Sự Bảo Đảm Mới

Hiểu Biết Các Điều Căn Bản, bài 12

Hêbơrơ 12:1–3

Cho nên, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây quanh như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương mà kiên trì theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta. Hãy nhìn xem Đức Chúa Jêsus, Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin, là Đấng vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời. Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự chống đối của những kẻ tội lỗi dường ấy, để không chán nản hay ngã lòng.

Khi chúng ta tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và mời Đức Chúa Jesus vào làm Chủ và Chúa đời sống mình, thì chúng ta nhận được một căn cước mới: Thánh đồ của Ngài. Căn cước mới đem theo một sự bảo đảm mới; bởi vì khi chúng ta biết rõ mình được Chúa xem là thánh đồ, tức là đã có sự thánh khiết của Chúa tuôn đổ vào tâm linh, thì biết chắc sẽ được thấy Chúa. Trong nỗ lực theo đuổi sự thánh khiết lúc mới tin, trước khi biết rõ ơn nầy, chúng ta cảm thấy bất an và lo sợ hơn là được bình an và bảo đảm:

(Hêbơrơ 12:14) “Hãy tìm cách sống hòa thuận với mọi người và đeo đuổi sự thánh khiết; vì nếu không thánh khiết thì chẳng ai thấy được Chúa.

Bởi vì chúng ta sợ mình chưa thắng nổi các nhược điểm vẫn còn đeo đẳng theo tánh xác thịt yếu đuối trong chúng ta; sợ rằng do mình chưa cố gắng đủ, nên tới một lúc nào đó chính sự yếu đuối ấy sẽ khiến mình vấp ngã:

(2Phierơ 1:10) “Vậy, thưa anh em, hãy cố gắng hơn nữa để xác định sự kêu gọi và sự chọn lựa của mình; làm như vậy anh em sẽ không hề vấp ngã.

Cách suy nghĩ nầy không phù hợp với chân lý chép trong Tân Ước về sự thánh khiết mà mọi người được hưởng lúc khởi đầu đời sống thánh đồ. Bởi vì sự thánh khiết của Chúa ban là món quà tặng ở lằn xuất phát trong cuộc chạy đua của mọi Cơ-đốc-nhân, không phải giải thưởng lớn ở mức đến:

(1Côrinhtô 1:2) “Kính gửi Hội Thánh Đức Chúa Trời tại Côrinhtô và những người đã được thánh hóa trong Đấng Christ Jêsus, được gọi là thánh đồ, cùng với tất cả những người ở khắp mọi nơi đang kêu cầu danh Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa của họ và của chúng ta.

Trong đời bước đi theo Chúa, mặc dù tất cả chúng ta sẽ tham gia cuộc đua ngày càng giống Chúa hơn; nhưng Đức Chúa Trời muốn chúng ta hãy vui vẻ về món quà tặng mình đã nhận được ở lằn xuất phát, và an tâm trong sự vui vẻ ấy suốt cuộc đua. Hãy nhớ rằng lòng tin chắc sâu xa nhất và niềm hãnh diện lớn nhất của chúng ta trước mặt Chúa không phải là sự thánh khiết riêng của mình, mà là sự hãnh diện về Đấng Thánh đã giúp chúng ta được hợp nhất trong đức tin, tức là nhờ Đức Chúa Jesus Christ mà chúng ta được làm con dân nước trời

(1Côrinhtô 1:30–31) “Vì nhờ Ngài mà anh em được ở trong Đấng Christ Jêsus, Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, công chính, thánh khiết và sự cứu chuộc cho chúng ta; cho nên, như lời đã chép:Ai tự hào, hãy tự hào trong Chúa.

Các giáo sư thời trước trong Hội Thánh thường chỉ dẫn, chấn chỉnh tín đồ về tâm lý lo sợ của họ trong mối hiệp thông với Chúa tránh không dám đến gần Ngài, vì cảm thấy mình còn nhiều tội lỗi. Tâm lý thiếu hiểu biết nầy làm Chúa buồn lòng nhiều nhất; vì Ngài đã sẵn lòng ban sự an tâm chắc chắn nhất trong đời cho tất cả con cái Ngài; sự an tâm ấy là: Đừng sợ hãi vì Chúa đã ban danh phận thánh đồ cho mọi người tin Ngài để họ dạn dĩ đến gần Ngài. Nếu chúng ta không nhận niềm an ủi của danh phận thánh đồ Chúa ban, thì khi chúng ta nỗ lực theo đuổi sự thánh khiết riêng cũng giống như mình dại dột tìm kiếm sự an lòng do mình tạo ra. Giống như những người tưởng có thể không cần Đấng Christ, họ chỉ cần các biện pháp tu khổ hạnh sẽ tạo được lòng thanh sạch.

Còn những ai ngày nào cũng biết chắc mình đã là thánh đồ, thì sẽ vui mừng tham gia cuộc đua trong sự bảo đảm an toàn. Danh phận thánh đồ giúp chúng ta tự trọng trong mọi cách ăn nết ở, biết mình được rất nhiều thánh đồ đã qua đời đang chứng kiến, reo hò cổ võ; chúng ta, những tín hữu còn đang dự cuộc chạy đua về trời, đừng bao giờ chán nản ngã lòng:

(Hêbơrơ 12:1–3) “Cho nên, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây quanh như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương mà kiên trì theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta. Hãy nhìn xem Đức Chúa Jêsus, Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin, là Đấng vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời. Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự chống đối của những kẻ tội lỗi dường ấy, để không chán nản hay ngã lòng.

Tuy nhiên, hãy cẩn thận vì khi nghe rằng những ai tin Chúa đều được danh phận thánh đồ, thì sẽ có một số người ỷ lại và thoải mái phạm tội. Họ biện luận rằng “Đã được thánh sạch trong Chúa rồi, cần gì phải vất vả theo đuổi bước đường thánh hóa!” Sứ đồ Phaolô trả lời lý luận ấy cách rõ ràng: “Không hề như vậy” (Rôma 6:1–2) “Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta cứ tiếp tục sống trong tội lỗi để ân điển được dư dật sao? Không hề như vậy! Chúng ta đã chết đối với tội lỗi thì làm sao cứ tiếp tục sống trong tội lỗi được?

Căn cước mới với sự bảo đảm mới giúp chúng ta đạt thiên mệnh mới. Nếu đã thuộc về Đức Thánh Linh, thì ta sẽ chẳng ngơi nghỉ cho tới lúc mọi tội lỗi mình không còn.

Sự cám dỗ của tội lỗi vẫn còn đầy chung quanh chúng ta. Những ai biết và ý thức rõ ràng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh, thì phải cân nhắc trước khi lập các quyết định nào đó có liên quan tới thân thể mình, kể cả việc mở miệng nói lời không thanh sạch hoặc vì tánh muốn được bạn bè chú ý thúc giục mình mở miệng kể chuyện pha trò tục tĩu:

(1Côrinhtô 6:18–20) “Hãy tránh sự gian dâm. Mọi tội mà người ta phạm đều ở ngoài thân thể, nhưng kẻ dâm dục thì phạm đến chính thân thể mình. Anh em không biết rằng thân thể anh em là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, Đấng mà Đức Chúa Trời đã ban cho anh em sao? Anh em cũng không còn thuộc về chính mình nữa, vì anh em đã được mua bằng giá rất cao. Vậy, hãy dùng thân thể anh em mà tôn vinh Đức Chúa Trời.

Hãy nhớ rằng con cái thật của Chúa dù ở đâu, đi đâu cũng có Đức Thánh Linh đang ở với mình. – Làm thế nào, hay lấy gì để bảo đảm rằng mình có thể giữ khả năng không dễ dàng phạm tội? Sự thánh khiết từ Chúa chẳng những bao quanh chúng ta mà còn ngự trong chúng ta. Nếu Đức Thánh Linh chẳng những ngự trong linh mà còn làm Chủ hồn của chúng ta, thì ta chẳng những phải thánh, mà phải có khả năng cư xử thánh thiện. Vì Ngài giữ cho chúng ta có thể đứng vững:

(1Côrinhtô 1:8–9; 10:13) “Đức Chúa Trời sẽ giữ anh em bền vững cho đến cuối cùng, để không bị khiển trách trong ngày của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Đức Chúa Trời là Đấng thành tín; Ngài đã gọi anh em vào sự tương giao với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta. … 10:13 Những thử thách đến với anh em, chẳng có điều nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, Ngài không để anh em bị thử thách quá sức mình đâu! Nhưng trong thử thách, Ngài sẽ mở đường cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.

Hiện nay, dù chúng ta chưa được thánh khiết như lòng mình mong muốn, nhưng thánh khiết là thiên mệnh của chúng ta. Nó đòi hỏi và khiến linh hồn chúng ta thỏa lòng, tình yêu thương lan tỏa, tâm linh vui mừng hoan hỉ, và hoàn toàn bình an. Trong lúc đang sống chờ đến ngày chúng ta được gặp mặt Chúa, càng thánh khiết chừng nào, chúng ta càng thấy được đến gần Chúa nhiều chừng nấy. Bởi vì khi đã được ở trong Đấng Christ, thánh khiết là bản chất của chúng ta.

Nhưng có dấu hiệu thực tế nào thể hiện sự thánh khiết của Chúa đang ngự bên trong chúng ta không? Nghĩa là lấy bằng chứng nào để biết Đức Thánh Linh đang làm Chủ trong lòng tín hữu? Nếu Đấng Thánh ngự trong lòng người thì phải bộc lộ sự hiện diện của Ngài. Tất cả các ơn phước mà chúng ta sở hữu trong Đấng Christ, không ơn phước nào so được với sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong lòng. Ngài là Đấng ban phước; mọi ơn phước đều là của Ngài và từ Ngài ban ra. Đối với một số tín hữu hoặc một số giáo phái thì cho rằng các ân tứ đặc biệt của Đức Thánh Linh ban cho người, ví dụ như nói tiếng lạ hoặc nói tiên tri, là đầy dẫy Đức Thánh Linh. Người khác thì cho rằng phải có các phép lạ siêu nhiên mới đúng, vv. Các chủ trương đó đúng tới mức nào?

Đúng là Kinh Thánh có ghi lại các dấu hiệu bày tỏ sự kỳ diệu của Đức Thánh Linh:

(1Côrinhtô 12:8–11) “Người nầy được Thánh Linh ban cho lời nói khôn ngoan; do cùng một Thánh Linh, người khác nhận được lời nói tri thức. Cùng một Thánh Linh ban cho người nầy đức tin; do cùng một Thánh Linh, người khác nhận được ân tứ chữa bệnh. Người thì được làm các phép lạ, người thì được nói tiên tri, người thì được phân biệt các thần linh, người thì được nói các thứ tiếng lạ, người thì được thông dịch các thứ tiếng ấy. Tất cả những điều nầy là công việc của cùng một Thánh Linh; Ngài ban phát ân tứ cho từng người tùy theo ý Ngài.

Sứ đồ Phaolô cũng thúc giục tín hữu hãy ao ước các sự ban cho thiêng liêng, nhất là ân tứ nói tiên tri (1Côrinhtô 14:1) “Hãy theo đuổi tình yêu thương; hãy ao ước các ân tứ thuộc linh, nhất là ân tứ nói tiên tri.

Tuy nhiên, khi ông Phaolô khuyên tín hữu ở Galati “bước đi theo Thánh Linh” và “nhờ Thánh Linh mà sống” (Galati 5:16, 25) “Vậy tôi nói, hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng thỏa mãn những dục vọng xác thịt. …  25 Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống thì hãy bước theo Thánh Linh.

thì ông không bảo họ chú trọng tới các sự ban cho thiêng liêng của Ngài, nhưng phải chú trọng tới các hoa trái của Thánh Linh. Tức là đời sống của tín hữu phải thể hiện các hoa trái của Ngài sinh ra qua cách sống và cư xử của họ khi Ngài hiện diện trong lòng họ. Vì vậy, nếu chúng ta muốn biết mình đang vâng theo sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh, thì phải bày tỏ một cách xuất sắc các hoa trái của Ngài là: “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, và tiết độ” (Galati 5:22).

Nếu ai có đủ chín loại trái của Đức Thánh Linh sản sinh trong lòng mình, hoặc ít ra cũng được vài trái, thì người đó có thể yên tâm với sự bảo đảm tuyệt vời của sự thánh khiết Chúa ban và bước đường thánh hóa ngày càng rộng mở. Sẽ không có gì cản trở niềm ước ao được báp têm bằng Đức Thánh Linh cho những người như vậy. Nói như thế không có nghĩa sự báp têm bằng Đức Thánh Linh là mục tiêu tối hậu của đời sống Cơ-đốc-nhân; bởi vì phép báp têm ấy chỉ giống như một chìa khóa dùng để mở các kho tàng ơn phước và quyền năng của đời sống tín hữu. Nó là một cái thang giúp chúng ta trèo lên cao hơn trong cuộc hành trình về Nước Trời. Nó mở mắt cho ta thấy và hiểu những việc người bình thường không thể thấy hoặc hiểu được.

Mọi thánh đồ đều nhận được sự bảo đảm mới rất vững chắc; nhưng mục tiêu gần và trước mắt của chúng ta là có khả năng hiểu Lời Chúa và có đủ điều kiện để mặc, hay nhận lãnh, quyền năng từ trên cao, như lời Đức Chúa Jesus đã hứa với các môn đồ Ngài

(Luca 24:48–49) “Các con là những nhân chứng về các việc đó. Ta đây, sẽ ban cho các con điều Cha Ta đã hứa; còn về phần các con, hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền năng từ trên cao.

HieuBietCacDieuCanBan12.docx

Rev. Dr. CTB