Những Điều Cần Biết, bài 13
1Samuel 17:31–37
Chuyện tích cậu thiếu niên David đánh thắng và giết chết chiến binh khổng lồ Goliat là một câu chuyện rất nổi tiếng và được hầu hết người đọc ưa thích. Chuyện tích ấy đã trở thành khuôn mẫu về lòng can đảm và phương cách cho phía nhỏ yếu có thể đánh thắng phía to lớn hùng mạnh hơn.
Mỗi khi chuyện tích nầy được dùng làm ví dụ, thì người ta chú trọng vào lòng can đảm, sự khôn khéo và lòng tin vào Đức Chúa Trời của David. Rất ít người nghiên cứu hay quan sát các nguyên nhân dẫn tới kết quả lòng tự tin của David vào khả năng mình sẽ đánh bại kẻ thù khổng lồ, mạnh hơn ông bội phần. Chúng ta hãy xem lại lời David trấn an ông vua đang run sợ bối rối:
“Khi đầy tớ bệ hạ chăn chiên cho cha mình, nếu có sư tử hay là gấu đến tha một con chiên trong bầy, thì con đuổi theo, đánh nó, giật chiên ra khỏi miệng nó; nếu nó chống cự, con nắm râu nó, đánh và giết nó đi” (1Samuel 17:34–35).
Lời đáp của David cho thấy ông có lòng can đảm đương cự với bất cứ kẻ thù hung hãn nào; nhưng ngoài lòng can đảm, ông còn có sự tự tin nhờ đã từng chiến đấu và đánh bại nhiều thú dữ. Nghĩa là trong những ngày tháng đi chăn bầy chiên của cha mình, David đã phải luyện tập chiến đấu với thú dữ vẫn thường đến cướp chiên trong bầy.
Mặc dù David vẫn luôn tin cậy vào sự bảo vệ của Đức Chúa Trời, ông vẫn phải ra tay thực hiện việc đánh nhau với sư tử và gấu; ông không ngồi thụ động chờ Chúa làm phép lạ cứu mấy con chiên mà ông có trách nhiệm chăn giữ.
Những gì người ta thường làm mỗi ngày là yếu tố quyết định thiên mệnh của họ trong tương lai. Trong chỗ riêng tư, David chẳng cần phải phô diễn cho ai thấy sức mạnh, sự can đảm và khôn ngoan của ông. Khi cần phải đánh đuổi thú dữ để bảo vệ chiên thì ông chẳng chút trù trừ.
Vì vậy, lúc thấy tên lực sĩ khổng lồ Philistine láo xược nhục mạ Israel, David hăng hái đòi ra tay trừng trị hắn.
Những việc chúng ta làm hàng ngày, các hành động, những điều cư xử, thái độ đối với Chúa, và thói quen sống đạo của mỗi người đều là những yếu tố tạo thành nền tảng cho thiên mệnh của từng người. Vì thế, việc dành thì giờ yên lặng ở riêng với Chúa để bày tỏ nỗi lòng mình với Ngài và dần dần học cách lắng nghe lời Chúa phán là yếu tố cực kỳ quan trọng để làm cho thiên mệnh của chúng ta thành hình theo hướng tốt nhất.
Như Đức Chúa Jesus đã dạy: “Nhưng trước hết hãy tìm kiếm Vương-quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa” (Mathiơ 6:33). Hầu hết tín hữu đều đã từng nghe giảng, biết và đồng ý với lời dạy nầy, nhưng có người không quan tâm tìm kiếm Vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, mà đeo đuổi vinh hoa trần tục.
Mỗi ngày, hãy dành riêng thì giờ xem Kinh-thánh để nghe lời Chúa dạy, chính là nỗ lực tìm kiếm Vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài.
Biết cách làm đã là một sự khởi đầu xuất sắc, nhưng có thực sự bắt tay vào việc mới là điều đáng kể. Nhiều người cứ lần lữa khất đi khất lại mà hết năm nầy qua năm khác vẫn chưa bắt đầu đọc Kinh-thánh cách thường xuyên và có hệ thống.
Cư xử như thế rất khó thiết lập một nền tảng vững chắc cho thiên mệnh của họ, hi vọng về một tương lai tươi sáng ở thiên đàng thật quá mong manh; bởi vì chưa chịu tạo nền tảng để thiên mệnh mình được xây dựng trên đó.
Sách dưỡng linh bằng tiếng Việt để suy gẫm lời Chúa mỗi ngày tuy chưa đầy đủ nhưng vẫn có thể tìm được; trong khi đó tài liệu giải nghĩa Kinh-thánh và các bài giảng đều được cung cấp đầy đủ cho mọi tín hữu tại Hội-thánh Khởi Đầu Mới. Vậy thì ai gặp các sự khó khăn để hiểu Lời Chúa không do thiếu phương tiện, mà do chưa đủ quyết tâm thực hiện những điều được giảng dạy.
Phần lớn lý do khiến người ta không đọc Kinh-thánh thường xuyên mỗi ngày là do thấy đọc Kinh-thánh thì buồn ngủ và chán ngán vì khó hiểu và thiếu hấp dẫn. Tất cả con cái Chúa cần phải biết Kinh-thánh có nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ, nghĩa thiêng liêng, và nghĩa tâm linh nữa. Vì thế, người nào đọc Kinh-thánh như kiểu đọc truyện, thì không thể hiểu ý nghĩa thật của Kinh-thánh.
Mặc dù Kinh-thánh do người viết ra, nhưng Đức Thánh Linh là Đấng cảm thúc các tác giả; cho nên, chúng ta chỉ có thể hiểu ý nghĩa thật và áp dụng các bài học thu nhận được cho chính mình khi được Đức Thánh Linh giải nghĩa cho hiểu. Do đó, sự thành tâm cầu nguyện xin Đức Thánh Linh soi sáng tâm linh và trí não mình trước khi đọc Kinh-thánh là điều phải làm mỗi lần đọc Lời Chúa. Sự thành tâm muốn hiểu Lời Chúa là điều kiện phải có để được soi sáng.
Trong đời chăn chiên của cậu thiếu niên David ở những đồng cỏ vắng lặng quanh Bethlehem, quê hương của David, cậu đã dành rất nhiều thời gian để suy gẫm về Đức Chúa Trời; do đó, David đã sáng tác rất nhiều bài thơ bất hủ bởi sự cảm thúc của Đức Thánh Linh. Các giây phút tuyệt vời ấy là lúc David chăm chú vào Chúa trên trời, không bị ngoại cảnh hay tiếng động chi phối khiến ông phân tâm.
Sở dĩ ngày nay nhiều người chưa có khả năng nghe tiếng Chúa phán với họ, bởi vì họ lắng nghe qua thính giác thể chất. Trong khi đó Đức Thánh Linh luôn luôn phán cho con cái Ngài bằng tiếng nói nhỏ nhẹ từ trong lòng để hướng dẫn họ qua các ý tưởng đặc biệt. Các ý tưởng đó rất rõ ràng, nhưng nếu không để ý thì cơ hội sẽ qua đi; hơn nữa, nếu không ghi lại các lời dạy dỗ thì trí nhớ sẽ không lưu giữ nổi lượng thông tin đập vào trí óc chúng ta mỗi ngày.
Sự ghi chép còn có thêm lợi ích khác nữa là giúp chúng ta theo dõi được những điều đã nghe và ghi lại, cũng như những điều mình khẩn cầu xin Chúa đáp lời để biết các điều đó có được trả lời hoặc có diễn ra hay không.
Như đã trình bày, những việc chúng ta làm mỗi ngày là yếu tố giúp hoàn thành thiên mệnh tương lai của chúng ta. Đừng bao giờ nghe lời đồn đại nhảm nhí về định mệnh đã an bài cho mỗi người. Nếu vậy, thì đức công chính công bằng của Đức Chúa Trời cùng với ý chí tự do Chúa ban cho con người đâu còn giá trị gì.
Hãy hết sức thực hiện bổn phận của chúng ta, thì Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho người nào đã lập nền tảng vững chắc cho đời mình bằng các việc mình làm hàng ngày trong sự yêu mến và kính sợ Ngài. Ghi lại những gì đã đạt được sẽ giúp chúng ta thấy phấn khởi hơn trong việc xem và học Kinh-thánh.
Đọc Kinh-thánh là cách tập luyện nghe tiếng Chúa phán; còn cầu nguyện là trình bày các nỗi niềm trong lòng để củng cố mối tương giao thân mật với Ngài. Hai việc nầy phải đi đôi với nhau không thể thiếu sót.
Đừng cầu nguyện theo kiểu trình cho Chúa một bản liệt kê các đòi hỏi Ngài phải hoàn thành. Vì kiểu cầu nguyện đó không phải là cách nói chuyện của hai phía có mối liên hệ thân mật.
Và do rất thân mật nên không ngại ngùng khi phải trình dâng những nhu cầu chung hoặc riêng, vì biết rằng Cha trên trời luôn yêu thương và ban cho các nhu cầu chính đáng của con cái Ngài.
Một phương diện nữa để xây dựng và bảo vệ nền tảng cho thiên mệnh mình là nghe các bài thánh nhạc gây dựng tâm linh. Bởi vì những tín đồ nào mê nghe nhạc đời thì tâm linh không bao giờ mạnh mẽ nổi. Các lời ca uỷ mị chỉ có tác dụng ru ngủ làm cho tâm trí và tâm linh hướng về tình yêu trần tục, không còn tâm trí nào nghĩ đến Vương quốc của Đức Chúa Trời.
Vì vậy, thói quen nghe loại nhạc nào sẽ xác định con đường mình muốn chọn. Các loại phim ảnh mình thường xem cũng nằm trong phương diện nầy. Hãy luôn nhớ rằng mọi điều gì chúng ta thường làm trong đời sống sẽ làm thành hình thiên mệnh của chúng ta. Quen nghe nhạc với xem các loại phim ảnh không bổ ích cho đời sống tâm linh, thì không thể tạo một tương lai tươi sáng, vì chính mình làm cho số phận của mình sa bại và không thể có một tâm linh mạnh mẽ.
Sống hoà thuận, kết bạn và thân thiết với người quanh mình để làm gương cho họ qua cách sống đạo thanh sạch là những sự cố gắng vô cùng ích lợi cho chính mình và cho Nước Chúa. Điều nầy không có nghĩa là phải sống khắc khổ hay tu hành kiểu xuất thế.
Chúng ta có quyền vui hưởng tất cả hạnh phúc Chúa ban cho ta, hãy sống vui vẻ hưởng thụ các phước lành trong niềm kính sợ Ngài.
Nếu không ai muốn huỷ phá tương lai của mình, thì cũng chẳng muốn làm cho nó bị trục trặc. Vì thế, hãy luôn nhớ rằng mọi việc chúng ta thực hiện, những hành vi cư xử, các thói quen thường làm, và các ý tưởng thường suy gẫm là yếu tố quyết định tương lai của mỗi người.
NhungDieuCanBiet13
Rev. Dr. CTB