Trên Thiên Cung

Theo Dõi Tận Thế, bài 34

Khải Huyền 4:1–11

Sau đó, tôi nhìn xem, kìa, có một cánh cửa mở ở trên trời! Tiếng thứ nhất mà tôi đã nghe, giống như tiếng kèn, nói với tôi rằng: “Hãy lên đây, Ta sẽ chỉ cho con thấy những gì phải xảy ra sau nầy. Lập tức, tôi được Thánh Linh cảm hóa; kìa, có một chiếc ngai ở trên trời; trên ngai có một Đấng đang ngồi! Đấng ngồi trên ngai trông giống như bích ngọc và mã não; chung quanh ngai có cầu vồng giống như lục bửu thạch. Quanh ngai có hai mươi bốn ngai khác, trên những ngai ấy có hai mươi bốn trưởng lão đang ngồi mặc áo trắng, đầu đội mão triều thiên bằng vàng. Từ ngai phát ra những tia chớp, tiếng nói và tiếng sấm; có bảy ngọn đèn cháy sáng trước ngai, đó là bảy Linh của Đức Chúa Trời. Trước ngai dường như có biển thủy tinh trong vắt như pha lê; giữa ngai và chung quanh ngai có bốn sinh vật mà phía trước và phía sau đầy những mắt. Sinh vật thứ nhất giống như sư tử, sinh vật thứ nhì giống như bò đực, sinh vật thứ ba có mặt giống mặt người, và sinh vật thứ tư giống như đại bàng đang bay. Bốn sinh vật ấy, mỗi vị có sáu cánh, chung quanh và bên trong mình đầy những mắt; ngày đêm nói luôn không dứt: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay, Chúa là Đức Chúa Trời Toàn Năng, ĐẤNG ĐÃ CÓ, HIỆN CÓ VÀ ĐANG ĐẾN!” Mỗi khi các sinh vật dâng vinh quang, tôn trọng và cảm tạ lên cho Đấng ngồi trên ngai, là Đấng sống đời đời, thì hai mươi bốn trưởng lão phủ phục trước mặt Đấng ngồi trên ngai và thờ lạy Đấng sống đời đời. Họ ném mão triều thiên của mình trước ngai, và nói: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa của chúng con, Chúa đáng được vinh quang, tôn trọng và uy quyền, vì Chúa đã tạo dựng muôn vật, và do ý muốn của Chúa mà muôn vật hiện hữu và được tạo dựng.

Khi viết sách nầy, ông Giăng là sứ đồ cuối cùng còn sống trong số mười hai sứ đồ được Đức Chúa Jesus chọn. Vì thế ông được xem như đại biểu của Hội Thánh, đại diện cho mọi tín hữu chân chính được Chúa gọi ‘Hãy lên đây!‘ Ngay tức khắc Đức Thánh Linh biến hoá ông vào chốn thiên đàng. Ông nhìn thấy Đức Chúa Trời ngự trên ngai của Ngài. Sự kiện nầy là biểu tượng và bằng chứng về việc Hội Thánh sẽ được cất lên. Việc xảy ra trong nháy mắt, Giăng thấy mình đang ở thiên đàng. Lúc chúng ta, là Hội Thánh, được cất lên cũng sẽ y như vậy. Sứ đồ Giăng không nói cái cửa trên trời mở ra rồi ông mới nhìn lên. Ông nói rằng ông nhìn lên thì thấy cái cửa trên trời mở ra. Sự nhìn thấy cửa trời là hình ảnh trong linh giới, không phải cửa thể chất như ở trần gian.

Khi Chúa gọi ông Giăng lên trời, ông có mặt ở đó ngay tức khắc. Ông liền mô tả vắn tắt những gì ông thấy: Một chiếc ngai trên trời và một Đấng ngồi trên ngai. Chữ ngồi khiến người đọc mường tượng hình thể giống như người, mặc dù ông không dùng ảnh tượng đặc điểm nào của loài người để mô tả Ngài, ông chỉ thấy Đấng ấy giống như bích ngọc và mã não. Mọi hình ảnh, màu sắc trên trời đều có nghĩa đặc biệt, bích ngọc có màu như sắc trời thanh quang (Xuất Aicập 24:9–10) “Sau đó, Môi-se và A-rôn, Na-đáp và A-bi-hu cùng bảy mươi trưởng lão Israel lên núi; họ trông thấy Đức Chúa Trời của Israel. Dưới chân Ngài có một vật gì giống như cái bệ bằng bích ngọc trong suốt như bầu trời xanh.

(Êxêchiên 1:26–28) “Trên vòm phía trên đầu các sinh vật có cái gì tựa như cái ngai bằng bích ngọc, và trên ngai ấy có cái gì giống như hình người. Tôi thấy từ thắt lưng của người ấy trở lên giống như đồng bóng loáng, sáng rực như hình ngọn lửa, và từ thắt lưng của người ấy trở xuống, tôi thấy như hình ngọn lửa sáng rực chung quanh. Ánh sáng mà tôi thấy chung quanh đó giống như ánh sáng của cầu vồng trong mây vào ngày mưa. Đó là hình ảnh vinh quang của Đức Giê-hô-va.

Bích ngọc như sắc trời thanh quang mang ý nghĩa về sự thánh khiết, thần tánh vô biên những sự toàn hảo vinh quang của Đức Chúa Trời. Mã não đỏ như hồng ngọc mang ý nghĩa sự phán xét công minh; mống như lục bửu thạch là Đức Chúa Trời luôn giữ lời giao ước. Cầu vồng bao quanh ngôi là giao ước trọn vẹn của Đức Chúa Trời ban cho loài người bằng sự hi sinh huyết vô tội của chính Con Một Ngài để vĩnh viễn cất hết tội lỗi cho ai bằng lòng tiếp nhận Đức Chúa Jesus làm Cứu Chúa.

Giăng cũng thấy 24 trưởng lão đầu đội mão triều thiên vàng đang ngồi trên 24 ngai khác quanh ngai Chúa. Trưởng lão trong cảnh ấy là người chứ không phải thiên sứ. Không có gì chắc họ là 12 tổ phụ của dân Israel cộng với 12 sứ đồ của Chúa. Có thể là 24 người được chọn do lòng của họ đối với Chúa khi họ còn sống trên đất. Rất có thể đây là hình ảnh đại diện cho toàn thể con dân của Đức Chúa Trời, cả thời cựu ước lẫn tân ước. Hình ảnh ngồi trên ngai tượng trưng cho vinh dự, nghỉ ngơi và thoả mãn. Ngai được đặt quanh ngôi là mối liên hệ gần gũi với Chúa, được nhìn thấy và vui hưởng sự hiện diện của Ngài. Mặc áo trắng là bản chất công nghĩa của các thánh đồ, thuộc tính tự nhiên của con dân Chúa. Đầu đội triều thiên vàng là sự vinh quang và uy quyền Chúa ban.

Vì Giăng không biết ai trong số 24 vị trưởng lão, thì lúc Giăng nhìn xem, ông đang giữ vai trò đại diện của Hội Thánh được cất lên trời trong trạng thái tâm linh; vì thịt và huyết không được vào thiên đàng. Đó là lý do mà tất cả con dân Chúa đều phải được biến hóa để thân thể trở thành chất liệu bất diệt của thiên đàng. Đây là giai đoạn phước hạnh mà mọi con dân Chúa đều trông đợi được đến. Có ai xưng là tín hữu chân chính mà không trông đợi Chúa trở lại chăng? Có ai vì quá tiếc của cải trần gian hoặc sợ mình bị trừng phạt mà không dám trông mong Chúa trở lại chăng? Hãy trông đợi để thấy cửa trời mở ra gọi ta lên thiên đàng. Kinh Thánh chép “… Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài” (Hêbơrơ 9:28).

Từ câu 5 trở đi ông Giăng mô tả những điều diễn ra quanh ngôi của Đức Chúa Trời. Mọi sự kiện và chi tiết đều có ý nghĩa, nhưng hiện nay chúng ta chưa hiểu hoặc biết hết mọi ý nghĩa ấy. Chớp nhoáng và sấm sét nói lên sự uy nghiêm và quyền lực vô song của Đức Chúa Trời. Trong thiên nhiên, hễ có chớp nhoáng và sấm sét là dấu hiệu báo trước một cơn giông theo sau; như thế, sấm sét quanh ngai có thể mang ý nghĩa báo trước rằng cơn bão phán xét của Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống thế gian. Hiện nay Chúa đang trì hoãn sự phán xét nầy vì các con cái Ngài chưa được rước về thiên đàng. “Bảy ngọn đèn thắp sáng rực trước ngôi: đó là bảy Linh của Đức Chúa Trời.” Câu nầy được giải nghĩa là hình ảnh Đức Thánh Linh với quyền phép trọn vẹn trở về ngôi của Ngài, đem theo Hội Thánh của Ngài về thiên đàng với Ngài (5b).

Trước ngai dường như có biển thủy tinh trong vắt như pha lê” (6a). Sự trong vắt tượng trưng cho thanh khiết và hoàn toàn bình an; nơi ấy không có sợ hãi, âu lo, hay phiền não, và môi trường thanh khiết trong vắt như pha lê là niềm vui yên ổn của những tâm hồn nào được ở đó. “Giữa ngai và chung quanh ngai có bốn sinh vật mà phía trước và phía sau đầy những mắt” (6b). Các vị nầy giống như các Chêrubim và Sêraphim mà các tiên tri đời xưa đã thấy trong thị tượng của họ (Êsai 6:2) “Các sê-ra-phim đứng chầu quanh Ngài. Mỗi vị có sáu cánh: hai cái che mặt, hai cái che chân, và hai cái dùng để bay.

(Êxêchiên 1:56, 10) “Từ giữa nó, có cái gì giống như bốn sinh vật, hình dạng như sau: Họ giống hình người, nhưng mỗi vị có bốn mặt và bốn cánh. … 10 Về hình dạng mặt của họ thì bốn vị đều có mặt người; bốn vị đều có mặt sư tử ở bên phải; bốn vị đều có mặt bò ở bên trái và bốn vị đều có mặt chim ưng.” Chi tiết khác nhau là các chêrubim được mô tả trong Êxêchiên 1:10 có cả bốn mặt của bốn loài, còn ở ngai trời thì mỗi vị có một loại mặt riêng biệt. Những vị thiên sứ cực thánh được ông Giăng mô tả ở chỗ nầy có hình dạng như các sinh vật, chính là những chêrubim che phủ luôn luôn ở gần bên Đức Chúa Trời để che phủ ngôi thánh khiết của Ngài.

Người ta đã tìm cách giải thích ý nghĩa của bốn mặt, sáu cánh của mỗi vị, nhưng cho tới nay không lời giải thích nào thỏa đáng. Các thần học gia gán ghép ý nghĩa của những chi tiết mô tả bề ngoài của các chêrubim theo ý riêng của họ. Dù rằng sự giải thích ấy chẳng nói lên được ý nghĩa nào hợp lý cả. Chúng ta biết chắc mình sẽ được hiểu vấn đề ấy khi chúng ta được rước về thiên đàng. Tại sao đạo giáo Trung hoa cũng có bốn thứ hình tượng họ gọi là tứ linh: long, lân, quy, phụng? Đó là Satan ăn cắp khuôn mẫu thiên đàng, nơi hắn đã từng là một cherub che phủ bên ngai của Đức Chúa Trời, tức là một thiên sứ trưởng thời rất xa xưa. Hắn dùng hình con rồng thay cho người, con lân thay cho sư tử, con rùa thay cho bò, và phụng thay cho chim ưng. Hắn dùng các hình tượng ấy bịa ra tính thần linh để lừa bịp người đời.

Nhưng Satan không bịa được việc các sinh vật, tức là các cherubim, có đầy mắt trước và sau. Ý nghĩa của các mắt ấy là sự chú ý và biết rõ tình trạng tổng quát của thế giới và Hội Thánh; cũng là sự tỉnh táo, cảnh giác, chú ý tới bổn phận của họ đối với Đức Chúa Trời và loài người mà Ngài dựng nên. Chỗ nào cũng đầy mắt thì có nghĩa là canh giữ và quan sát mọi âm mưu, thủ đoạn và đủ thứ hành vi gian trá của kẻ thù. Còn mắt bên trong là họ phải biết chính họ, cẩn thận canh giữ thái độ của lòng họ. Bởi vì các vị thần linh nầy không phải là mấy cái máy vô hồn. Họ được Chúa tạo dựng với đủ sự khôn ngoan, ý nghĩ và tình cảm của họ nữa. Đó là lý do mà họ không ngừng truyền rao sự thánh khiết và thuộc tính vĩnh cửu của Đức Chúa Trời, vì lòng họ vô cùng yêu kính Ngài.

Mỗi khi các sinh vật dâng vinh quang, tôn trọng và cảm tạ lên cho Đấng ngồi trên ngai, là Đấng sống đời đời, thì hai mươi bốn trưởng lão phủ phục trước mặt Đấng ngồi trên ngai và thờ lạy Đấng sống đời đời. Họ ném mão triều thiên của mình trước ngai, và nói” (9–10). Hãy lưu ý các lời tôn vinh ca tụng của hai mươi bốn trưởng lão nói về sự xứng đáng được tôn thờ của Đức Chúa Trời (11) “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa của chúng con, Chúa đáng được vinh quang, tôn trọng và uy quyền, vì Chúa đã tạo dựng muôn vật, và do ý muốn của Chúa mà muôn vật hiện hữu và được tạo dựng,” và muôn vật trong đó có chúng ta, được dựng nên theo ý muốn của Ngài; dù loài người có muốn hay không muốn cũng đã được dựng nên; ai không chịu chấp nhận chân lý nầy của Thánh Kinh, người ấy sẽ mãi mãi luẩn quẩn đi tìm ý nghĩa của đời sống mà không sao tìm được. Nhưng ai chấp nhận chân lý ấy rằng mục đích của đời sống chúng ta là làm cho Đấng Tạo Hóa hài lòng, thì sẽ tìm ra ý nghĩa của sự sống mình trên đất và sẽ thỏa mãn.

Những câu trên là chỗ đầu tiên trong Kinh Thánh mô tả khá rõ về cảnh trạng thiên đàng và khung cảnh thờ phượng trước ngôi của Đức Chúa Trời. Nhiều thánh xưa đã chết trước khi có cơ hội được đọc những lời hạnh phúc nầy. Độc giả nên hiểu rằng sự mô tả ấy được chép ra để chúng ta biết mẫu mực thờ phượng của thiên đàng mà bắt chước trong lúc chúng ta nhóm nhau lại ca ngợi thờ phượng Chúa. Hình thức thờ phượng ngày nay chẳng giống mẫu mực thiên đàng chút nào. Có lẽ chúng ta thừa hưởng truyền thống hình thức thờ phượng của các giáo hội Âu Mỹ lâu quá rồi nên chẳng thắc mắc gì hết; nhưng sẽ ngạc nhiên và khó chịu khi thấy ai đó thờ phượng Chúa theo cách khác với mình. Ví dụ thấy họ quỳ hay sấp mình. Nếu bây giờ mình phê bình khi thấy người khác sấp mình thờ lạy Chúa, hoặc gớm ghét họ, thì làm sao phù hợp với các hành động thờ kính của hai mươi bốn trưởng lão ở chốn thiên đàng?!

TheoDoiTanThe34.docx

Rev. Dr. CTB