Khi Tính Ganh Tị Nổi Lên

1 Samuel, bài 19

1Samuel 18–19

Một anh hùng cái thế luôn luôn được mến mộ. Jonathan là một tráng sĩ rất anh hùng gan dạ; nhưng không bằng David dù nhỏ tuổi hơn Jonathan, có đủ đởm lược để đương đầu và đánh hạ tên lực sĩ khổng lồ Goliath. Jonathan yêu mến David là chuyện đương nhiên phải xảy ra, vì Jonathan khác hẳn cha mình. Trong những ngày Goliath thách thức và rủa sả Israel, Jonathan dù anh dũng và rất tức giận, nhưng biết mình không phải là địch thủ của tên khổng lồ ấy. Một chiến sĩ anh hùng nể phục lòng gan dạ và khả năng chiến đấu của David chứ không ganh tị (1). Vua Saul thấy David rất dũng cảm và đầy tài năng nên giữ David lại để làm người bảo vệ ngai vàng của mình (2).

Jonathan bày tỏ lòng mến mộ chân thật của mình đối với David bằng cách chia xẻ những trang phục chiến đấu mà chiến sĩ nào cũng mong ước được có (3–4). Saul sử dụng David trong chiến trận chống lại mọi kẻ thù của Israel. David luôn thành công trong nhiệm vụ nên được lòng cả dân chúng lẫn triều thần của Saul, và vua đặt ông làm chỉ huy trưởng một đội quân (5). Nhưng khi nghe bài hát đối đáp của các phụ nữ Israel đón đoàn quân chiến thắng trở về, tôn cao chiến công của David hơn Saul, thì Saul nổi cơn ganh tị: “Người ta cho David hàng vạn, còn ta hàng ngàn; chỉ còn thiếu điều cho nó vương quyền mà thôi!” (6–8). Từ đó, Saul nhìn David bằng cặp mắt ganh tị (9).

Khi tính ganh tị nổi lên, thì ác thần có cửa mở để chen vào tâm linh của người nuôi dưỡng tính xấu. Điều ác thuộc về bóng tối, môi trường hoạt động rất ưa thích của các thứ tà linh, tà thần và ác linh, uế linh. Tánh xác thịt thuộc về đất, là đồ ăn của dòng dõi con rắn (Sáng thế 3:14). Thần của Đức Chúa Trời đã lìa Saul, ông ta còn để cho tính ganh tị cai trị mình, thì ác thần nhập là điều phải đến không thể tránh khỏi (10). Saul phóng cây giáo cầm trong tay thẳng vào David để giết David đang ngồi khảy đàn xua đuổi ác linh cho ông ta. David né khỏi mũi giáo cả hai lần Saul phóng giáo. Vì đức tính trung thành và kính sợ Đức Chúa Trời, David vẫn tiếp tục phục vụ Saul (11).

Không giết được David, Saul bắt đầu sợ vì biết Đức Chúa Trời đã từ bỏ mình và ở cùng David để bảo vệ chàng. Vì thế, Saul không muốn David ở gần mình nữa mà đẩy ra làm tiểu đoàn trường dẫn quân đi chiến đấu (12–13). David càng ra trận chừng nào thì càng thành công và được lòng toàn dân Israel và Judah; bởi vì David dẫn họ ra vào trận mạc và luôn luôn toàn thắng (14–16). Saul tính toán đủ điều để hãm hại David: Dùng con gái lớn của mình, là Merab, làm mồi nhử để David đi đánh dân Philistine và sẽ bị quân Philistine giết chết (17). Ý Saul nói trong câu “chiến đấu cho Đức Giê-hô-va” có nghĩa là đánh kẻ thù để bảo vệ cho sự thiết lập vững chắc vương quốc của dòng họ Saul. Nhưng lời nói khiên tốn và khôn ngoan của David khiến Saul nuốt lời tức khắc (18–19).

Tuy vậy, Saul rất thích thú khi biết con gái thứ của mình yêu David, vì ông ta thầm nghĩ rằng sẽ dùng con gái mình để gài bẫy, khiến David sẽ bị chết bởi tay người Philistine; cho nên, Saul lại hứa rằng David sẽ được làm phò mã của vua (20–21). Nhưng Saul bảo cận thần của mình hãy rỉ tai David rằng: “Ông rất được lòng vua, và cả quần thần đều yêu mến ông. Vậy, hãy làm phò mã đi” (22). David lại thoái thác vì mình là con nhà nghèo và thấp kém, không có khả năng sắm sính lễ để cưới công chúa. Saul lại bảo cận thần rỉ tai David rằng vua chỉ đòi một trăm dương bì của người Philistine làm sính lễ mà thôi. Mưu của Saul là nếu David đi đánh Philistine để cắt một trăm dương bì của người Philistine, thì đó là cơ hội tốt cho người Philistine diệt David (23–25).

Lần nầy David chấp nhận điều kiện, cùng với thuộc hạ mình đi giết hai trăm người Philistine, đem đủ số dương bì về nộp cho vua để làm phò mã. Saul buộc phải giữ lời hứa gả Michal làm vợ David. Nhưng Saul rất đau khổ vì thấy Đức Chúa Trời ở với David, và con gái mình thật lòng yêu David. Hai yếu tố đó khiến Saul càng sợ và càng thù ghét David trọn đời (26–29). Trong vai trò phò mã của Saul, David lập nhiều chiến công đánh bại của thủ lãnh Philistine (30).

Lòng ganh ghét vì danh vọng hão huyền khiến Saul quyết tâm trừ khử David. Jonathan không muốn bạn mình bị hại nên thông báo cho David biết về việc vua cha bàn mưu với mình và các cận thần để giết David. Người ngay thẳng và được Đức Chúa Trời chọn luôn luôn được Chúa đặt người có khả năng bênh vực (19:1–2). Jonathan bảo David phải đi ẩn mình trong cánh đồng, để anh sẽ nói tốt về David với vua cha xem thế nào. Vậy, Jonathan nói tốt về David, bảo cha đừng phạm tội với người đã có công lớn liều mạng đánh bại Goliath, giải cứu Israel. Saul đã vui mừng về việc đó sao nay lại thù ghét mà định giết David? Saul thề rằng David sẽ không chết mà trở lại phục vụ (3–7).

Đức Chúa Trời dùng Philistine làm kẻ thù truyền kiếp của dân Israel; cho nên, hai bên cứ đánh nhau từ năm nầy qua năm nọ. Israel thì không đánh chiếm hay tiêu diệt các thành lớn của Philistine, nên hễ có cơ hội là người Philistine kéo quân ra cướp phá Israel. Nhưng từ khi David dẫn quân đi chiến đấu chống lại chúng, thì quân Philistine luôn bị tổn thất và chạy trốn trước mặt David (19:8). Lòng của Saul ganh ghét David chẳng bao giờ giảm bớt mà cứ gia tăng theo thời gian. Saul lại còn bị ác thần nhập vào xúi giục, nên lại lấy giáo ghim David vào vách, nhưng cây giáo cắm vào vách, còn David thì tránh khỏi và trốn thoát trong đêm (19:9–10).

Saul sai người canh chừng cửa nhà David để đến sáng sẽ giết ông. Michal cho David hay và khuyên chồng hãy trốn thoát. Nàng dùng dây thòng David xuống cửa sổ cho David chạy thoát, rồi lấy một tượng thần teraphim đặt lên giường, lấy nệm lông dê phủ lên đầu và đắp áo lên (19:11–13). Vào thời ấy, dân Israel vẫn lén lút thờ tượng thần teraphim. Có lẽ các loại tượng lớn hay nhỏ nầy đã theo gia nhân Abraham đem ra khỏi xứ Ur, và Rachel vợ Jacob ăn cắp từ nhà cha mình đem về xứ Canaan (Sáng thế 31:19, 34). Người ta tin rằng những người đàn bà bị hiếm muộn thời ấy thường giấu các tượng thần teraphim như một thứ bùa may. Đó là lý do mà Michal có tượng teraphim.

Người do Saul sai tới bắt David về cho ông ta giết, bị Michal nói dối là David đang bệnh. Saul đòi khiêng nguyên giường có David nằm ở trên tới để ông ta giết; nhưng các thủ hạ chỉ thấy tượng teraphim, không phải David nằm trên giường. Saul giận quá, hỏi Michal tại sao dám đồng mưu với chồng đề gạt cha? Michal thưa vì bị David dọa giết nên phải làm như thế (19:14–17). David trốn thoát khỏi cung điện của Saul ở Gibeah, liền đi thẳng tới Ramah thuật cho Samuel nghe mọi điều Saul đã đối xử với mình, rồi đi cùng với Samuel tới ở tại Naioth (19:18). Trong cơn nguy nan, trốn tới Ramah gặp Samuel, là nơi an toàn và được an ủi của David. Không nơi nào an toàn hơn ở dưới bóng che chở của Đức Chúa Trời. Tiên tri Samuel dù đã già vẫn là người được toàn Israel nể trọng.

Ở đời luôn luôn có những người muốn lập công để lãnh thưởng. Cho nên, khi thấy Samuel và David ở Naioth, có người đã chạy tới Gibeah báo cho Saul biết (19:19). Saul sai người đi bắt David, nhưng mấy người đó gặp một đoàn tiên tri do Samuel dẫn đầu đang nói tiên tri. Sự nói tiên tri chỗ nầy có nghĩa là những người tiên tri môn đồ của Samuel đang ca ngợi Chúa; Samuel thì đứng giữa họ để chỉ dẫn (19:20). Những người đi bắt David được Thần của Chúa giáng trên họ nên cũng ca ngợi Chúa với các tiên tri ấy. Người ta lại chạy đi báo cho Saul biết. Saul sai người khác, họ cũng làm giống như nhóm tới trước. Nhóm người thứ ba được sai tới cũng làm y như vậy (19:21).

Theo điều mô tả ở đây thì khoảng cách từ Gibeah tới Naioth thuộc Ramah chỉ là quãng đường ngắn, không xa lắm. Nghe báo tin lần thứ ba, Saul bèn thân hành đi bộ tới Ramah. Tới một cái giếng lớn ở Sechu, Saul hỏi người ở đó: “Samuel và David ở đâu?’ Có người trả lời: ‘Hai người đang ở Naioth thuộc Ramah’” (19:22). Saul chưa tới đó đã bị Thần của Chúa tác động, nên vua cởi trần vừa đi vừa ca ngợi Chúa trong tình trạng không tỉnh táo. Khi tới trước mặt Samuel, Saul vẫn ở trần nằm dưới đất trọn ngày và trọn đêm đó. Vì thế, người Israel chế giễu: “Saul cũng thuộc vào hàng các tiên tri sao?” (19:23–24). Sự cố chấp và ương ngạnh của loài người không thể thắng được chương trình của Chúa bao giờ; mà còn lãnh thêm tai họa cho chính mình. Saul là người như vậy.

1Samuel19.docx

Rev. Dr. CTB