Ơn Diệu Kỳ Miễn Phí

Nắm Vững Niềm Tin, bài 08

Rôma 3:21–31

Vào thế kỷ 18 ở nước Anh, một bà mẹ tin kính Chúa sinh bé trai John Newton. Chưa tới bảy năm sau, bà qua đời; cha cậu tục huyền và cậu phải đi học xa nhà vài năm. Lên mười một tuổi, cậu bỏ học và trở thành thủy thủ trên chiếc tàu của cha mình; còn rất trẻ, cậu bướng bỉnh và sa vào thói nhậu nhẹt. Trên một số đảo và lục địa Tây Phi-châu, cậu tham gia vào nghề kinh doanh vô cùng độc ác là buôn bán nô lệ. Dần dần John Newton làm chủ một chiếc tàu buôn nô lệ. Ngày 10 tháng 3, 1748, trên đường trở về Anh từ Tây Phi, chiếc tàu bị bão và mất phương hướng, Newton đọc quyền sách “Immitation of Christ” (Bắt Chước Đấng Christ) của Thomas a Kempis, một tu sĩ Hòa Lan. Thông điệp trong sách và trận bão kinh hoàng khiến John Newton sẵn lòng tiếp nhận Chúa.

Bị cáo trách về công cuộc kinh doanh độc ác, vô nhân đạo, John Newton đã tìm đủ mọi cách để trấn áp lương tâm bằng những biện pháp kinh doanh bớt ác độc hơn. Nhưng cuối cùng, Newton phải bỏ nghề và vận động chống lại kỹ nghệ buôn bán nô lệ. Về sau, John Newton trở thành một mục sư và cùng với William Cowper sáng tác nhiều bài thánh ca cho Anh-giáo. Với kinh nghiệm cuộc đời quá xấu xa thời tuổi trẻ, khi ông biết ăn năn tội lỗi trở lại với Chúa và được cảm nhận sự bình an trong tâm linh nhẹ nhàng của người được Chúa tha tội, John Newton sử dụng âm điệu của một bài dân ca Mỹ để sáng tác thành một bài hát. Bài hát ấy đã trở thành bản thánh ca bất hủ được hàng tỉ con dân Chúa trên thế giới ưa thích qua mấy thế kỷ: Amazing Grace – Ân Sủng Diệu Kỳ.

Amazing Grace! How sweet the sound, that saved a wretch like me! I once was lost but now am found, was blind but now I see. Ôi ân sủng thật diệu kỳ! Âm thanh ngọt ngào biết bao, đã cứu một người tồi tệ như tôi! Tôi đã từng lạc loài nhưng được đem về, đã mù lòa nhưng nay lại sáng mắt. Ý nghĩa của lời ca nầy nói lên sự nhân từ vô cùng tận của Đức Chúa Trời đối với loài người hư hoại. Bởi vì sự công chính của Ngài đến với chúng ta không dính gì tới luật Torah (21). Phaolô giải thích: “Đó là sự công chính của Đức Chúa Trời, bởi đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ, ban cho mọi người có lòng tin, không phân biệt ai cả” (22). Hễ là người, ai cũng đều đã phạm tội, không xứng đáng hưởng vinh quang của Đức Chúa Trời. Nhưng bởi ân sủng Ngài, bởi sự cứu chuộc trong Đức Chúa Jesus, mọi người tin đều được xưng công chính mà không phải trả một giá nào (23-24).

Sứ đồ Phaolô dùng ngôn ngữ của Kinh Thánh Cựu Ước về ngày đại lễ Chuộc Tội. Trong ngày ấy, dân Israel hiến tế một tế lễ đặc biệt để chuộc tội lỗi của cả dân tộc, gọi là “Sinh Tế Chuộc Tội.” Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm sẽ đem máu của con sinh tế bị giết vào trong gian Chí Thánh của Đền Thờ, nơi có đặt Rương Giao Ước; mà mỗi năm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm chỉ được bước một lần vào đó để rảy máu ấy lên Rương Giao Ước. Cách phân bố các gian của Đền Tạm hoặc Đền Thờ Do thái-giáo như sau: Đền được chia làm ba phần. Phần thứ nhất là hành lang lộ thiên ở bên ngoài. Hành lang gồm có bàn thờ thiêu các sinh tế, rồi bồn nước rửa đặt giữa bàn thờ và cửa Lều Hội Kiến. Lều ấy được chia thành hai gian: Gian Thánh giáp với hành lang, gian Chí Thánh nằm trong cùng. Trong gian đó đặt Rương Giao Ước chứa hai bảng đá Mười Điều Răn do tay Chúa viết.

Mỗi ngày, các thầy tế lễ vào gian Thánh để thắp đèn và xông hương trên bàn thờ dâng hương bọc vàng. Nhưng chỉ thầy tế lễ thượng phẩm đương niên mới được bước vào trong gian Chí Thánh mỗi năm một lần để rảy huyết con sinh tế chuộc tội cho dân chúng. Hành động đó tự nó không thể chuộc tội cho cả dân tộc Israel, nhưng họ đã được Chúa chỉ dẫn phải làm như một biểu tượng phản ảnh lòng tin của họ rằng Đức Chúa Trời đã tha tội cho họ trong năm ấy. Phaolô giải thích Sinh Tế Chuộc Tội về sau trong thời Tân Ước là Đức Chúa Jesus: “Đức Chúa Trời đã lập Ngài làm sinh tế chuộc tội cho những ai có đức tin trong huyết Ngài. Việc nầy bày tỏ sự công chính của Đức Chúa Trời, vì Ngài lấy lòng nhẫn nhục mà bỏ qua những tội lỗi trong quá khứ” (25).

Sự công chính mà mọi người tin sẽ nhận được theo sự giải thích của Phaolô thì không phải là thuộc tính của Đức Chúa Trời. Nhưng là, ai tiếp nhận Đấng Christ thì Ngài trở thành sự công chính của người ấy; không ai có thể làm làm bất cứ công đức gì để đạt được sự công chính đó; vì nó là sự công chính do Đức Chúa Trời ban cho (1Côrinhtô 1:30; 2Côrinhtô 5:21). Mọi người, bất kể là ai, đều được ban cho sự công chính khi người ấy tin vào công tác chuộc tội của Đức Chúa Jesus. “Nhờ ân điển Ngài, bởi sự cứu chuộc trong Đấng Christ Jesus, họ được xưng công chính mà không phải trả một giá nào” (24).  Đức Chúa Trời đã lập Ngài làm tế lễ chuộc tội để thoả mãn đòi hỏi của Luật pháp về sự công chính; vì thế, dù Đức Chúa Trời tha tội cho loài người bởi tình yêu thương, Ngài vẫn là Đấng Công Chính, vì nợ tội đã được trả xong. Chẳng những thế thôi, những tội phạm trước kia được Ngài nhẫn nhịn tạm gác một bên, nay nhờ huyết Đức Chúa Jesus xoá bỏ hết rồi (25).

Đức Chúa Jesus đã chịu chết để chứng minh cho toàn vũ trụ thấy Đức Chúa Trời là Đấng công chính. Vì thế, hễ ai đặt lòng tin nơi Đức Chúa Jesus đều được Đức Chúa Trời xưng là công chính (26). Chẳng ai tự hãnh diện được, bởi vì không ai có thể căn cứ trên công đức của mình để được kể là công chính, mà chỉ nhờ đức tin mà thôi (27). Chúng ta thấy đức công chính của Đức Chúa Trời vừa chứng minh Ngài là công chính, vừa hoàn tất sự cứu rỗi chúng ta, là những người có đức tin; vì chẳng ai trong loài người có khả năng làm trọn theo những gì Luật-pháp dạy (28). Cho nên Đức Chúa Trời xưng công chính cho người không chịu cắt bì mà có lòng tin, cũng xưng công chính cho người chịu cắt bì có lòng tin nữa (29–30).

Tin mừng đã được rao ra, vì Luật-pháp được bày tỏ trong Kinh Cựu Ước là toàn thể sự khải thị của Đức Chúa Trời về Đấng Christ sẽ đến để hoàn thành Luật-pháp. Sự tin Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta không làm huỷ bỏ Luật-pháp, mà củng cố nó, vì Đấng Christ đã thay cho mọi người hoàn thành Luật-pháp (31). Nan đề của người ngày nay không phải vì trở thành một Cơ-đốc-nhân là quá khó, mà là quá dễ dàng. Người ta thường nghĩ rằng họ phải cống hiến một chút gì đó của công lao họ để xứng đáng được nhận ân huệ. Nhưng Đức Chúa Trời cho loài người biết rằng mọi việc thiện của họ bị xem như giẻ bẩn trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết “Tất cả chúng con đều trở nên như vật ô uế, mọi việc công chính của chúng con như miếng giẻ bẩn thỉu” (Êsai 64:6). Nghĩa là càng cậy công đức chừng nào, chúng ta càng làm cho Chúa tởm lợm chừng nấy.

Đoạn 3 Rôma giúp chúng ta rút tỉa được vài điều về đức công chính theo ý Đức Chúa Trời. Trước hết, người Do-thái chẳng có gì để khoe khoang, vì ơn cứu chuộc là một món quà, không phải giải thưởng. Cả người Do-thái lẫn ngoại bang phải cậy đức tin để được nhận ơn ấy. Kế đến, Tin Mừng về đức Công Chính của Đức Chúa Trời không làm cho Luật-pháp ra vô ích, bởi vì Luật-pháp vẫn là tiêu chuẩn của sự công nghĩa, nhưng nó chẳng bao giờ có thể làm phương tiện để được cứu rỗi. Nó bày tỏ cho chúng ta thấy mình bị định tội; điều đó thúc giục chúng ta vất bỏ thứ giẻ bẩn công đức của mình và chỉ tin cậy Đức Chúa Jesus Christ, là sự cứu rỗi của chúng ta, mà thôi.

NamVungNiemTin08.docx

Rev. Dr. CTB