Chúa Nhật, July 4th, 2010 – Hiểu Biết Vấn Đề Nền Móng (1)

ChúaNhật, July 4th, 2010

Hiểu Biết Vấn Đề Nền Móng (1)

Mathiơ 15:22–28; Mác 5:25–34

Chiều cao và sự vững chắc của mọi toà nhà được xác định trước từ nền móng được thiết lập cho toà nhà đó.  Muốn xây nhà cao tầng, phải đổ móng thật sâu để toà nhà không bị nghiêng hay sập.  Nền móng yếu, toà nhà sẽ không vững.  Cũng vậy, nếu chúng ta muốn đời sống mình có thể phản chiếu vinh quang của Đức Chúa Trời, muốn trở thành người hữu dụng cho Chúa, thì không thể cứ mãi mãi làm tín đồ có nếp sống đức tin hâm hẩm, mỗi Chúa Nhật đi nhà thờ cho xong bổn phận, chưa bao giờ kinh nghiệm được một đời sống tương giao thân mật với Chúa, và thường bối rối không biết phải lập quyết định sao cho đúng với ý muốn của Đức Chúa Trời. Đừng quên rằng những tín đồ có tình trạng tâm linh kiểu đó sẽ bị bỏ lại khi Hội Thánh được rước đi. Giá trị thuộc linh của người ta không do địa vị hay tiền tài, mà là những gì người đó có trong lòng mình. Tình trạng đời sống thuộc linh mà chúng ta đang xây dựng cao hay thấp tuỳ theo nền móng mà mình đang dựa trên vững chắc hay hư lún.  Vấn đề nền móng là một đề tài lớn bao trùm rất nhiều lãnh vực.  Bài học hôm nay nói về nền móng đời sống cá nhân hay gia đình của chúng ta có thể là kết quả hoặc hậu quả của những hành động mà tổ tiên chúng ta để lại.

Nhiều người phẩy tay bác bỏ vấn đề nầy, họ cho rằng 2Côr. 5:17 đã bảo đảm cho mọi tín đồ một đời sống mới, đương nhiên huỷ bỏ mọi giao ước và các lời nguyền cũ.  Satan không dễ dàng bỏ qua giao ước người ta đã lập với hắn rồi huỷ bỏ chỉ bằng một cái phẩy tay; những món nợ cũ đâu bị huỷ bỏ khi chúng ta tin Chúa!  Ý nghĩa của 2Côr.5:17 chỉ bảo đảm rằng chúng ta có một tâm linh mới, một số phận mới; còn thể xác và tánh tình trong hồn vẫn y như cũ. Thân thể phải được tập luyện, phần hồn phải dần dần đổi mới theo tiến trình thánh hoá trên bước đường theo Chúa.  Chúng ta sẽ xem xét hai truyện tích Kinh Thánh, được sứ đồ Mathiơ và ông Mác ghi lại, có liên quan đến nền móng do tổ phụ thiết lập.

Mathiơ 15:22–28 kể chuyện một người đàn bà Canaan đến nài nỉ xin Đức Chúa Giêxu cứu giúp cho con gái mình.  Bà làm đúng mọi thủ tục để được Chúa đoái thương.  Bà không đám đến kêu van trước mặt Chúa, bà chỉ dám kêu nài từ sau lưng: “Lạy Chúa, là con cháu vua Đavít, xin thương xót đến tôi! con gái tôi mắc quỷ ám khốn cực lắm!”  Nhưng Đức Chúa Giêxu chẳng đáp một lời.  Tình thế càng tệ hại hơn nữa vì các môn đồ của Chúa thay vì tìm cách giúp đỡ, lại xin Chúa hãy đuổi bà nầy đi chỗ khác. Đức Chúa Giêxu trả lời rằng “Ta chịu sai đến đây chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Israel đó thôi.”  Bấy giờ người đàn bà Canaan bạo dạn đến gần lạy Ngài mà thưa rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi với!” Chúa đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn!” Bà thưa “Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống!” Đức Chúa Giêxu ngạc nhiên trước đức tin của người đàn bà nầy liền phán “Hỡi đàn bà kia, ngươi có đức tin lớn, việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn.”  Lời Kinh Thánh ghi lại rằng con gái của bà ở nhà được lành ngay giờ đó.

Chúng ta phải hiểu lý do tại sao lúc đầu Đức Chúa Giêxu từ chối không làm ơn cho đàn bà Canaan nầy.  Sáng Thế Ký 9:22–25 cho biết chút manh mối. Cham, con trai của Nô-Ê, cha của Canaan, phạm tội; nhưng Canaan là người vô can lại bị Nô-Ê rủa sả.  Sách Ca-Thương 5:7 than thở rằng: “Tổ phụ chúng tôi đã phạm tội, nay không còn nữa.  Chúng tôi đã mang lấy sự gian ác họ.”  Êxêchiên 18:2 chép: “…Cha ăn trái nho chua, mà con ê răng…” Lời nguyền rủa của Nô-Ê đối với Canaan có hiệu lực vĩnh viễn. Phục-Truyền 7:1–5 nghiêm khắc dặn người Israel đối xử với dân Canaan và sáu dân tộc khác bị Chúa gớm ghiếc: “…chớ lập giao ước cùng, và cũng đừng thương xót lấy. Ngươi chớ làm sui gia với chúng, chớ gả con gái mình cho con trai họ, cũng đừng cưới con gái họ cho con trai mình.”  Xachari 14:21c chép: “và trong ngày đó sẽ không còn có người Canaan trong nhà Đức Giêhôva vạn quân.”

Người đàn bà Canaan nầy không biết rằng sau hơn mấy ngàn năm, lời nguyền rủa của Nô-Ê vẫn còn giáng trên dân tộc của bà.  Cái gốc của bà đã làm cho bà bị từ chối bất kỳ sự thương xót nào.  Những gì xảy ra hàng ngàn năm trước đã trở thành nền móng của số phận người Canaan.  Người Israel xem bà không hơn con chó.  Về mặt thể chất, có thể bà là một người xinh đẹp, thế nhưng trong cõi linh thì nguồn gốc của bà khiến bà bị xem như con chó.  Đức Chúa Trời đã từ khước, lên án và rủa sả những người mang dòng tộc Canaan.  Nguyên tắc bị rủa sả nầy có thể ứng dụng cho người trải qua kinh nghiệm khi xin việc làm dù có phẩm chất hơn xa người khác, nhưng bị từ chối, còn người kém hơn thì được thu nhận vào làm việc.  Hoặc những người có khả năng vẫn thất bại trong khi những người kém cỏi hơn lại thành công trong một số công việc nào đó.  Cái gốc của nan đề nằm ở nền móng những người đó thừa hưởng từ tổ phụ mà không biết.

Mác 5:25–34 kể chuyện người đàn bà Israel, con cháu của Ápraham, bị bệnh mất huyết, chỉ nhờ rờ trôn áo của Đức Chúa Giêxu mà được chữa lành.  Là dòng dõi hay hậu tự của Ápraham là dòng dõi của lời hứa mà Đức Chúa Trời đã lập với Ápraham, bà nầy đã chen lấn trong đám đông với một định ý có sẵn trong lòng là sẽ lén rờ trôn áo của Đức Chúa Giêxu, rồi âm thầm lủi ra chỗ khác mà không ai hay biết. Cách suy tính và hành động của người đàn bà nầy nằm ngoài thể thức thời ấy, thay vì lịch sự trình bày nhu cầu của mình cho Đức Chúa Giêxu biết, bà cũng không định nán lại bày tỏ lòng biết ơn đối với Ngài sau khi mình lành bệnh, vì bà biết rằng hành động lén lút ấy chẳng khác gì hành vi của một người ăn trộm. Thế nhưng bà được lành bệnh cách mau chóng, lại được Đức Chúa Giêxu khen ngợi.

Nền móng hoặc nguồn gốc của bà đóng một vai trò quan trọng trong việc bà được lành bệnh tức khắc cũng như được Đức Chúa Giêxu bày tỏ lòng nhân từ.  Bà là dòng dõi của Ápraham, là hậu tự theo lời hứa của giao ước; cho nên bà được hưởng các phước lành mà Chúa hứa ban cho dòng dõi của Ápraham.  Đức Chúa Trời phán với Ápraham trong Sáng Thế 17:7 “Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi và cùng hậu tự ngươi trải qua các đời; ấy là giao ước đời đời, hầu cho Ta làm Đức Chúa Trời của ngươi và của dòng dõi ngươi.”

Hai ví dụ trên giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng về vấn đề nền móng cuộc đời của chúng ta.  Sự làm lơ hoặc gạt qua một bên không khiến cho nan đề biến mất.  Nền móng xấu cũng chẳng bị mục nát theo thời gian.  Nó vẫn tiếp tục gây khó khăn cho tới chừng chúng ta có biện pháp chấn chỉnh hoặc phá huỷ nó để thiết lập một nền móng khác.  Nếp sống thuộc linh yếu đuối của nhiều tín hữu hầu như do nền móng tâm linh hư lún gây ra.  Bài học về các đồn luỹ nguồn gốc tạo nên những vết thương lòng cũng thuộc đề tài nầy.  Nếu tín hữu nào quyết tâm xây dựng một nếp sống tâm linh thánh khiết, nhưng vất vả trầy trật mà chưa đạt tới nổi, thì cần phải xem xét về thứ nền móng mà mình hoặc là thừa hưởng từ tổ tiên, hoặc do những hành động mình đã gây ra trong quá khứ, hoặc những đồn luỹ, được thành hình trong đời do nhiều nguyên nhân khác nhau, đang tác hại đến đời sống của chúng ta.  Có cái là do phản ứng tâm lý, có cái do những lời nguyền rủa có nguyên nhân.  Châm Ngôn 26:2 cho biết “Lời rủa sả vô cớ sẽ chẳng hề xảy đến.” Ngược lại, điều nầy có nghĩa là những lời nguyền rủa có lý do chính đáng sẽ xảy ra cho người bị rủa.  Sự thiếu hiểu biết những nan đề tiềm ẩn của chính mình sẽ khiến chúng ta phải chịu đựng những thiệt hại không đáng phải có.

Quyền phép của Đức Chúa Trời có thể phá huỷ mọi thứ nền móng xấu trong đời sống chúng ta, việc đó đòi hỏi chúng ta phải cộng tác với Ngài, chứ nó không tự động xảy ra.  Bài học sau sẽ bàn đến các thứ nền móng hư lún do chính mình tạo nên; rồi chúng ta sẽ học các cách thức hợp tác với Chúa để tạo nền móng thánh khiết vững bền. Muốn hiểu biết bất cứ việc gì cũng phải học từ căn bản (vd. toán).  Mọi người hãy mạnh dạn gặp các MS để được giúp đỡ.  Giấu giếm nan đề của mình chỉ làm cho tình trạng tồi tệ thêm.

HieubietNenMong01.doc

Rev. Dr. CTB