Niềm Vui Mùa Giáng Sinh

Giáng Sinh 20

Luca 2:10–11

Đừng sợ! Nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, đây sẽ là niềm vui lớn cho mọi người. Vì hôm nay tại thành David, một Đấng Cứu Thế, là Đấng Christ, là Chúa đã được sinh ra cho các ngươi

Trước kia, lúc các thị trấn miền cao nguyên trung phần Việt Nam còn nhỏ lắm; mỗi năm, tuổi thơ của trẻ con trong các gia đình Tin Lành tại những thị trấn hẻo lánh ấy luôn mong đợi hai ngày lễ lớn: Tết nguyên đán đầu năm, và lễ Giáng Sinh cuối năm. Tết thì được ăn ngon và được người lớn lì xì. Giáng Sinh thì vui được tập hát lễ, diễn lễ, nhà thờ trang hoàng rực rỡ, và được quà giáng sinh, thường do giáo phái Menonite gửi tới giúp các Hội Thánh nghèo. Những ngày đó vui lắm; trẻ con cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng sau khi ngày lễ qua rồi, mọi nhà đều trở lại vẻ buồn tẻ thường ngày của các thị trấn nhỏ dân cư thưa thớt. Cho nên, mặc dù lễ Giáng Sinh đem đến niềm vui đặc biệt, nhưng thường chỉ là kỷ niệm, không phải niềm vui lâu dài trong tâm hồn.

Khi đọc các chuyện tích Giáng Sinh trong Kinh Thánh, người ta thấy niềm vui của lòng người trước sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus rất khác thường. Sau khi trinh nữ Mary được thiên sứ đến báo tin bà được chọn mang thai Chúa Cứu Thế, bà mừng quá, “vội vã đi về miền núi, đến một thành của Judea, vào nhà Zechariah và chào ElizabethElizabeth vừa nghe tiếng Mary chào thì thai nhi trong bụng liền nhảy nhót. Elizabeth được đầy dẫy Đức Thánh Linh; bà reo lên rằng: Cô thật có phước trong giới phụ nữ, thai nhi trong bụng cô cũng được phước. Do đâu tôi được vinh hạnh nầy, là mẹ của Chúa đến thăm tôi? Vì kìa, khi tai tôi vừa nghe tiếng cô chào thì thai nhi trong bụng tôi liền nhảy mừng” (Luca 1:40–44). Thai nhi nhảy mừng vì Ngôi Lời đã nhập thể xuống trần.

Trong đêm Đức Chúa Jesus giáng sinh, một thiên thần vinh quang xuất hiện trên không giữa đồng cỏ vắng, báo tin mừng cho các mục tử, khiến họ quá sợ hãi. Nhưng thiên thần bảo họ: “Đừng sợ! Nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, đây sẽ là niềm vui lớn cho mọi người. Vì hôm nay tại thành David, một Đấng Cứu Thế, là Đấng Christ, là Chúa đã được sinh ra cho các ngươi” (Luca 2:10–11). Theo lời thiên sứ, thì sự giáng sinh của Đấng Christ là niềm vui lớn cho mọi người ở thế gian. Lý do nào sự giáng sinh của Chúa đem niềm vui lớn đến cho mọi người? Trong đêm kỳ diệu ấy, có lẽ các mục tử chưa hiểu lý do của sự vui mừng, dù được thiên thần cho biết các chi tiết để họ tìm gặp Hài Nhi Thánh, họ cũng chưa thật sự hiểu công việc mà Chúa Cứu Thế sẽ thực hiện.

Một niềm hân hoan vô bờ khác liên quan đến sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus. Khi các nhà thông thái từ đông phương đi theo ánh sao tìm Chúa, tới xứ Judea, họ không theo ánh sao nữa mà vào thành Jerusalem để hỏi thăm xem Vua dân Judah mới sinh tại đâu. Họ thấy cả thành đều bối rối, bởi vì từ vua tới dân chẳng ai biết hay nghe gì về việc ấy cả. Sau khi được vua Herod bảo rằng hãy đến Bethlehem mà tìm, thì họ vâng lời: “Nghe vua truyền xong, họ liền đi. Kìa, ngôi sao họ đã thấy bên đông phương đi trước họ cho đến nơi con trẻ ở mới dừng lại. Khi thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng” (Mathiơ 2:9–10). Nỗi mừng của các vị thông thái có lẽ khó diễn tả nổi. Lìa quê nhà, họ lên đường đi theo ánh sao để tìm cho ra vị Đế Vương vĩ đại. Bị lạc vào Jerusalem đầy bối rối, họ quá mừng rỡ khi được thấy lại ánh sao dẫn đường đến đúng chỗ, không phí công vô ích.

Như vậy, những người có liên quan trực tiếp đến sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus đều hết sức vui mừng. Các sự kiện trên nhắc chúng ta phải suy gẫm để phân biệt rõ ràng giữa hạnh phúc với niềm vui. Nếu có người dùng chữ “hạnh phúc” thay thế chữ “vui mừng” trong mấy câu Kinh Thánh trên thì rõ ràng không thích hợp. Trẻ con có thể cảm thấy rất hạnh phúc khi mở quà giáng sinh được những món chúng mơ ước. Nhưng sau một thời gian, đồ chơi hay đồ dùng đã cũ, chúng không cảm thấy hạnh phúc nữa. Niềm vui của người được cứu rỗi và có Chúa trong lòng khác hẳn hạnh phúc bình thường của người trần gian; vì niềm vui ấy không bao giờ tàn tắt.

Vậy, niềm vui là gì, và nó ra sao? Người ta có thể bị cướp mất hạnh phúc khi bị rơi vào cảnh ngộ hoạn nạn, nhưng chẳng hoạn nạn nào có thể cướp được niềm vui trong lòng người đã có. Đức Chúa Jesus nói về bản chất của niềm vui: Người nào tin Ta thì những dòng sông sự sống sẽ tuôn tràn từ lòng mình, đúng như Kinh Thánh đã nói. Ngài nói điều nầy chỉ về Thánh Linh mà những người tin Ngài sẽ nhận được” (Giăng 7:38–39). Thật vậy, ai biết chắc mình đã nhận được sự sống đời đời, vì tâm linh đã được tái sinh và đổi mới, thì niềm vui ấy là vĩnh viễn, chẳng ai cướp được. Bởi vì Đức Thánh Linh, Đấng sẽ ngự vào lòng người nào tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Jesus, khiến niềm vui được cứu rỗi tuôn trào trong lòng người ấy như những dòng sông sự sống vậy.

Ai tiếp nhận Đấng đã giáng sinh năm xưa là người thật sự có niềm vui. Trong cuộc đời chúng ta trên thế gian luôn luôn có nhiều điều không hài lòng xảy ra; đôi khi hoàn cảnh làm cho buồn rầu và chán chường trước nhân tình thế thái. Nhưng khi so sánh với người chưa được cứu, thì người đã nhận được ơn cứu rỗi và đổi mới trong lòng thấy sự vui mừng là niềm an ủi không gì thay thế được. Tuy vậy, con cái Chúa thường ít suy nghĩ về nỗi vui mừng của thế giới được đón Đức Chúa Jesus giáng sinh. Không vui mừng sao được khi nhân loại hoàn toàn bất lực không thể vùng vẫy tự cứu mình ra khỏi cái chết vĩnh viễn của linh hồn, thì Đức Chúa Jesus đã giáng sinh đem hy vọng và ơn cứu rỗi vô cùng hiệu quả mà miễn phí cho người nào chịu tiếp nhận món quà ấy.

Hiểu được điều nầy, những ai đã được cứu mới thực sự nhận ra sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus đem đến sự vui mừng chan chứa, không bao giờ tàn tắt. Chính vì vậy, vị thiên thần năm xưa đã rao truyền một sự thật: “Đây là niềm vui lớn cho mọi người.” Tại sao ơn cứu rỗi là niềm vui lớn cho tất cả chúng ta? Sứ đồ Phao-lô nói rõ lý do: “Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào” (Êphêsô 2:8–9). Sự cứu rỗi của người tin là tặng phẩm Đức Chúa Trời ban, tặng phẩm ấy lại đến từ một món quà có giá trị lớn hơn cả vũ trụ được ban xuống thế gian năm xưa, đó là: Hài Nhi Jesus trong đêm giáng sinh đầu tiên đem ân sủng tới cho loài người.

Phần chúng ta là khơi lại niềm vui được cứu rỗi qua sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus, nhưng đối với gia đình, bạn hữu, láng giềng, và cộng đồng quanh mình, thì nhiệm vụ quan trọng của mỗi tín hữu là giới thiệu niềm vui ấy cho những ai chưa có. Đức Chúa Jesus đã trao trọng trách đó cho mọi môn đồ Ngài (Mathiơ 5:13–16) “Các con là muối của đất, nhưng nếu muối mất vị mặn thì làm thế nào cho nó mặn lại được? Muối ấy trở nên vô dụng, phải ném bỏ đi và bị người ta chà đạp dưới chân. Các con là ánh sáng cho thế gian. Một cái thành xây trên núi thì không thể bị che khuất được. Không ai thắp đèn mà lại đặt dưới cái thùng, nhưng đặt trên chân đèn để nó soi sáng mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con ở trên trời.

Chúng ta chỉ có khả năng giới thiệu phúc âm của Chúa cho người khác, khi chúng ta có khả năng phản chiếu ánh sáng của niềm vui về sự hiểu biết chân lý cứu độ của Chúa. Qua Kinh Thánh, chúng ta biết năm xưa Ngôi Lời của Đức Chúa Trời giáng sinh trong thể xác loài người để đem theo ơn và chân lý (Giăng 1:14) “Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý. Chúng ta đã chiêm ngưỡng vinh quang Ngài, thật là vinh quang của Con Một đến từ nơi Cha.” Sự sống của Ngài là ánh sáng cho loài người, nhưng chúng ta phải phản chiếu vì bóng tối không nhận ánh sáng (Giăng 1:4–5) “Trong Ngài có sự sống, sự sống là ánh sáng cho loài người. Ánh sáng soi trong bóng tối, nhưng bóng tối không tiếp nhận ánh sáng.

Trong Ánh-Sáng từ Chúa ban có tri thức (tức là sự hiểu biết) về phải trái, đúng sai. Niềm vui, do đó không phải chỉ là được cái nọ, thứ kia trong đời sống được biến đổi, nhưng còn là vui vì biết rõ những điều thuộc về cõi thần vĩnh cửu, mà người chưa được biến đổi không thể biết được. Cho nên, niềm vui mà sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus đem đến cho trần gian là vô cùng đặc biệt khi so với những cuộc vui tạm bợ của cõi trần. chúng ta còn có bổn phận giới thiệu, chỉ dẫn con cái mình, để chúng biết niềm vui thật, sâu kín mà tràn đầy, để suốt đời chúng không chỉ nhắm vào quà cáp hay tiền bạc, vật chất. Khi nào trẻ con hiểu và biết được cha mẹ sau khi tiếp nhận Chúa đã vui mừng ra sao, thì chúng mới biết cất giữ niềm vui sâu kín ấy để vượt qua phong ba trong đời.

Năm nay, nước Mỹ đón lễ Giáng Sinh trong lúc xã hội đang trải qua quá nhiều sự bất trắc và bấp bênh. Nếu ai biết mình đã thật là con cái Chúa, hãy dùng niềm vui được cứu độ mà mình đang có, để làm sáng lên những nơi còn tối tăm trong bất cứ nơi nào mình tiếp xúc. Hãy để ý thấy những bạn hữu, người thân quen của mình đang thất vọng, buồn bã vì thiếu vắng niềm vui từ thiên đàng, mà sống cách ngay lành và vui vẻ qua Lời Chúa dạy; để người chung quanh ta thấy ánh sáng của Chúa phản chiếu đến họ, giúp họ tìm ra con đường cứu rỗi do Đấng Giáng Sinh năm xưa đem tới.

GiangSinh20.docx

Rev. Dr. CTB