Chúa Giáng Sinh Trong Con Người Mới

Chúa Nhật, December 28th, 2014

Mùa Giáng Sinh, 04

Giăng 3:1–21

Giáo chủ của tất cả các tôn giáo do loài người lập ra đều là loài người. Hoặc là họ nổi trội hơn nhiều người đương thời của họ về mặt nào đó, hoặc do lời dạy hay giáo huấn họ để lại có một vài điểm xuất sắc, mà những môn đồ của các thế hệ sau tôn xưng họ thành giáo chủ của tôn giáo họ lập ra; hoặc những môn đồ ấy phong thần cho các vị nầy rồi thờ lạy cúng bái họ.

Những lời dạy của các giáo chủ được môn đồ ghi chép, cộng với những lời dạy về sau của các môn đồ kế tục, thì trở thành các sách kinh được tín đồ những tôn giáo đó xem như chân lý bất diệt, mặc dù rất mơ hồ về cõi họ hướng tới.

Những lời tuyên bố của các giáo chủ ấy về cõi vô hình thì rất là vu vơ và lờ mờ; những lời mơ hồ như thế chứng tỏ họ chưa từng thấy, cũng không biết chi về cõi thần hay linh giới.

Vượt lên trên tất cả và khác hẳn các giáo chủ trần gian, Đức Chúa Giêxu là Đấng đến từ trời. Ngài từ bên ngoài thế giới bước vào cõi trần thế. Ngài không phải là người trở thành thần, mà là Vị Chúa Tể của cõi thần vào thế gian làm người.

Ngài biết các điều kiện cõi thần đòi hỏi; những lời dạy của Ngài về cõi trời thì rất là minh bạch. Chỉ cần so sánh những lời giảng dạy của Đức Chúa Giêxu đã được ghi chép trong Kinh-thánh Tân-ước với những lời dạy của các giáo chủ trần gian, thì người ta sẽ nhận ra nét tương phản giữa Đấng biết chắc với người không biết là ra sao.

Ví dụ, một ông giáo chủ trả lời câu hỏi của môn đồ về chân lý, thì nói rằng chân lý như trăng chiếu sáng, người ta thấy nhưng đường đến đó thì không ai biết; mỗi người phải tự tìm lối đi cho mình.

Nhưng khi ông Thô-ma hỏi: “Thưa Chúa, chúng con không biết Chúa đi đâu, làm sao biết đường được?” thì “Đức Chúa Giêxu đáp: ‘Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta không ai được đến với Cha. Nếu các con biết Ta thì cũng biết Cha Ta; từ bây giờ các con biết và đã thấy Ngài’” (Giăng 14:5–7).

Sứ đồ Phi-líp nói: “Thưa Chúa, xin chỉ Cha cho chúng con thì đủ rồi. Đức Chúa Giêxu đáp: ‘Phi-líp ơi, Ta đã ở với các con lâu rồi, mà các con chưa biết Ta! Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha’” (Giăng 14:8–9). Ngài là chân lý vì chính Ngài là Đấng Tạo Hoá.

Bất cứ một người nào có trí tuệ bình thường cũng hiểu muôn vật trong trong thế giới vật chất đều có nguồn gốc và khởi đầu. Bất cứ lý thuyết nào cho rằng mọi vật đều tự sinh, không có khởi đầu hay nguồn gốc gì hết, sẽ chẳng thể đứng nổi trước thực tế phũ phàng của cái chết trong cõi tử sinh của trời đất. Bởi vì hễ cái gì là vật chất thì phải có sự khởi đầu và hồi kết thúc.

Đến cả đất đá rắn chắc vô tri còn không bền vững với thời gian thay, huống gì các sinh vật xác thịt có khởi đầu, rồi già cỗi; nên ngày kết thúc sự sống là điều chắc chắn phải tới.

Đức Chúa Giêxu là Tư-tưởng, Trí-tuệ, sự Khôn-ngoan, và Lời nói của Đức Chúa Trời từ bên ngoài thế gian bước vào cõi vật chất trần gian trong thân xác loài người; cho nên, cũng phải khởi đầu bằng thể xác một hài nhi được thành hình trong dạ con của một người nữ.

Vì thế, biến cố ấy được gọi là Ngôi Lời Nhập Thể, và ngày Đức Chúa Giêxu ra đời gọi là ngày Giáng Sinh. Ngài là Đấng Cao Cả nhất từ nơi Cực Thánh đã vào thế gian qua phương cách khiêm nhường nhất. Chúa của chúng ta đã bước vào lịch sử loài người từ bên ngoài là như vậy.

Ngài lại cho biết: Điều kiện căn bản mà người trần gian phải có để được vào Vương-quốc của Đức Chúa Trời là tâm linh phải được sinh lại, gọi là sự tái sinh (Giăng 3:3–4). Tái sinh có nghĩa là được Chúa vào lòng sinh lại một tâm linh mới.

Nếu Đức Chúa Giêxu đã bước vào lịch sử nhân loại từ bên ngoài, thì Ngài cũng vào lòng chúng ta từ bên ngoài qua đức tin của chúng ta. Vì thế, không một ai cậy công đức, khổ tu, ép xác, vv., mà có thể làm cho Ngài thành hình trong lòng người đó được.

Sự thành hình của Con Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta là dấu hiệu của một người mới đã được sinh lại bởi quyền phép từ trên; mà chẳng phải do công đức nào của chúng ta thu góp khiến mình được trở nên một tạo vật mới.

Đức Chúa Giêxu giải thích cho thắc mắc của ông Ni-cô-đem, khi ông ngạc nhiên vì chưa hiểu ý nghĩa của sự sinh lại: “Thật, Ta bảo thật ngươi, nếu một người không nhờ nước và Thánh Linh mà sinh ra thì không thể vào Vương quốc Đức Chúa Trời. Điều gì do xác thịt sinh ra là xác thịt, điều gì bởi Thánh Linh sinh ra là linh. Đừng ngạc nhiên về điều Ta đã nói với ngươi: ‘Các ngươi phải sinh lại.’ Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng gió, nhưng không biết gió đến từ đâu và đi đâu. Người nào sinh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy” (Giăng 3:5–8).

Vậy nên, tư tưởng loài người dù cao siêu đến mấy vẫn là sản phẩm của phàm trần.

Rất nhiều tín hữu, dù tin Chúa đã lâu năm, vẫn chưa biết làm thế nào để được sinh lại thành người mới; nên cứ thắc mắc giống như Ni-cô-đem ngày xưa: “Làm thế nào điều ấy có thể xảy ra được?” (Giăng 3:9). Nghĩa là người ta vẫn nghĩ rằng họ phải đóng một vai trò chủ động nào đó của tiến trình sinh lại nầy.

Nhưng lời giải thích của Đức Chúa Giêxu thì cho biết yếu tố duy nhất phía loài người có thể góp phần vào tiến trình ấy là ý chí của mình lập quyết định tin vào ơn thiện hảo của Đức Chúa Trời, khi Ngài sai Ngôi Lời của Ngài vào thế gian làm một Người vô tội chịu chết chuộc tội cho tất cả mọi người:

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy thì không bị hư vong mà được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16).

Thế thì, để cho sự sinh lại có thể xảy ra thì người muốn nhận lãnh ơn đó phải sẵn sàng cho lòng mình như cái máng cỏ ở Bết-lê-hem để Con của Đức Chúa Trời có thể từ bên ngoài bước vào lịch sử của đời chúng ta, biến đổi tâm linh chúng ta thành con người mới hoàn toàn.

Nghĩa là lập quyết định tin Đức Chúa Giêxu là Ngôi Lời từ Đức Chúa Trời giáng sinh vào cõi nhân loại để chuộc tội cho ‘tôi’ và cho vô số người khác cũng có lòng tin giống như ‘tôi’ vậy.

Tôi chẳng có chút công gì trong việc nhận ơn cứu độ nầy, vì con người bề trong của tôi đầy ô uế và hôi hám như cái máng cỏ ở Bết-lê-hem năm xưa. Máng cỏ ấy dù được xối rửa cẩn thận cũng chẳng thể nào hết mùi hôi; đối với Chúa lòng ‘thiện’ của tôi vẫn xú uế, dù có làm vô số việc lành.

Người ta chỉ có thể tiếp nhận Chúa bằng hiện trạng hôi hám của mình, vì chẳng khi nào xứng đáng được.

Bằng chứng của sự sinh lại đã xảy ra là: Tự trong lòng mình, chúng ta thuận phục Đức Chúa Trời một cách dễ dàng, vì Đấng Christ đang thành hình trong lòng ta. Một khi Đấng Christ thành hình trong lòng ta rồi, thì bản thể của Ngài hành động trong ta lập tức, để qua các hành vi cư xử và quan điểm của ta về mọi việc sẽ hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Chúa và cứ làm vinh danh Ngài.

Đó là một bằng chứng không thể lầm lẫn về việc Con Đức Chúa Trời từ bên ngoài đã bước vào lòng chúng ta. Sự giáng sinh năm xưa của Đức Chúa Giêxu vào cõi nhân loại là phương cách tuyệt vời của Đức Chúa Trời giải quyết tội lỗi và thực hiện ơn cứu độ của Ngài cho thế gian.

Với chương trình đó, Ngài cũng giúp cho những ai trông đợi Ngài có thể dễ dàng phân biệt giữa biện pháp thần diệu của thiên đàng khác xa cách giải quyết đầy lúng túng của tư tưởng loài người.

Chúng ta đã làm lễ kỷ niệm Đức Chúa Giêxu giáng sinh, đã hiểu rõ hơn thông điệp tuyệt vời của Đức Chúa Trời gửi tới nhân loại bằng biến cố có một không hai nầy.

Dù mùa Giáng Sinh của thế giới đã trôi qua, và người ta sẽ sớm lãng quên những ngày mua sắm trong khung cảnh rực rỡ của muôn vạn ánh đèn trang trí cho mùa lễ, quý anh chị em hãy tiếp tục suy gẫm và biết ơn Chúa về chương trình giáng sinh hết sức tuyệt diệu của Ngôi Lời mà Đức Chúa Trời đã thực hiện cách hoàn hảo, chẳng những tại Bết-lê-hem, mà còn diễn ra trong lòng vô số người muốn tiếp nhận ơn cứu độ của Ngài trong suốt lịch sử của hai mươi thế kỷ qua trên mặt địa cầu.

Đức Chúa Giêxu đã giáng sinh để chúng ta có thể nhận được con người mới. Ngài bước vào thế gian để chúng ta được cứu, và tiếp nhận sự thành hình của Đấng Christ trong lòng ta.

Nhưng mục đích của Ngài không dừng ở chỗ đó. Ngài muốn mọi con dân Ngài đều trở nên nguồn phước cho những người mà họ tiếp xúc mỗi ngày. Miễn là chúng ta sẵn lòng để Chúa dùng đời sống của chúng ta mở đường cho những người mình quen biết có dịp tiếp xúc với cõi thiên đàng; để họ lại nhận ơn cứu độ và làm nguồn phước cho nhiều người khác nữa.

Hãy suy gẫm ơn mầu nhiệm ấy.

MuaGiangSinh04.docx

Rev. Dr. CTB