Gương Đức Tin Sẵn Lòng Chịu Khổ

Thư Hê-bơ-rơ, bài 22

Hê-bơ-rơ 11:27–40

Tác giả xác định đức tin của Môi-se qua việc dẫn toàn dân tộc Israel ra khỏi nước Ai-cập để tiến về miền đất hứa. Sau tai hoạ thứ mười quá kinh hoàng trên cả nước Ai-cập, vua Ai-cập mới đành chịu buông tha cho dân Israel ra đi.

Bởi đức tin vào lời hứa và mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, Môi-se không sợ cơn cuồng nộ của vua Ai-cập. Vì khi dân Israel ra đi như vậy, họ sẽ vĩnh viễn lìa bỏ vườn tược, ruộng đất, nhà cửa, một quê hương mà họ và các đời tổ phụ đã sống ở đó hơn 400 năm, thì Ai-cập bị mất vô số nhân công miễn phí.

Dù biết chắc vua Ai-cập sẽ nổi cơn cuồng nộ giận dữ và sẽ đem quân đội rượt theo đoàn dân vừa ra đi, để bắt họ trở lại Ai-cập làm nô lệ như trước. Môi se không sợ cơn giận dữ của vua Ai-cập “vì ông vững tâm như thấy Đấng không thấy được” (27).

Sức mạnh của đức tin giúp cho mắt tâm linh thấy được những gì mắt trần không thể thấy. Vì thế, người có đức tin dám thực hiện các việc mà người không có đức tin chẳng bao giờ dám làm.

Môi-se nhìn vào nơi nào cũng thấy sự hướng dẫn của Chúa. Chúng ta cũng phải nhờ đức tin vào sự thành tín và quyền phép toàn năng của Chúa, để giúp mình thấy những sự dẫn dắt của Ngài trong cõi vô hình.

Bởi đức tin Môi-se tổ chức lễ Vượt-qua, tức là ông vâng lời dặn của Chúa mà thiết lập các thủ tục, định các luật lệ về sự rảy huyết sinh tế làm dấu hiệu, để thiên sứ huỷ diệt sẽ vượt qua các nhà của người Israel, không động đến các con đầu lòng của họ (28).

Phải có đức tin lớn mới dám làm những việc trọng đại chưa có ai làm trước đó. Môi-se tin lời Chúa dạy bảo, lễ Vượt-qua đã thành hình và được kỷ niệm cho đến ngày nay.

Ứng dụng nguyên tắc nầy kể từ thời Tân-ước, bất cứ ai quyết tâm lìa bỏ thân phận làm nô lệ cho những ham muốn tội lỗi của thế gian, chấp nhận sự đổ huyết hy sinh của Đức Chúa Giêxu để được sự tha tội, thì quyền năng của Huyết ấy sẽ gìn giữ và đưa người tin vào sự sống đời đời, mà không một tôn giáo nào có thể ban cho, cũng không bởi nỗ lực tu hành nào đạt tới được.

Cho đến nay, chưa ai rõ dân Israel đã đi qua Biển Đỏ ở khoảng nào. Căn cứ vào điểm xuất phát của họ và thời gian đi đường, thì có lẽ ở khoảng đầu vịnh Suez. Người Ai-cập không chịu rút kinh nghiệm về các tai hoạ đã giáng trên họ. Họ đã quá dại dột thử thách Đức Chúa Trời nên bị vùi dưới lòng biển (29).

Hình ảnh đó là biểu tượng của người không tin Chúa ở thời nay, là người có tâm trí mù tối, lòng dạ cứng cỏi, không lường nổi sự hiểm nguy khi từ chối ơn ban của Chúa.

Đức tin của Giô-suê và dân Israel vào lời hứa của Chúa là yếu tố chính khiến thành Giê-ri-cô sụp đổ. Đức Chúa Trời đã không dùng sức người công phá các vách thành Giê-ri-cô. Ngài đã dùng phương cách kỳ lạ ấy để chứng tỏ rằng đất Ca-na-an là do Ngài ban cho dân Israel làm sản nghiệp.

Giê-ri-cô là thành kiên cố đầu tiên ở xứ Ca-na-an chống cự dân sự Chúa; cho nên, Ngài dùng quyền năng của Ngài để chứng tỏ cho cư dân của Giê-ri-cô và toàn xứ Ca-na-an biết quyền phép tối thượng và siêu nhiên của Đức Chúa Trời của Israel là như thế nào, và việc chống cự quân đội của Ngài chỉ là luống công (30).

Đức tin của kỵ nữ Ra-háp được chứng tỏ qua lời nói và hành động: “Chúng tôi có nghe rằng khi các ông ra khỏi Ai-cập thì Đức Giê-hô-va đã khiến nước Biển Đỏ khô cạn trước mặt các ông, và cũng nghe điều các ông đã làm cho Si-hôn và Óc, hai vua dân A-mô-rít, ở bên kia sông Giô-đanh mà các ông đã tuyệt diệt. Khi chúng tôi nghe điều đó thì lòng chúng tôi tan chảy, chẳng ai trong chúng tôi còn can đảm trước mặt các ông nữa, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ông là Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia và ở dưới đất thấp nầy” (Giô-suê 2:10–11). Bà đã giấu hai người Israel đi do thám Giê-ri-cô, nên được họ lập giao ước sẽ không diệt bà và cả nhà của bà (31).

Hơn thế nữa, bởi đức tin ấy, dù là dân ngoại, bà được nhập vào gia đình của dân Chúa, làm vợ một người Israel, và trở thành tổ mẫu của Giô-sép và Mary là mẹ Đức Chúa Giêxu sau nầy.

Tác giả nêu gương đức tin của các anh hùng thời Cựu-ước: Ghi-đê-ôn chỉ với 300 người đầy đức tin đã đánh cho hàng trăm ngàn quân Ma-đi-an cuống cuồng bỏ chạy (Quan-xét 6,7).

Ba-rác, từ một thường dân được chọn bởi lời từ nữ tiên tri Đê-bô-ra, đã đánh bại tướng Si-sê-ra của Gia-bin, vua Ca-na-an, giải thoát dân Israel khỏi ách cai trị hà khắc của Gia-bin và lần hồi tiêu diệt vua ấy (Quan-xét 4);

Sam-sôn, người được Chúa chọn làm người Na-xi-rê từ trong bụng mẹ với sức lực siêu phàm, đã dùng xương hàm một con lừa đánh giết một ngàn người Philistine, cùng đạt được nhiều chiến công hiển hách khác (Quan-xét 13–16);

Giép-thê, người bị các anh em cùng cha khác mẹ đuổi khỏi nhà, đã được Chúa dùng giải thoát dân Israel khỏi ách thống trị của dân Am-môn (Quan-xét 11).

Đa-vít, một thiếu niên chăn chiên, được Chúa dùng đánh hạ và giết chết tên khổng lồ Gô-li-át (1Sa-mu-ên 17), và là vị vua lẫy lừng nhất trong lịch sử người Do-thái. Sa-mu-ên, quan xét cuối cùng của dân Do-thái và là một tiên tri do Chúa lập để lãnh đạo (1Sa-mu-ên 1–7) (32).

Mục đích của thư Hê-bơ-rơ là nhắc những người đã biết lịch sử của người Israel phải nhớ lại rằng, yếu tố cực kỳ quan trọng cho sự tồn vong của dân Israel là đức tin vào Đức Chúa Trời Chí Thánh và Toàn Năng của họ.

Tất cả các gương của những anh hùng đức tin trong lịch sử đã được liệt kê, để những người sẽ đọc thư Hê-bơ-rơ thấy các thành quả đức tin của những người đi trước đạt được.

Giô-suê, các quan xét, Đa-vít, và nhiều người nữa đã khắc phục các vương quốc (33). Sa-mu-ên thì thực thi công chính; Áp-ra-ham và Sara được nhận lời hứa về đứa con nối dõi; tiên tri Đa-ni-ên vẫn bình an trong hang của một bầy sư tử đói; giống như là chính ông đã bịt miệng chúng, không cho làm hại đến ông (Đa-ni-ên 6:21–22). Sam-sôn thì xé xác con sư tử đang sống (33).

Tác giả không có thì giờ để nêu tên ba người bạn của Đa-ni-ên bị vua Nê-bu-cát-nết-xa ném vào lò lửa nóng gấp bảy lần bình thường, vì bởi đức tin, họ từ chối không chịu quỳ xuống thờ lạy pho tượng do vua dựng và truyền cho mọi người thờ lạy tượng ấy, nhưng họ không bị suy suyển gì hết, thậm chí mùi lửa cũng không bám trên họ (Đa-ni-ên 3:24– 27).

Vô số người khác nữa “thoát khỏi lưỡi gươm, từ yếu đuối bệnh tật trở nên mạnh mẽ , dũng cảm trong chiến trận, đánh đuổi quân ngoại bang” (34).

Một người đàn bà goá, trong thời tiên tri Ê-li, có con trai bị chết đã được Ê-li cầu nguyện cho sống lại (1Vua 17:21–22); và người nữ Su-nem bởi đức tin tiếp đãi tiên tri Ê-li-sê chu đáo; khi con trai yêu của bà bị bệnh chết, thì Ê-li-sê làm cho nó sống lại (35; 2Vua 4:32–35).

Về “những người khác bị tra tấn, nhưng không chịu giải thoát để được sự sống lại tốt hơn. Những người khác nữa chịu chế nhạo, đòn vọt, xiềng xích, lao tù. Họ bị ném đá, thử thách, cưa đôi, chém chết. Họ lưu lạc đây đó, mặc da chiên da dê, chịu cùng túng, áp bức, hành hạ. Họ lang thang trong hoang mạc, trên núi đồi, trong hầm hố, trong hang động dưới đất, vì thế gian không xứng với họ” (35–38), thì có lẽ tác giả đề cập tới các thánh đồ thời Tân-ước với những sự ngược đãi mà họ phải chịu vì Danh của Đức Chúa Giêxu Christ, là việc đã xảy ra thường xuyên thời sơ lập của Hội-thánh, mà sứ đồ Phao-lô là một ví dụ điển hình.

Tất cả những người đó đã được tiếng tốt nhờ đức tin, nhưng vẫn chưa nhận được điều Chúa hứa” (39), tức là những người nêu gương đức tin trong thời Cựu-ước. Bởi vì lời hứa quan trọng và vĩ đại nhất là sự đến của Ngôi Lời Nhập Thể, tức là Đức Chúa Giêxu Cứu Thế, thì các thánh thời Cựu-ước không có diễm phúc được thấy ngày của Ngài.

Vì lời Đức Chúa Trời đã hứa từ lâu cho các thế hệ người Israel là sẽ có Đấng Mết-si-a ra đời để cứu vớt họ. Nhưng Đức Chúa Giêxu đến sau khi những anh hùng đức tin thời trước đã qua đời hết rồi.

Vì Đức Chúa Trời đã dự liệu cho chúng ta điều tốt hơn, hầu cho ngoài chúng ta ra, họ vẫn chưa trọn vẹn” (40). Điều tốt hơn đó là Đấng Christ đến thế gian trong xác thịt, để đem vô số con cái Ngài ở ngoài dân Do-thái vào gia đình của Ngài.

Các thánh xưa và chúng ta ngày nay đều ở chung trong một thân thể, là Hội-thánh, xây dựng trên một nền tảng chung, và được sống động bởi đồng một Thần Ân Điển.

Cho nên, nếu các Cơ-đốc-nhân chưa được đem vào Hội-thánh với mọi đặc quyền và ơn phước bởi sự ngự vào của Đức Thánh Linh, thì Hội-thánh ấy chưa đạt đến tình trạng trọn vẹn mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị và thiết lập cho Hội-thánh khi tới thời hạn cuối cùng.

Các thánh xưa đều trông đợi ngày chúng ta được đưa vào Hội-thánh, dự phần cơ nghiệp với các thánh đồ xưa và nay, để họ được trọn vẹn trong thân thể Đức Chúa Giêxu.

ThuHeboro22.docx

Rev. Dr. CTB