Nguyên Tắc Gieo Giống

Truyền Giáo Vững Vàng, bài 02

Mathiơ 13:1–23

Dù đồng ý hay không, sự thật là hễ tin sai, nghĩ sai, suy diễn sai về bất cứ điều gì, thì sẽ hành động sai. Vậy mà khi một số người bắt tay làm những việc họ thấy người khác làm, thì hầu như chẳng nhớ tới nguyên tắc quan trọng nầy để xem việc sẽ làm theo điều mình suy diễn có đúng hay không.

Một thực tế rất thường xảy ra sau khi con cái Chúa nghe bài học Kinh Thánh nào đó là: số người chịu suy nghĩ và ứng dụng cho chính mình thì quá ít, mà mơ màng chuyện trần gian thì quá nhiều.

Vì thế cho nên, khi phải đứng trước các vấn đề nan giải, ví dụ như làm cách nào truyền giáo thành công, chẳng hạn, thì đại đa số tín hữu các địa phương đều tìm học phương pháp nào mà người ta đã thiết lập có hệ thống, nhất là phương pháp ấy do các mục sư có danh vọng truyền bá rộng rãi, nhưng chẳng dành thì giờ cẩn thận suy xét xem nó căn cứ trên lý do nào, đúng hay sai.

Loại não trạng ấy không thể nhận ra những nhược điểm hoặc sai lầm do chủ quan, rồi sẽ dẫn tới các báo cáo dối, che giấu những thất bại mà mọi người đều thấy. Các báo cáo lạc quan không thể thay thế được thực tế não nề với kết quả chẳng có gì hết.

Từ sự dối trá nầy dẫn tới lý lẽ biện hộ dối trá khác; thay vì chịu khó xem xét lại những lời Đức Chúa Jesus đã dạy để tìm ra lý do nào, hay điều gì khiến mình đã hiểu sai lời giải thích của Ngài về nguyên tắc gieo giống.

Trong ẩn dụ người gieo giống, Đức Chúa Jesus nói rõ Ngài mô tả kết quả của công việc rao truyền Tin Mừng từ trời, mà Ngài dùng chữ “đạo của Vương quốc thiên đàng,” mà hột giống được dùng làm biểu tượng. Trong lời giải thích, Ngài mô tả sự đáp ứng của bốn loại đất và kết quả của chúng khi hột giống, hoặc là rớt trúng, hoặc là gieo xuống.

Nếu người nào đang làm công việc truyền giáo hoặc dự định bước vào công trường nầy, hãy chịu khó xem lại phần Kinh Thánh trên, phân tích các hình ảnh như lời Chúa dạy trong ẩn dụ để thấy thực tế đã diễn ra, rồi ứng dụng câu chuyện theo cách suy nghĩ và làm việc của nông gia; thay vì để mình bị dẫn đắt bởi các lời chứng hồ hởi sảng hay thói quen mà nhiều người vẫn làm, thì sẽ thấy những lý do thất bại lâu nay trong lãnh vực truyền giáo của rất nhiều nơi.

Vậy thì, hãy cùng nhau suy nghĩ về cách làm việc của nhà nông trên miếng đất của họ khi phải chuẩn bị gieo trồng cho một mùa mới.

Mọi mảnh ruộng nào sẽ được gieo giống thì nhà nông phải bỏ công lao và sức lực để cày xới. Họ phải tạo mọi điều kiện trên mặt đất cho hột giống gieo xuống có thể dễ dàng nảy mầm, mọc lên khoẻ mạnh rồi kết quả. Chẳng ai gieo giống trên đất đầy cỏ, vì thế họ cày, xới và loại bỏ tất cả những gì có thể cản trở cây lúa mọc và lớn lên.

Trong bốn loại đất tiêu biểu cho tình trạng của lòng người, các nông gia chỉ nhắm tới đất tốt để gieo giống. Không nông gia nào đem hột giống quý của họ ném bừa lên mặt đường đất cứng mà mong nó mọc. Cũng chẳng ai gieo hột giống giữa bụi gai hoặc trên đất đá sỏi.

Nông gia chỉ gieo giống trên đất tốt. Để làm việc nhanh và đều đặn, họ vừa bước đi vừa vãi hột giống lên khắp mặt ruộng đã chuẩn bị sẵn. Những hột giống rơi trên mặt đường đi, trên đất đá sỏi, vào bụi gai là những hột lẻ tẻ bị văng tới những chỗ đất ấy (19-22).

Người chưa làm công việc đồng áng trồng lúa thường không biết các công việc chuẩn bị của nhà nông về hột giống. Chẳng những họ phải lọc lựa giống tốt mà còn phải ủ hơi ẩm một thời gian ngắn trước ngày gieo, cho hột giống sẵn sàng nảy mầm. Khi sửa soạn bừa thì họ bón phân và dẫn đủ nước, nhưng không để bị ngập.

Đi gieo giống là biểu tượng của hình thức cá nhân truyền giáo. Con cái Chúa tìm cách giới thiệu đạo của Vương quốc thiên đàng cho những người mình gặp hay quen biết, với hi vọng hột giống sẽ mọc lên và kết quả, nhưng không chuẩn bị lời chứng kỹ càng.

Trong ẩn dụ nầy, cũng gọi là ngụ ngôn, Đức Chúa Jesus giải thích bốn thứ đất tiếp hột giống rơi xuống là bốn loại lòng người nghe “đạo của Vương quốc thiên đàng.” Người nghe mà không hiểu là những người có lòng cứng cỏi như đất cứng trên đường đi, hột giống không thể nằm lâu ở đó được, chưa đủ thì giờ để nảy mầm đâm rễ thì chim chóc sẽ ăn hết, giống như quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng họ (19).

Ở thứ đất khác: “Hạt giống rơi trên đất đá là người khi nghe đạo liền vui mừng tiếp nhận; nhưng đạo không đâm rễ trong lòng mà chỉ tồn tại nhất thời, nên khi vì đạo mà gặp hoạn nạn, hay bắt bớ, thì người ấy liền vấp ngã” (20-21).

Còn loại đất mà “hạt giống rơi giữa bụi gai là người nghe đạo, nhưng sự lo lắng về đời nầy, sự quyến rũ của giàu sang làm cho đạo bị ngẹt ngòi nên không kết quả” (22).

Ba thứ đất đầu tiên, tức là ba loại lòng người dù có được nghe đạo cũng sẽ không đưa đến kết quả như mong muốn.

Chỉ có những tấm lòng đã được chăm sóc như đất đã được cày xới kỹ, bón phân đều, dẫn đủ nước vào, thì mới gọi là đất tốt. Những tấm lòng như vậy mới sẵn sàng tiếp đón đạo của Vương quốc thiên đàng và có kết quả cho Vương quốc ấy (23). Vậy, muốn truyền giáo thành công chúng ta phải nghiên cứu kỹ lời Đức Chúa Jesus giải nghĩa ở chỗ nầy để áp dụng.

Nếu có người nào đó đem cả thúng hột giống đi rải nơi đất chưa dọn sạch gai gốc, cỏ hoang, cây dại, đá sỏi, cũng chưa tìm cách dẫn nước vào để cày xới, thì người ta biết rằng người như vậy không phải nhà nông.

Hột giống đưa người ấy chỉ phí phạm, vì chẳng bao giờ kết quả. Cũng không ai dại dột gieo giống chỗ đất khô hạn, vì không có nước thì hột sẽ không nẩy mầm để mọc thành cây.

Hình thức truyền giáo ngoài đường phố hay nơi công cộng chẳng khác gì đi gieo giống vùng đất hoang chưa được khai khẩn. Hình thức ấy chỉ hi vọng biết đâu gặp được vài người có lòng đã được chuẩn bị kỹ để tiếp nhận đạo của Vương quốc thiên đàng. Một hi vọng rất mong manh của não trạng muốn thực hiện công việc, mà hi vọng thành công rất ít, cách thức truyền giáo của một kế hoạch thất bại. Thế thì, chúng ta sẽ không gieo giống vào nơi mà mình biết sẽ không kết quả.

Làm thế nào có đất tốt để việc gieo giống có kết quả? Như nông gia phải chuẩn bị đất, cày bừa, cuốc xới, bón phân, tưới nước, tín hữu nào muốn truyền giáo thì phải chịu khó chọn các đối tượng sẽ nghe lời chia sẻ của mình.

Đối với những người chống đạo, chống Chúa thì lòng họ cứng cỏi như mặt đường, hột giống phúc âm sẽ bị ma quỷ cướp mất; truyền giáo cho hạng người như vậy rất uổng phí thì giờ và công sức.

Đối với loại người hờ hững với vận mệnh của chính họ thì đời sống, công ăn việc làm, tiền bạc và hạnh phúc thế gian sẽ lấn át con người tâm linh không thể kết quả gì được cho chính họ.

Loại người thứ ba sẽ không chịu nổi sự bắt bớ hay lời nói gièm xiểm của người chung quanh. Theo Chúa chỉ một thời gian ngắn rồi vấp ngã, không đứng nổi.

Chúng ta chỉ còn hi vọng vào những người mình quen biết, kết thân và chăm sóc họ như sửa soạn một miếng đất để gieo hột giống thiên đàng. Bạn thân với nhau sẽ biết rõ các loại trở ngại đang có trong lòng bạn mình; vì thế, cần dành thì giờ trò chuyện, giúp giải quyết những trở ngại ấy, giống như nhổ bỏ gai gốc, loại bỏ đá sạn, là những thứ sẽ gây cản trở trong tương lai. Sau khi người đó sẵn sàng rồi mới gieo giống.

Làm thế nào biết bạn hay người thân mình sẵn sàng? Thái độ đối với những câu chuyện tâm linh, những câu hỏi và thắc mắc chân tình về đời sau, là những dấu hiệu tích cực cho biết lòng người ấy đã bắt đầu mềm mại. – Nhưng phải làm gì để chăm sóc và dẹp bỏ các trở ngại của người thân quen? Phải thật là muối và ánh sáng từ thiên đàng thì mới thu phục được bạn bè. Người ta luôn luôn quan sát cách con cái Chúa đối xử với họ.

Người truyền giáo phải làm gương như ánh sáng xua đuổi bóng tối. Chúng ta phải biết sống đạo đúng theo lời Chúa dạy thì mới trở thành muối của đất.

Như nông gia nhẫn nại cày bừa cuốc xới cho đất mềm để gieo hột, chúng ta cũng phải kiên nhẫn chăm sóc người thân quen mình đã chọn. Thăm viếng, kết thân, trò chuyện, bày tỏ tình yêu thương chân thật của Đức Chúa Trời là phương cách tốt nhất để chuẩn bị cho một mảnh đất sẽ được gieo trồng có kết quả trong tương lai.

Hãy bắt đầu với một người. Nếu trong vòng người thân quen mà không có ai sẵn sàng thì hãy làm quen, kết thân với người mới. Khi nào giỏi thì sẽ chăm sóc hai ba người một lượt; nhưng hãy bắt đầu với một người trước đã. Đức Chúa Trời sẽ vùa giúp mọi người nào vâng lời Ngài.

TruyenGiaoVungVang02.docx

Rev. Dr. CTB