến xảy ra trong linh giới mà thị giác loài người không thấy được, chứ không phải mắt Balaam bị che không thấy thiên sứ.

Thiên sứ đi tới xa hơn, đứng trên con đường nhỏ giữa hai vách của các vườn nho. Con lừa sợ thiên sứ nên đi nép vào vách để tránh thiên sứ; vì thế, nó ép chân Balaam vào vách tường rào làm ông đau nên ông lại đánh nó (24–25).

Thiên sứ của Đức Giê-hô-va đi xa hơn và đứng tại một chỗ rất hẹp không thể xoay qua bên phải hoặc bên trái. Khi lừa cái thấy thiên sứ của Đức Giê-hô-va liền nằm quỵ xuống; Balaam nổi giận lấy gậy đánh nó. Bấy giờ, Đức Giêhôva mở miệng con lừa cái và nó nói với Balaam: ‘Tôi làm gì đâu mà ông đánh tôi đến ba lần?’ Balaam nói với con lừa: ‘Vì mầy khinh nhạo ta. Nếu có gươm trong tay thì ta đã giết mầy rồi!’ Lừa cái nói với Balaam: ‘Tôi không phải là con lừa mà ông vẫn cưỡi từ trước tới nay sao? Tôi có thường làm như vậy với ông bao giờ không?’ Ông đáp: ‘Không.’” (26–30).

Câu chuyện tới đây thật là thú vị. Một con vật chỉ biết hí hay rống nay có thể nói tiếng người thông thạo. Kinh thánh thuật chuyện nầy không có nghĩa là giống lừa biết suy nghĩ như người ta, nhưng là quyền phép toàn năng của Đức Chúa Trời có quyền khiến cho con lừa có khả năng nói như người có suy nghĩ và có lý luận.

Một điều lạ là Balaam không ngạc nhiên khi con lừa của ông nói được tiếng người. Ông ta lại đối đáp với con lừa. Vì đối với bất cứ một người bình thường nào mà bất ngờ nghe một con vật nói tiếng người thì phải nhảy nhổm lên vì ngạc nhiên hay kinh hoảng. Thế mà Balaam chẳng chút ngạc nhiên gì hết, lại còn đòi giết con lừa, vì ông ta nghĩ rằng con lừa cản trở giấc mơ giàu sang của ông ta.

Nói rằng Đức Giê-hô-va mở mắt Balaam cho ông thấy thiên sứ của Ngài, thì có nghĩa là mắt ông được Chúa làm cho có khả năng thấy thần linh đang đứng trước mặt ông, tức là thấy vào linh giới và các diễn biến của thế giới ấy. Vì thế Balaam “thấy thiên sứ của Đức Giê-hô-va đứng giữa đường, tay cầm thanh gươm trần. Ông cúi rạp mình, sấp mặt xuống đất” (31).

Hồi nãy, ông ta nói nếu có gươm trong tay thì đã giết con lừa của ông. Bây giờ, ông thấy vị thiên sứ cầm thanh gươm trần trong tay thì không biết ông sợ tới mức nào. Ông không trả lời được câu hỏi của thiên sứ bởi vì thiên sứ nói đúng tâm trạng ông là “đi theo con đường bại hoại”(32). Ông cũng biết ơn con lừa đã cứu ông khỏi bị thiên sứ giết chết (33). Balaam vội vàng xưng tội và hứa làm theo ý Chúa (34).

Thiên sứ bảo ông hãy đi với các sứ giả của Balak, nhưng chỉ được nói những điều gì thiên sứ sẽ phán dặn ông ta. Balaam vâng lời ra đi với các sứ giả (35). Thế thì, lúc con lừa nói tiếng người, các sứ giả của Balak không có mặt ở đó. Vậy, Balaam phải cỡi lừa từ nhà đi với hai đầy tớ mình một quãng đường ngắn trước khi nhập bọn với các sứ giả của Balak để ngồi xe hay cỡi lạc đà về xứ Moab.

Balak nghe tin Balaam đến thì ra tận bờ sông Arnon, tức là biên giới của Moab để đón Balaam (36), vừa trách móc vừa hứa hẹn ban thưởng xứng đáng (37). Balaam vẫn còn khiếp đảm cảnh thiên sứ cầm gươm trần đón đường ông, nên ông vội vàng nói trước là ông không có quyền nói theo ý ông muốn hoặc những lời Balak muốn ông nói, mà phải nói theo những gì Đức Chúa Trời đặt trong miệng ông mà thôi, nghĩa là có một quyền lực tối thượng cầm giữ ông (38).

Các dân tộc ngoại bang không biết Đức Chúa Trời là Đấng Tối Cao, và ngoài Ngài không có thần nào khác. Đối với Balak thì Đức Chúa Trời mà Balaam nói đó chỉ là một ông thần trong các thần; người Moab cũng không biết Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của Israel nên Balak dẫn Balaam tới Kirjathhuzhoth (thành của các đường phố) ở về phía nam sông Arnon để sửa soạn nguyền rủa Israel (39).

Balak và các quan chức của Moab mừng rỡ lắm vì Balaam đã chịu tới. “Balak giết bò và chiên, sai người đem biếu Balaam và các quan chức Moab đang ở với ông” (40). Họ phải dọn tiệc làm sao cho Balaam hài lòng. Nghĩa là họ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng nguyền rủa hay chúc phước của Balaam.

Sáng hôm sau, Balak đem Balaam lên Bamoth-Baal, là nơi ông có thể thấy một phần trại quân của Israel” (41), tức là lên nơi cao chỗ thờ thần Baal. Các học giả không đồng ý với nhau về việc Balaam thấy toàn trại quân Israel hay chỉ một cánh quân mà thôi. Bởi vì ý nghĩa của phần nầy không rõ ràng.

Dansoky16.docx
Rev. Dr. CTB