Nguồn Hi Vọng, Vui Mừng và Bình An

Nắm Vững Niềm Tin, bài 32

Rôma 15:1–13

Đây là phần tiếp theo của đoạn trước, không phải là một chương mới riêng biệt. Sự phân đoạn và đánh số câu là việc làm về sau của các vị nghiên cứu Kinh Thánh, lúc họ quyết định kinh điển Kinh Thánh Cựu ước lẫn Tân ước. Vì lúc viết các thư tín gửi cho các Hội Thánh, sứ đồ Phaolô đã không phân thành đoạn hay câu như đang có trong các quyển Kinh Thánh ngày nay. Tới phần nầy, Phaolô dạy rằng tín hữu có tâm linh mạnh trong Chúa thì phải gánh vác những khiếm khuyết của người yếu hơn, chứ đừng chỉ nhằm làm vừa lòng mình (1). Nhưng lấy tiêu chuẩn gì để phân biệt giữa mạnh với yếu? Thế nào thì được kể là mạnh và thế nào thì bị kể là yếu?

Qua các sự phân tích của Phaolô, thì tín hữu mạnh là những người biết rõ rằng Đấng Christ đã hoàn thành luật thực phẩm của Môise, Ngài cũng đã hoàn thành luật ngày Sabath. Họ không bị buộc phải thực hiện các luật ấy, họ có thể uống rượu nho, dù nó đã bị dùng trong lễ nghi cúng kiến của ngoại giáo, miễn là đừng bị say. Nhưng vì Hội Thánh có các tín hữu yếu hơn từ Do thái giáo quy đạo và kiêng cữ rất nhiều thứ; nên sứ đồ Phaolô khuyên người có đức tin mạnh: “Tốt nhất là không ăn thịt, không uống rượu hoặc làm điều gì gây vấp phạm cho anh em mình” (14:21). Nhưng điều nầy không có nghĩa người ăn nhậu lung tung là mạnh mẽ trong Chúa. Mạnh là có sự hiểu biết và trầm tĩnh thận trọng để không gây cớ vấp phạm cho những người yếu đuối. Còn yếu là dễ vấp ngã, chưa biết rõ Đức Chúa Jesus đã giải thoát mình tự do, tiếp tục bị luật lệ kềm kẹp.

Gánh vác khiếm khuyết nghĩa là yêu thương nâng đỡ, giúp cho các anh chị em ấy ngày càng tăng tiến hơn trong sự hiểu biết sự tự do mà họ được trong Đức Chúa Jesus. Đó là cách “làm vừa lòng để giúp ích và gây dựng họ” (2). Phaolô nói về gương vĩ đại của Đức Chúa Jesus đã không làm vừa lòng chính mình (3), vì Ngài sẵn sàng nhận lãnh những lời loài người nhục mạ Đức Chúa Trời lên chính mình Ngài. – Tại sao sứ đồ Phaolô rất quan tâm tới sự đoàn kết hợp nhất của Hội Thánh? Câu trả lời là hãy đoàn kết vì vinh quang của Đức Chúa Trời và để Ngài được tôn vinh (6–7). Tuy nhiên, việc luật Môise không còn ràng buộc không có nghĩa Cựu Ước trở thành vô ích. Sự ghi chép để thành hình Kinh Thánh Cựu Ước có mục đích dạy dỗ các thế hệ về sau, “để nhờ sự kiên định và khích lệ của Kinh Thánh mà chúng ta có niềm hi vọng” (4).

Cựu Ước dạy gì để chúng ta có niềm hi vọng? Chủ đề chính của Cựu Ước là nói về Đức Chúa Jesus, Đấng Messiah được hứa sẽ đến (Giăng 5:39–40; Luca 24:25–27, 44). Điều ấy có nghĩa là để hiểu Cựu Ước, chúng ta phải giải nghĩa nó dựa trên thân vị và công việc của Ngài. Người đọc sẽ không thấy nói trực tiếp về Ngài, nhưng qua Cựu Ước chúng ta sẽ hiểu Ngài là Ai, Ngài đến để làm gì. Chính hệ thống tế lễ trong luật Môise là biểu tượng sự hi sinh của Chiên Con Đức Chúa Trời. Kinh Thánh Cựu Ước cũng dạy chúng ta cách sống thánh khiết; vì vậy, người nghiên cứu Cựu Ước sẽ biết cách sống làm sao được Chúa đẹp lòng. Khi dân Israel không vâng lời Đức Chúa Trời và bị trừng phạt, Phaolô nói rằng Cựu Ước đã chép lại để cảnh cáo chúng ta (1Côrinhtô 10:11). Ích lợi của Cựu Ước thì rất nhiều nếu con cái Chúa chịu đọc, suy gẫm và áp dụng các gương đã chép.

Kiên định tức là nhẫn nại chờ đợi. Abraham phải cậy đức tin chờ đợi trong 25 năm mới nhận được lời hứa có đứa con chính thức nối dõi. Joseph cũng chịu hơn 13 năm thất vọng và hoạn nạn mới thấy chiêm bao tiên tri về mình được thành tựu. Từ ngày David được tiên tri Samuel xức dầu làm vua tới ngày chính thức lên ngôi cũng hơn 13 năm bị săn lùng trốn chạy. Những mẫu mực ấy giúp chúng ta biết kiên định mà không ngã lòng. Rồi khi chúng ta xem cách Đức Chúa Trời đối xử nhân từ với biết bao người có nhiều nhược điểm, như Abraham, Jacob, Môise, David, và nhiều người khác nữa, điều ấy giúp khích lệ chúng ta khi bị vấp ngã. Lời Chúa tự xưng với Môise là một niềm khích lệ vô biên cho những người không hoàn hảo như chúng ta (Xuất Ai-cập 34:6–7).

Dù chúng ta rất muốn, nhưng nếu không có sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời thì khó có thể sống hòa hợp với nhau theo gương Đức Chúa Jesus Christ (5). Chẳng những Đức Chúa Jesus đã sinh ra ở dưới luật pháp để chuộc những người ở dưới luật pháp (Galati 4:4–5), Ngài còn “vì chân lý của Đức Chúa Trời mà trở thành đầy tớ của những người được cắt bì để khẳng định những lời hứa đã ban cho các tổ phụ, và khiến dân ngoại tôn vinh Đức Chúa Trời vì sự thương xót của Ngài” (8-9a). Câu 8 là sự nhắc nhở cho tín hữu gốc dân ngoại ở Rôma biết rằng Đức Chúa Trời đã dành ưu tiên cho dân Do-thái vì tình yêu và lời hứa của Ngài đối với các tổ phụ của họ. Phaolô đã dành chương 11 để nói về việc đó, và việc dân ngoại được tháp vào gốc olive thuận tánh thì đừng có thái độ ngạo mạn đối với tín hữu gốc người Judah theo Do-thái-giáo (Rôma 11:17–20).

Phaolô dùng chữ “cắt bì” để nói về người Do-thái, bởi vì đó là dấu hiệu giao ước của Chúa với Abraham (Rôma 4:11). Ông cũng đề cập tới “chân lý của Đức Chúa Trời” để nói về giao ước thành tín mà Ngài đã lập với các tổ phụ người Do-thái; dựa trên sự thành tín ấy, Chúa vẫn giữ trọn những lời Ngài đã hứa. Chẳng phải Chúa hoàn thành các lời hứa vì dân Israel trung thành với Ngài, nhưng Ngài đã thực hiện bởi ân sủng Ngài, chứ họ chẳng có công lao gì. Chính vì lý do đó, chúng ta phải biết tiếp nhận nhau như các thành viên trong một gia đình trên nền tảng ân sủng của Đức Chúa Trời. Các tín hữu gốc dân ngoại sẽ tôn vinh Ngài vì đã ban Đức Chúa Jesus Christ cho họ.

Sau đó, Phaolô trích ba chỗ trong Cựu Ước (9b–12) để nhắc cả hai nhóm tín hữu gốc Judah và gốc dân ngoại đừng khinh thường nhau, vì cả hai đều được Đức Chúa Trời yêu thương; nhất là tín hữu gốc dân ngoại. Câu 9bbởi đó, Con sẽ ca ngợi Chúa giữa muôn dân và chúc tụng danh Ngài” được trích từ Thi Thiên 18:49. Câu 10Hỡi dân ngoại, hãy cùng vui với dân Chúa” được trích từ Phục Truyền 32:43, và câu 11Hỡi tất cả dân ngoại, hãy ca ngợi Chúa và muôn dân khá chúc tụng Ngài” được trích từ Thi Thiên 117:1. Còn câu 12Từ Jesse sẽ ra một cái rễ, là Đấng cai trị dân ngoại; dân ngoại sẽ hi vọng nơi Ngài” thì trích từ Êsai 11:10. Khi anh chị em tra những câu vừa nói trong Cựu Ước, đừng lạ khi thấy lời văn không khớp. Vì ý thì đúng nhưng cách Phaolô viết khác chúng ta.

Phaolô nói “Cầu xin Đức Chúa Trời là nguồn hi vọng làm cho anh em ngập tràn niềm vui và bình an trong đức tin, để nhờ năng quyền của Đức Thánh Linh, anh em được chứa chan hi vọng” (13). Đây là lời cầu nguyện kết thúc bài khuyên dạy rất dài của Phaolô cho tín hữu ở Rôma. Trong lời cầu nguyện đó, mặc dù rất dễ hiểu đại ý, nhưng khi phải phân tích các điểm chính để giải nghĩa rõ ràng thì người đọc mới thấy không đơn giản. Tại sao gọi Đức Chúa Trời là nguồn hi vọng? Ngài là Đấng cảm ứng và tạo ra niềm hi vọng cho mọi con dân Ngài. Đồng thời Ngài cũng ban bình an và niềm vui cho người nào có lòng tin vào Ngài. Vui vì biết chắc tội lỗi mình được tha, biết chắc sẽ thừa hưởng vinh quang nên lòng yên ổn và thanh tịnh.

Ai đã nhận được sự ban ơn đó, thì Đức Thánh Linh sẽ dùng quyền năng Ngài mà củng cố niềm hi vọng ấy trong mọi con cái nào của Ngài biết vâng lời.

 NamVungNiemTin32.docx

Rev. Dr. CTB