Thư Hê-bơ-rơ, bài 24
Hê-bơ-rơ 12:3–11
Bất cứ ai muốn tham gia vào một cuộc chạy đều phải trải qua một thời gian tập luyện để đủ sức theo đuổi cuộc đua. Có người tự nguyện kiêng cữ xa lánh những thú vui có hại tới sức khoẻ, chỉ nhằm giữ cho thân thể có sức chịu đựng nổi những áp lực quá nặng, hay cường độ của công tác.
Vì mọi con cái Chúa đều phải tham gia “cuộc đua đã bày ra trước mặt” (1), nếu đã muốn được ban cho một phần thưởng ở mức đến, thì phải “chăm chú nhìn lên Đức Chúa Giêxu” là tấm gương sáng chói về đức tin, chẳng những để nhận được sự sống và quyền năng, cũng như được “biến hoá giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang” (2Cô-rinh-tô 3:18), mà còn “để khỏi bị nản chí sờn lòng” (3) khi phải đối phó với những khó khăn hay các thế lực chống nghịch.
Đức Chúa Giêxu từng dạy rằng, con đường đi theo Ngài để đạt tới sự sống vĩnh cửu không rộng thênh thang, mà chật hẹp, khó đi (Ma-thi-ơ 7:13–14).
Bản tính của một người bình thường rất dễ nản chí sờn lòng khi đang cố gắng sống đời đạo đức bình an nhưng phải đương đầu với những thế lực thù địch đáng ngại. Hoặc những người phải trải qua cuộc thử thách đầy khó khăn gian lao mà sức người khó kham nổi.
Mặc dù Đức Chúa Giêxu đến để làm trọn những điều luật pháp Đức Chúa Trời đòi hỏi, hầu cho nhân loại được tha tội, trong đó có người Do-thái bình thường lẫn các quan chức của Do-thái-giáo; nhưng chính người Do-thái và các quan chức của họ chống nghịch Chúa hung hăng nhất. Tuy vậy, Chúa chẳng nản lòng, Ngài cứ chịu đựng cho tới cuối cùng.
Tác giả khuyên chúng ta hãy suy nghiệm về việc ấy (3), so với những sự thách thức nhỏ nhặt của chính mình, để thấy Chúa chúng ta đã chịu khổ đến cực điểm, chẳng lẽ những người đi theo Ngài mà lại không cần chịu thử thách nào hay sao?
Nếu Ngài là Đấng vĩ đại, hoàn toàn cao sang, nhưng phải “chịu đựng sự chống nghịch của những người tội lỗi như thế,” từ lời nói cho tới hành động; chẳng lẽ chúng ta, phận người thấp kém đã được Ngài kêu gọi bước vào một tương lai tươi sáng, thoát khỏi số phận hư vong hẩm hiu, lại cho rằng mình không cần phải chịu khổ gì hết sao?
Hơn nữa, “anh em chiến đấu với tội ác chưa đến độ đổ máu” (4), mà đã vội “quên lời khuyên nhủ như khuyên con” (5). Nghĩa là sự chống trả của chúng ta đối với tội ác chung quanh mình, dù khốc liệt đến đâu đi nữa, cũng chưa đến độ phải đổ máu hi sinh.
Vì thế, khi so sánh với nỗi thống khổ mà Đức Chúa Giêxu đã phải trải qua, thì những điều gian khổ của chúng ta thật quá nhỏ nhặt không đáng kể. Ấy vậy mà nhiều người trong con dân Chúa đã quá chú trọng tới nỗi khổ riêng tư của mình, rồi quên lời khuyên dạy ở sách Châm Ngôn 3:11–12
“Hỡi con ta, chớ khinh sự sửa phạt của Đức Giê-hô-va, đừng buồn lòng khi Ngài quở trách. Vì Đức Giêhôva yêu thương ai thì trách phạt nấy. Như một người cha đối với con trai yêu dấu của mình.” (5–6).
Người ta vẫn hay xem thường sự sửa dạy của Chúa, vì tự nhủ rằng đó là những việc phải xảy ra rất bình thường trong đời sống, mà không nhận ra những hoạn nạn, khó khăn là sự sửa dạy của Chúa cốt làm cho chúng ta phải lưu ý mà chấn chỉnh hay sửa đổi cách sống, hay những thói quen có hại nào đó.
Ý nghĩa chính xác của sự sửa dạy ở chỗ nầy không phải là các nỗi ưu phiền thông thường trong đời, nhưng là những nỗi khổ được Chúa đem đến để chấn chỉnh các lỗi lầm của con dân Ngài, tức là bản chất của việc áp dụng kỷ luật.
Vì thế, mỗi khi có điều nào đó khiến chúng ta buồn bã, khổ sở hay lo lắng, thì hãy nhận ra bàn tay của Đức Chúa Trời phía sau của mỗi sự việc, cũng như ý của Ngài muốn sửa dạy chúng ta trong những điều cần phải chấn chỉnh.
Lời khuyên thứ nhì là “đừng nản lòng khi Chúa quở trách.” Phản ứng của người nản lòng là oán trách Chúa vì tủi thân hay thất vọng khi bị lâm vào nghịch cảnh.
Thái độ không nản lòng thì không có nghĩa là phải vui vẻ, không được tỏ ra sự buồn rầu. Nhưng có nghĩa là không ngã lòng, cũng chẳng mất đức tin hay niềm hi vọng vào Đức Chúa Trời; cũng không để cho lòng kính mến Ngài bị suy giảm, vẫn trung thành với các đường lối và chân lý của Ngài cho đến cuối cùng.
“Vì Chúa sửa trị người Ngài yêu, và hễ ai được nhận làm con, Ngài cho roi cho vọt” (6). Lời xác định nầy hoàn toàn đi ngược với quan điểm của người thời nay về việc dạy dỗ và uốn nắn trẻ em.
Vì người đời đồng hoá sự sửa dạy với hình phạt, hoặc đi quá mức trong sự sửa dạy, khiến nó trở thành sự hành hạ, đàn áp do ghét bỏ, nóng giận, chứ không áp dụng các biện pháp kỷ luật sửa dạy con cái trong tình yêu thương.
Đối với Đức Chúa Trời thì Ngài rất minh bạch giữa hình phạt với sự sửa dạy: Hình phạt của Chúa là sự hư vong vĩnh viễn của những người không nhận sự tha tội qua công tác hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Giêxu.
Người nào được huyết Đức Chúa Giêxu chuộc tội rồi và quyết ở trong Ngài, thì không bị kết tội, đoán phạt hay hình phạt nữa (Rôma 8:1). Bởi vì những con thật sẽ được sửa dạy bằng các biện pháp kỷ luật hay cách sửa trị của Chúa.
“Việc anh em chịu sửa dạy chứng tỏ Đức Chúa Trời đối xử với anh em như con, vì có ai là con mà cha không sửa dạy?” (7).
Có biết bao hình thức sửa dạy chúng ta thường gặp mà không nhận ra: Những điều làm buồn lòng, các lời nói chọc giận, thái độ phụ bạc vô ơn, những ánh mắt miệt thị, hành động bới lông tìm vết, vì lỗi của người khác mà bị thiệt thòi, những ước mơ không đạt đến, những việc tai hại xảy ra rất bất ngờ, những lời nói cay độc từ người thân, những lời vu khống từ anh chị em đồng đức tin, vv…
Đứng trước các sự việc tương tự như thế, chúng ta cần xem xét lại chính mình, để thấy nguyên nhân nào mà Chúa phải sửa trị để mình trở nên tốt hơn và hữu ích hơn cho công việc nhà Ngài. Đồng thời hãy biết ơn vì Chúa thương xót anh chị em.
“Nhưng nếu anh em không bị sửa trị trong khi mọi người phải chịu, thì anh em là con hoang chứ không phải con thật” (8). Chẳng một người nào có đời sống hoàn hảo, đẹp lòng Chúa, không chút lỗi lầm, và luôn làm gương sáng cho mọi người noi theo.
Vì thế, đừng bao giờ vui mừng khi mình chẳng gặp thử thách gì hết. Bởi vì điều đó chứng minh là người ấy không phải con thật của Chúa.
Nếu những người đầy tội lỗi trong thế gian không ghét mà luôn luôn thân thiện yêu mến anh chị em, cũng không có bất cứ điều thất lợi nào xảy ra, thì các điều đó là dấu hiệu vô cùng nguy hiểm rằng anh chị em chưa thực sự thuộc về Đức Chúa Trời.
“Ngoài ra, khi được cha phần xác sửa dạy, chúng ta đã kính phục; huống chi Cha phần tâm linh, chúng ta lại không vâng phục hơn nữa để được sống, hay sao?” (9).
Những quy ước, kỷ luật do cha mẹ đặt ra cho con cái tuân theo, đều nhằm huấn luyện và uốn nắn con trở nên gương mẫu, ngoan ngoãn, thành thật, ngay thẳng, lương thiện. Con cái rất kính phục các bậc cha mẹ như vậy.
Cha phần tâm linh của chúng ta sửa dạy để chúng ta trở nên tốt bội phần hơn và đạt đến sự thánh hoá ngày càng hơn, thì chúng ta càng nên vâng phục để bảo đảm nhận được sự sống đời đời.
“Cha phần thể xác sửa dạy chúng ta một thời gian ngắn ngủi, theo điều các ông cho là đúng; nhưng Đức Chúa Trời vì lợi ích của chúng ta, sửa dạy để chúng ta được dự phần vào đức thánh khiết của Ngài” (10).
Cha phần xác chỉ có thể sửa dạy con cái vài năm thời thơ ấu của chúng. Khi con cái đã thành niên, cha mẹ không còn dạy được nữa. Sự dạy bảo của loài người lại bị hạn chế bởi sự hiểu biết rất giới hạn và quan điểm bị ảnh hưởng từ xã hội.
Trong khi đó Đức Chúa Trời dạy dỗ chúng ta bằng sự khôn ngoan vô hạn của Ngài, nhằm một mục tiêu lớn là giúp cho con cái Ngài “được dự phần vào đức thánh khiết của Ngài.”
Đúng là khi bị sửa trị, không ai trong chúng ta thấy mình được vui thú hay thoải mái gì cả; chỉ toàn là khổ sở, buồn rầu (11). Đó cũng là lý do khiến nhiều người nản chí sờn lòng khi những ước mơ về hạnh phúc có vẻ như quá xa vời không đạt tới nổi.
Nhưng ai có sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, về các thuộc tính và mỹ đức của Ngài; và cũng nhận ra những sự sửa dạy của Chúa đối với mình là phải lẽ và cần thiết, để mình được rèn luyện và từ bỏ được những tâm tính xấu, các gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương làm cản trở cuộc chạy, thì sẽ nhẫn nại chịu sự sửa trị và dạy dỗ của Chúa.
Bởi vì sau khi “chịu huấn luyện như vậy sẽ thu hoạch bông trái công chính, bình an.” Hãy kiên nhẫn chịu sự sửa trị công chính của Cha trên trời, chúng ta sẽ chạy đến đích.
ThuHeboro24.docx
Rev. Dr. CTB