Vấn Đề Dâng Hiến

Lê-vi-ký, bài 20

Lê-vi-ký 27:1–34

Muốn được kể là sự khấn nguyện chính thức không thể thay đổi thì phải công khai thốt ra lời nói rõ ràng. Theo luật pháp thì sự khấn nguyện trong tâm trí chưa được xem là chính thức.

Người ta chia các sự hứa nguyện thành hai loại: Loại thứ nhất là các lời nguyện tích cực; ví dụ hứa dâng chính mình, người trong gia đình dưới quyền người lập lời nguyện, hay nguyện hiến một phần tài sản nào đó. Loại thứ nhì là lời nguyện tiêu cực; ví dụ như hứa sẽ kiêng cữ không thoả mãn sự vui chơi hay điều gì mình ưa thích trong một thời gian nào đó.

Sự khấn nguyện đặc biệt nói ở phần nầy là sự hứa dâng chính mình; cho nên, phải dùng tiền có giá trị tương đương để thay thế (1–2). Nam giới từ 20 tới 60 tuổi thì nộp 50 shekels bạc theo cân lượng nơi thánh, tương đương 600 gr. bây giờ; nữ giới là 30 shekels, vì sức lực làm việc của nữ giới yếu hơn nam giới (3–4).

Con trai từ 5 tới 20 tuổi thì phải nộp 20 shekels và con gái là 10 shekels. Con trai từ 1 tháng tới 5 tuổi thì nộp 5 shekels, con gái là 3 shekels (5–6). Người nam trên 60 tuổi trở lên thì đóng 15 shekels, nữ là 10 shekels (7). Mỗi shekel nặng tương đương 12 gram bây giờ.

Vào thời ấy người ta dùng giá trị của bạc làm tiền tệ chung để trao đổi, mua bán. Thời đó tiền đúc bằng quý kim chưa thịnh hành, nên người ta cân bạc vụn để tính giá trị; vì thế, việc mua bán giữa các dân tộc ở nhiều vùng khác nhau không bị giới hạn về tiền tệ.

Những người lập khấn nguyện mà quá nghèo không có nổi số tiền quy định thì phải đến trước thầy tế lễ, để tuỳ theo khả năng của người khấn nguyện đó mà thầy tế lễ sẽ định giá (8). Theo luật về sau thì người ấy phải nộp ít nhất một shekel. Sở dĩ có luật cho thiếu niên và trẻ con, vì có thể là cha mẹ muốn hứa nguyện dâng con mình.

Nếu một người hứa dùng con thú làm tế lễ dâng lên Đức Giê-hô-va, thì con thú được dâng lên Đức Giê-hô-va sẽ trở thành vật thánh” (9).

Khi hứa dâng chính mình hay một người trong gia đình, thì có thể chuộc lại bằng giá trị của số lượng bạc. Nhưng khi đã đem một con thú đến dâng lên cho Chúa để hoàn thành lời hứa nguyện, thì không thể dùng tiền bạc chuộc lại được nữa.

Con thú đó đã trở thành vật thánh. Nó sẽ không thể trở về chuồng cũ mà được nhốt trong chuồng của Đền-thờ. Các thầy tế lễ sẽ bán các con thú ấy cho những người Israel nào cần mua để dâng các tế lễ như tạ ơn, bình an, chuộc tội, chuộc lỗi, vv.

Nghĩa là khi một con thú được đem đến dâng theo lời hứa nguyện nào đó, thì con thú ấy sẽ thuộc về Đền-thờ do các thầy tế lễ coi sóc. Tiền bán các con thú sẽ được dùng để mua các món cần thiết cho việc phục vụ ở Đền thờ.

Nếu người dâng muốn đổi con thú tốt đã dâng bằng một con xấu, hay con xấu bằng một con tốt thì không làm được; vì cả hai con đều trở thành vật thánh (10).

Cũng có thể dâng một con thú ô uế không thể dùng làm tế lễ, thì thầy tế lễ sẽ định giá cho người nào muốn mua con thú ấy, như lừa, ngựa, lạc đà, vv. Nếu người dâng muốn chuộc lại thì phải trả giá đã định, cộng thêm 1/5 giá ấy nữa (11–13).

Có những người muốn dâng hiến ngôi nhà mình làm vật thánh cho Chúa, thì thầy tế lễ sẽ định giá để bán khi có người muốn mua. Số tiền bán nhà sẽ dùng trả chi phí sửa chữa các chỗ hư hại của Đền-thờ. Hoặc các thầy tế lễ cần dùng để ở. Người đã dâng muốn chuộc nhà mình lại thì phải trả tiền theo giá đã định cộng thêm một phần năm giá trị (14–15).

Trị giá của miếng đất muốn dâng thì được tính bằng lượng hột giống cần để gieo trên đất đó. Cứ 50 shekels bạc cho một ô-me (homer) lúa mạch giống (16). Không người nào được dâng tất cả đất của mình, chỉ được dâng một phần mà thôi.

50 shekels bạc được kể như trị giá bốn mươi chín năm lượng gặt hái của một ô-me lúa mạch giống. Người dâng vẫn có thể trả thêm một phần năm giá đã định để chuộc lại; nếu không thì đất ấy được bán cho người khác để họ gieo trồng.

Nếu mảnh đất dâng vào năm hân hỉ thì người mua sẽ trả nguyên giá; nếu sau năm hân hỉ thì tính số năm còn lại trước năm hân hỉ kỳ tới rồi lấy giá bán trừ đi số năm đã qua khỏi năm hân hỉ. Nhưng tới năm hân hỉ thì miếng đất sẽ ra khỏi tay chủ mua và trở thành đất thánh do thầy tế lễ sở hữu (17–21).

Mảnh đất nói ở trên mà người Israel nào muốn dâng là đất của gia đình mà người ấy thừa kế, thì được khuyến khích chuộc lại.

Bởi vì vùng đất xứ Canaan mà Đức Chúa Trời hứa ban cho dân Israel thì không rộng, và họ cũng không thể làm cho lớn ra thêm, ngoại trừ họ xâm chiếm các lân bang để mở rộng bờ cõi của họ; cho nên, nếu một gia đình mất một mảnh đất thì con cháu họ mất một sản nghiệp mà không thể nào thay thế để sản xuất lương thực nuôi sống gia đình. Cũng vì lý do đó mà không người Israel nào được phép dâng hết đất của gia đình cho Chúa.

Việc dâng hiến đất rồi chuộc lại là một cách dâng hiến tiền bạc rời rộng cho công việc trùng tu, chăm sóc, và sửa chữa nhà của Đức Chúa Trời mà thôi.

Người ta có thể mua một cánh đồng của một người Israel khác rồi dâng nó cho Đức Giê-hô-va (22), “thì thầy tế lễ sẽ định giá cánh đồng cho đến năm hân hỉ, rồi ngay trong ngày đó, người ấy phải trả theo giá đã định; đó là vật thánh dâng lên Đức Giê-hô-va” (23).

Tuy vậy, theo luật đã định thì đến năm hân hỉ, cánh đồng hay miếng đất đó sẽ trở về nguyên chủ đã bán cho người đem dâng (24).

Như vậy, những người vì hoàn cảnh nào đó phải bán một phần đất để lấy tiền trang trải cho nhu cầu cấp bách của họ, thì đến năm hân hỉ, nếu người bán còn sống, sẽ được trả lại đất xưa kia mình đã bán, hoặc con cháu họ nhận lại đất của tổ phụ mình.

Luật về không được bán dứt đất đai (Lê-vi-ký 25:23) đã áp dụng rất rõ ràng trong các luật về dâng hiến nầy. Đơn vị shekel được căn cứ trên shekel chuẩn của Nơi Thánh, và mỗi shekel có hai chục ghê-ra [ghê-ra = 0.6 gram] (25).

Con đầu lòng của đàn súc vật đã thuộc về Đức Giê-hô-va rồi (Xuất Ai-cập 13:2); cho nên, dâng hiến các con thú không còn là của mình thì không được phép, chỉ có thể dâng các con thú khác (26).

Vì con vật không thanh sạch không thể bán cho người ta dâng làm tế lễ (11), nên chỉ có thể bán cho người khác mua về sử dụng; hoặc sau khi đã dâng hiến, người ấy muốn chuộc nó lại để dùng thì trả tiền theo giá đã định cộng một phần năm trị giá (27).

Có một hình thức dâng hiến bởi quyết tâm của người dâng thì gọi là ‘biệt hiến’ (28); nghĩa là người dâng hiến phải làm chủ món mình dâng, và món dâng biệt hiến đó đã trở nên rất thánh cho Đức Chúa Trời rồi nên không thể chuộc lại; thầy tế lễ cũng không thể bán món đó cho ai hết.

Về chữ ‘người’ trong câu nầy thì không có nghĩa là Chúa cho phép dùng người làm sinh tế. Cho nên ‘người’ ở trong phần nầy được biệt hiến cho Chúa, hoặc là những nô lệ sẽ phục vụ các thầy tế lễ, hoặc là dâng con cái vào Đền-thờ để vĩnh viễn phục vụ Đức Chúa Trời (1Samuel 1:26–28).

Về trường hợp các dân tộc nghịch thù với Israel mà đã có lời thề phải tuyệt diệt, thì khi họ bị bắt làm tù binh, họ sẽ phải bị giết chết [1Samuel 15:20, 32–33] (29).

Luật nộp một phần mười cho quỹ Đền thờ được nói chỗ nầy rõ ràng nhất: “Tất cả một phần mười thổ sản, từ ngũ cốc ngoài đồng đến hoa quả của cây cối đều thuộc về Đức Giê-hô-va, đó là vật thánh dâng lên Đức Giê-hô-va” (30). Có nghĩa là không thể thề nguyện dâng lên Chúa những gì mình không sở hữu.

Việc nộp một phần mười đã có từ thời Áp-ra-ham và Gia-cốp (Sáng-thế 14:20; 28: 22). Vì thế, hãy rất cẩn thận về việc nộp một phần mười. Vui vẻ nộp thì khác với nộp bởi bị ép buộc. Tín hữu có được phước hay không là do sự vâng lời của họ trong việc nầy mà thôi.

Luật cho phép người cần chuộc lại vật gì trong một phần mười thì trả thêm một phần năm của một phần mười đó (31).

Về một phần mười của đàn bò hay chiên, tức là con thứ mười đi qua dưới cây gậy của người chăn, đều là vật thánh dâng lên Đức Giê-hô-va;” dù là con xấu hay con tốt cũng thuộc về Ngài (32–33).

Luật khuyên không nên đổi con thú tốt lấy con xấu hay ngược lại, vì ai tìm cách đổi thì hai con đều trở thành vật thánh và không thể chuộc lại được nữa. Dù vậy, luật dành sự uyển chuyển cho người dâng hiến; vì có thể người ấy cần món gì đó trong một phần mười thuộc về Đức Giê-hô-va, nên chỉ cần dùng tiền chuộc lại, cộng thêm một phần năm trị giá của món ấy.

Các mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va của bộ luật pháp được Ngài truyền cho Môi-se tại núi Si-na-i sẽ theo chân dân Israel suốt quãng đường đi lòng vòng trong hoang mạc, vào đất hứa và thành bộ luật chính thức của Do-thái-giáo.

Leviky20.docx
Rev. Dr. CTB