Thời Điểm Đức Chúa Jesus Giáng Sinh

Những Điều Cần Biết, 22

Luca 2:1-20

Từ nhiều thế kỷ qua, đa số nước trên thế giới kỷ niệm lễ mừng Đức Chúa Jesus giáng sinh vào ngày 25 tháng 12; Chính-thống-giáo thì giữ lễ vào ngày 6 tháng Giêng, tức là mùa đông hàng năm ở Bắc bán cầu.

Mặc dù Kinh-thánh không ghi rõ Đức Chúa Jesus giáng sinh vào ngày nào trong năm, nhưng chẳng có mấy tín hữu thắc mắc ngày đó đúng hay sai so với các chuyện tích tường thuật của Kinh thánh. Nếu xét kỹ hai sự kiện trong sách phúc âm Luca ký thuật về sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus, thì ngày trọng đại đó không xảy ra vào mùa đông.

Sở dĩ mọi chi tiết trong sách phúc âm Luca được xem là hoàn toàn đáng tin cậy, vì đều là những lời kể của những nhân vật chính vẫn còn sống vào thời bác sĩ Luca đi theo sứ đồ Phao lô về Jerusalem. Nhân lúc Phao lô bị bắt và chờ được xét xử, bác sĩ Luca đã phỏng vấn những người gần gũi với Đức Chúa Jesus để ghi lại mọi việc theo thứ tự hẳn hoi hầu lưu lại cho đời sau (Luca 1:1-3).

Hai sự kiện chép trong sách phúc âm Luca khiến người ta phải suy xét thời điểm giáng sinh của Đức Chúa Jesus có phải nhằm mùa đông hay không:

Một là hoàng đế Augustus ra chiếu chỉ điều tra dân số để mọi người sẽ phải tuyên thệ trung thành với hoàng đế La mã (Luca 2:1). Người ta tin rằng nhà cầm quyền La-mã không tổ chức điều tra dân số vào mùa mưa, tức là mùa đông ở xứ thánh; bởi vì đường trơn trợt và trời lạnh lẽo thì việc đi lại sẽ rất khó khăn, cuộc điều tra dân số sẽ thất bại và không chính xác.

Điểm thứ nhì là đêm Đức Chúa Jesus giáng sinh có thiên sứ hiện ra báo tin cho các mục tử canh giữ bầy chiên ngoài đồng cỏ (Luca 2:8). Chi tiết nầy càng cho thấy đêm ấy không nhằm mùa đông, là mùa mưa; bởi vì mục tử ở xứ thánh không giữ chiên ngoài đồng ban đêm vào mùa có nhiều mưa và trời rét, do không có lợi gì cho bầy chiên cũng như cho bản thân họ.

Vì Luca không ghi rõ ngày tháng, nên khó xác định sinh nhật của Đức Chúa Jesus cách chính xác. Tuy vậy, người ta có thể dựa trên các sự kiện có nói đến thời gian và liên quan tới ngày giáng sinh của Đức Chúa Jesus, thì cũng có cơ may suy ra thời gian gần gần đúng.

Bác sĩ Luca ghi chép rõ các chi tiết về sự sinh ra của Giăng Baptist và sự kiện thiên sứ báo tin cho Mari. Cho nên, người ta tin rằng để tìm ra khoảng thời gian Đức Chúa Giêxu giáng sinh thì phải truy tìm thời điểm thầy tế lễ Xa-cha-ri phục vụ trong đền thờ. Bởi vì nếu tìm ra manh mối về lịch trình phục vụ của các thầy tế lễ, thì việc còn lại chỉ là vài bài toán cộng.

Các học giả Kinh-thánh dựa vào các chi tiết đó mà nghiên cứu. Sau đây là một số manh mối họ đã tìm ra.

Vì Luca cho biết sáu tháng sau khi bà Elizabeth, vợ thầy tế lễ Xa-cha-ri, thụ thai Giăng Baptist theo lời tiên báo của thiên sứ Gabriel, thì cũng thiên sứ Gabiel đến báo tin cho trinh nữ Mari biết bà sẽ thụ thai bởi quyền phép của Đức Thánh Linh, và sẽ sinh một trai được đặt tên là Jesus (Luca 1:24, 26, 35–36). Thế thì vấn đề phải tìm cho ra là thời gian phục vụ của Xa-cha-ri ở đền thờ vào tháng nào trong năm.

Một chi tiết có vẻ chẳng quan trọng gì, lại là đầu mối hết sức cần thiết để tìm kiếm: Đó là thầy tế lễ Xa-cha-ri thuộc ban Abijah của dòng họ A-rôn (Luca 1:5) được nói tới trong (1Sử-ký 24:10).

Theo lịch trình đã bắt thăm thì ban Abijah, con cháu Ythama, phục vụ tại đền thờ vào phiên thứ tám; mỗi phiên phục vụ một tuần theo như đã được ấn định từ thời A-rôn (1Sử ký 9:25; 2Sử-ký 23:8). Và lịch trình phục vụ ấy kể từ tháng Giêng, mùa xuân của lịch Do-thái, gọi là tháng Nisan hay Abiv. 

Thế nhưng, phiên phục vụ của ban Abijah không rơi vào tuần thứ tám; bởi vì có hai dịp lễ quan trọng là lễ Bánh-không-men diễn ra vào các ngày 15–21 của tháng Nisan, sau đó là lễ Ngũ-tuần vào ngày 6 của tháng Sivan, tức là tháng Ba lịch Do-thái.

Trong hai kỳ lễ đó, mọi thầy tế lễ của tất cả các ban đều phải có mặt ở đền thờ để dự lễ và phục vụ. Ngay sau mỗi kỳ lễ, các ban lại tiếp tục phục vụ theo lịch trình đã định cho họ. Vì vậy, phiên của thầy tế lễ Xa-cha-ri lọt vào tuần thứ mười kể từ đầu năm; nghĩa là tuần thứ nhì của tháng Sivan, ngày Sa-bát kế sau lễ Ngũ-tuần.

Sau khi mãn phiên phục vụ, Xa-cha-ri trở về nhà mình ở miền núi xứ Giuđê vào tuần thứ ba của tháng Sivan, tức là khoảng đầu tháng Sáu dương lịch ngày nay. Kết quả là bà Elizabeth, vợ Xa-cha-ri, thụ thai khoảng tuần cuối tháng Sivan, tức là giữa tháng Sáu dương lịch, đúng như thiên sứ Gabriel đã báo trước (Luca 1:13).

Sáu tháng sau (Luca 1:26), thiên sứ Gabriel tới gặp nữ trinh Mari báo tin bà sẽ mang thai Đức Chúa Jesus do quyền năng của Đức Thánh Linh (Luca 1:35). Như vậy, Mari bắt đầu mang thai vào tháng Chín (Kislev) của lịch Do-thái, tức là tháng Mười Hai dương lịch.

Mang thai đủ chín tháng mười ngày, bà sinh Đức Chúa Jesus tại Bethlehem khoảng tháng Bảy (Tishri) lịch Do-thái, tức là khoảng cuối tháng Chín đầu tháng Mười dương lịch thời nay.

Đến đây thắc mắc nổi lên là lý do nào khiến cho ngày 25 tháng 12 chính thức trở thành lễ giáng sinh như hiện nay?

Hội-thánh thời sơ lập đã không kỷ niệm ngày sinh của Đức Chúa Jesus trong hơn 300 năm. Bởi vì lúc ấy Hội-thánh không muốn bị đồng hoá với sự thờ cúng của ngoại giáo. Mãi đến năm 336 sau công nguyên, các nhà lãnh đạo hội thánh muốn lợi dụng ngày 25 tháng 12 là lễ mừng thần mặt trời của dân La mã ‘Dies Natalis Solis Invicti’ để biến thành lễ giáng sinh cho người ta dễ chấp nhận.

Sau đó một thời gian, giáo hoàng Julius đệ nhất chính thức định ngày 25 tháng 12 làm lễ giáng sinh cho toàn giáo hội. Từ thời ấy đến nay, sự kỷ niệm lễ giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 trở thành truyền thống không thay đổi được nữa. Chúng ta cũng phải giữ lễ chung với mọi người khác trên thế giới.

Chúng ta cũng thừa hưởng vài bài thánh ca, các bài hát tiếng Việt được sáng tác sau nầy, cộng với nhiều bài giảng theo truyền thống sai lạc của tiền nhân; cho nên, hầu hết mục sư và tín hữu nghĩ rằng bà Mari hạ sinh Đức Chúa Jesus đúng vào ngày bà và ông Joseph vừa về tới Bethlehem; cũng dựa trên sự suy diễn đó, vô số bài giảng và bài hát tin rằng sự giáng sinh diễn ra trong chuồng chiên chuồng bò hay chuồng nhốt lừa.

Sách Luca ký thuật rằng “Đang khi hai người ở nơi đó thì ngày sinh nở của Mari đã đến” (Luca 2:6), nghĩa là họ đã tới Bethlehem được một thời gian ngắn rồi. Người đời xưa cũng biết tính thời gian mang thai và dự đoán ngày đứa con sẽ được sinh ra; ông Joseph và bà Mari không ngu dại gì chờ gần sát ngày lâm bồn của bà Mari mới ra đi; họ phải dự trù tới Bethlehem trước ngày bà sinh để kịp ghi tên vào sổ và không gặp trở ngại. Điều nầy có nghĩa là họ đã tìm được một nơi tạm trú ở đâu đó mà không phải là lữ quán “vì quán trọ không còn chỗ cho họ” (Luca 2:7).

Vì tin sai như vậy, nên vô số bài giảng cho rằng trong đêm giáng sinh, Hài Nhi Jesus phải ở trong chuồng gia súc.

Có lẽ tại Bết-lê-hem có nhiều người là bà con của Joseph. Trong các nhà của người Do-thái thời ấy thường có phòng ngủ ở tầng trên, trong tiếng Hy-lạp là ‘kataluma,’ chữ đã bị dịch thành ‘quán trọ.

Luca 22:11-12 cũng có chữ ‘kataluma’ nói về một phòng rộng tầng trên. Vì thời ấy tầng mặt đất nhà người Do-thái vừa là nơi có bếp, chỗ ăn uống và cuối phòng cũng ngăn ra một phần, làm nơi chứa một số gia súc dễ bị thú dữ giết hại hay dễ bị trộm cắp ban đêm.

Có lẽ Giô-sép tới trọ một trong các nhà bà con, nên phòng trên ‘kataluma’ đã đầy khách bậc trưởng thượng tới trước, ông và bà Mari phải ở tạm tầng mặt đất, nơi có đặt máng cỏ cho gia súc ăn ban đêm. Vì vậy, không còn vật gì tốt hơn cái máng cỏ để đặt Hài Nhi Jesus nằm tạm.

Dù là ‘kataluma’ được dùng để nói về một quán trọ, thì quán trọ thời bấy giờ không có nhiều phòng riêng như lữ quán thời nay. Vì Bethlehem là làng quê cách Jerusalem khoảng 7 dặm đường, không nằm trên trục lộ giao thương quan trọng, nên không ai đầu tư vào một lữ quán mà không mấy khi có khách đến thuê phòng trọ.

Có thể có vài nhà nông dân thường sắp xếp chỗ ngủ trong nhà họ làm quán trọ và nấu ăn cho khách lỡ độ đường; hoặc tiếp họ hàng từ xa về khai tên trong sổ điều tra dân số. Vì có quá đông người về Bethlehem, nên các nhà ấy không còn chỗ trống.

Không tích Giáng-sinh nào trong Tân-ước nói rằng vì gia đình Joseph và Mari phải tạm trú trong hang đá, nên Hài Nhi Jesus được đặt nằm trên một cái máng cỏ cho lừa ăn ở trong hang đá. Thế thì tại sao có cảnh trưng bày máng cỏ trong hang đá mỗi mùa giáng sinh về? Truyền thống trang trí hang đá kỷ niệm lễ Giáng Sinh ra từ Công giáo nước Ý.

Vào năm 1223 ở Greccio, nước Ý, giám mục Francis Assisi thiết kế cảnh giáng sinh trong một hang đá gồm một máng cỏ để đầy rơm, một con bò thật và một con lừa thật, nhưng không có tượng hay hình nhân vật chính nào hết. Đêm chính lễ giáng sinh, giáo dân và ông quây quần quanh chỗ ấy để vui mừng hát các thánh ca giáng sinh với nhau, rồi ông giảng một bài thật cảm động về việc Ngôi Lời của Đức Chúa Trời phải giáng thế ở một chỗ rất khiêm nhường như vậy.

Các năm sau nhiều nơi bắt chước việc đó, lâu ngày nó trở thành truyền thống mà người đời sau tưởng là cảnh giáng sinh thật phải có hang đá. Bởi vì người ta ít khi tra xét Kinh thánh để tìm biết đúng hay sai.

Chi tiết về việc các mục tử vội vàng đi tìm gặp Đấng Thánh mới sinh, rồi mừng rỡ ra về tôn vinh ca ngợi Đức Chúa Trời (Luca 2:8–20), có thể dùng làm bằng chứng để xác định chỗ Hài Nhi Jesus được sinh ra không phải là hang đá hay chuồng nhốt súc vật.

Khi thiên sứ cho các mục tử biết “Hài Nhi quấn khăn nằm trong máng cỏ” (Luca 2:12), thì họ biết họ phải tìm ở tầng dưới của các nhà thường cho khách lỡ độ đường thuê chỗ ở tạm. Nếu họ thấy Hài Nhi Thánh trong chuồng nhốt gia súc, thì chắc chắn họ đã mời Joseph và Mari về tạm trú ở nhà họ. Vì phong tục của nông dân Do-thái là như thế.

Hơn nữa, khi họ kể chuyện về việc thiên sứ hiện ra báo tin thì lúc ấy có nhiều người nghe (Luca 2:28); nghĩa là một số người đàn bà nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc oe oe đã thức dậy giúp đỡ sản phụ hoặc thăm hài nhi.

Các mục tử vui vẻ ra về mà không tìm cách chăm sóc cho hài nhi, mà thiên sứ cho họ biết là Đấng Cứu Thế, thì hoàn toàn trái ngược với tập quán cư xử của người Do-thái.

Vì vậy Đức Chúa Jesus không giáng sinh ở chuồng lừa.

NhungDieuCanBiet22.docx
Rev. Dr. CTB
(Các tháng Do-thái: Nisan, Iyar, Sivan, Tammuz, Av, Elul, Tishri, Cheshvan, Kislev, Tevet, Shevat, Adar)