Chúa Nhật, Sept. 12th, 2010 – Nhu Cầu Được Thánh Hoá

Chúa Nhật, Sept. 12th, 2010

Nhu Cầu Được Thánh Hoá

1Phierơ 1:15–16

Sau đây là vài phát biểu của nhà truyền giáo lừng danh Billy Graham: “Chỉ những Cơ-đốc-nhân đầu phục Chúa mới tạo được ảnh hưởng trên thế giới.” “Chúng ta là Cơ-đốc-nhân phải nổi bật như các viên kim cương rực rỡ trên nền nhung đậm.” “Nếu lòng chúng ta không ngay thẳng, các hành động của chúng ta sẽ không thể chính trực.”  “Chúng ta có thể tuyên bố mình tin theo Đấng Christ, nhưng nếu các hành động chúng ta mâu thuẫn, người ta có quyền nghi ngờ tuyên bố của chúng ta.” “Người chưa tin sẽ không thèm nghe những gì chúng ta nói, trừ phi chúng ta hỗ trợ bằng lối sống của mình.” Có khi nào bạn ngại ngần không dám mở miệng nói về Chúa cho những người thân quen chỉ vì chưa tự tin về phẩm chất riêng trên con đường theo Chúa của mình không?  Có tình trạng phổ biến trong vòng tín hữu: Rất muốn chứng đạo, nhưng không biết cách nói; rất muốn có nếp sống tín đồ kết quả cho Chúa, thường bị con người bên trong cản trở. Đừng nghĩ mình thuộc số ít người yếu đuối. Trong mọi Hội Thánh có nhiều người như vậy; cũng đừng thất vọng hay ngã lòng, vì có thể là bạn chưa được dạy những điều mình cần biết.  Chúa than thở như sau: “Dân Ta bị diệt vì thiếu sự thông biết” (Ôsê 4:6).

Đời sống được thánh hoá không phải là một cái gì quá cao xa mà tín hữu bình thường không vươn tới được.  Ý định của Chúa là muốn cho mọi con cái Ngài đạt được sự thánh hoá.  Hãy vững lòng biết rằng: Nếu bạn đã tiếp nhận ơn cứu rỗi bằng đức tin, thì bạn cũng sẽ tiếp nhận sự thánh hoá bằng đức tin.  Nếu bạn nhận ơn tái sanh từ Đức Thánh Linh, thì cũng sẽ nhận sự thánh hoá bởi quyền phép của Đức Thánh Linh; vì không ai có thể tự thánh hoá mình. Hãy ghi nhớ những gì được trình bày hôm nay để áp dụng vào cách thức bước đi theo Chúa của bạn, thì bạn sẽ tìm thấy nhiều điều ích lợi cho chính mình.

Trước hết bạn cần hiểu rõ từng giai đoạn trong tiến trình tiếp nhận sự cứu rỗi, tiến lên đời sống thánh hoá của mình. Hãy ôn những điểm căn bản: Bạn theo đạo vì lý do gì? Vì không muốn bị xuống hoả ngục? Vì quá chán tội lỗi hoặc tìm con đường giải thoát?  Theo đạo như vậy, bạn thường cảm thấy mơ hồ, chẳng thấy biến đổi gì trong tâm tánh mình.  Kinh Thánh nói gì về điều kiện được cứu rỗi? — Nếu ai mở miệng xưng Đức Chúa Giêxu là Chúa và trong lòng tin rằng Đức Chúa Trời (sau khi chấp nhận sự hi sinh chết thay chỗ cho nhân loại của Ngài) đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại, thì người đó được cứu (Rôma 10:9–10).  Sự tái sanh diễn ra khi nào?  Ngay thời điểm bởi đức tin mình mở lòng tiếp nhận Đức Chúa Giêxu làm Đấng Cứu Tinh cho chính mình.  Tái sanh là công tác của Thánh Linh Đức Chúa Trời tạo dựng trong lòng bạn một tâm linh mới có khả năng chuyện trò tương giao với Ngài.  Ngay khi bạn được tái sanh thì được thiên đàng gọi là thánh đồ, các thánh.  Thánh là vì đã được tha thứ hết mọi tội lỗi, được kể là vô tội đối với thiên đàng.  Vậy ai thật lòng tin nhận Đức Chúa Giêxu Christ thì người đó được tái sanh.

Nhưng con người mới trong tâm linh còn là trẻ thơ, nên bị bản ngã con người xác thịt cũ già dặn hiếp đáp.  Mọi tánh nết cũ của hồn vẫn còn đó, nó là lý trí, ý chí và cảm xúc của hồn, vẫn còn sống và đòi thoả mãn những ham muốn thấp hèn của xác thịt. Do đó có cuộc tranh chấp không ngừng giữa con người cũ và con người mới.  Nếu bạn chiều chuộng bản ngã cũ của mình, để nó lấn lướt con người mới, thì sự thánh hoá không xảy ra, sẽ rơi vào tình trạng cũ. Nếu bạn không muốn sống trong tội lỗi nữa, quyết tâm nhường cho Đức Thánh Linh làm Chủ, điều khiển cuộc đời mình, thì Ngài sẽ thực hiện tiến trình thánh hoá, mặc kệ con người cũ có phản đối, giẫy giụa, cản trở.  Quyết tâm đó là một quyết định của ý chí.  Sứ đồ Phaolô miêu tả cuộc tranh chấp nầy trong Rôma 7.  Ông nói về sự bất lực của cố gắng riêng “tôi không hiểu điều tôi làm: Tôi không làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét… Tôi biết trong tôi (tức là trong xác thịt tôi) không có điều gì tốt cả.  Thật thế, ý muốn làm điều tốt tôi vẫn có, nhưng làm điều tốt, tôi không làm được.” (Rôma.7:15, 17) Nếu trong lòng bạn có ý muốn làm điều tốt, sống đẹp lòng Chúa, nhưng chưa làm được, bị cắn rứt trong lương tâm, đừng thất vọng!  Tôi có tin mừng:  Đức Thánh Linh đang đòi thánh hoá bạn.  Phần của bạn là trao quyền cho Ngài làm Chủ để Ngài có thể hành động biến đổi tâm tánh bạn. Sự thánh hoá đòi hỏi thời gian vì nó là một tiến trình, không phải là một sự kiện đột biến.

Có thắc mắc rằng: Nếu tôi đang được thánh hoá, tại sao vẫn bị tội lỗi cám dỗ, vẫn phạm tội nầy nọ?  Khi tiếp nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu, bạn được Chúa kể là công nghĩa, từ ngữ thần học gọi là xưng công chính. Việc ấy chỉ giải thoát người tin khỏi hình phạt của tội lỗi chứ chưa được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi.  Quyền lực của tội lỗi nằm trong những ham muốn của bản ngã xác thịt và tâm tánh con người cũ trong bạn. Để giải thoát bạn khỏi quyền lực của tội lỗi, Đức Thánh Linh phải thánh hoá, tức là biến đổi tâm tánh con người cũ ấy cho phù hợp với bản chất của tâm linh mới.  Thánh hoá diễn tiến ra sao? Nó là những sự lựa chọn về đạo đức trong mọi việc. Các quyết định lựa chọn ấy được Đức Chúa Giê -xu gọi là “lòng trong sạch” (Mat.5:8).  Vì mọi động lực, ước muốn, mục tiêu, và tình cảm đều chứa đựng trong lòng người ta.  Để thánh hoá, Chúa phải biến đổi tất cả những thứ đó thành trong sạch. Nếu ai quyết tâm làm những điều thánh sạch, tiến trình thánh hoá diễn ra nhanh chóng và dễ dàng.  Còn ai vẫn ưa thích các ước muốn ô uế trần tục, sự thánh hoá sẽ trầy trật hoặc không thể diễn ra.  Bạn được thay đổi khi quyết tâm lập sự lựa chọn đạo đức mà Chúa hài lòng.  Bạn quyết lòng muốn, Đức Thánh Linh sẽ biến đổi bạn.

Hãy hiểu chân lý nầy: Đức Chúa Trời chẳng muốn làm đầy thiên đàng bằng một đám người có đủ thứ tánh xấu (không đi trễ…, đàn bà Mỹ nói- làm, Nhật làm không nói, Tàu làm rồi mới nói, VN nói một đàng làm một nẻo, đàn ông VN không nói, chỉ làm lén), Chúa phải thánh hoá con dân Ngài trước khi cho hưởng sự sống vĩnh cửu.  Mục đích Ngài cứu bạn là nhằm làm cho bạn trở nên giống như Con Ngài là Đức Chúa Giêxu Christ. Bạn phải biết nhận ra các dấu hiệu về sự dạy dỗ và ý muốn của Chúa trong mọi việc của đời sống mình bằng sự đọc Kinh Thánh để quen biết tiếng nói và cách nói của Ngài.  Quen biết như vậy để có thể phân biệt được tiếng nói của Chúa khác với tiếng nói của nội tâm mình, và khác xa lời nói cám dỗ của ma quỷ.  Tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ của Đức Thánh Linh sẽ thường xuyên nhắc nhở bạn về những gì bạn đang ham thích nhưng Chúa ghét, để từ bỏ chúng.  Bạn sẽ thấy các phẩm chất thánh khiết của Đức Chúa Giêxu đang được Đức Thánh Linh truyền vào lòng bạn để biểu hiện ra trong đời sống hàng ngày.  Biểu hiện hết sức quan trọng là ngừng phạm tội vì thật lòng ghét tội lỗi.  Tiếng nói dạy dỗ của Chúa sẽ đến rất rõ ràng đối với những ai thật lòng đầu phục Ngài.  Đầu phục là xưng ra trước Chúa mọi tội trong mọi vấn đề; nhường mọi lãnh vực của đời sống, cá tánh, ý chí cho Đức Chúa Giêxu Christ làm Chủ và tin rằng Ngài chấp nhận quyết tâm ấy.

Mục tiêu của Chúa là ban cho bạn có khả năng đem ơn cứu chuộc của Ngài đến cho người khác, nên Ngài sẽ ban báptêm bằng Đức Thánh Linh cho người nào đang đều đặn trên tiến trình thánh hoá (Công vụ 1:8).  Sở dĩ có người muốn mà không được vì chưa hiểu mục đích của phép báptêm Thánh Linh.  Quyền phép mà bạn sẽ nhận được khi Đức Thánh Linh giáng trên bạn là để giúp bạn bước đi trên đường thánh hoá dễ dàng hơn, để chứng đạo cách hiệu quả.  Người không chịu để Chúa thánh hoá mình sẽ không thể truyền giáo gì hết; vì truyền giáo là chiến tranh xâm lấn lãnh thổ của ma quỷ, mà tín đồ xác thịt chưa đánh đã thua, làm sao thắng nổi cuộc chiến truyền giáo? Báptêm bằng Đức Thánh Linh là một biến cố trọng đại trên con đường mà bất cứ ai muốn được ngày càng thánh hoá phải đi qua.

Báptêm bằng Đức Thánh Linh chỉ là bước khởi đầu của cuộc sống phiêu lưu với Chúa đầy hào hứng.  Sự kiện vượt sông Giôđanh vào đất hứa của người Dothái khi xưa là hình bóng của việc nầy.  Tín hữu bắt đầu phải đối phó với những thách thức lớn như người Israel phải đối phó với những gã khổng lồ trên miền đất hứa khi xưa, và chỉ có thể vượt qua, thắng hơn bằng đức tin vững chắc vào lời hứa của Đức Chúa Trời  như đã ghi trong thơ Hêb.13:5 “Vì chính Chúa có phán, Ta không bao giờ lìa con, cũng chẳng bỏ con.” Bạn có tiến lên các trình độ đức tin và tâm linh cao hơn hay không là tuỳ mức độ tin cậy của bạn vào lời hứa của Đức Chúa Trời.

Để có thể tin cậy Chúa bạn phải bám chặt vào Chúa để tiếp nhận sự thánh hoá ngày càng hơn.  Dành thì giờ chăm chỉ đọc và suy gẫm lời Kinh Thánh và cầu nguyện trò chuyện với Chúa mỗi ngày là bí quyết giúp bạn tiến nhanh trên con đường thánh hoá.  Tại sao?  Khi bạn suy gẫm lời Kinh Thánh, bạn sẽ ghi nhớ lời Chúa. Trong những lúc có cần, Chúa sẽ dùng chính những lời ấy để phán, để nhắc nhở bạn.  Nhiều lời ca của các bài hát mà bạn vẫn thường ca ngợi Chúa chung với Hội Thánh hay vào những giờ cầu nguyện riêng tư cũng sẽ được Chúa dùng để phán với bạn.  Khi bạn tin, việc sẽ diễn ra ngoài điều bạn có thể nghĩ đến.  Kinh Thánh cũng là chuẩn mực hoặc máy dò để biết các bài giảng, lời chứng, các lời tuyên bố nghe Chúa phán nầy nọ có đúng hay không.  Vì Đức Thánh Linh của lời Rhema không bao giờ mâu thuẫn Đức Thánh Linh của lời Logos. Bạn sẽ có khả năng nhận ra những quan điểm quá khích hay bạc nhược vô tín.  Nếu ai đã thật lòng tin Chúa, người ấy hãy quyết tâm nhường cho Chúa thánh hoá mình.  Được thánh hoá không phải là một mục tiêu cao xa.  Nó rất thực tế, rất gần gũi.  Bởi vì Chúa yêu thương bạn đến nỗi sẵn sàng ban mạng sống Con yêu dấu của Ngài cho bạn, thì Ngài cũng sẵn sàng dẫn dắt bạn trên con đường thánh hoá.

NhuCauThanhHoa.doc

Rev. Dr. CTB