Có Phải Là Ngẫu Nhiên?

Theo Dõi Tận Thế, bài 03

Sáng Thế Ký 12:1–3

Ai nghiên cứu lịch sử phải suy nghĩ: Tại sao Ottoman đột ngột tấn công căn cứ hải quân của Nga ở Hắc Hải? Tại sao Ottoman tham gia trận chiến không liên can gì tới mình? Một tham vọng về lãnh thổ không lường trước hậu quả khi tham chiến? Mặc dù những diễn biến của các biến cố đều do loài người gây ra, nhưng con cái Chúa đều biết Đức Chúa Trời sẽ bắt các hoàn cảnh phải làm theo ý muốn Ngài. Khi Đức Chúa Trời kêu gọi ông Abram rời bỏ quê hương và họ hàng để ra đi, thì Ngài hứa sẽ chỉ cho ông mảnh đất mà ông sẽ tới. Nghĩa là quyền làm chủ lãnh thổ của dòng dõi ông sau nầy là do một lời hứa long trọng từ Đức Chúa Trời; và Ngài luôn giữ đúng lời hứa.

Không ai biết có một người được sinh ra ở Nga, về sau trở thành một nhân tố đặc biệt để Chúa hoàn thành lời Ngài hứa cho Abraham. Vào năm 1874, một bé trai thứ ba được sinh ra trong một gia đình người Do-thái ở nước Nga có mười lăm người con. Khi đi học, cậu bé Chaim Weizman đam mê khoa học một cách đặc biệt. Ở tuổi thanh niên, Chaim Weizman sang Đức học về hóa học. Nhưng ước vọng sâu kín của chàng thanh niên nầy là một ngày nào đó, dân tộc Do-thái của mình có thể trở về quê hương của tổ tiên xa xưa. Trong thời gian học ở Đức, Chaim Weizman tham dự đại hội lần thứ nhì của tổ chức Zion do Theodor Herzl triệu tập, và càng ước mơ về xứ Do-thái.

Vào năm 1904, Weizman sang sinh sống ở nước Anh và được Phân khoa Hóa học của trường Đại học Manchester thu dụng làm việc. Trong khi ở đó Weizman tình cờ gặp chính trị gia nổi tiếng Arthur Balfour, thành viên quốc hội Anh, vào thời gian ấy là đại biểu cho quận mà Weizman đang cư ngụ. Balfour là một người có niềm tin mạnh mẽ vào Đức Chúa Trời của Cơ-đốc-giáo; và giao du với Weizman khiến ông chịu ảnh hưởng sâu đậm ước mơ của người Do-thái và gia tăng chủ trương làm sao họ có thể trở về quê hương của họ. Khi đệ nhất Thế Chiến nổ ra, Weizman được chỉ định tới phòng thí nghiệm của Hải quân Hoàng gia Anh, cố vấn cho Bộ Vũ Khí Đạn Dược.

Bộ trưởng của bộ nầy là ông David Lloyd George, một con cái Chúa. Sự hiểu biết Kinh Thánh của Lloyd George về đất nước xa xưa của người Do-thái, khiến ông có một thiện cảm đặc biệt về vấn đề nầy. Vào thời gian Weizman được chỉ định làm ở phòng thí nghiệm, thì nước Anh và đồng minh đang bị thiếu acetone, một hóa chất rất cần thiết cho chiến tranh. Ông Weizman lập một tiến trình sản xuất acetone với lượng rất lớn. Việc đó đã góp phần đem lại chiến thắng cho phe đồng minh. Đồng thời biến cố nầy khiến Weizman có tác động lớn trên ông Lloyd George (Thi 147:11).

Vào tháng Mười hai 1916, chính phủ nước Anh của thủ tướng Asquith sụp đổ, người thay thế ông làm thủ tướng là David Lloyd George. Thủ tướng mới liền chỉ định ông Arthur Balfour ở ghế bộ trưởng ngoại giao. Hai người có cảm tình đặc biệt với dân Israel của Đức Chúa Trời bỗng được đưa lên hai vị trí cao cấp của một cường quốc hàng đầu trên thế giới vào một thời điểm quan trọng (Thi Thiên 75:7). Nếu chính phủ của ông Asquite không sụp đổ, thì một số việc sau đó đã không thể diễn ra, vì ông Asquite chống lại việc cho người Do-thái có một quê hương. Thời điểm chính phủ Asquite sụp đổ cũng thật kỳ lạ, vì lúc ấy là cuối năm 1916, sửa soạn bước qua năm 1917.

Từ đầu năm 1917, nội các chính phủ Anh mở một cuộc họp đặc biệt về vùng đất Palaestina. Đến giữa năm 1917, ông Balfour yêu cầu phải thảo một tuyên ngôn đặc biệt về vùng đất ấy. Đến mùa thu thì nội các Anh thảo luận về hình thức của bản tuyên ngôn ấy là như thế nào. Nhưng việc đó sẽ không thể tiến hành được nếu không có sự ủng hộ của tổng thống Hoa Kỳ. Ngày 16 tháng Mười 1917, chính phủ Anh được thông báo là tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đồng ý ủng hộ bản tuyên ngôn. Ngày 31 tháng Mười, bản tuyên ngôn được nội các chiến tranh Anh chấp thuận.

Hai ngày sau, 2 tháng Mười Một, 1917, bộ trưởng ngoại giao Arthur Balfour thay mặt Vua George đệ V của Vương quốc Anh và chính phủ Anh công bố tuyên ngôn. Đại ý bản tuyên ngôn nầy ủng hộ việc thiết lập một quê hương cho người Do-thái ở vùng đất Palestine. Nước Anh sẽ làm mọi việc tạo sự dễ dàng để hoàn thành việc đó. Bản tuyên ngôn lịch sử nầy được gọi là tuyên ngôn Balfour, một văn kiện đã được bàn tay của Đức Chúa Trời sắp xếp vô cùng kỳ diệu đúng vào năm hân hỉ 1917. Từ khi Charles Warren tìm ra đường hầm David vào năm 1867 chứng nhận thành Jerusalem gần ba ngàn năm trước là kinh đô của vương quốc Israel, tới 1917 là đúng 50 năm.

Tuyên ngôn Balfour đem đến cho người Do-thái niềm hi vọng cụ thể về một tổ quốc của riêng họ, để từ khắp nơi trên đất tụ tập về quê hương xa xưa của tổ tiên. Nhưng nước Anh chưa làm chủ đất ấy thì đâu có gì để cho? Quân Anh chiếm Ai-cập từ 1882, khi đệ nhất thế chiến đang tiếp diễn, quân Anh từ đó tấn công quân Ottoman ở Gaza hai lần để lấy xứ thánh làm bàn đạp nhưng đều bị thất bại. Mùa hè 1917, tướng Edmund Allenby, một tín đồ của Chúa, đến thay tướng Archibald Murray chỉ huy quân Anh ở Ai-cập. Thay vì tấn công Gaza, tướng Allenby chuyển qua chiếm cứ điểm Beersheba vào ngày 31 tháng Mười 1917, ngày nội các Anh chuẩn y tuyên ngôn Balfour.

Beersheba ở tận cùng phía Nam của xứ Do-thái xưa. Hơn 3,500 năm trước, vua Philistine là Abimelech thề nguyện công nhận cái giếng nước chỗ đó do tổ phụ Abraham của Israel đã đào, và nơi ấy khởi đầu lãnh thổ Israel sau nầy. Beersheba nghĩa là “giếng thề nguyện” (Sáng thế ký 21: 22–31). Biến cố quân Anh đánh bại quân Ottoman, chiếm Beersheba đã làm thay đổi hẳn cục diện đệ nhất thế chiến tại vùng Trung Đông; cũng khởi đầu cuộc chuyển giao quyền sở hữu mảnh đất Judea xa xưa cho dân Do-thái đúng vào năm hân hỉ của một thời kỳ mới. Lúc còn ở Ai-cập, tướng Allenby thỉnh cầu chính phủ Anh cấp cho nhiều máy bay mới và được chấp thuận. Các máy bay đã đến.

Với lực lượng không quân vượt trội, từ ngày 17 tháng 11, quân Anh bắt đầu chiến dịch đẩy lùi quân Ottoman do tướng Đức Erich von Falkenhayn chỉ huy ra khỏi Jerusalem. Ngày 9 tháng 12, họ đánh bại quân Ottoman mà vẫn giữ thành Jerusalem nguyên vẹn, không hư hại. Đúng như lời tiên tri đã chép: “Như chim bay lượn thể nào, thì Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ bảo vệ Jerusalem thể ấy; Ngài sẽ bảo vệ và giải thoát, Ngài sẽ vượt qua và cứu vớt nó” (Êsai 31:5). Ngày 11 tháng 12, tướng Allenby đi bộ vào Jerusalem đã được giải thoát khỏi ách chiếm đóng của Ottoman sau 400 năm chẵn. Sau hơn hai ngàn năm, Jerusalem thật sự được giải thoát. Người Do-thái không thể mơ ước gì hơn. Nhiều thế hệ tổ tiên của họ đã mơ ước và đã qua đời mà chưa thấy ước mơ được thành.

Nhưng Đức Chúa Trời vẫn giữ lời hứa của Ngài; như Ngài đã phán: “Đức Chúa Trời của các ngươi phán: ‘Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta. Hãy nói cho thấu lòng Jerusalem, và rao rằng cuộc chiến của nó đã kết thúc, tội lỗi nó đã được tha; nó đã chịu gấp đôi từ tay Đức Giê-hô-va về mọi tội lỗi của mình’” (Êsai 40:1–2). Có thể nói rằng, năm hân hỉ 1867 của dân Israel khởi động sự ứng nghiệm lời tiên tri đem Jerusalem ra khỏi đống hoang tàn thời gian vùi lấp. Tới năm hân hỉ 1917 thì Jerusalem được giải thoát. Vùng đất quê hương của vương quốc Israel được quyết định trả lại cho chủ cũ bởi một đế quốc trong số các đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Jerusalem không còn ở trong tình trạng tuyệt vọng dưới ách cai trị của đế quốc Ottoman hồi giáo nữa.

Mặc dù từ thời điểm ấy tới nay đã là một thế kỷ cộng thêm vài năm, nhưng khi xem lại lịch sử thế giới đã diễn ra trước mắt chúng ta, rồi so sánh với các lời tiên tri đã chép từ ngàn xưa, người nào tự xưng là con cái thật của Chúa mà không biết giật mình về những sự ứng nghiệm hoàn toàn của những lời tiên tri ấy, thì cần phải tỉnh thức xem lại Kinh Thánh và đối chiếu với tình hình thời sự đã và đang lần lượt diễn ra. Bánh xe lịch sử của thời tận thế đã bắt đầu quay chầm chậm từ năm 1517. Nó gia tăng tốc độ vào năm 1867; nó quay nhanh hơn vào năm 1917. Khi chúng ta xem xét những việc đã diễn ra từ đó tới nay, thì biết nó đang quay nhanh như thế nào. Đức Chúa Jesus phán: “Nầy, Ta đến mau chóng, đem phần thưởng theo với Ta, để thưởng cho mỗi người tùy theo việc họ đã làm” (Khải Huyền 22:12).

TheoDoiTanThe03.docx

Rev. Dr. CTB