Các Kỳ Lễ và Sự Hứa Nguyện

Dân-số-ký, bài 20

Dân-số-ký 28–30

Đây là phần nhắc lại các luật lệ đã được rao truyền trước kia về những kỳ lễ và các món tế lễ mà dân Israel phải giữ và thực hiện. Đến giai đoạn trước khi định cư trong miền đất hứa thì Chúa truyền cho Môi-se phải nhắc lại cho dân Israel và ghi rõ chi tiết của các món tế lễ cho từng ngày lễ khác nhau để họ ghi nhớ và thực hiện. Họ phải dâng đúng kỳ định các thứ tế lễ và bánh (lehem) (1–2).

Trước hết là tế lễ hàng ngày, họ phải dâng hai con chiên đực một tuổi không tì vết làm tế lễ thiêu; một con vào buổi sớm mai, một con vào buổi chiều tối. Họ phải dâng chung với tế lễ chay là một phần mười êpha bột lọc với một phần tư hin dầu olive. Còn lễ quán, thì một phần tư hin rượu dâng cùng lúc với tế lễ thiêu và tế lễ chay (3–8).

Mùi thơm hay hương thơm không có nghĩa là mùi thịt nướng, bánh nướng, nhưng là mùi thơm ngọt ngào của sự vâng lời mà Chúa ưa thích.

Sở dĩ những luật về tế lễ và các kỳ lễ trong năm phải được nhắc lại trước khi tiến vào chiếm vùng đất hứa, vì dân tộc Israel vào thời gian nầy là một thế hệ mới; thế hệ tiếp nhận những luật lệ đó gần bốn mươi năm trước đều đã dần dần chết hết trong hoang mạc.

Bây giờ, nhiệm vụ của thế hệ hiện tại là phải chinh phục vùng đất mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho họ; vì thế họ phải hoà thuận với Chúa khi tranh chiến với những kẻ thù trước mắt.

Vậy thì, hàng ngày họ phải có các tế lễ thiêu hằng dâng, là hình bóng cho sự cầu nguyện tương giao với Chúa của chúng ta thời nay ít nhất hai lần vào mỗi buổi sáng và buổi tối.

Luật vẫn giữ nguyên, không thêm hay bớt điều gì so với lệnh truyền khi trước. Rượu là hình bóng về giao ước mới mà Đức Chúa Jesus thiết lập trong đêm Tiệc Thánh lưu truyền tới ngày nay, cũng là máu của các thánh tử đạo đổ vì đức tin của họ.

Lần đầu tiên, lệnh Chúa truyền phải dâng hai chiên con đực một tuổi, không tì vết, thêm vào tế lễ thiêu mỗi ngày trong các ngày sa-bát. Cùng với hai chiên con đó là hai phần mười êpha bột lọc nhồi dầu (9–10).

Mỗi ngày đầu tháng (âm lịch Hebrew), dân Israel phải dâng các tế lễ thiêu là hai con bò đực tơ, một con chiên đực, bảy chiên con đực không tì vết, cùng với ba phần mười ê-pha bột lọc nhồi dầu cho mỗi con bò, hai phần mười êpha bột nhồi dầu cho con chiên đực và một phần mười êpha bột nhồi dầu cho mỗi chiên con để làm tế lễ chay. Lễ quán thì một nửa hin rượu cho mỗi bò đực, một phần ba hin rượu cho con chiên đực và một phần tư hin rượu cho mỗi chiên con. Họ cũng phải dâng một con dê đực làm lễ chuộc tội, ngoài các tế lễ mỗi ngày (11–15).

Các tế lễ ngày sabát nhắc nhở con dân Chúa phải nghỉ ngơi và bày tỏ lòng sùng kính gấp đôi. Tế lễ đầu tháng nhằm bày tỏ lòng biết ơn về các phước lành mới mà Chúa vẫn luôn ban cho con dân Ngài.

Ngày lễ trọng thể hàng năm dân Israel phải giữ là Lễ Vượt Qua. Sau lần giữ lễ ở chân núi Sinaii, suốt ba mươi chín năm qua dân Israel chưa có dịp cử hành lại lễ nầy. Bây giờ họ đang chuẩn bị bước vào đất hứa, thì sự nhắc nhở về Lễ Vượt Qua là rất đúng lúc.

Tất cả các quy định về các món tế lễ trong suốt bảy ngày ăn bánh không men được nhắc lại (16–25). Những người ra đời trong lúc lang thang giữa hoang mạc chưa bao giờ ăn Lễ Vượt Qua, nên họ không biết nhiều về sự Israel được Chúa giải cứu ra khỏi Ai-cập bằng các dấu lạ và phép mầu.

Về phần chúng ta ngày nay, Lễ Vượt Qua nhắc lại ơn Đấng Christ hi sinh chuộc tội cho ta có giá trị vĩnh viễn.

Bảy tuần lễ, tức năm mươi ngày, sau Lễ Vượt Qua là lễ hoa quả đầu mùa, hay là lễ Các Tuần hoặc Ngũ Tuần, trong lúc dâng tế lễ chay mới, Israel phải dâng các tế lễ thiêu như đã quy định từ trước (26–31).

Lễ Vượt Qua bắt đầu từ ngày mười bốn tháng Giêng Do-thái, thì Lễ Thổi Kèn sẽ là ngày mồng một tháng Bảy. Vào ngày ấy Israel sẽ thổi kèn tù và, làm bằng sừng chiên đực già; họ phải dâng một con bò đực tơ, một con chiên đực và bảy chiên con đực một tuổi không tì vết làm tế lễ thiêu.

Về phân lượng bột, dầu và rượu của các tế lễ chay kèm theo, thì cũng giống như phân lượng bột, dầu và rượu trong tế lễ chay của các kỳ tế lễ đầu tháng. Nhưng phải dùng lửa dâng các tế lễ đó lên cho Chúa, để hương thơm của sự vâng lời và biết ơn làm hài lòng Chúa (29:1–6).

Tháng Bảy, Tisri, là tháng có nhiều cuộc hội họp trọng thể hơn các tháng khác. Mồng mười tháng Bảy là ngày lễ chuộc tội hàng năm. Không ai được làm bất cứ công việc thường lệ nào hết, tất cả mọi người đều phải ép linh hồn trong lúc các thầy tế lễ dâng những tế lễ thiêu, tế lễ chay và một con dê đực cho đại lễ chuộc tội theo quy định của luật pháp, ngoài tế lễ thiêu hằng hiến, tế lễ chay và lễ quán mỗi ngày (29:7–11).

Ép linh hồn tức là phải nhịn ăn, từ bỏ mình, kiêng cữ mọi thú vui hoặc điều mình ưa thích, không làm việc gì hết (Lê-vi-ký 16:29; 23:29–30), để suy gẫm và ăn năn thống hối về các tội lỗi mình đã phạm với Chúa.

Ngày Đại lễ chuộc tội là ngày trọng đại đối với toàn thể dân chúng Israel. Trong ngày đó, trước hết thầy tế lễ thượng phẩm sẽ đem máu của con bò sinh tế chuộc tội vào rảy trong gian chí thánh của Đền Tạm thời đó, hay Đền Thờ về sau. Kế đến ông lại lấy máu con dê chuộc tội vào rảy trong gian chí thánh (Lê-vi-ký 16:11–15).

Tới ngày rằm tháng Bảy thì dân Israel phải giữ lễ Lều Tạm trong bảy ngày. Số bò đực tơ làm sinh tế cho bảy ngày ấy là bảy mươi con; nhưng ngày đầu là mười ba con, rồi cứ mỗi ngày giảm bớt một con, để tới ngày thứ bảy thì còn dâng bảy con bò.

Về chiên đực thì cứ mỗi ngày dâng hai con, tổng cộng là mười bốn con; nhưng chiên con thì mỗi ngày mười bốn con, tổng cộng là chín mươi tám chiên con dâng làm tế lễ trong lễ Lều Tạm. Ngoài ra mỗi ngày cũng phải dâng một con dê đực làm tế lễ chuộc tội.

Thế thì, trong ngày đầu tiên của lễ Lều Tạm có mười ba con bò, mười bốn chiên con, hai chiên đực, một dê đực, và hai con chiên làm tế lễ hằng hiến, thì tổng cộng có ba mươi hai con thú được dâng làm tế lễ.

Cân lượng về bột, dầu và rượu cũng theo đúng quy định như các kỳ tế lễ khác (29:12–38). Các tế lễ hứa nguyện và tự nguyện cũng dâng vào dịp nầy (29:39).

Sau khi đã nhắc lại các luật lệ về những kỳ lễ, Môi-se truyền lại lời của Đức Giê-hô-va phán dạy về các sự hứa nguyện cho tất cả con dân Israel thông qua các trưởng tộc (30:1–2) rằng: Những ai đã khấn hứa hoặc thề nguyện với Đức Chúa Trời điều gì buộc phải giữ, thì không được thất tín mà phải làm đúng theo những điều miệng mình đã nói (30:3).

Dù sau khi đã thề hứa, nhiều người vẫn đổi ý vì các lý do khác nhau; nhưng đối với Đức Chúa Trời thì Ngài không phải là Đấng sẵn sàng bỏ qua những lời thề nguyện dối trá. Ai đã mở miệng thề hứa trước mặt Chúa thì phải hoàn nguyện.

Bài học nầy nhắc nhở các tín hữu thuộc các dân tộc Á-đông. Vì bản chất hay nói dối của nhiều người khiến cho người ấy nghĩ rằng mình có hứa hão với người khác cũng không thiệt hại gì. Từ chỗ nói dối loài người, tín hữu ấy quen tật hứa hão với Chúa. Hậu quả thói ấy sẽ rất xấu.

Phong tục của dân Trung-đông thời xưa khác hẳn thời nay; tức là con gái chưa lấy chồng thì vẫn ở dưới quyền quyết định của người cha. Vì thế, lời thề hứa của một thiếu nữ sẽ thiếu hiệu lực nếu người cha không đồng ý với lời thề hứa đó (30:4–6).

Đối với những nữ nhân đã lấy chồng, thì các lời thề hứa của họ sẽ có hiệu lực nếu chồng có nghe mà không phản đối gì hết. Nếu chồng có nghe và phản đối lời thề hứa thì những lời ấy không còn hiệu lực nữa; bởi vì theo phong tục thời đó thì người chồng mới có quyền quyết định.

Nữ giới hầu như chẳng có quyền gì hết (30:7–9) nếu còn lệ thuộc vào người cha hoặc người chồng. Nhưng nếu các người đàn bà goá hay đã ly dị thốt lời hứa nguyện thì buộc phải giữ những lời mình đã thề nguyện với Chúa (30:10).

Luật cũng giải thích thêm cho rõ ràng về trường hợp những bà vợ dâng lời thề hứa mà chồng có nghe. Luật xác lập thời hạn mà người chồng có quyền phản đối những lời hứa nguyện của vợ từ khi nghe biết sự hứa nguyện đó là qua một ngày. Nếu ngày sau, người chồng vẫn không nói gì với vợ để phản đối, thì người chồng sẽ gánh tội lỗi của vợ nếu sau một thời gian người chồng lại huỷ bỏ các lời hứa nguyện ấy (30:11–16).

Chúa phải lập ra những luật nầy để ngăn cản các trường hợp hứa nguyện mà không hoàn nguyện của con dân Ngài. Chúng ta cũng phải tập thành thật về các lời hứa với Chúa và với người khác.

Ngày xưa thì phụ nữ phụ thuộc vào cha và chồng (30:17). Nhưng ngày nay mỗi người đều chịu trách nhiệm về những lời miệng mình nói ra.

Dansoky20.docx
Rev. Dr. CTB