Hai YOM Sáng Tạo Trước Tiên

Hiểu Biết Sự Sáng Tạo, bài 02

Sáng Thế 1:3–8

Hai chương đầu của sách Sáng Thế nằm trong những phần quen thuộc nhất của Kinh Thánh; cho nên, nhiều tín hữu nghĩ rằng họ hiểu rõ hai chương nầy. Mặc dù Sáng Thế 1 và 2 là hai chương được biết tới nhiều nhất trong Kinh Thánh, nhưng chúng cũng có thể là phần bị hiểu sai nhiều nhất. Trong suốt lịch sử Hội Thánh, nhiều người đã cố gắng giải thích hai đoạn 1 và 2 bằng các sự giải nghĩa phức tạp và thiêng liêng kỳ bí. Để có thể nắm được ý nghĩa thật của hai đoạn nầy, chúng ta phải tìm ra ý nghĩa của chúng theo ý của tác giả, ông Môise, người được Đức Thánh Linh cảm thúc viết ra bản văn mà chúng ta có ngày nay trong Kinh Thánh. Chúng ta tin rằng ý nghĩa của bản văn mà chúng ta hiểu cũng giống như ý nghĩa nguyên bản của tác giả. Trong ánh sáng của sự hiểu biết đó, chúng ta tin rằng chữ “ban đầu” trong c.1 không phải là một thời điểm mà là một thời gian dài; và tuổi của vũ trụ thì chưa ai biết được.

Tuần trước, chúng ta đã thảo luận về đề tài sự có mặt của vũ trụ và địa cầu đã xảy ra trước khi Đức Chúa Trời thực hiện giai đoạn sáng tạo đầu tiên của Ngài trên trái đất, là thời kỳ được gọi là ngày thứ nhất trong công cuộc sáng tạo của Chúa. Vài người có thể có thắc mắc trong trí não nhưng chưa có dịp nói ra miệng. Thắc mắc đại loại như “Nếu Chúa hiện hữu trước sự xuất hiện của vũ trụ, thì Ngài có lúc nào và làm sao có, hoặc ai đã sinh ra Ngài?” Cho tới nay, câu trả lời là không ai biết. Loài người đã xuất hiện trên thế gian rất trễ so với tuổi của vũ trụ. Đức Chúa Trời là Thần và Ngài đã tạo nên thời gian, không gian và mọi vật trong cái gọi là vũ trụ, thì Ngài không bị giới hạn bên trong thời gian và không gian mà Ngài đã tạo nên, và những gì áp dụng bên trong vũ trụ không thể áp dụng cho Ngài. Chúng ta chỉ biết một điều, cả nhân loại là các tạo vật của Ngài.

Câu 3a chép rằng “Đức Chúa Trời lại phán: ‘Phải có ánh sáng,‘ thì có ánh sáng.” Ở đây lại có một nan đề nữa. Những người tin vào thuyết 6 ngày sáng tạo dùng câu nầy làm bằng chứng về sự khởi đầu của vũ trụ, bởi vì ánh sáng phải có trước khi mọi vật khác được tạo nên. Nhưng Kinh Thánh nói rất rõ rằng Đức Chúa Trời là sự sáng (1Giăng 1:5). Cho nên, ánh sáng nào phải xuất hiện trong c.3? Không phải ánh sáng của Chúa. Ngài không cần thêm ánh sáng! Nếu Chúa đã dựng nên vũ trụ với tất cả các thiên hà, ngôi sao, và vô số hệ thống như hệ thống mặt trời của chúng ta, thì ánh sáng đã có rồi. Rõ ràng là, câu nầy không nói vể khởi điểm của vũ trụ. Nó phải có ý nghĩa khác. Chúng ta hãy xem lại c.2bbóng tối bao trùm mặt vực.” Nếu hệ thống mặt trời đã có cùng lúc với vũ trụ; thì, tại sao trái đất không nhận được ánh sáng từ mặt trời mà vẫn bị tối đen?

C.2c chép “và Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.” Vì c.2 đề cập tới địa cầu và mô tả tình trạng của nó lúc ấy, cả trái đất phải bị nước bao phủ. Cho nên, ý nghĩa của bóng tối bao trùm mặt vực là cả địa cầu bị bao quanh bởi lớp mây dầy đặc do sức nóng của trái đất khiến nước bốc hơi. Vì thế, trái đất không thể nhận được tia sáng nào từ mặt trời. Hơn nữa, trong hầu hết các bản dịch Kinh Thánh Anh ngữ, chữ “phải có” được đặt thêm vào để câu văn suôn sẻ. Hai chữ đó không có trong nguyên bản tiếng Hebrew. Từ ngữ “phải có” lấy ra từ bản dịch Latinh Vulgate dùng một động từ mệnh lệnh cách, là hình thức ra lệnh, nên mới thành “phải có.” Vì vậy, câu ấy có thể dịch là: “Đức Chúa Trời phán, sự sáng sẽ xuất hiện và sự sáng xuất hiện.” Nhưng điều gì đã xảy ra khiến cho ánh sáng xuất hiện trên địa cầu?

Đức Chúa Trời ra lệnh, lớp mây dầy vâng lời. Không ai biết phải mất bao nhiêu thời gian cho lớp mây vén ra để ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt nước. C.3 chép tiếp “Đức Chúa Trời thấy ánh sáng là tốt đẹp. Đức Chúa Trời phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối. Đức Chúa Trời gọi ánh sáng là ‘ngày,’ và bóng tối là ‘đêm.‘” Vì hiện nay chúng ta đều biết trái đất tự xoay quanh nó; cho nên, chúng ta có thể hiểu sự phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối có nghĩa là kể từ lúc đó trái đất có ngày và đêm. Cái lằn phân chia ngày và đêm được gọi là “đường phân rẽ.” Chúng ta cũng hiểu rằng ngày và đêm chỉ xảy ra trên những hành tinh bay theo quỹ đạo quanh các ngôi sao chủ. Người sống trong thời đại nầy của lịch sử với những hiểu biết tân tiến về thiên văn học, có thể hiểu Sáng Thế 1:3 cách rõ ràng; vì chúng ta không tin rằng trái đất phẳng.

Một nan đề nữa nảy ra khi chúng ta đọc phần chót của c.3 Vậy, có buổi tối và buổi sáng, đó là ngày thứ nhất.” Tại sao Kinh Thánh không ghi “vậy có buổi sáng và buổi tối” thay vì buổi tối rồi mới tới buổi sáng? Mọi người trong thế hệ nầy cũng như người sống 4000 năm trước đều biết rõ là buổi sáng kế tiếp thuộc về một ngày khác. – Bởi vì các câu 5, 8, 13, 19, 23, và 31 của đoạn 1 đều diễn tả “Vậy có buổi tối và buổi sáng” của các ngày thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư, thứ năm, và thứ sáu, nhưng không có buổi tối và buổi sáng vào ngày thứ bảy. Cho nên, chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa thật sự của những ngày sáng tạo trong đoạn nầy của sách Sáng Thế.

Trong đoạn nầy, chúng ta thấy công việc Đức Chúa Trời làm mỗi ngày không bằng nhau. Nếu mọi việc phải xảy ra tức khắc khi Chúa ra lệnh chúng phải có, thì những việc xảy ra trong ngày thứ nhất không cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, vào ngày thứ sáu, Đức Chúa Trời sáng tạo ra rất nhiều sinh vật và loài người, nhưng tất cả chỉ diễn ra trong một ngày. Vì vậy, sáu ngày đó không có thời gian dài như nhau. Chữ YOM trong tiếng Hebrew được dịch qua tiếng Anh là Ngày có lẽ không phải là ngày 24 giờ. Sự hiểu rõ nghĩa của YOM sáng tạo là rất quan trọng cho chúng ta hiểu công việc sáng tạo của Đức Chúa Trời trên hành tinh địa cầu. YOM có hai nghĩa: Ban ngày và nhiều thời kỳ lâu dài. Chúng ta tin Đức Chúa Trời có thể ra lệnh cho việc xảy ra trong chớp mắt; Ngài cũng có thể dùng các thời kỳ lâu dài cho mục dích của Ngài. Cho nên, để lớp mây dầy vâng lệnh Chúa vén ra, YOM một phải là thời kỳ khá dài. Nó không phải là ngày 24 giờ như hiện nay.

Những việc Chúa làm trong YOM thứ nhì cũng không nhiều. Sáng Thế 1:6–8Đức Chúa Trời lại phán: Phải có một cái vòm giữa khối nước để phân cách nước với nước. Đức Chúa Trời làm nên vòm trời và phân cách nước ở dưới vòm với nước ở trên vòm, thì có như vậy. Đức Chúa Trời gọi cái vòm là bầu trời. Vậy, có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ hai.” Hãy để ý c.7 Đức Chúa Trời làm nên;c.6 ghi Chúa phán, nhưng c.7 nói Ngài làm nên. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa thật của chữ ‘phán‘ là nghĩ hay tính; bởi vì Ngài phán rồi Ngài làm nên. Cái vòm (bây giờ gọi là khí quyển hay bầu trời) đã không xuất hiện ngay lập tức. Nó cần cả một YOM để thành hình. Một lần nữa, buổi tối xảy ra trước khi buổi sáng tới.

Sau khi xem xét 8 câu đầu của Sáng Thế 1, có lẽ chúng ta đã có một khái niệm về độ dài thời gian của hai YOM đầu. Chúng không phải là 48 giờ như một số người tưởng. Chúng có thể ngắn hơn hay dài hơn 48 giờ. Chúng ta không thể biết. Trong buổi học tới, chúng ta sẽ nghiên cứu các YOM kế tiếp, và các lý do Đức Chúa Trời làm công việc sáng tạo theo thứ tự Ngài chọn. Amen.

HieuBietSuSangTao02.docx

Rev. Dr. CTB