Cuộc Cải Cách Ngoạn Mục

Những Điều Cần Biết, bài 18

Êphêsô 2:4–10

Ngày 31 tháng 10, năm 1517, tức là cách nay đúng 500 năm, một tu sĩ Công giáo La-mã người Đức, giáo sư tiến sĩ thần học tên là Martin Luther, ghim lên trước cửa thánh đường của trường đại học Wittenberg một bản 95 Luận-đề đòi thảo luận và cải tổ các truyền thống, quan điểm thần học, cách hành đạo, giáo lý, và những điều sai lạc của giới tăng lữ giáo hội La-mã không đúng so với sự dạy dỗ của Kinh-thánh; trong đó ông kịch liệt chỉ trích đợt bán ‘bùa xá tội’ mới do giáo hoàng Leo X đề xướng kiếm tiền xây đại giáo đường ‘Thánh Pedro’ ở Vatican.

Ông gửi một bản cho Tổng-giám-mục Albert Albrecht ở Mainz yêu cầu ngưng việc bán bùa xá tội. Nhờ máy in đã được sáng chế vào năm 1455 có thể in các ấn phẩm nhanh chóng, chỉ trong vòng hai tuần, bản 95 luận đề lan ra khắp nước Đức, và nó cũng lan ra khắp Âu-châu trong vòng hai tháng.

Nhờ các bản in Kinh thánh Tân-ước dịch sang tiếng Đức và các thứ tiếng khác được phổ biến, người ta không còn bị lệ thuộc vào các bản Kinh-thánh La-tinh hiếm hoi và khó hiểu; vì thế phong trào cải cách giáo hội từ đó bùng lên và lan tràn từ Đức sang các nước Đông-Âu, Bắc-Âu và Tây Âu. Ngoại trừ giáo hội các nước Ba-Lan, Ý, Pháp, Tây-Ban-Nha, Bồ-Đào-Nha và Ái-nhĩ-lan vẫn trung thành với giáo hội Công-giáo Vatican, còn giáo dân các nước ở Âu-châu đều gia nhập phong trào cải cách, mà tiếng Việt gọi là đạo Tin Lành.

Phong trào cải cách đưa tới các lý tưởng nhân quyền, thể chế chính trị dân chủ và các quyền tự do căn bản trong xã hội. Hơn một thế kỷ sau, từ nỗi khát khao được tự do thể hiện niềm tin và hành đạo, nhóm người mộ đạo ở Anh quốc liều chết vượt Đại-Tây-Dương đến Mỹ châu trên con tàu May Flower, làm hột giống để quốc gia dân chủ Hoa-Kỳ được thành lập vào năm 1776 với chủ trương tự do tín ngưỡng.

Linh hồn hay cốt lõi của 95 luận đề do Martin Luther khởi xướng là năm đề tài nền tảng của giáo lý phong trào cải cách, chúng chỉ là sự trở lại với sự dạy dỗ minh bạch của Kinh-thánh, điều đó tạo ra một sự thay đổi vô cùng sâu đậm khi các giáo đồ đem giáo huấn của Kinh thánh so sánh với các giáo điều của giáo hội do loài người tổ chức.

Vì văn tự La-tinh được dùng rất thịnh hành trong giáo hội La-mã trước thời đó cho tới thế kỷ 20, nên năm đề tài của phong trào cải cách vẫn được gọi là năm ‘solas,’ nghĩa là ‘chỉ có’ (only, alone); gồm có: Chỉ có Kinh-thánh, chỉ có Đấng Christ, chỉ bởi đức tin, chỉ nhờ ân điển, và chỉ vì vinh quang của Đức Chúa Trời (Sola Scriptura, Solus Christus, Sola Fide, Sola Gratia, Soli Deo Gloria).

Năm solas nói trên là năm đề tài hoàn toàn xung khắc giữa niềm tin thần học và sự hành đạo của giáo hội Công-giáo La-mã với các hệ phái Tin Lành thuần tuý.

Martin Luther đưa ra đề nghị cải cách vì ông không có ý định ly khai hay phá nát giáo hội thời bấy giờ. Nhưng vì tinh thần của 95 luận đề ấy chạm sâu vào những sai sót và đi lạc khỏi các chân lý Kinh-thánh, nên phản ứng từ các giới cầm quyền giáo hội đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho những người đồng ý đòi hỏi sự cải cách nhất quyết ly khai khỏi tổ chức tôn giáo đầy quyền lực nhưng thối nát và đầy dẫy những chủ trương với niềm tin sai lạc.

Bởi giáo hội lúc ấy đòi giáo sư Martin Luther phải rút lại 95 luận đề, ông thách thức họ hãy dùng Kinh-thánh chỉ cho ông thấy 95 luận đề ấy sai lạc như thế nào đối với Kinh-thánh, thì ông sẽ sẵn sàng rút lại. Giáo hội viện lý rằng họ không xem Kinh -thánh là thẩm quyền cao nhất và tối hậu, mà còn có truyền thống và uy quyền giáo hoàng.

Do đó, sau nhiều lần gây áp lực buộc Martin Luther phải từ bỏ lập trường mà không đạt kết quả, giáo hội La-mã dứt phép thông công Martin Luther, đặt ông ra ngoài vòng pháp luật ngày 8 tháng 5, 1521. Nhưng tiểu vương Frederick the Wise đem giấu Martin Luther ở lâu đài Wartburg mười một tháng, để ông tránh thoát cuộc truy nã và có thì giờ dịch Kinh-thánh Tân-ước từ tiếng La-tinh sang Đức ngữ.

Sau khi bản Tân-ước tiếng Đức được phổ biến, người ta bắt đầu đọc Kinh thánh và hiểu biết rằng họ có thể dùng đức tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời do Đức Chúa Jesus đã thực hiện chứ không cần phải thông qua giới tăng lữ của giáo hội. Cuộc cải cách giáo lý và niềm tin thần học vô cùng quan trọng của Cơ-đốc-giáo đã diễn ra như thế.

Tuy rằng ngày nay hai phía đã xích lại gần nhau hơn, nhưng quan điểm về 5 solas vẫn còn rất khác biệt giữa hai phái Công-giáo truyền thống với Tin Lành thuần tuý Phúc-âm. Thế thì, sự khác nhau ấy ra sao?

Chỉ có Kinh-thánh (Sola Scriptura). Phái Cải Cách quả quyết rằng Kinh-thánh là thẩm quyền tối hậu, đầy đủ và rõ ràng về các vấn đề thần học, giáo lý, niềm tin và cách thực hiện cuộc sống đạo của giáo dân và Hội-thánh; điều nầy không có nghĩa Kinh-thánh là nơi duy nhất mà người ta tìm ra chân lý; ví dụ như, cõi tạo vật có thể bày tỏ cho người ta biết có một Đấng Tạo Hoá. Nhưng có nghĩa là tất cả ý tưởng mà tín hữu học biết về Đức Chúa Trời, thế giới của Ngài và mọi uy quyền khác, phải được hiểu và giải nghĩa dưới ánh sáng của Kinh-thánh.

Có nghĩa Kinh-thánh là nguồn của tất cả ý kiến thần học mà chúng ta cần. Toàn thể Kinh-thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính (2Timôthê 3:16); chỉ Kinh-thánh mới bày tỏ được Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế cách rõ ràng và chính xác; chỉ cần đọc Kinh-thánh người ta có thể khám phá căn bản về ơn cứu rỗi.

Khác với quan điểm của phái Cải Cách tin rằng Kinh-thánh là thẩm quyền tối hậu, đầy đủ và rõ ràng, giáo hội La-mã quan niệm rằng thẩm quyền trên niềm tin, cách sống đạo và hành đạo của mọi giáo dân phải dựa trên ba điều: Kinh-thánh, truyền thống giáo hội và các phẩm trật chức sắc được giáo hội tấn phong, gồm có giáo hoàng, các vị tổng giám mục và giám mục.

Giáo hội Công giáo không xem Kinh-thánh là thẩm quyền tối hậu để giải quyết các ý kiến bất đồng về thần học, giáo lý hay các nghi lễ thờ phượng. Họ cho rằng chỉ có hàng giáo phẩm mới có quyền giải nghĩa Kinh-thánh; giáo dân không được hiểu theo ý riêng.

Chủ trương ấy dẫn tới chuyện cấm giáo dân không được đọc Kinh-thánh, vì sẽ hiểu sai, tin sai rồi đi lạc. Nghĩa là chỉ có hàng giáo phẩm mới được mặc khải để hiểu Kinh-thánh mà thôi. Mặc dù Công-đồng Vatican 2 ở thập niên 1960 thay đổi chủ trương, không cấm giáo dân đọc Kinh-thánh nữa, nhưng giữ nguyên quyền giải nghĩa.

Giáo hội La-mã cũng chủ trương rằng truyền thống của giáo hội cũng có uy quyền ngang với Kinh-thánh. Và hễ việc gì, vấn đề nào giữa Kinh-thánh với truyền thống bị xung khắc trái ngược nhau, thì giữ lấy truyền thống. Ví dụ, Kinh-thánh cấm thờ hình tượng, mà truyền thống trưng bày và lễ kiệu hình tượng Đức Mẹ đã có từ lâu, thì truyền thống thắng hơn.

Giáo hội La-mã cũng chủ trương giáo hoàng được ơn thiên triệu, tức là nhận sự mặc khải mới về giáo lý mới mà toàn giáo hội phải tin và tuân theo. Ví dụ như vào tháng 12, 1854, giáo hoàng Pius IX đưa ra mặc khải mới về bà Mary, mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus, là người không bị nhiễm nguyên tội di truyền từ tổ tiên!

Dựa trên sắc lệnh của giáo hoàng, giáo hội La-mã hợp pháp hoá việc kính thờ Đức Mẹ, lệnh ấy trở thành giáo lý chính thức của giáo hội; mặc dù trái ngược với Kinh thánh (Rôma 3:10, 23).

Sola kế tiếp là ‘chỉ Đấng Christ’ (solus Christus), tức là chỉ do Christ mà chúng ta được cứu; Ngài là Đấng Trung Bảo duy nhất giữa ta với Đức Chúa Trời. Chỉ Đấng Christ mới chết thay cho cả nhân loại. Ngoài Christ ra, không có gì để thêm vào sự cứu rỗi, cũng chẳng điều gì giúp chúng ta được đứng trước mặt Đức Chúa Trời chí thánh. Chỉ Đấng Christ thực hiện mọi điều cho ta mà thôi (Galati 2:20).

Theo giáo hội La-mã thì ngoài Đấng Christ ra, để được cứu rỗi thì giáo dân phải nhận đủ 7 phép bí tích: Rửa tội, thêm sức, mình Thánh Chúa, giải tội, xức dầu thánh, truyền chức thánh, và phép hôn phối.

Nghĩa là đức tin nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus thì chưa đủ mà phải nhận đủ các nghi lễ bí tích, tức là phép thánh (sacraments), là những điều Kinh-thánh không đòi hỏi trong ơn cứu rỗi, nhưng là các nghi lễ theo truyền thống của giáo hội đòi hỏi.

Bài học kỳ tới sẽ giải thích ba solas còn lại trong năm solas nền tảng của giáo lý cải cách mà Kinh-thánh và Đức Thánh Linh dạy dỗ.

NhungDieuCanBiet18.docx
Rev. Dr. CTB