Nhờ Đức Tin Bước Vào Ân Điển

Nắm Vững Niềm Tin, bài 11

Rôma 5:1–5

Vì cả dân ngoại lẫn người Do-thái đều phạm tội, nên sở hữu luật Torah cũng không khiến dân Do-thái có lợi thế nào khi áp dụng sự công chính; cả dân ngoại lẫn người Do-thái chỉ được xưng công chính nhờ đặt đức tin vào Đấng Christ. Cho nên, ai tin Đức Chúa Jesus thì được kể là con cháu Abraham, người nhờ đức tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời nên được xưng công chính. Đó là ý nghĩa tóm tắt của bốn đoạn trước. – Trước khi nghiên cứu những lời dạy kế tiếp của Phaolô, chúng ta phải hiểu cách người Do-thái nhìn thời tương lai của thế giới. Họ luôn trông đợi sự giáng lâm của Đấng Thiên Sai (Messiah) để tiêu trừ tất cả tội lỗi, tật bệnh, khiến người chết sống lại, và bênh vực dân Do-thái, giúp họ trở lại hùng cường, đứng đầu thế giới, và lập ra thời đại mới.

Các môn đồ của Đức Chúa Jesus cũng ôm ấp thế giới quan đầy mơ ước của dân Do-thái. Khi Đức Chúa Jesus đến thế gian chữa lành tật bệnh, trừ quỷ, khiến người chết sống lại, thì họ tin Ngài là Đấng Thiên Sai. Nhưng rồi họ sững sờ vì thấy Ngài bị giết chết, bỗng phục sinh, nghĩa là đánh bại tử thần, rồi Ngài thăng thiên. Năm mươi ngày sau, Đức Thánh Linh tuôn đổ trên mọi môn đồ đang vâng lời chờ đợi, họ được nếm trải hương vị kỳ diệu của một thời đại mới, tức là một thoáng cảnh trạng Vương quốc Đức Chúa Trời! … Tuy vậy, họ chưa được hoàn toàn thụ hưởng Vương quốc ấy; bởi vì vẫn còn tật bệnh và chết chóc trên khắp thế giới, mặc dù họ được nhận lãnh quyền năng của Đức Thánh Linh, là lời của Đức Chúa Cha hứa sẽ ban cho họ (Luca 24:48–49).

Các môn đồ của Chúa nhận ra thế giới quan Do-thái của họ có khiếm khuyết: Đấng Thiên Sai đã đến, Đức Thánh Linh đã giáng lâm, một phần Vương quốc Đức Chúa Trời đã tới (Mathiơ 12:28), nhưng chưa đến hoàn toàn. Họ biết họ đang sống trong buổi giao thời; bởi vì đã nếm được ơn kỳ diệu của Thời Đại Đấng Christ, nhưng họ vẫn phải sinh sống và hoạt động giữa thời đại cũ của thế gian hư hỏng. Vì thế, Phaolô nói: Đức Chúa Jesus phục sinh và Đức Thánh Linh giáng lâm là để ban năng lực cho mọi người tin có thể đối phó với tội lỗi và sống công chính bởi đức tin nơi Đấng Christ. Đức Chúa Trời đặt Hội Thánh Ngài giữa thế gian, để chúng ta bởi quyền năng Đức Thánh Linh đem ơn cứu chuộc đến cho thế giới. Chúng ta đã được nếm trước thời đại sẽ tới.

Nhiệm vụ của chúng ta là vâng lời Đấng Christ xây dựng Vương quốc Đức Chúa Trời trên địa cầu; vì Vương quốc ấy chưa hoàn tất. Chúng ta đang sống trong thời Tân Ước, buổi giao thời của Vương quốc Chúa sẽ hoàn toàn cai trị trong tương lai. – Người Do-thái sẽ hỏi: “Nếu loại bỏ luật Torah, làm thế nào người ta đối phó với tội lỗi? Làm sao bảo đảm người ta sẽ cư xử cách công chính? Làm thế nào để biết phân biệt giữa đúng với sai?” Sứ đồ Phaolô giải thích vấn đề nầy. Ông chỉ cho độc giả thấy cách suy nghĩ của tâm lý áp dụng luật Torah là lấy tội lỗi làm trung tâm; vì thế, kết quả là chết chóc và ‘xác thịt.’ Còn cách suy nghĩ của thời đại mới là xoay quanh sự công chính, Đức Thánh Linh, sự sống, và đức tin dựa trên ân điển của Đức Chúa Trời.

Phaolô viết: “Vậy, khi đã được xưng công chính bởi đức tin, chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời qua Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ” (1). Điều đầu tiên khi được xưng công chính bởi đức tin là chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus, không còn là kẻ thù của Đức Chúa Trời nữa; Ngài không hướng cơn thịnh nộ mình, đối với tội lỗi, tới những người tin Đức Chúa Jesus. Bởi đức tin, chúng ta được bước vào bên trong ơn tuyệt diệu là: Chẳng những được Đức Chúa Trời tuyên bố là sạch tội, mà còn được Ngài kéo đến gần Ngài, đặc ân quá mức ước mơ: Ân điển của Đức Chúa Trời là nơi chúng ta được đứng vững (2). Hình ảnh mà Phaolô muốn mô tả về ân điển là một phòng lớn thênh thang hạnh phúc, mà người được vào đó không còn phải lo sợ gì hết. Cho nên, chúng ta vui mừng trong hi vọng được hưởng vinh quang của Chúa.

Tuy nhiên, câu tiếp theo khiến người đọc khó hiểu: Làm thế nào người bị gian khổ mà có thể cảm thấy vui mừng được (3)? Áp dụng kinh nghiệm sống trong đời, chúng ta thấy câu trả lời trở nên dễ hiểu. Khi bị đưa đẩy vào tình cảnh gian khổ, vì bản năng sinh tồn, tính cách của con người bên trong chúng ta bị nắn đúc để thích hợp với giai đoạn gian khổ lâu dài, nên trở thành mạnh mẽ; thứ tính cách mà trước kia ta chưa bao giờ có. Đức tính kiên nhẫn được sinh ra trong các hoàn cảnh khổ đau như thế. Giống như vàng càng luyện càng tinh ròng, ai đã vượt nổi lửa thử nghiệm từ những cảnh ngộ gian nan, người ấy sẽ có bản lãnh kiên nhẫn hơn người chưa đi qua thử thách. Và kiên nhẫn sinh ra nghị lực; nghị lực do tính kiên nhẫn tạo nên ở đây đào luyện nhân cách hay tính cách của con người, và tính cách kiên nhẫn ấy tạo nên niềm hi vọng (4).

Niềm hi vọng của chúng ta là gì? Đó là niềm hi vọng về sự sống đời đời (Tít 3:7). Tại sao tính cách kiên nhẫn tạo ra niềm hi vọng? Quân nhân và các thể tháo gia phải luyện tập rất cực khổ; họ phải kiên nhẫn chịu nhiều đau đớn do các bắp thịt bị căng ra khi luyện tập. Nhờ đó, các bắp thịt của họ săn chắc, mạnh mẽ và dẻo dai. Chẳng con cái Chúa nào muốn bị đẩy vào những hoàn cảnh gian khổ cả. Nhưng các hoàn cảnh gian khổ có khả năng làm biến đổi tinh thần con người nhiều nhất. Gian khổ và hiểm nguy làm bộc lộ những nhược điểm mình chưa nhận biết, khiến chúng ta phải chịu thay đổi, từ bỏ các nhược điểm ấy để có thể sống còn. Đời sống của con cái Chúa cũng vậy. Mặc dù được gia nhập vào gia đình của Đức Chúa Trời; nhưng để trở nên giống như Đấng Christ, mỗi người đều phải trải qua thời gian huấn luyện dài hạn ở các “quân trường” đặc biệt.

Đức Chúa Trời biết chúng ta không thể tự sức mình đạt tới đích; vì loài người không bao giờ làm nổi. Ngài ban Đức Thánh Linh vào lòng những người thật lòng tin Ngài để thanh tẩy, tái sinh và đổi mới lòng của những người ấy (Tít 3:4–7). Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn, rèn luyện và dạy dỗ con cái Chúa để họ trở nên ngày càng giống Đấng Christ. Mục đích là con cái Ngài có thể phản chiếu hình ảnh của Đức Chúa Jesus qua đời sống họ. Niếm hi vọng về sự sống đời đời ở nơi vinh quang là một trong các mục tiêu hạnh phúc sẽ đến. Vì thế không vui mừng sao được!

Sự biến cải của tâm linh là bằng chứng Đức Chúa Trời biến đổi chúng ta qua những khổ nạn. Ở bước đường cùng, không còn xoay sở được nữa, người ta kêu Trời là Đấng Tối Cao. Đối với các con cái Chúa thì sự gian khổ là phương tiện Chúa dùng để khiến chúng ta phải nương cậy Ngài. Niềm hi vọng của chúng ta không thể tàn tắt “vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời tuôn đổ vào lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta” (5). Đức Thánh Linh mặc khải cho chúng ta biết rằng qua Đức Chúa Jesus, Đức Chúa Trời xưng công chính cho những người có tội đã ăn năn tin nhận Ngài. Qua sự mặc khải đó, chúng ta được bình an trước mặt Chúa. Chúng ta được bước vào và đứng vững trong ân điển Ngài ban cho mọi người tin.

NamVungNiemTin11.docx

Rev. Dr. CTB