Ra Khỏi Ai Cập

Xuất Ai-Cập, bài 12


Xuất Ai-Cập 13:1–22

Những luật lệ về người nào được dự lễ Vượt Qua thì đã không được truyền đạt trước ngày ra khỏi Ai-cập (12:43–49), nhưng Đức Chúa Trời bảo Môi-se thông báo cho dân Israel khi họ bắt đầu ra đi, vì đã có người thuộc các dân tộc khác cùng đi với họ.

Nếu Đức Chúa Trời không truyền đạt những luật lệ ấy, thì những sắc dân cùng chạy theo Israel ra khỏi Ai-cập sẽ đương nhiên trở nên thành viên và được hưởng mọi quyền lợi của quốc gia Israel vừa chính thức thành hình. Sự kết hợp giữa người Israel với các dân ngoại chắc chắn sẽ xảy ra; nên họ sẽ không còn là một dân biệt riêng cho Đức Chúa Trời.

Các luật lệ liên quan đến lễ Vượt Qua được thiết lập vào lúc nầy bởi vì dân Israel chỉ sẽ kỷ niệm lễ đó sau khi họ vào đất hứa (12:25), một thời gian rất lâu về sau.

Những luật lệ ấy xác định rằng chỉ những ai có tham dự vào giao ước giữa Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham qua phép cắt bì, thì mới là người có đủ đặc quyền để ăn lễ Vượt Qua.

Chúa lại phán với Môi-se là ông phải bảo dân Israel: “Hãy cung hiến cho Ta tất cả các con đầu lòng được sinh ra trong dân Israel, cả người lẫn súc vật, vì mọi con đầu lòng đều thuộc về Ta” (13:2).

Từ ngữ cung hiến ở chỗ nầy có nghĩa là biệt ra thánh để phục vụ Đức Chúa Trời. Sở dĩ họ phải dâng cho Chúa tất cả các con đầu lòng vì tất cả trưởng nam và các con đầu lòng của súc vật, nhờ huyết hi sinh của chiên con, bôi trên khung cửa, đã được tha mạng trong ngày Chúa hành hại tất cả các con đầu lòng ở xứ Ai-cập.

Không phải chỉ là những con đầu lòng sinh ra ở Ai-cập, mà tất cả các con đầu lòng “được sinh ra trong dân Israel, cả người lẫn súc vật,” kể từ lúc ấy về sau.

Cách thức để nhắc nhở kỷ niệm ngày ra khỏi Ai-cập, theo lời Môi-se truyền bảo (3), có thể được thực hiện bằng vài cách khác nhau:

1) Dùng tháng đã được định làm tháng đầu trong năm;

2) Cử hành các nghi thức của lễ Vượt Qua (4–5);

3) Bảy ngày ăn bánh không men (6–7);

4) Giải thích các câu hỏi của con cái thuộc các thế hệ tương lai sau khi đã vào đất hứa (8,14-15).

Tháng đầu tiên của năm mới theo lịch thời tiết, gọi là Abíp hoặc Nisan là tháng dễ nhớ nhất để kỷ niệm lễ Vượt Qua. Như lời Môi-se nói: “Hôm nay, anh em ra đi nhằm vào tháng Abíp, …, thì cứ đến tháng nầy anh em nhớ cử hành nghi lễ đó” (4, 5).

Chẳng những phải nhớ rõ tháng và nghi lễ, họ còn phải nhớ ăn bánh không men và phải dẹp hết men trên khắp lãnh thổ trong bảy ngày (6–7).

Con cái của người Israel thuộc các thế hệ được sinh ra trong thời họ lang thang ở hoang mạc, cũng như các thế hệ sinh ra sau khi vào đất hứa, là những người chưa từng ăn lễ Vượt Qua, sẽ rất ngạc nhiên trước luật phải ăn bánh không men trong bảy ngày từ giữa tháng Abíp; họ cũng sẽ lấy làm lạ khi con lừa đầu lòng của gia đình phải bị bẻ cổ nếu không tìm được một con chiên hoặc dê chuộc mạng cho con lừa đó.

Việc được giải thoát khỏi kiếp nô lệ hàng mấy thế kỷ từ đời cha ông là một biến cố vĩ đại bởi quyền phép của Đức Chúa Trời; nên kỷ niệm ấy đáng phải được ghi nhớ như “một dấu ấn trên tay, một kỷ niệm giữa hai mắt để cho luật pháp của Đức Giê-hô-va ở trên miệng……, sẽ là một dấu hiệu nơi tay và biểu tượng trên trán giữa hai mắt” (9, 16) của dân Israel.

Việc dân Israel được giải thoát ra khỏi Ai-cập bằng những nghi thức của lễ Vượt Qua, là hình bóng về ơn chuộc tội của Đức Chúa Giêxu ban cho mọi người trần gian từ thời Tân-Ước đến nay và mãi mãi về sau.

Bởi vì như huyết chiên con che chở cho mọi gia đình Israel không bị thiên sứ hủy diệt vào nhà giết chết các con đầu lòng, thì huyết hi sinh của Đức Chúa Giêxu, là Chiên Con lễ Vượt Qua của toàn nhân loại, có đủ uy quyền và hiệu lực cứu vớt mọi người nào tin vào Ngài.

Mệnh lệnh phải xem biến cố và kỷ niệm ấy như dấu ấn trên tay, biểu tượng trên trán giữa hai mắt của người Israel ngày xưa phải được ứng dụng vào đời sống tâm linh của con cái Chúa ngày nay; để không ai lãng quên ơn cứu rỗi và chuộc tội vĩ đại ấy mà mình đã được hưởng.

Sở dĩ có nhiều người sa ngã hoặc có nếp sống tâm linh bạc nhược là vì chưa nhận ra ơn lớn lao ấy; do đó, không đặt nó như dấu ấn trên tay hay giữa hai mắt để nhắc nhở mình đã thuộc về Chúa rồi.

Khi Chiên Con lễ Vượt Qua của Đức Chúa Trời chưa hoàn thành công tác cứu chuộc cho toàn nhân loại, thì đến đúng kỳ ấn định hàng năm, người Israel phải giữ lễ ấy (10).

Như người Israel phải giải thích cho con cái họ hiểu những nghi thức họ phải làm trong lễ Vượt Qua khi xưa, ngày nay, các bậc làm cha mẹ cũng phải dạy dỗ cho con cái mình hiểu rõ về đức tin của mình. Để lòng tin của con cái xuất phát từ động lực đúng, tức là hiểu chính xác điều mình tin, chứ không phải theo tín ngưỡng của tổ tiên cha mẹ, thì chính cha mẹ phải hiểu chính xác niềm tin của họ.

Họ phải hiểu rõ và ghi nhớ công tác vĩ đại của Đức Chúa Trời đã thực hiện bởi sự giáng sinh, chịu chết, chôn, sống lại, và thăng thiên của Đức Chúa Giêxu, như dấu ấn trên tay, như biểu tượng giữa hai mắt. Được như thế thì Đức Thánh Linh mới có thể bày tỏ quyền phép của Đức Chúa Trời qua đời sống họ.

Mệnh lệnh về việc ghi nhớ ngày được giải thoát khỏi cảnh đời nô lệ, như một dấu ấn trên tay và giữa hai mắt là đúng theo nghĩa đen chứ không phải là nghĩa bóng. Nhưng hình thức ấy không phải là cách làm theo lối mù quáng để trở thành nghi thức mê tín. Ý nghĩa của nó là ghi lòng tạc dạ tất cả những gì đã được hướng dẫn phải làm.

Nếu chúng ta không ghi lòng tạc dạ những lời dạy dỗ của Kinh-thánh, thì sẽ không có lời Chúa để tự trau giồi đời sống đức tin, hay khi cần rao truyền Tin Mừng, hoặc lúc hướng dẫn con cái hay người khác. Hãy thay đổi tình trạng xấu nầy.

Khi Đức Giê-hô-va đã đưa anh em vào đất Ca-na-an, như Ngài đã thề với anh em và tổ phụ anh em, và khi Ngài đã ban xứ đó cho anh em rồi, thì hãy dâng cho Đức Giê-hô-va con trưởng nam cùng những con đực đầu lòng của bầy súc vật…Vì chúng nó thuộc về Đức Giê-hô-va (11–12).

Hãy lưu ý rằng sau khi Đức Chúa Trời hoàn thành lời hứa của Ngài, thì những ai đã tiếp nhận lời hứa phải có bổn phận báo đáp. Rất nhiều khi Chúa không thể ban ơn vì Ngài biết trước chúng ta sẽ không giữ lời hứa nguyện.

Trưởng nam sẽ được chuộc bằng chiên hay dê. Các con thú đầu lòng biệt riêng cho Chúa sẽ làm sinh tế trên bàn thờ của đền tạm. Lừa là gia súc, nhưng nó không phải là thú sạch có thể hiến tế, nên các chủ lừa phải thay thế con lừa đầu lòng bằng con chiên hay dê (13). Mọi người làm cha phải giải thích cho con cái họ hiểu ý nghĩa của các tục lệ ấy (14–16).

Đức Chúa Trời hiểu rõ tâm lý của loài người. Con đường ngắn nhất dẫn đến sự trưởng thành tâm linh luôn luôn vấp phải những khó khăn quá lớn mà các tân tín hữu sẽ không vượt nổi. Israel sẽ quay lại kiếp nô lệ khi họ thấy chiến trận và khiếp đảm, vì họ chưa từng phải chiến tranh trong hơn bốn thế kỷ (17).

Mặc dù nhiều lúc chúng ta cảm thấy đời sống tâm linh mình như đang đi qua hoang mạc, nhưng ta cần phải hiểu đó là thời gian rèn luyện, và giống như Israel, Chúa vẫn trang bị cho chúng ta khí giới để chiến đấu (18). Nhiệm vụ của mỗi tín hữu là phải học hỏi và tập luyện vận dụng các vũ khí thuộc linh để biết sử dụng chúng một cách thuần thục và giỏi.

Giô-sép, người có thần linh của Chúa, tin chắc Đức Chúa Trời sẽ thăm viếng Israel. Ông đã nói tiên tri về việc đó và buộc dân Israel phải thề sẽ đem hài cốt của ông theo họ ra khỏi Ai-cập. Môi-se, vị lãnh tụ được Chúa chọn, đã chuẩn bị sẵn việc đó (19).

Ngày nay chúng ta vẫn thường thiếu chuẩn bị cho những gì mình đã biết trước. Lúng túng và vội vã là tính chất của tâm tánh người hay chần chờ, thiếu chuẩn bị.

Trong lãnh vực tâm linh cũng vậy; không người nào có thể thắng trận trong chiến tranh nếu không tập luyện lúc còn bình an.

Nếu Đức Chúa Trời không dẫn đường và bảo vệ, thì đoàn đông hai triệu người sẽ chẳng biết đi lối nào cho an toàn. Etham là nơi có nhiều nguồn nước (20).

Chúa dẫn Israel đi một phần ngày và một phần đêm. Bởi vì buổi trưa và chiều trong hoang mạc lúc nắng nóng thì đàn bà và trẻ con không thể di chuyển như đàn ông. Trụ mây ban ngày, cũng là trụ lửa ban đêm để dẫn đường cho dân Israel là như thế.

Có lẽ mỗi ngày Chúa dắt họ khởi hành lúc trời còn tối và dừng lại khi đứng bóng buổi trưa để tất cả được nghỉ ngơi và ăn uống. Đó là lý do mà “họ đi được cả ngày lẫn đêm. Trụ mây ban ngày, trụ lửa ban đêm chẳng bao giờ cách xa dân chúng” (21–22).

Ngày nay chúng ta là con cái Chúa đều có Đức Thánh Linh ngự trong lòng để dẫn dắt cả ngày lẫn đêm. Ta có nhận biết để vâng lời Ngài không?

XuatAiCap12.docx

Rev. Dr. CTB