Khả Năng Nghe Tiếng Chúa (2)

Chúa Nhật, February 17, 2013

Hiểu Biết Ơn Tiên Tri, 21

Khả Năng Nghe Tiếng Chúa (2)

Xuất Ai-cập 20:18–21

Mỗi con cái Chúa đều có thể nhận ra những hành động của Đức Chúa Trời muốn chạm tới chúng ta qua vô số điều trong thiên nhiên diễn ra quanh ta hàng ngày. Những làn gió thổi, những buổi bình minh tươi sáng hay bầu trời hoàng hôn diễm tuyệt, từng đám mây bay qua, mỗi nụ hoa hé nở, mỗi chiếc lá đổi màu, vv, đều chất chứa biết bao lời nhắn nhủ của Đấng Toàn Năng xuống cho con dân Ngài; chúng ta sẽ nhận biết và hiểu ra nhiều điều nếu biết bắt đầu sử dụng khả năng suy nghĩ từ lâu bị mù loà của mình để hình dung ra những điều Ngài muốn phán cho ta biết; thay vì thờ ơ không quan tâm tới thiên nhiên tươi đẹp quanh mình. Một trong các lý do mà tín hữu chưa được ban cho ơn tiên tri là vì khả năng suy nghĩ về Chúa đã bị mù loà.

Chúng ta phải đạt đến khả năng đó bằng cách chế ngự và điều khiển tâm trí với tư tưởng của mình theo một hướng mới. Hãy tự xét xem lâu nay tâm trí và những ước vọng của lòng chúng ta có chăm chú về thứ thần tượng nào không? Có phải thần tượng đó là chính mình? Công việc của mình? Có phải đó là ý kiến của mình về cách thức phục vụ anh chị em hay vai trò của mình trong Hội-thánh? Hoặc có lẽ đó là một kinh nghiệm đặc biệt mình đã trải qua? Hay một nhân vật xuất chúng nào đó mà lòng mình ngưỡng mộ? Có phải đó là mục tiêu tài chính hay sự để dành của cải cho tương lai? Vv. Nếu lòng chúng ta có bất cứ một thần tượng nào, dù nó là kinh nghiệm của ơn cứu độ hay sự thánh hoá, thì sẽ không thể nhìn thấy hoặc nhận ra các thông điệp của Chúa.

Sự xem xét chính mình để nhận biết mình có thần tượng nào không thì không khó. Hãy chân thật tự hỏi xem động lực nào hay công việc gì đang điều khiển hầu hết các hoạt động và suy nghĩ của mình trong ngày. Nếu ai chưa có khả năng nhận ra các thông điệp của Chúa, thì sẽ bị bất lực khi phải đối diện với những sự khó khăn chắc chắn phải xảy ra trong đời. Trong những cảnh ngộ như vậy thì không phải lúc nào cũng có người của Chúa ở gần mình để nhờ họ cầu hỏi Ngài. Nếu khả năng nhận biết của chúng ta bị mù loà, đừng tìm về những kinh nghiệm cũ của mình, mà hãy nhìn xem Chúa. Vì Ngài là Đấng mà chúng ta cần. Trong những trường hợp đó, hãy vượt ra khỏi cái tôi của mình, xa khỏi những điều đang là thần tượng, tức là những điều mình đang theo đuổi cách mê mải, và dứt bỏ mọi thứ gì khác vốn làm cho sự suy nghĩ của mình bị mù loà; rồi chuyển tư tưởng và hướng mắt mình về Đức Chúa Trời. Vì “Ngài ban năng lực cho người mệt mỏi, thêm sức mạnh cho kẻ chẳng có sức” (Ê-sai 40:29).

Một trong các lý do khiến chúng ta thấy những lời cầu nguyện của mình vô hiệu là vì đã mất khả năng tưởng tượng của mình. Có khi nào chúng ta tưởng tượng tới cảnh mình phải khai trình trước mặt Đức Chúa Trời không? Nếu bị Chúa hỏi lý do nào khiến chúng ta không dám mạnh mẽ làm chứng nhân cho Ngài, hay không dám vận dụng đức tin liều lĩnh lập những quyết định trọng đại nhằm mở rộng nước Chúa, thì chúng ta sẽ trả lời ra sao? Ngày xưa dân Israel cần Môi-se làm người trung bảo giữa họ với Đức Chúa Trời vì họ quá sợ hãi không muốn nghe tiếng Chúa phán. Ngày nay nhiều người trong chúng ta dù không cố ý bất tuân Đức Chúa Trời, nhưng không lắng nghe lời Ngài. Chúa đã ban cho chúng ta các mệnh lệnh, nhưng tín hữu không để ý tới, chẳng do sự cố ý không vâng lời, mà do không thật lòng yêu mến và kính sợ Ngài.

Rất nhiều người chỉ thích nghe các đầy tớ Chúa giảng, hoặc thích nghe những lời làm chứng về các ơn phước hoặc những công việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời, chứ không muốn chính Ngài phán trực tiếp cho mình. Bởi vì nếu chúng ta bằng lòng nghe chính Đức Chúa Trời phán, thì hoặc là phải làm theo những gì Ngài bảo phải làm, hoặc là thưa với Ngài rằng mình sẽ không vâng lời. Còn nếu chỉ là một đầy tớ của Chúa nói với chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy vâng lời hay không là một sự lựa chọn, không phải là một mệnh lệnh bắt buộc mình phải làm.

Ai có thái độ đó sẽ không có khả năng nghe tiếng Chúa để nhận lãnh ơn tiên tri. Đây là một trong số vài lý do khiến cho Hội-thánh ngày nay có rất ít người nhận được ơn tiên tri và mặc khải đặc biệt. Chúng ta cần phải hiểu các đòi hỏi của Chúa khi Ngài giao công tác cho chúng ta. Nhận một ân tứ là phải biết quản lý ân tứ đó. Mà “điều người ta đòi hỏi ở người quản lý là phải trung thành” (1Côrinhtô 4:2). Không trung thành trong những việc mà khả năng tự nhiên mình có thể làm được, thì Đức Chúa Trời không thể giao cho những việc đòi hỏi khả năng siêu nhiên; bởi vì Ngài biết người đó cũng sẽ cẩu thả trong công tác Ngài giao. Sự kết thân để dẫn đưa người thân quen đến với Chúa không phải là việc khó; đồng thời đó là mệnh lệnh của Chúa giao cho mỗi con dân Ngài. Thế mà số người sẵn lòng vâng lời Chúa bất kể mình có bị thiệt hại hay không thì thật ít.

Nếu Chúa giao cho công việc khó khăn mà Ngài hoàn toàn không sai người cung cấp một sự chỉ dẫn nào, mà chúng ta không làm được, thì Ngài không quở trách gì người được sai. Trái lại lý do nào không vâng lời hoặc không chịu làm theo những chỉ dẫn rõ ràng đã in bằng mực đen trên giấy trắng, thì hoặc là do cố ý không vâng lời, hoặc chểnh mảng trong nhiệm vụ, hoặc là do lòng bị trói buộc bởi thứ thần tượng nào đó. Xưa nay thứ thần tượng vẫn cản trở thiên trình của chúng ta vẫn là lợi lộc, tiền bạc, của cải trong đời nầy. Đức Chúa Giêxu đã vạch: “Vì của cải con ở đâu, lòng dạ con cũng ở đó” (Mathiơ 6:21). Thứ thần tượng ấy sẽ tranh giành ngôi của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta, nó vô hiệu hoá chúng ta, thậm chí dùng chúng ta cản trở công việc mở rộng Vương-quốc của Chúa trong khu vực chúng ta đang sinh hoạt.

Làm thế nào chúng ta có thể chấn chỉnh tình trạng yếu kém vừa đề cập, để được ban cho khả năng nghe tiếng Chúa? Mục tiêu đời sống tâm linh của chúng ta là hoà đồng và gần gũi với Chúa để sẽ luôn luôn nghe tiếng của Đức Chúa Trời, và biết rằng Ngài cũng luôn luôn nghe lời cầu xin của chúng ta. Làm thế nào để đạt tới mục tiêu đó? Trước hết, chúng ta phải xem xét lại mối liên hệ giữa tâm linh mình với Đức Chúa Giêxu, Đấng đã chịu án tử hình thay cho chúng ta, những người có vinh dự được Ngài xem là bạn (Giăng 15:14–15). Nếu người nào yêu thương bạn mình thì sẽ tự biết những gì bạn mình thích. Trong khi đó, chúng ta chứng tỏ mình thiếu yêu thương hoặc kính trọng Chúa qua lòng và tâm trí chúng ta thờ ơ với những gì Ngài phán dạy. Hầu như chúng ta đều tỏ ra vô lễ với Chúa vì không nghe được tiếng Chúa. Điều cản trở không cho chúng ta nghe là sự chăm chú của chúng ta nhắm vào chỗ khác. Không phải là chúng ta không muốn nghe tiếng Chúa mà do lòng sùng kính của ta không dành đúng vào các lãnh vực đó của đời mình.

Đức Chúa Trời có thể nói bất cứ điều gì Ngài muốn, nhưng chúng ta thì chăm chú vào những việc, thậm chí vào sự phục vụ mà mình tin tưởng; cho nên, không nghe được tiếng Ngài. Ngài có thể dùng hoa lá, cây cối, hay một đầy tớ của Ngài để truyền đạt thông điệp của Ngài tới chúng ta. Nếu chúng ta hợp nhất với Đức Chúa Giêxu Christ, thì sẽ thường xuyên nghe tiếng Chúa qua sự quyết tâm lắng nghe. Hãy tập tành nhận ra các thông điệp Chúa muốn truyền đạt qua mọi sự việc diễn ra quanh ta. Thái độ của các con dân của Đức Chúa Trời phải luôn luôn là: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì đầy tớ Ngài đang nghe!” (1Sa-mu-ên 3:10). Nếu chúng ta chưa thiết lập và nuôi dưỡng khả năng nghe tiếng Chúa, thì sẽ chỉ có thể nghe tiếng Ngài vào những lần nhất định. Còn những lần khác thì điếc, vì sự chú ý của chúng ta hướng về những điều khác – có lẽ là những việc mình nghĩ là mình phải làm – những việc mà đầu óc mình đang bị chiếm hữu hoàn toàn.

Nếu chúng ta có hết sức chú ý và cẩn thận lắng nghe một điều từ Đức Chúa Trời, thì không có nghĩa là sẽ lắng nghe mọi điều Ngài phán. Để có thể nhận được ơn tiên tri, chúng ta hãy tập từ bỏ những ham muốn trần tục đang chiếm hữu tâm trí mình – kể cả những việc mình nghĩ là phục vụ Chúa, hoặc những lập trường, quan điểm nào làm cản trở sự mở mang Nước Ngài. Cũng từ bỏ những nỗi sợ hãi hèn kém về những sự bất lợi có thể xảy ra cho cuộc sống vật chất, nếu mình hết lòng rao truyền Danh Chúa. Hãy trao phó mọi việc trong đời sống chúng ta cho Ngài, để đạt tới khả năng nghe tiếng Chúa.

HieuBietOnTienTri21.docx

Rev. Dr. CTB