Cải Tử Hoàn Sinh

Theo Dõi Tận Thế, bài 30

Khải Huyền 3:1–3

Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Sardis rằng: Đây là lời phán của Đấng có bảy linh của Đức Chúa Trời, và bảy ngôi sao: ‘Ta biết các công việc của con; con có tiếng là sống, nhưng lại là chết. Vậy, hãy tỉnh thức và làm cho vững những gì còn lại, tức là những gì gần chết, vì Ta không thấy các công việc của con là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời Ta. Hãy nhớ lại con đã nhận và nghe thế nào; hãy giữ lấy và ăn năn đi. Nếu con không tỉnh thức thì Ta sẽ đến như kẻ trộm; và con sẽ không biết giờ nào Ta thình lình đến với con.

Đức Chúa Jesus không có gì để khen Hội Thánh tại Sardis, Ngài chỉ khen ngợi một số tín hữu trung tín ở đó; còn đối với cả Hội Thánh thì Ngài phán rằng: “Con có tiếng là sống, nhưng lại là chết.” Trong bài trước, chúng ta đã điểm qua mười dấu hiệu của một Hội Thánh chết. Nhưng câu đó không có nghĩa các Hội Thánh, hay nhà thờ, đã mất sự sống của Chúa là những nơi tàn tạ, tan hoang hay tiêu điều. Khi Chúa mô tả “có tiếng là sống,” thì bề ngoài các nhà thờ đó rất là bận rộn, kế hoạch nầy nối tiếp chương trình kia. Có thể đó là nơi những Hội Thánh nhỏ ao ước đạt tới tầm cỡ như thế. Hoặc có thể các hoạt động ở nơi đó được xem như gương mẫu cho nhiều nơi khác.

Tuy nhiên, trong cách nhìn của Đức Chúa Jesus, thì hạnh phúc sống động mà Hội Thánh ấy đã từng hưởng, bây giờ không còn nữa. Về mặt tổ chức thì Hội Thánh Sardis vẫn hoạt động, nhưng sự sống thiêng liêng, ví như lục phủ, ngũ tạng bên trong con người, đã chết rồi. Như đã trình bày từ đầu, mặc dù hình thái của từng Hội Thánh, thuộc bảy nơi nhận thư, tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử của Hội Thánh chung, nhưng tất cả hình thái của các Hội Thánh như vậy vẫn tồn tại cho đến ngày tận thế mới chấm dứt. Vì vậy, những Hội Thánh thời nay tương tự như Sardis vẫn có vẻ là sống, nhưng thật ra họ chỉ có cái vỏ hoạt động bề ngoài, còn sự sống bên trong đã mất hết rồi.

Đức Chúa Jesus chỉ cho Hội Thánh Sardis thấy vấn nạn của họ: “… Ta không thấy các công việc của con là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời Ta” (2). Tín đồ Hội Thánh Sardis có cầu nguyện không? Có! Họ có cầu nguyện, nhưng mọi lời cầu nguyện của họ thật sáo rỗng, chẳng nối kết được gì với Chúa cả; vì không phải họ trò chuyện với Chúa như con cái tâm sự với Cha mình, mà là lời cầu nguyện rất trau chuốt nhưng không có chút quyền năng gì trong đó. Sự thờ phượng có vẻ chuẩn bị cẩn thận và rầm rộ, nhưng mọi bài hát chỉ lên tới trần nhà rồi rơi xuống đất. Ở bất cứ Hội Thánh chết nào, chương trình hoạt động thì rất trơn tru, chỉ thiếu sự sống và quyền năng của Đức Thánh Linh. Bởi vì người ở những nơi như thế rất xa lạ với các ân tứ siêu nhiên của Chúa.

Đối với các Hội Thánh bị tình trạng như vậy, Đức Chúa Jesus đưa ra năm liều thuốc cải tử hoàn sinh để họ thoát khỏi sự chết, trở lại sự sống. Tuy nhiên, cả năm liều thuốc đều rất khó thực hiện; bởi vì đó là năm mệnh lệnh đòi hỏi phải biết vâng lời để qua đó sống lại bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, những ai vốn có tâm lý xa lạ với Đức Thánh Linh mà muốn làm quen lại với Ngài đều phải trải qua những cuộc giải phẫu đau đớn cắt bỏ những khối u tội lỗi tai hại.

Mệnh lệnh thứ nhất của Đức Chúa Jesus là: “Hãy tỉnh thức,” tức là phải thức dậy, không được ngủ mê nữa. Tỉnh thức về điều gì? Có lẽ tín hữu ở Sardis ngạc nhiên lắm: “Mình hoạt động mạnh mẽ và trơn tru thế nầy mà Chúa lại bảo rằng mình đã chết nghĩa là sao?Tỉnh thức nghĩa là nhận ra tình trạng chết của mình. Phải tự xét những lý do nào khiến sự sống của Đức Thánh Linh không còn trong Hội Thánh nữa. Nếu chúng ta chịu tỉnh thức và tự xét thì sẽ thấy mưu chước tinh vi của Satan đã lặng lẽ len vào và thống trị Hội Thánh từ lúc nào không biết. Giống như dân Israel không còn nhớ họ đã quên Chúa từ bao giờ (Giêrêmi 2:32b) “Dân Ta quên Ta từ những ngày không tính ra được!” Đức Chúa Trời không thèm ngó tới lý sự của các vị nào tự xưng là đầy tớ Ngài mà xa lạ, ác cảm với Đức Thánh Linh và các ơn siêu nhiên của Ngài; vì đầy tớ Satan thì ghét Chúa.

Mệnh lệnh thứ nhì là: “Làm cho vững những gì còn lại.” Chúa không bảo ném bỏ mọi thứ họ đang có. Ví dụ, vẫn tiếp tục sự ca hát thờ phượng, nhưng thay vì ca hát thờ phượng theo kiểu chiếu lệ như lâu nay, thì hãy biểu lộ lòng tôn kính, yêu mến Chúa bằng hành động vui vẻ thật lòng của mình, và vui mừng vì được cùng anh chị em ra mắt Ngài. Hãy dành chỗ cho sự sống tâm linh trở vào nếp sinh hoạt thường xuyên của thân thể Đức Chúa Jesus. Hãy tham dự cuộc thờ phượng với trái tim yêu mến Chúa, đừng quan tâm tới cách người khác quan sát thái độ hay cử chỉ của mình. Nếu cầu nguyện thì hãy cầu nguyện với một niềm say mê, hăng hái mới; cầu nguyện với niềm ao ước được thấy sự cầu xin mình có kết quả. Ai dâng hiến, hãy dâng lên Chúa với lòng thành; đừng chỉ bỏ tiền vào hộp, mà hãy dâng lòng mình kèm theo của dâng vào trong hộp ấy.

Mệnh lệnh thứ ba là: “Hãy nhớ lại con đã nhận và nghe thể nào” (3). Anh chị em đã nghe và nhận lãnh Tin Mừng về ơn cứu rỗi của Chúa ra sao? Có phải là loại Tin Lành chẳng có quyền phép gì hết không? Chúng ta hãy trở lại nền tảng căn bản chân lý của đạo, tức là đức tin vào Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời đã yêu thương cứu vớt chúng ta bằng cách ban Con yêu dấu của Ngài giáng trần làm tế lễ chuộc tội loài người; rồi ban Đức Thánh Linh Ngài giúp chúng ta được tái sinh và thánh hóa đời sống. Hơn thế nữa, Ngài ban các ân tứ siêu nhiên để chúng ta đứng vững, yêu thương và phục vụ. Nhiều Hội Thánh và tín hữu sống ngắc ngoải vì đã quên mất chân lý căn bản nầy.

Mệnh lệnh thứ tư là: “Hãy giữ lấy.” Sau khi nhớ lại nền tảng căn bản chân lý của đạo, thì phải hết sức nắm chắc chân lý ấy. Giữ chắc điều mình nghe và tin không có nghĩa là tiếp tục tình trạng hiểu biết non nớt, nhưng mỗi ngày phải trưởng thành thêm. Trưởng thành không phải là chú trọng về những điều cao siêu trên các tầng mây, nhưng có nghĩa là tìm hiểu sâu hơn về chân lý tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Bởi vì điều căn bản mà Chúa muốn chúng ta phải nhớ rõ, ấy là biết và hiểu ý nghĩa thật của việc làm một người con của Chúa là hết sức kính mến Ngài và yêu thương những người quanh mình đang bị hư vong. Ấy là hai điều răn lớn nhất: (Mathiơ 22:36–40) “Thưa Thầy, trong luật pháp, điều răn nào quan trọng nhất? Đức Chúa Jêsus đáp: ‘Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và quan trọng hơn hết. Còn điều răn thứ hai cũng giống như vậy: Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình. Tất cả luật pháp và lời tiên tri đều tùy thuộc vào hai điều nầy.

Mệnh lệnh cuối cùng là: “Ăn năn đi!” Ăn năn nghĩa là thay đổi, từ bỏ không làm điều sai trật nữa. Cách duy nhất mà các Hội Thánh chết muốn phục hồi sự sống là phải thay đổi. Không thể cứ tiếp tục giữ tình trạng và cách hoạt động khiến cho mình bị chết. Thay đổi là lập quyết định bằng mọi cách trở lại sự sống của Chúa với bất cứ giá nào. Nói như thế không có nghĩa là dùng nỗ lực riêng của mình, nhưng nương dựa vào quyền phép của Đức Chúa Trời để từ bỏ những điều đã biết là sai trật, dẫn tới tình trạng chết. Ví dụ, giáo lý hay tín lý trái ngược với Kinh Thánh thì phải bỏ để trở lại với chân lý trong Kinh Thánh. Giải pháp hiệu quả nhất để trở lại sự sống của Chúa là hãy làm mọi việc vì vinh quang của Đức Chúa Trời, không phải là tiếng tăm của mình.

Đức Chúa Jesus hứa điều gì cho những ai trở lại sự sống của Ngài? “Họ sẽ mặc áo trắng và đi với Ta” (4). Áo trắng tượng trưng cho sự thanh sạch và thiện lành; trái ngược với áo bẩn vì không vâng lời và thỏa hiệp với thế gian tội lỗi. Cùng đi với Chúa là được kết bạn thân thiết với Ngài và được Ngài chỉ dẫn, bày tỏ, gìn giữ, bảo vệ, và nâng đỡ suốt quãng đường trần. Ai ở gần với Ngài thì Ngài luôn ở gần bên người đó. Nhờ vậy, những người nầy không hãi sợ dù tương lai bất trắc.

Chúa lại phán “Ta sẽ không xóa tên người ấy khỏi sách sự sống, và sẽ công bố tên người ấy trước mặt Cha Ta và trước mặt các thiên sứ của Ngài” (5). Vinh dự trước mặt Đức Chúa Trời và vô vàn thiên sứ của Ngài trong vũ trụ thì cao trọng hơn rất xa tiếng tăm tạm bợ ở cõi trần gian uế tạp nầy. Những tín đồ trung tín với Đức Chúa Jesus ở Hội Thánh Sardis vẫn bày tỏ sự trung thành của họ đối với Ngài. Họ đau khổ nhìn cái chết tâm linh của Hội Thánh cứ từ từ xảy ra; đã có lúc họ lên tiếng về tình trạng trôi giạt của giáo hội, nhưng có ai chịu nghe lời họ đâu! Họ chỉ biết dốc đổ lòng họ trong sự cầu nguyện với Chúa. Vì vậy những người ấy được Chúa xem là “chưa làm ô uế y phục mình, … vì họ thật xứng đáng” (4), nên tên của họ được công bố trước thiên đàng.

Ngày nay, không có bao nhiêu Hội Thánh địa phương dám xem mình là không bị ở trong tình trạng sống ngắc ngoải. Hễ nơi nào mà tinh thần thờ phượng yếu ớt, chiếu lệ, thì nơi ấy cần áp dụng cả năm mệnh lệnh nghiêm khắc của Đức Chúa Jesus, để được cải tử hoàn sinh. Chúng ta không có cách nào khác tự đem mình ra khỏi cái chết tâm linh đang ngấm dần trong linh hồn chúng ta. Hội Thánh chỉ có thể sống khi nhiều thành viên của Hội Thánh duy trì sự sống mình đang có. Hãy áp dụng năm phương thuốc đầy hiệu quả nầy để được vinh dự trước các Sứ Thánh ở thiên đàng.

TheoDoiTanThe30.docx

Rev. Dr. CTB