Bối Cảnh Sách Công Vụ Các Sứ Đồ

Sách Công Vụ, bài 01

 

Sách Công vụ Các Sứ Đồ là một sách hết sức đặc biệt. Trong Kinh-thánh không có sách nào giống như vậy. Kinh-thánh Cựu-ước chứa nhiều sách lịch sử; nhưng các sách lịch sử Cựu ước thì nhấn mạnh về những thất bại, tội lỗi của dân Israel trong việc bắt chước sự thờ lạy lũ tà thần của những dân tộc đã bị họ đánh bại, là nguyên nhân kềm hãm không cho dân sự của Đức Chúa Trời được hưởng toàn thể ơn phước của Ngài dành cho họ. Bối cảnh xã hội của thời sách Công Vụ thì khác hẳn. Những thất bại đã thuộc về quá khứ. Sự thờ hình tượng không còn là nan đề của người Dothái thời ấy. Điều cực kỳ quan trọng là Đức Chúa Giêxu Christ đã đến thế gian và đã về trời. Sự chết của Ngài đã khởi động hiệu lực của giao ước mới giữa Đức Chúa Trời và loài người  (Hêbơrơ 9:15). Sự phục sinh khải hoàn của Đức Chúa Giêxu đã đem hân hoan hạnh phúc cho các môn đồ của Ngài. Trọn sách Công Vụ toát ra sự hào hứng và mong đợi công việc Chúa sẽ làm.

 

Lúc mới được phổ biến thì sách không có tựa đề. Nhưng kể từ giữa thế kỷ thứ 2 A.D., thì nó được gọi là Công Vụ của các Sứ Đồ. Có lẽ tựa đề nầy đã được đặt ra là vì đoạn đầu tiên của sách liệt kê tên của các sứ đồ (1:13). Thế nhưng khi đi sâu vào sách, độc giả thấy tên của hầu hết các sứ đồ không được đề cập tới nữa, và thỉnh thoảng mới nhắc tới tên của vài vị còn lại. Phierơ giữ vai trò nổi bật trong phần đầu của sách; còn phần sau thì Phaolô là nhân vật chính. Nhưng thật ra, công việc của Đức Thánh Linh thì nổi bật hơn tất cả các sứ đồ. Lời Đức Chúa Giêxu nhắn nhủ các môn đồ trước khi về trời khuyên họ tập trung sự chú ý vào Đức Thánh Linh (1:4, 5, 8). Ngày Đức Thánh Linh giáng lâm là sự kiện khởi đầu hoạt động của Hội-thánh. Có đến năm mươi mốt lần đề cập tới Đức Thánh Linh trong sách. Vì vậy, một số người đề nghị rằng nên đặt lại tựa đề của sách là “Công Vụ của Đức Thánh Linh,” thì có lẽ hợp lý hơn.

 

Tuy nhiên, câu đầu tiên của sách lại đưa ra một ý tưởng khá lý thú: “.. tôi đã tường thuật mọi điều Đức Chúa Giêxu đã làm và dạy từ lúc ban đầu” (1:1); như vậy, sách nầy ký thuật lại những việc Đức Chúa Giêxu tiếp tục làm và dạy qua Đức Thánh Linh trong Hội-thánh lớn mạnh và tăng trưởng vượt bậc. Mặc dù Đức Chúa Giêxu đã về trời và đang ngồi bên hữu Đức Chúa Cha, Ngài vẫn tiếp tục làm công việc của Ngài trên thế giới ngày nay. Cho nên, có thể đặt một tựa đề khác nữa cho sách là: “Công Vụ của Chúa Phục Sinh bởi Đức Thánh Linh và Qua Hội-Thánh.

 

Người đọc cũng cần lưu ý là do sách không cho chúng ta biết các chi tiết công việc của tất cả các sứ đồ, nên sách cũng không tường thuật toàn bộ sự tăng trưởng của Hội-thánh. Nhiều chỗ chỉ tóm tắt ngắn gọn về những gì đã diễn ra. Tác giả không đề cập mấy đến các Hội-thánh ở Ga-li-lê và Sa-ma-ri. Cũng không nói tới một chút nào về các sự kiện rất quan trọng, như Hội-thánh tăng trưởng mạnh mẽ tại Ai-cập trong thế kỷ thứ nhất. Trong khi đó, một số sự việc được tường thuật tỉ mỉ, như ở các đoạn 8, 10, 11,28. – Cũng có lẽ là các bài giảng hết sức nổi bật trong sách đã được tóm tắt. Ví dụ như có lúc Phaolô đã giảng tới nửa đêm (20:7). Việc không thể ghi chép mọi chi tiết chắc rằng đều là do vật liệu làm sách bằng giấy papyrus thời đó không dồi dào như giấy chúng ta có ngày nay. Nếu toàn thể câu chuyện về Hội-thánh tăng trưởng với tất cả dấu kỳ phép lạ được tường thuật tỉ mỉ từng chi tiết, thì cần phải có rất nhiều pho sách dầy cộp mới chứa hết.

 

Tác giả phải lựa chọn những chuyện, các bước ngoặt nào ông thấy là quan trọng để ghi lại. Nếu độc giả để ý, có lẽ Luca đã dùng lời dạy của Đức Chúa Giêxu làm chủ đề và xây dựng bố cục, rồi theo theo đó mà tường thuật: “Các con sẽ …. làm chứng cho Ta tại thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, xứ Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất” (1:8). Bảy đoạn đầu tường thuật những việc xảy ra mà Giêrusalem là trung tâm. Từ đoạn 8 tới 12 kể lại việc Đức Thánh Linh dàn xếp các sự việc đã xảy ra khiến các thánh đồ phải trốn khỏi Giêrusalem để truyền giáo khắp xứ Giuđê và xứ Samari. Kế đó, các đoạn từ 13 tới 28 tường thuật việc Tin-lành đã bắt đầu lan ra những nơi xa xôi của thế giới, rồi sự thành lập các trung tâm truyền giáo mới như An-ti-ốt, Êphêsô, và Rôma.

 

Những sự kiện mà bác sĩ Luca có nêu lên đều là điển hình và quan trọng. Vào lúc sách Công Vụ được viết, những Hội-thánh ở nhiều khu vực khác nhau ở thời ấy đều có liên lạc chặt chẽ với nhau và đều biết các sự việc nêu ra trong sách. Như vậy, các độc giả đầu tiên của sách Công Vụ đều có thể nhận ra mối liên hệ giữa Hội-thánh địa phương của họ với những sự kiện sách nêu ra. Mặc dù sách Công Vụ không nêu tên tác giả, nhưng qua câu 1:1, người đọc có thể nhận ra người có tên là Thê-ô-phi-lơ ở đây với người đồng tên ấy ở Luca 1:1–4 chỉ là một người mà thôi; vì vậy qua cách hành văn và sắp đặt sự kiện có hệ thống thứ tự của Phúc-âm do Luca viết đồng một lối viết với sách Công Vụ, chúng ta có thể biết tác giả chính là “Luca, y sĩ yêu quý” mà Phaolô nhắc đến ở Côlôse 4:14. Bằng chứng Luca là tác giả cũng có thể thấy ở nhiều chỗ trong sách: 16:10–17; 20:5–21:18;27:1–28:16. Ở các chỗ nầy, tác giả nói mình cùng đi với Phaolô trong một phần thời gian của hai vòng truyền giáo thứ nhì và thứ ba của Phaolô, cũng như cuộc hành trình của Phaolô đi Rôma. Như vậy, Luca ký thuật những sự việc ông chứng kiến tận mắt.

 

Độc giả cũng cần lưu ý tới việc Luca đã tháp tùng trong chuyến viếng thăm Giêrusalem lần cuối của Phaolô; sau đó đi theo Phaolô đến Rôma. Trong thời gian nầy, Phaolô bị cầm tù ở thành phố Sê-sa-rê hết hai năm. Vậy, Luca đã ở xứ thánh trong suốt thời gian đó. Nếu độc giả lưu ý thì thấy Luca ghi chép các chi tiết sự kiện rất cẩn thận; bởi vì dù các quan chức La-mã đổi nhiệm sở rất thường xuyên, Luca không khi nào ghi lầm tên của họ. Khảo cổ học thời nay đã xác nhận các bằng chứng về lịch sử và địa dư đã được Luca nói đến. Chúng ta có thể đoán không lầm rằng ông đã dành thời gian lưu lại ở xứ thánh để phỏng vấn những người trong cuộc và tra cứu các chi tiết của các sách Phúc-âm và lịch sử phần đầu của thời Hội-thánh sơ lập mà ông đã được nghe kể lại.

 

Bằng chứng là Luca tường thuật các chuyện tích Đức Chúa Giêxu giáng sinh theo nhãn quan của bà Mary, mẹ phần xác của Chúa; khác với Mathiơ ký thuật theo lời kể của Giôsép, chồng bà Mary. Có lẽ khi Luca đến Giêrusalem thì ông Giôsép đã qua đời, bà Mary thì còn sống; do đó, bà mới có cơ hội kể cho Luca nghe những điều bà vẫn ghi nhớ trong lòng (Luca 2:19, 51). Luca cũng kể lại là bà có mặt ở phòng cao với các sứ đồ lúc Đức Thánh Linh giáng lâm trong ngày lễ Ngũ-tuần, chi tiết ấy trùng hợp với lời xác nhận của Phaolô là có nhiều người đã chứng kiến việc Đức Chúa Giêxu phục sinh vẫn còn sống lúc ông viết thư thứ nhất cho Hội-thánh Côrinhtô (1Côr.15:6).

 

Vì sách Công Vụ kể tới việc Phaolô bị cầm tù lần đầu ở thành Rôma, tức khoảng năm 60, 61 A.D. Vào năm 64 A.D., hoàng đế Nero đốt thành phố Rôma rồi vu cho các Cơ-đốc-nhân là thủ phạm đốt thành và công khai bách hại họ; cho nên, năm trễ nhất mà sách Công Vụ có thể được viết là năm 63 A.D. Sách đã chép tên của những tín hữu thuộc thế hệ đầu tiên, tường thuật 30 năm đầu trong sự phát triển của Hội-thánh sau khi được khai sinh từ ngày lễ Ngũ-tuần; cho nên, sự ước đoán thời điểm sách được viết vào khoảng các năm 62, 63 A.D. là chính xác.

 

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ rõ ràng là một sách viết về Hội-thánh. Sách ấy truyền lại cho hậu thế những bài học quan trọng về bản chất, sự tăng trưởng, sự sống và mục đích của Hội-thánh do Đức Thánh Linh thành lập. Một số người cho rằng sách Công Vụ chỉ thuần tuý là một sách lịch sử, không có sự dạy dỗ gì. Những người nầy không nhận ra Luca đã ghi lại những gì Đức Chúa Giêxu đã bắt đầu làm và dạy dỗ, và công việc của Ngài đã không chấm dứt khi Ngài lìa thế gian thăng thiên về trời. Cho nên sách Công Vụ cho thấy những gì Ngài tiếp tục làm và dạy dỗ bằng Đức Thánh Linh qua Hội-thánh của Ngài. Chúa không dùng lịch sử để thoả mãn trí tò mò thích theo dõi sự việc của chúng ta, nhưng dùng lịch sử để dạy dỗ về chân lý.

 

Khác với mọi sách trong Tân-Ước, sách Công Vụ Các Sứ Đồ không có phần chính thức kết thúc. Có người cho rằng vì Luca chịu tử đạo sau Phaolô không lâu, nhưng các lời truyền khẩu cổ xưa cho biết ông sống thọ. Như vậy, có lẽ ông cố ý để sách kết thúc đột ngột, vì sách thì phải có phần kết giống như thế hệ đầu tiên phải đến hồi kết thúc; nhưng công tác của Chúa phục sinh bởi Đức Thánh Linh đã không chấm dứt vào lúc đó. Các công tác ấy đã tiếp tục trong thế kỷ thứ hai và thứ ba với cùng các sự thể hiện của ân tứ Đức Thánh Linh. Cho đến nay, mỗi lần con dân của Đức Chúa Trời họp nhau bằng tinh thần hợp nhất để tìm kiếm Ngài, thì công vụ ấy vẫn tiếp tục.

SachCongVu01.docx  (Sách tham khảo: The Book Of Acts, của Stanley M. Horton)

Rev. Dr. CTB